Ngày lễ các Thánh được tổ chức trong Giáo hội Công giáo từ thế kỷ thứ 9. Nó được Giáo hoàng Gregory IV Ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 837.
Lễ Các Thánh bắt nguồn chủ yếu từ việc tôn kính các vị tử vì đạo đã hiến mạng sống cho Chúa Kitô. Vào ngày này, Giáo hội không chỉ tưởng nhớ các vị thánh được chính thức công nhận, nghĩa là các vị được phong chân phước và phong thánh, mà còn là tất cả những người trung thành đã qua đời được đánh dấu bằng sự thánh thiện. Giáo hội coi họ như những người trung thành với Thiên Chúa của mình và là những tấm gương để noi theo. Vào ngày 1 tháng 11, Kinh Cầu Các Thánh (Litania) được hát, là một trong những kinh cầu nguyện lâu đời nhất của Nhà thờ.
Vào ngày 1 tháng 11, mọi người đến các nghĩa trang để thắp nến và cầu nguyện cho những người thân và bạn bè đã khuất của họ. Đây cũng là một ngày lễ được tổ chức bởi một số giáo phái khác, cũng như một phong tục được thực hiện bởi những người không theo giáo phái nào và những người không theo đạo, nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, lòng thành kính và tôn trọng những người đã khuất. Đi thăm mộ là một phong tục được hầu hết các dân tộc biết đến và được truyền từ đời này sang đời khác. Những người theo đạo Thiên Chúa đã tiếp nhận truyền thống này và tạo cho nó một âm hưởng tôn giáo.
Trong thời kỳ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, ngày lễ này cũng là một ngày nghỉ làm việc và nó được gọi là Ngày của những người chết.
Ở Ba Lan, vào đầu thế kỷ 20, những người ăn xin, thường được gọi là những cụ ông cầu thực – những người thường ngồi trước lối vào của các nhà thờ và nghĩa trang được đặc biệt kính trọng. Trong dịp này, các bà nội trợ nướng những chiếc bánh mì nhỏ đặc biệt, được gọi là powałki hoặc heretyczki để phát cho họ. Những chiếc bánh này được nướng sớm hơn một hoặc hai ngày, vì người ta quan niệm rằng vào ngày 1 tháng 11, khi linh hồn của các bậc tổ tiên đã về nhà của họ, lửa bị cấm đốt. Lò sưởi được cho là nơi yêu thích của các hồn ma. Người ta tin rằng nếu ai đó làm bánh vào ngày hôm đó, ngôi nhà sẽ có nguy cơ bị cháy.
Theo truyền thống, số bánh mì được nướng trong ngày này tương ứng với số người đã chết trong gia đình. Những người ăn xin được coi là có thể liên hệ với thế giới bên kia nên người ta đưa bánh mì cho họ và yêu cầu họ cầu nguyện cho linh hồn người chết. Ở một số vùng của Ba Lan, những người ăn xin còn được cho ăn cơm lúa mạch, thịt và pho mát. Bánh cũng được dâng lên linh mục để cầu nguyện cho linh hồn của những người đã khuất mà không ai còn nhớ đến.
Tối 1/11, những người trong gia đình tập trung tại nhà để làm lễ cầu siêu cho người chết. Trên bàn được phủ bằng một tấm vải trắng, các bà nội trợ để bánh mì để những “vị khách” đến thăm nhà không bị đói. Phong tục "cho người chết ăn" đã xuất phát từ truyền thống tiền Thiên chúa giáo, khi bánh mì, mật ong và cháo được đặt trên các ngôi mộ. Thông thường, các buổi lễ "tổ tiên" được tổ chức tại các nghĩa trang hoặc trong một nhà nguyện gần đó. Linh hồn người chết được gọi lên, mời vào bàn ăn và mọi người hát hò, tin rằng điều đó sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho các linh hồn.
Một điểm nổi bật khác của ngày lễ là việc đốt lửa. Ban đầu, họ đốt ở ngã ba đường, thể hiện sự hướng về những linh hồn lang thang có thể sưởi ấm cho mình bên bếp lửa. Vào đầu thế kỷ 16 và 17, lửa bắt đầu được đốt trên các ngôi mộ. Hiện nay, nến được thắp trên các phần mộ và nghĩa trang, là biểu tượng tưởng nhớ những người đã khuất. Người ta cũng đặt trên mộ những „quà tặng”, đó là chiếc thẻ viết tên của người đã chết, yêu cầu tất cả các nhà thờ cầu nguyện cho họ.
Ngày hôm sau (2 tháng 11) là ngày Tưởng niệm Người chết (Ngày Các Đẳng Linh hồn) được tổ chức. Đối với những người theo đạo thiên chúa, đó là ngày cầu nguyện cho tất cả những người tin vào Chúa Kitô đã qua đời, đã rời khỏi thế giới này nhưng đang ở trong luyện ngục và cần những lời cầu nguyện của chúng ta để được cứu.
Giáo hội Công giáo Rôma và một số nhóm Anh giáo cử hành Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng Linh hồn, dựa trên niềm tin rằng có sự cầu nguyện hiệp thông giữa những người đang sống ở trần thế (Giáo hội Chiến đấu) với những người ở trên thiên đàng (Giáo hội Khải hoàn) và những người đang thanh tẩy trong luyện ngục (Giáo hội Đau khổ). Cùng với Vọng Lễ Các Thánh diễn ra vào hôm trước (31/10), ba ngày này được gọi chung là Tuần Tam nhật Các Thánh.
Xuân Nguyên
(Nguồn: https://dzieje.pl/aktualnosci/1-listopada-dzien-wszystkich-swietych)
Bình luận