Ảnh: Tượng Phật Đản Sinh (nguồn: tranhphat.com.vn)
Phật giáo (PG) không phải là một lý thuyết khô cứng mà là một thực tại sống động, một lý tưởng cao đẹp mà đi đến đâu nó cũng được đón nhận và hòa quyện cùng văn hóa bản địa để rồi được tiếp thu và phát triển như chính bản sắc văn hóa của dân tộc đó, bởi PG mang nhiều đặc tính nhân bản như hòa bình, từ bi, khoan dung, trí tuệ… bình đẳng đối với mọi tầng lớp xã hội mà không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn.
Hơn 2.500 năm ra đời từ Ấn Độ, PG đã lan tỏa ra các quốc gia xung quanh của châu Á và ngày nay đang được tiếp đón một cách nồng nhiệt ở các nước phương Tây, nơi có nền văn minh và khoa học công nghệ phát triển nhất hành tinh.
Mặc dù PG không đến Việt Nam ngay sau khi xuất hiện, nhưng nó đã được truyền bá khá sớm, và có người còn cho là PG đến VN sớm hơn cả đến Trung hoa và Tây Tạng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được đưa vào chính sử gọi là “Kỷ Hồng Bàng” gồm Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương (khoảng 2878 – 256 TCN). Trong số 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người anh cả lên làm vua hiệu là Hùng Vương, đặt tên là nước Văn Lang có kinh đô ở Phong châu (nay thuộc tỉnh Phú thọ). Như vậy, nước Văn Lang ra đời cách nay khoảng 4.000 năm. Nước Văn Lang bao gồm Bắc bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cũng theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử (một trong Tứ Bất Tử), sau khi kết duyên cùng công chúa Tiên Dung – con gái vua Hùng Vương thứ ba, một hôm trên đường đi buôn ghé thuyền lên núi Quỳnh Viên (Của Sót Hà Tĩnh) thì gặp một đạo sỹ trẻ tên là Phật Quang liền theo thầy học đạo. Trước khi Chử Đồng Tử từ giã ra về Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cái gậy và một cái nón thần để phòng thân. Về đến nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ, bèn bỏ việc buôn bán cùng chồng tìm thầy học đạo. Theo một số nhà nghiên cứu PG thì Phật Quang có lẽ là một nhà sư Ấn Độ theo thương thuyền sang nước ta để truyền giáo. Vậy là PG đã theo con đường trầm hương mà đến xử ta rất sớm – trước Tây lịch.
Xét về mặt ngôn ngữ học thì theo tiếng Sanscrit (một ngôn ngữ cổ Ấn Độ) danh từ Buddha có nghĩa là Giác ngộ dùng chỉ những người đã đạt đại giác ngộ như Thích Ca Mâu Ni, được dịch qua tiếng Việt là Bụt, nhưng vì trước đây chúng ta chưa có chữ viết nên các kinh sách phải dùng chữ Hán (tiếng Hán phiên âm Buddha thành Phật Đà và gọi tắt là Phật), nên mới quen dùng là Phật. Danh từ Bụt thường thấy trong các truyện cổ tích như Tấm Cám và cũng được dùng trong hoằng pháp, như Đạo Bụt của thiền sư Thích Nhất Hạnh và một số tài liệu nghiên cứu PG khác.
Mặt khác, chúng ta đều biết để thờ Bụt (Phật) thì phải xây Chùa. Có nhà nghiên cứu cho rằng danh từ Chùa có nguồn gốc từ tiếng Sanscrit. Sau khi Đức Thích Ca viên tịch, người ta hỏa táng và những viên ngọc còn lại trong tro gọi là Xá Lợi Phật được các phật tử lưu giữ trong các ngôi miếu có tên gọi là Stupa. Và tiếng Việt lại một lần nữa chứng tỏ được sức mạnh của mình – người Việt phiên âm Stupa thành Chu-A, về sau biến thành Chùa. Stupa thực chất là một kiểu kiến trúc cổ của PG Ấn Độ có hình tháp từ thế kỷ 4-1 TCN dạng bán cầu, xung quanh có lan can được trang trí bằng những hoạt cảnh về cuộc đời Đức Phật, trên đỉnh có hình chiếc lọng.
Ảnh: Stupa Lớn tại Sanchi- Ấn độ (TK 4 TCN)
Ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia Stupa có hình bán cầu và đỉnh nhọn, còn ở VN Stupa có dạng kiến trúc nhiếu tầng, càng lên cao càng nhỏ dần, trên cùng có mái cong, dùng chứa Xá Lợi Phật hay các di hài Sư trụ trì như chùa Bút Tháp (Thuận Thành Bắc Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thiên Mụ (Huế)…
Ảnh: Chùa Phổ Minh Nam Định
Như vậy ngôn ngữ Việt đã cho thấy chúng ta có khả năng tiếp nhận PG trực tiếp từ Ấn Độ một cách rất đặc trưng thuần Việt bằng cách phiên âm thẳng từ tiếng Sanscrit ra tiếng Việt không khó khăn: Buddha = Bụt, Stupa = Chùa.
Theo sử sách, vùng đất Luy Lâu Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh là cái nôi văn hóa của người Việt đồng thời là trung tâm PG đầu tiên của VN.
"Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu"...
Ảnh: Chùa Dâu- ngôi chùa cổ nhất VN
Chùa Dâu – ngôi chùa cổ xưa nhất VN, nằm trên đất Luy Lâu, cách Hà Nội về phía đông khoảng 20km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 từ thời Sỹ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên còn gọi là chùa Pháp Vân, và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với sự tích Tứ Pháp như sau:
Truyện kể rằng, thuở xưa thuộc đời Hán Linh cuối thế kỷ thứ 2 có nhà sư Ấn Độ tên là Khâu Đà La sang truyền giáo ở vùng Dâu:
“Rừng xanh gọi chốn Mả Mang
Gần miền Thạch Thất, cạnh nàng non tiên
Có thầy ở mãi Tây Thiên
Luyện đạo tu thiền, hiệu Khâu Đà La
Lập am dưới cội cây đa
Trụ trì cảnh ấy, nhật đà tụng kinh”
Nàng Man Nương ở vùng Dâu theo thầy học đạo, một hôm nằm ngủ lại trong chùa. Vì thiền sư Khâu Đà La vô tình bước qua người mà nàng mang thai, sinh ra một đứa con, sau Man Nương đem trả cho nhà sư. Khâu Đà La liền đến gốc cây cổ thụ mà than rằng:
“Rao chủ mộc thụ đâu đâu
Có long yêu, sẽ vì nhau sự này
Nhân duyên Phật tử đến đây
Sẽ phó cho rày, dưỡng dục tiểu nhi”
Cây dung thụ liền mở ra, Thiền sư bỏ đứa trẻ vào gốc cây dung thụ, và đưa cho Man Nương cây thiền trượng có thể làm phép lấy nước cứu dân khi bị hạn hán. Ngày cây dung thụ bật gốc trôi theo sông Dâu về trước cửa thành Luy Lâu, thái thú Sĩ Nhiếp muốn vớt lên nhưng không sao làm được, chỉ có nàng Man Nương dùng dải yếm buộc vào nhẹ nhàng đem lên bờ. Từ thân cây thần kì ấy, người dân tạc bốn pho tượng Nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức là bốn chị em thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp của tín ngưỡng nông nghiệp, và đặt thờ ở bốn ngôi chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn. Giữa cây dung thụ còn một khối đá, gọi là Thạch Quang Phật, được thờ chung ở chùa Dâu. Bà mẹ Man Nương khi mất, được thờ trong chùa Tổ cách đó không xa.
Từ câu chuyện cổ đó, đã tạo nên một hệ thống chùa Tứ Pháp rất đặc biệt của riêng người Việt: chùa thờ Nữ thần nông nghiệp, thờ người Mẹ Việt. Phật và Nữ thần hòa quyện, bà mẹ của các Nữ thần cũng được tôn là Phật Mẫu Man Nương.
Có thể nói đây là cuộc hôn phối giữa Đạo Phật và tín ngưỡng bản địa. Chính hội chùa Dâu vào ngày 8 tháng 4 Âm lịch, cũng là ngày Phật Đản theo truyền thống cổ. Từ huyền thoại này chúng ta cũng thấy rằng PG từ đất Ấn đã giao thoa và hòa nhập một cách khéo léo với tín ngưỡng của nền văn hóa lúa nước VN. Các vị thần nông nghiệp biến thành các vị Phật và được tôn vinh trong ngôi chùa Viêt và trong các lễ hội như Hội cầu mưa (Hội Dâu), trợ giúp cho nông dân về mặt tâm linh trong cuộc sống ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
GS Lê Mạnh Thát (Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak 2008 LHQ IOC tại VN) cũng khẳng định trong tác phẩm Nghiên cứu về Mâu Tử: “Từ thế kỷ thứ 2, nghĩa là cách đây hơn 1.800 năm, VN đã có một chính quyền độc lập, và đây cũng là chính quyền mang đậm màu sắc PG, lấy PG làm chủ đạo văn hoá-chính trị của thời đại. Sỹ Nhiếp là người lãnh đạo thành công nhất ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc. Ông đã xây dựng Giao Chỉ thành một xứ tự chủ, yên ổn giữa cảnh đại loạn trên toàn đế quốc Trung Hoa và phong thái của ông phảng phất phong thái của những vị quân vương PG của các xứ Đông Nam Á đã được Ấn Độ hoá và Phật hoá.”
Theo GS Lê Mạnh Thát, Sỹ Nhiếp không phải là người TQ mà là người Việt 100% vì tổ tiên của ông từ TQ sang Giao Chỉ lánh nạn từ bảy đời trước (gần 200 năm) khi đất Trung Hoa bị loạn lạc, và Mâu Tử cũng vậy. Cho nên những người này ở lâu được tiếp thu văn hóa Việt, lấy vợ Việt và trở thành người Việt như bao Hoa kiều khác. Sỹ Nhiếp được ca ngợi là một nhà lãnh đạo PG. Dưới thời ông đã được xây dựng các ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện và các lễ hội đã được tổ chức rất hoành tráng.
Dười thời Sỹ Nhiếp dân chúng được quyền tự do đọc nói và viết mà mãi sau này tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson (1743-1826) cũng đã phát biểu một câu tương tự: “Let us dare to read, to speak and to write” (chúng ta hãy dám đọc, dám nói và dám viết). Chính vì vậy mà đã xuất hiện tác phẩm “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử vào cuối thế kỉ thứ 2, kịch liệt phê phán nền móng của văn hoá đại Hán và văn hoá Nho giáo. Ông tuyên bố Trung Hoa không phải là trung tâm của thế giới. Và nhận định rằng Nho giáo như đuốc, Phật giáo như mặt trời khi so sánh Khổng Mạnh với Phật Giáo. Đập vỡ tư tưởng bá quyền coi TQ là nước trung tâm của thế giới, Mâu Tử viết: “Ấn Độ mới thật là nằm giữa trời đất, và có địa vị trung hoà, vì vậy Phật đã ra đời nơi đó.”
Công việc cai trị của Sỹ Nhiếp theo Đạo Phật và sự xuất hiện tác phẩm “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử ở thế kỷ thứ 2 không chỉ là thông điệp muốn tôn vinh PG đến cực điểm ở VN mà còn là một cử chỉ hết sức dũng cảm, phá huỷ tận gốc và toàn diện tư tưởng đế quốc Đại Hán và học thuyết Khổng Mạnh, dám nói lên tiếng nói tự do muốn xóa bỏ một tư tưởng chính thống thời đó của Thiên triều Trung Hoa đang thống trị dưới thời Bắc thuộc. Điều đó đã làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ sau này của PG ở đất nước Đại Việt. PG đã luôn sinh tồn cùng dân tộc trong cuộc sống đời thường cũng như mọi công việc triều chính. Nhiều vị thiền sư luôn có vị trí xứng đáng trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Các thiền sư Pháp Thuận, Ma Ha, Vạn Hạnh, Sùng Phạm… đều làm cố vấn cho nhà vua không chỉ việc đạo mà cả việc đời, việc ngoại giao. Đặc biệt, năm 1299, vua Trần Nhân Tông, sau khi hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông đã nhường ngôi cho con, bỏ hoàng bào khoác áo cà sa lên Yên Tử đi tu và lập ra thiền phái Trúc Lâm. Sự từ giã ngôi báu và quyền lực ở tuổi 37 sau khi thực hiện nhiệm vụ cứu nước, chuyển sang tu hành để có trách nhiệm với đời – độ dân – là một hành vi có một không hai trong lịch sử VN từ trước tới nay của một bậc quân vương lãnh đạo nhà nước.
Kết thúc “Lý hoặc Luận”, Mâu Tử đã thú nhận:
Bỉ nhân lòa mù
Sinh nơi tăm tối
Dám thốt lời ngu
Không lo họa phúc
Nay được nghe dạy
Chợt như tuyết sạch
Xin được đổi tình
Rửa lòng tự nhắc.
và đặc biệt xin:
Nguyện nhận năm giới
Làm Ưu bà tắc.
Người học trò lỗi lạc của Mâu Tử là Khương Tăng Hội. Theo nhà nghiên cứu Thiền sư Lê Mạnh Thát thì: “Khương Tăng Hội sinh ra trong bầu không khí tươi sáng của một nền độc lập mới hồi sinh, lại thừa hưởng được một học phong VN và PG dưới sự dìu dắt tận tình của những vị thầy như Mâu Tử, Khương Tăng Hội đã tiến hành công tác học thuật và truyền giáo của mình với những dấu ấn VN cực kỳ rõ nét. Ông là người đầu tiên đã sử dụng các kinh sách PG tiếng Việt để dịch sang tiếng TQ, mà hiện nay ta còn được hai bộ. Đó là Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh. Chính trong các bộ kinh này, mà một phần nào truyền thống văn hóa điển huấn của dân tộc ta đã được bảo lưu. Một là về mặt ngôn ngữ, hiện nay Lục độ tập kinh, một dịch bản của Khương Tăng Hội, chứa đựng nhiều cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt cổ, Hai là về mặt nội dung và tư tưởng, Khương Tăng Hội đã chứng tỏ một lòng yêu mến tha thiết truyền thống văn hóa Việt. Rồi đến năm 247 ông qua TQ truyền giáo ở Kiến Nghiệp.
Tổ tiên Khương Tăng Hội gốc người Khương Cư (Trung Á), nhưng đã mấy đời đến ở Ấn Độ. Tới thời cha Hội vì buôn bán lại di cư sang nước ta và sinh sống tại Giao Chỉ. Việc người Ấn Độ đến nước ta vào nửa cuối thế kỷ thứ 2 đến đầu thế kỷ thứ 3 SCN là một sự thực. Hội năm hơn 10 tuổi, song thân đều mất, khi chịu tang xong, bèn xuất gia, siêng năng hết mực. Là con người rộng rãi nhã nhặn, có tầm hiểu biết, dốc chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn. Bấy giờ Tôn Quyền xưng đế Giang Tả, mà PG chưa lưu hành. Hội thực hiện sứ mệnh truyền giáo ở TQ.”
Bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasahasrika) do Khương Tăng Hội dịch tại Giao Châu vào đầu thế kỷ 3 được các nhà Phật học đánh giá là bộ kinh từ Ấn Ðộ xuất hiện xưa nhất trong toàn bộ văn hệ Bát Nhã.
Như vậy là từ thế kỷ thứ 2 SCN tại đất Giao Chỉ đã sớm xuất hiện các nhà PG VN đầu tiên với các tác phẩm nổi tiếng không chỉ ở VN mà còn ở TQ, Nhật Bản và còn lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Nếu như bỏ qua các truyền thuyết thì có thể khẳng định rằng PG đã bắt đầu du nhập vào nước ta ít ra cũng từ đầu công nguyên.
Sau đó PG từ Luy Lâu Giao Chỉ được truyền sang TQ, từ TQ truyền qua bán đảo Triều Tiên và từ bán đảo này truyền qua Nhật Bản. (Tham khảo sách Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử của nhà sử học Nhật Bản Kamata, Tokyo 1981).
PG VN cũng có những đặc điểm khác biệt so với PG nguyên thủy và PG các nước khác trên thế giới. Trong các ngôi chùa Việt ngoài việc thờ Phật còn thờ các Thánh, Thần, Mẫu, ngoài tượng Phật còn có các vị Bồ Tát, La Hán. Dù được bản địa hóa để hòa quyện cùng văn hóa dân tộc, nhưng kinh điển PG vẫn được truyền thừa trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử của PG VN.
Quang Lâm
Warszawa, nhân ngày Lễ Phật đản năm Kỷ Sửu 2009
Bình luận