2016-06-04 03:28:22

Các nhà kinh doanh ở lứa tuổi vị thành niên

Vẫn còn là trẻ con, mà họ đã là các nhà kinh doanh. Trẻ vị thành niên lập ra hãng cạnh tranh trên thị trường tốt như kinh doanh của các bậc cha mẹ. Họ làm vì say mê chứ không phải vì tiền – „Tôi không muốn là triệu phú trẻ nhất mà chỉ muốn là nhà sáng tạo giỏi nhất” – một trong những người trong số trẻ em đó, Mateusz Mach, đã nói như vậy.

1. Cậu bé 14 tuổi Taylor Rosenthal và máy bán thuốc tự động

Những ngày gần đây các phương tiện truyền thông đại chúng trên toàn thế giới, trong đó có bộ phận về kinh tế của các hãng nổi tiếng như CNBC, Bloomberg và CNN Money, đã viết rất nhiều về cậu bé 14 tuổi tên là Taylor Rosenthalu ở Opelika thuộc bang Alabama của Mỹ. Cậu bé từ chối đề nghị trả 30 triệu đô la để mua lại hãng kinh doanh của mình.

Cậu bé nảy ra ý định có thể làm thay đổi cả ngành công nghiệp dược. Năm 2015 cậu đã lập ra hãng RecMed sản xuất các máy tự động giống các máy tự động trên đường phố, nhưng thay vì bán nước uống và bánh kẹo, thì có thể mua ở đây các thứ dùng trong cấp cứu như trong các tủ thuốc nhỏ (bông, băng, găng tay cao su.. và các thuốc bán không cần đơn).

Taylor nghĩ ra việc kinh doanh khi ở trường. Trong một giờ giảng, giáo viên bắt học sinh nghĩ ra một „ý kiến riêng của mình về kinh doanh”. Trong cuộc phỏng vấn của đài CNN, cậu bé 14 tuổi thích chơi bóng bầu dục nói:” Tôi đã nhận thấy là hầu như lúc nào cũng vậy, nếu trong trận đấu có một ai đó bị thương thì bố mẹ không thể tìm được quanh đó một tý bông hay miếng băng dán bình thường nào cả. Vì vậy tôi quyết định giải quyết vấn đề này”. Lúc đầu, cậu bé định tự mình bán các hộp đồ cấp cứu nhỏ trong các trận đấu. Sau vài lần thử, cậu rút ra kết luận là cách làm này về lâu dài không đi đến đâu cả, vì khi đó mình phải trả tiền cho nhân viên ít nhất là sáu giờ làm, như thế thì các hộp cấp cứu giá sẽ rất cao. Lúc đó, cậu nảy ra ý định làm các máy tự động. Trong vòng vài tháng với sự giúp đỡ của cha mẹ, cậu làm ra một chiếc máy đầu tiên và nộp đơn xin công nhận bằng sáng chế. Cậu mang kế hoạch kinh doanh này tham gia một kỳ thi của bang. Trong kỳ thi đó một nhà đầu tư phát hiện ra cậu và chi 100 nghìn đô la để phát triển hãng.

Từ các máy tự động của RecMed, ta có thể mua cả hộp cấp cứu cũng như các sản phẩm đơn lẻ với giá dao động từ 6 đến 20 đô la. Mỗi máy bán ra, hãng được lãi 5500 đô la và giá thành để thêm các sản phẩm thiếu vào máy. Ngoài ra, còn có tiền lời từ các quảng cáo dán trên máy tự động. Ngay từ lúc khởi nghiệp, hãng đã nhận được một đơn đặt hàng lớn của hãng khổng lồ Six Flags – một trong các mạng công viên giải trí lớn nhất thế giới, 100 máy tự động cho lượt đầu.

Trong thời gian gần đây Taylor nhận được đề nghị mua lại hãng của mình từ một „hãng dược lớn của Mỹ”. Cậu bé không thể nêu tên hãng này vì lý do tế nhị là mình đã từ chối đề nghị của họ. Trong cuộc nói chuyện với truyền thông, cha của cậu bé nói:”Taylor từ chối vì muốn tự mình điều hành hãng. Cháu muốn được trực tiếp xem nó hoạt động ra sao”. Còn cô giáo Clarina Jones bổ sung khi được CNN phỏng vấn:” Thật tuyệt khi thấy Taylor trưởng thành thế nào trong một năm qua. Cậu bé trở thành một nhà kinh doanh hết sức tự tin. Mặc dù thành công của mình, cậu vẫn rất khiêm tốn. Cậu mới có 14 tuổi”. „Thế thì ông Bill Gates chắc phải lo”, cô kết luận.

2. Một ứng dụng mà Liên hiệp quốc nhận ra

Câu chuyện về Mateusz Mach, người sáng tạo ra FiveApp.

Giấc mơ kinh doanh Mỹ do các trẻ vị thành niên thực hiện cũng đã thành hiện thực ở Ba Lan. Một ví dụ là chàng trai 18 tuổi Mateusz Mach. Anh được coi là người khởi nghiệp trẻ nhất ở Ba Lan. Anh là người đã nói: „Tôi không muốn là triệu phú trẻ nhất mà chỉ muốn là nhà sáng tạo giỏi nhất”. Anh bắt đầu công việc kinh doanh từ khi mới 13 tuổi khi lập và sau đó bán đi một diễn đàn trên Internet. Nhưng thế giới đã biết đến anh mới từ năm ngoái.

Ở tuổi 17 Mateusz viết ra chương trình máy tính ứng dụng Five App mà thoạt đầu để dành cho những người yêu nhạc hip hop. Với ứng dụng này, những người dùng có thể gửi cho nhau các cảm xúc theo hình dáng bàn tay. Khi ứng dụng này nằm trong các cửa hàng trên Internet thì một vị nữ đại diện của Liên hiệp quốc quan tâm đến nó. Bà ta gợi ý cho tác giả là chương trình ứng dụng này do các vị trí đa dạng của cử chỉ bàn tay nên có thể giúp cho những người câm trên toàn thế giới. Mateusz đi đến kết luận là đem ứng dụng của mình đến với khoảng 70 triệu người dùng bị câm trên thế giới sẽ có nghĩa hơn và lại giúp được những người thực sự cần. Vì vậy sau các thay đổi nhỏ, cậu cho ra đời một phiên bản mới của Five App.

Ứng dụng nhanh chóng được dùng lan rộng. Nhóm European Venture Investment Group đã đầu tư cho ý tưởng độc đáo này của cậu bé Ba Lan 400000 zł, đúng bằng số tiền các nhà đầu tư dành cho máy tự động bán thuốc của cậu bé Mỹ Taylor. Hiện Mateusz là giám đốc hãng Five App, có trị giá ước tính là hai triệu zloty. Cũng giống như đồng nghiệp bên kia đại dương, anh không có ý định bán nó. Anh đã nói khi được trang mạng Forbes.pl phỏng vấn: ”Tôi đã bỏ quá nhiều thời gian để có thể làm cái mình đang làm. Tôi đã bỏ hầu hết thời gian rỗi rãi, trường học để phát triển Five App. Sự say mê là yếu tố chính cho thành công”.

Mateusz không ngừng đầu tư vào hãng. „Tôi không mua bất cứ một cái bàn làm việc nào, một cái điện thoại hay vật gì có ảnh hưởng đến ngân sách hãng. Mọi thứ chúng tôi đều đầu tư vào sản phẩm, vào sự phát triển và vào nhóm nhân viên”, anh nhấn mạnh. Hiện Five App đang thuê 10 nhân viên, các chuyên gia dùng tay thể hiện ngôn ngữ của người câm, các chuyên gia đồ họa, lập trình và cả các cố vấn người câm điếc. Riêng Mateusz không lấy lương khi làm việc. Anh cũng không nghỉ ngơi trên vinh quang mà có nhiều kế hoạch lớn. „Tôi muốn tích hợp Five App với các đối tác lớn ví dụ như Facebook. Tôi tin là giải pháp của chúng tôi sẽ được họ để ý đến. Vấn đề là bao giờ và liệu chúng tôi có thể giúp gì trong đó được”.

Thành công mới nhất của anh chàng 18 tuổi, vừa tốt nghiệp PTTH năm nay là anh được học bổng 1,2 triệu zł của Đại học Nĩu Ước. Ngoài Mỹ, anh sẽ còn đi học ở Thượng Hải và cả ở chi nhánh của hãng ở Abu Dabi. „Tôi tính là môi trường các nhà đầu tư ở nơi đó cho phép mở rộng ra phương Đông và tôi hy vọng có thể tìm thấy một nhà đầu tư từ Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cho ứng dụng Five App”.

3. Kinh doanh những chiếc nơ

Moziah Bridges với chiếc nơ đeo cổ


Anh chàng 18 tuổi Mateusz kể trên có lẽ là „thuộc tuổi về hưu” rồi so với các „nhà kinh doanh trẻ con”. Ít nhất là so với cậu bé người Mỹ tên là Moziah Bridges. Năm năm trước, khi mới lên 9, cậu bé đã là giám đốc hãng Mo's Bows – một hãng sản xuất các chiếc nơ đeo cổ độc đáo.

Lý do thành lập hãng rất ngẫu nhiên. Moziah thấy thị trường không có bán mấy. Cậu đi tìm và không tìm thấy cái nơ mình thích nên ngồi vào máy khâu và máy cho mình một chiếc. Sau đó cậu làm cho cả những người quen. Khi có ngày càng nhiều đơn đặt hàng, cậu mạnh bạo tổ chức hãng.

- Tôi sợ là mình còn bé quá để kinh doanh, nhưng mẹ tôi đã thuyết phục tôi. Mẹ bảo: con không nên đợi khi muốn thực hiện ước mơ của mình, con nên làm ngay bây giờ – cậu bé kể lại khi được Fox News phỏng vấn.

Nhà kinh doanh trẻ bắt đầu từ đó được mời tham dự các chương trình truyền hình, là khách mời của nhiều người trong đó có Oprah Winfrey. Hiện nhiều ngôi sao biểu diễn hay dùng những chiếc nơ mang tên cậu. Moziah năm ngoái được tạp chí „Time” bình bầu là một trong các trẻ vị thành niên gây ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tổng thống Barack Obama cũng đã mời cậu đến Nhà Trắng để tiếp riêng.

Hãng của Moziaha hiện chưa có thu nhập hàng triệu đô la. Lãi hàng năm hiện nay mới chỉ khoảng 200 nghìn đô la, nhưng với cậu bé ở tuổi 14 thì thu nhập đó cũng khá là lớn rồi.

4. Cathrine Cook, người sáng lập serwisu MyYearbook

Về hưu ở tuổi 21.

Chắc chắn là Catherine Cook, người lập ra MyYearbook ở tuổi 16, có thu nhập nhiều nhất trong vòng năm năm gần đây. Năm 2005, cô gái học sinh phổ thông trung học ở New Jersey đã quyết định lập ra cuốn sổ lưu niệm với ảnh của học sinh trong lớp ở dạng điện tử. Nó khá giống trang mạng Nasza Klasa (xuất hiện ở Ba Lan một năm sau đó).

Trang mạng được nhiều người quen và những người dùng Internet trong cả nước Mỹ quan tâm. Lúc đó lại còn thuận lơi vì Facebook khi ấy mới còn chập chững, nên trang lan truyền nhanh. Thêm nữa là việc lúc ấy nó có thể nói chuyện trao đổi trực tiếp và có các trò chơi đơn giản, một thứ chưa thành chuẩn phổ biến cho các trang mạng xã hội vào thời điểm đó.

- Tuần đầu đã có đến 400 người đăng ký. Tôi đã biết ngay là mình sẽ thành công khi một người bạn thân của tôi bảo tôi rằng đây là một trong các công cụ tốt nhất để lần chần bỏ một việc phải làm – cô vừa cười vừa kể khi được trang Inc. phỏng vấn.

Trong năm tiếp theo trang mạng đã có nửa triệu người đăng ký tham gia, và sau năm năm từ lúc bắt đầu đã có 20 triệu người dùng với số lượt truy cập hàng tháng ở mức một tỷ lần.

Tiềm lực của MyYearbook được một trang mạng xã hội Mỹ la tinh Quepasa phát hiện. Họ đề nghị cho Catherine một mức giá không thể từ chối. Cô gái hiểu là mình không đủ sức đơn thương độc mã để thắng Mark Zuckerberk (chủ nhân Facebook). Cô gái đã bán trang mạng của mình với giá 100 triệu đô la, trong đó có 18 triệu đô la nhận ngay tiền mặt, 82 triệu còn lại là cổ phiếu của Quepasa. Cô hay nói đùa là ở tuổi 21 mình đã có thể yên tâm nghỉ hưu rồi.

Bài của Natalia Szewczak

NHV dịch từ Onet.pl

Sửa lần cuối 2016-06-04 08:01:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook