Trí tuệ nhân tạo. Cứ ngỡ chuyện ở đâu xa lắm. Vậy mà sáng nay, bên sông Hàn, tôi ngồi trò chuyện với Sơn, người bạn học cũ thuở nào – nay là một nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang cùng các “cao thủ” thế giới làm cái công việc tưởng như thay cho quyền năng của Thượng đế ấy …
Nguyễn Hùng Sơn - ngồi giữa - cùng Ðội tuyển Toán của Việt Nam đi thi Toán quốc tế năm 1986.
Câu chuyện của chúng tôi không hiểu sao lại bắt đầu từ loài kiến. Khi tôi nhắc lại cái câu mà bộ óc khổng lồ của nhân loại Stephen Hawking từng thốt lên. Rằng “Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất”. Vậy Sơn và những nhà khoa học chuyên nhân tạo trí tuệ con người nghĩ gì? Tương lai xa của nó liệu có đến vậy không, hay trí tuệ gốc của con người vẫn chiến thắng? Liệu có cần đặt một barie nào đó để tạo "điểm dừng an toàn" của trí tuệ nhân tạo không ?”
Sơn đáp một cách hết sức…triết học: “Mình cho rằng con người hiểu (hoặc không hiểu) về trí tuệ con người cũng giống như loài kiến không thể tự nghiên cứu về chúng vậy”. “Nhưng chúng ta đâu biết loài kiến ấy có tự “nghiên cứu” về mình không? Biết đâu chúng cũng đang tự nghiên cứu về bản thân nhưng khác với cách của con người? Bởi mọi sự tồn tại đều có nguyên do của nó mà con người có thể chưa biết hết được. Như với loài kiến chẳng hạn?”. “Có nhiều nghiên cứu về "nhận thức" của các loài. Hiện trí tuệ nhân tạo chưa thể tiếp cận vấn đề này. Các hệ thống thông minh hiện chỉ dừng ở mức phản ứng với các yếu tố bên ngoài thôi”.
“Vậy chính Sơn và các đồng nghiệp bằng nghiên cứu đặc thù của mình sẽ góp phần tăng cường nhận thức của con người để khám phá điều này? Có điểm nào gần gũi nhất giữa việc nhân tạo trí tuệ với nghiên cứu các loài khác không?”. “Có chứ. Ví dụ các thuật toán tìm kiếm trong mạng gần giống với hoạt động của loài kiến đấy. Bọn mình gọi là trí tuệ bầy đàn (swarm intelligence). Sử dụng cách truyền tin của loài côn trùng để xây dựng các thuật toán cho một nhóm các chương trình đơn giản cùng thực hiện một công việc phức tạp nào đó”.
Chợt nhận ra rằng, trí tuệ nhân tạo hiện đang là ngành “hot” bậc nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên báo chí đưa tin, mới tháng 9/2016 vừa rồi, 5 ông lớn là Facebook, Amazon, Google, IBM và Microsoft đã công bố kế hoạch hợp tác để phát triển trí tuệ nhân tạo. Và trí tuệ nhân tạo trước mắt đang “cướp” dần công việc của những thủ thư trên toàn cầu với cỗ máy tìm kiếm Google, “cướp” dần nghề mưu sinh của các bác tài với những đội xe Uber tự lái…
Bạn tôi, GS.TSKH Nguyễn Hùng Sơn – người đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Warszawa (Ba Lan), với chuyên môn về trí tuệ nhân tạo. Đồng thời là Phó Tổng biên tập phụ trách điều hành của Tạp chí Khoa học Fundamenta Informaticae (Cơ sở của tin học) – một tạp chí quốc tế (trong danh sách ISI) có tòa soạn tại Ba Lan, và là biên tập viên, người phản biện của một số tạp chí chuyên ngành quốc tế khác.
* * *
Rồi chúng tôi lại lan man trò chuyện, nghĩ ngợi về thời gian. Về cái ngày xưa xa lắc của 30 năm trước ấy, nơi thành phố Đà Nẵng nhỏ và nghèo nàn.
Trong lứa học chuyên Quảng Nam–Đà Nẵng 1983-1986 thời ấy, không hiểu làm sao tôi lại cứ hay nhớ và ấn tượng nhiều về Sơn. Dù Sơn học Toán, tôi học Văn, chỉ có vài môn học chung. Nhớ gương mặt thông minh có nét khá đặc biệt, luôn tươi cười với chiếc răng “hạt bắp” nghịch ngợm ngay khóe miệng.
Nhưng hoang nghịch thì thôi rồi. Có những lần chuồn học mấy đứa kéo nhau đi tắm biển Thanh Bình, rồi lướt thướt đạp xe về nhà Sơn gần đấy trèo lên cây ổi nhà…hàng xóm. Sau này đọc bài Sơn viết, kể về hành trình đến với Toán nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham dự IMO, mới biết thêm không ít chuyện “tày trời”. Từ hồi học lớp 7. Ngoài đôi lần oánh nhau, thì có lần như Sơn kể: “Một lần khác trong giờ ra chơi tôi khoác vai 2 ông bạn “đầu gấu” tiến đến sau lưng cô giáo dạy Vật lý và đã “đá vào mông cô giáo” với một suy nghĩ đơn giản là cô sẽ không chứng minh được là tôi chứ không phải 2 bạn kia là thủ phạm. Có lẽ cô chủ nhiệm nể ba tôi là trưởng ban phụ huynh của trường và cũng không hỏi han các bác hàng xóm về các tội danh khác của tôi lúc ở nhà (như trèo mái nhà, ăn trộm hoa quả hoặc bắt chước đại úy Đi-a-nốp trong phim “Trên từng cây số” tập nhảy tàu ở Ga Đà Nẵng trong lúc tàu chạy) nên mới không cho tôi hạnh kiểm kém”.
Nhưng vì dính hạnh kiểm trung bình, nên cậu chàng không đủ tiêu chuẩn vào lớp chuyên Toán năm ấy, dù làm tốt bài thi. Trầy trật cho đến năm lớp 9, Nguyễn Hùng Sơn mới vào được chuyên Toán. Trong khi các “cao thủ” trong lớp thi nhau gặt hái các giải thưởng của tỉnh và toàn quốc, thì mãi đến năm lớp 11 Hùng Sơn mới có giải Ba Toán của tỉnh, nhưng trượt vào đội tuyển thi quốc gia. Cũng năm ấy (1985), bạn cùng lớp là Lâm Tùng Giang đã thẳng tiến một lèo, giành luôn Huy chương Bạc Toán quốc tế tại Phần Lan. Sơn kể, lúc này mới thực sự thấy “cay mũi”, lao vào Toán “như điên”. Để rồi ngay năm sau (1986) Nguyễn Hùng Sơn cũng giành Huy chương Bạc cuộc thi Toán quốc tế tại Ba Lan. Được du học tại chính quê hương của Chopin, do quá đắm đuối với Toán nên ở lại theo đuổi sự nghiệp luôn đến giờ. Đến lấy vợ cũng…Toán – một cô nàng xinh xắn cựu học sinh chuyên Toán khối A0, ĐHTH Hà Nội, cùng du học tại Ba Lan, hiện làm việc tại Viện Công nghệ thông tin Ba Lan-Nhật Bản.
Từ phải qua Nguyễn Hùng Sơn - giải Nhì Toán quốc tế IMO 1986, Lâm Tùng Giang - giải Nhì IMO 1985, Trần Nam Dũng-giải Nhì IMO năm 1983, Võ Thu Tùng - giải Ba IMO 1984.
Nhân đà nói về lớp chuyên và Toán, thấy ngành giáo dục Ba Lan quả có “mắt xanh”, khi sau này mời nhà khoa học Nguyễn Hùng Sơn vào Ủy ban Olimpic Toán của Ba Lan và là thành viên của ban đề thi. Có điều, tại Ba Lan, các kỳ thi Olimpic Toán quốc tế (IMO) hàng năm dù luôn là ngày hội của học sinh yêu Toán, nhưng người ta cũng không quá “trầm trọng vấn đề” như mình. Sơn kể, nếu như đội tuyển IMO của Việt Nam (gồm 6 người) thường được tập huấn trước khi đi thi khoảng 2 tháng thì ở Ba Lan, chỉ tổ chức trường hè khoảng 1 tuần cho khoảng 30 em có kết quả khá nhất trong kỳ thi Olimpic Toán trong nước. Bởi thế, mới có chuyện năm 2007, khi Sơn xin ông Trưởng khoa cho nghỉ phép để về nước tham gia tổ chức cuộc thi IMO lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai, ông Trưởng khoa bèn thủng thẳng, rằng “tôi sẽ cho cậu đi vì tôi hiểu cậu rất mê IMO, nhưng cậu nên xin về Việt Nam với lý do khác, ví dụ như làm Seminar ở trường nào đó, còn chuyện IMO thì chỉ tôi với cậu biết thôi” !.
Nên cách đây 2 năm, một học sinh Ba Lan học lớp 11 của trường chuyên tại Warszawa được vào đội tuyển quốc gia và đạt Huy chương Đồng tại IMO, nhưng em này bị trượt 3 môn. Trường vẫn bắt em phải ở lại lớp và phải chuyển trường, như một hình thức đuổi học. Quyết định này sẽ rất “lạ”, nếu ở Việt Nam.
* * *
Đợt đầu tháng 12/2016 này, cùng với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ các nước, GS. Nguyễn Hùng Sơn được mời về Đà Nẵng tham gia 3 ngày Hội thảo quốc tế do ĐH Duy Tân tổ chức. Thấy toàn mở ra những nhan đề của con người, như “Quản lý sự thiếu chính xác và hỗ trợ ra quyết định”, các ứng dụng học máy: Quá khứ, hiện tại và tương lai, khả năng và thách thức của các hệ thống tự quản… Bàn về sự “không chắc chắn” của con người, quả là lý thú. Đời này chắc chắn đến đâu? Những cú ra quyết định của con người dưới sự “lãnh đạo” của máy móc sẽ ra sao ?
Những cuộc hội thảo chuyên sâu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế này tại Việt Nam rất hiếm, trong một ngành ở ta hầu như còn hoàn toàn mới mẻ. Nên Sơn tỏ ra rất hào hứng mỗi khi về Việt Nam truyền đạt, mở mang về lĩnh vực này.
Nghiên cứu của GS. Hùng Sơn tập trung tìm tòi, xây dựng các phương pháp và thuật toán để phân tích và xử lý dữ liệu trong học máy và khai phá dữ liệu. Đồng thời ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong trí tuệ nhân tạo vào các vấn đề hiện đại phục vụ cuộc sống. Anh đã tham gia hàng loạt những đề tài ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới, như Phát hiện các giao dịch giả mạo (Fraud Detection) với một trong các ngân hàng lớn nhất của Mỹ (2001-2002); Hệ thống camera thông minh trong dự án nghiên cứu máy bay không người lái của quỹ Wallenberg (Thụy Điển 2005-2007); Các đề tài nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ quá trình phát hiện bệnh cũng như lựa chọn các phương pháp điều trị trong y học; Ứng dụng các phương pháp khai phá dự liệu trong việc khảo sát thị trường và quản lý khách hàng… Gần đây, anh tham gia với tư cách vừa quản lý vừa nghiên cứu 4 dự án lớn của Ba Lan liên quan đến hệ thống tìm kiếm ngữ nghĩa (semantic search), hệ thống trợ giúp quyết định cho phòng cháy chữa cháy, hệ thống giám sát an toàn trong các hầm mỏ, và hệ thống giao thông thông minh trên các đường cao tốc. Với hệ thống tìm kiếm ngữ nghĩa, nhóm của SG. Hùng Sơn hiện đang phụ trách kho dữ liệu tài sản văn hóa và khoa học của Ba Lan…
GS. Sơn khẳng định, tất cả các ứng dụng trên đều có thể mở rộng, thay đổi để áp dụng vào Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của cuộc sống. Tại Việt Nam, hiện anh đang được đề nghị tham gia đề tài “Bệnh án điện tử” cùng với nhóm của GS. Hồ Tú Bảo và các bạn ở Viện John von Neumann (ĐHQG-TPHCM). Các anh cũng đang xin tài trợ của quỹ FIRST (Quỹ Khuyến khích nhà khoa học giỏi nước ngoài bao gồm NVNONN về Việt Nam và hợp tác với nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nhân ở Việt Nam). Nếu được thông qua, cơ hội đưa những kết quả nghiên cứu mới nhất về phục vụ trong nước là rất lớn…
* * *
Câu chuyện lại trở về với trí tuệ của loài kiến và loài người. Con người từ lâu nhận ra rằng sự linh hoạt, bền bỉ, và nhất là khả năng phân công lao động của côn trùng, cụ thể như loài kiến có nhiều điều khiến họ phải học. Để ứng dụng vào các ngành kinh doanh vận hành hàng hóa, sắp xếp giao thông, xây dựng mạng lưới viễn thông, tối ưu hóa hoạt động sản xuất trong nhà máy... Giúp đơn giản hóa đến bất ngờ những hành vi tập thể tưởng chừng rối rắm phức tạp. Không rườm ra, phức tạp như con người.
Nhiều lần chat trên Phây (Facebook) với nhau, hai chúng tôi đều loanh quanh với chuyện này. Cũng nói luôn, “thất lạc” nhau liền 30 năm, gần đây nhờ “ông” Phây tôi và Sơn mới tìm lại được nhau! Trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu được ứng dụng trên Facebook, như trợ lý ảo, chat bot…, tạo ra những tính năng thông minh đến rợn người.
GS Nguyễn Hùng Sơn bên gia đình.
Tôi hỏi về gia đình và những đứa con của Sơn, với bố mẹ “siêu Toán” như thế, liệu chúng có bị buộc “ăn ngủ” với Toán không ? Sơn cười: Tụi mình có 2 con gái, các cháu tên là Lan 17 tuổi và Vi 9 tuổi, lấy từ tên hai nước Ba Lan - Việt Nam. Các cháu đều học khá giỏi và có chút ít năng khiếu về các môn tự nhiên. Tuy vậy mình vẫn khuyến khích các con học các môn xã hội và ngoại ngữ, và chơi các môn thể thao, phát triển năng khiếu nghệ thuật. Cô gái lớn tập tennis, trèo núi và học vẽ, còn cô em thì học bơi và tập ballet. Thứ Bảy hàng tuần bé Vi còn đi học tiếng Việt tại trường tiếng Việt Lạc Long Quân do cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tổ chức.
Cuộc sống của tụi mình ở Ba Lan trong những năm đầu rất khó khăn. Có những thời điểm học bổng chỉ tương đương với 2$/1 tháng. Rất nhiều bạn lưu học sinh đã phải bỏ học để đi làm thêm. Mình cũng phải làm thêm rất nhiều việc để kiếm sống, nhưng luôn nhớ lời ba mình dạy: “Con luôn phải biết phân biệt cái gì là công cụ, cái gì là mục đích cuộc sống”. Cũng nhờ đó mình vẫn trụ được và theo đuổi con đường khoa học của mình. Nỗi buồn cuộc sống xa nhà của tụi mình được bù đắp bởi những người bạn. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan con số chính thức hiện có khoảng 30.000-40.000 người, khá mạnh và đoàn kết. Cộng đồng đóng góp xây dựng được hai ngôi chùa. Trong cộng đồng có rất nhiều hội đoàn: Hội người VN tại Ba Lan, hội đồng hương các tỉnh, hội phụ nữ, Câu lạc bộ nhảy, CLB Lê Quý Đôn (khoa học), CLB bóng bàn, tennis, golf, … Các ngày lễ, Tết các hội đều tổ chức để bà con đến tham dự. Nói chung ở Ba Lan tụi mình vẫn có một xã hội Việt Nam thu nhỏ...
Tôi biết, một trong những lý thuyết Sơn phát triển thành công, gọi là “Lý thuyết tập thô” nhằm mô phỏng suy nghĩ của con người khi đứng trước những dữ liệu mang tính xấp xỉ, không chắc chắn. Đây thuộc dạng nghiên cứu tiên phong trên thế giới. Thế giới này trở nên kỳ lạ và hấp dẫn, bởi những điều bất ngờ sẽ đến, chưa thể đoán chắc. Đó có thể là suy nghĩ của những nghệ sỹ, còn nhà khoa học thì sẽ luôn biết cách gọi tên sự việc cả khi nó chưa xảy ra.
…Chúng tôi nhìn ra sông Hàn. Tôi nhớ Sơn kể, bên bờ sông này, không nhớ hết bao nhiêu buổi tối, người cha từng là cựu học sinh trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi) lừng danh thời chống Pháp đạp xe cùng con trai ra đây ngồi bày con cách giải Toán trong bóng tối. Để luyện khả năng tư duy trừu tượng.
Trí tuệ vô biên của con người, nhiều khi nhìn lại, thấy cứ như là siêu thực…
GS.TSKH Nguyễn Hùng Sơn hiện nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Tin học (Khoa Toán-Tin-Cơ, ĐHTH Warszawa, Ba Lan). Chuyên môn của ông là “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence), đi sâu vào nghiên cứu và giảng dạy, hướng dẫn NCS các chuyên ngành hẹp: Học máy (Machine Learning), Khai phá dữ liệu (Data Mining), Hệ hỗ trợ quyết định (Decision support Systems). Trong nghiên cứu khoa học, ông được bạn bè quốc tế biết là một chuyên gia trong lý thuyết tập thô (Rough set theory), thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực khai phá dữ liệu mà đặc biệt là khai phá các dự liệu văn bản (văn bản, báo chí, internet … ); là tác giả của hàng trăm bài báo, công trình riêng và chung với các nhà khoa học đến từ Ba Lan, Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… Ông thường xuyên cộng tác với các nhà khoa học trên thế giới để tổ chức các hội nghị quốc tế. GS. Nguyễn Hùng Sơn đã 3 lần được giải thưởng “Bài báo hay nhất” (Best Paper Award” tại các hội nghị quốc tế...
Nguồn: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/chuyen-voi-nguoi-nhan-tao-tri-tue-1110305.tpo
Bình luận