2019-05-11 06:32:33

Bồ Tát Quán Thế Âm với Tâm Kinh Bát Nhã từ góc nhìn khoa học

Trong Thiền học ta thường gặp những câu nói nghe có vẻ lạ tai, thậm chí hình như ngô nghê đến vô lý. Lúc đó con người thường hay đưa ra những kiến thức đã có sẵn của mình để so sánh, phản bác. Trong Phật giáo gọi thái độ đó là chấp trước. Ví dụ, khi ta nhìn thấy biểu thức 1 + 1 = 10 , sẽ có rất nhiều người trong chúng ta cho là sai, 100% là sai và cười chê sao mà dốt thế, bởi họ đã vội vàng nhớ ngay đến kiến thức Số học đã học từ lớp Một: ( 1 + 1 = 2 ) để phán xét. Những người như vậy đã đánh mất đi một cơ hội để học hỏi và cầu tiến. Thực ra, đấy là một cách biểu diễn phép cộng nhị phân trong Tin học. Những ai dù chỉ một lần đã từng đốt nén hương, chân thành đặt lên bàn thờ, hay thắp trên ngôi mộ của người quá cố, thì họ coi như đã chấp nhận có một thế giới tâm linh – thế giới phi vật chất. 
Bài viết này chỉ dành riêng cho những ai muốn phá chấp (không chấp trước) và muốn tìm hiểu về tâm linh. Khoa học rất cần phá chấp. Có phá chấp mới có khám phá, phát minh và sáng tạo.
* * *
Danh hiệu Quán Thế Âm (QTÂ) hay còn gọi là Quán Tự Tại được dịch từ tiếng Sanskrit – Avalokitesvara. Thế Âm là âm thanh thế gian, quán là quán tưởng hay là lắng nghe. Vậy QTÂ nghĩa là lắng nghe âm thanh thế gian – âm thanh cuộc đời – một loại siêu âm thanh, khác nghĩa với siêu âm (ultrasound) được dùng trong khoa học.
Theo kinh Phật, QTÂ không có gia phả ở Ấn Độ như Đức Phật Thích Ca. Theo truyền thuyết Ấn Độ, QTÂ là Đại Bồ Tát từ thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà (QTÂ được hóa sinh từ hào quang phóng ra nơi mắt phải của Đức Phật A Di Đà), nhưng vì Ngài có nhiều nhân duyên với chúng sinh ở cõi Ta Bà nên Ngài đã trợ giúp Phật Thích Ca tuyên dương Chính pháp và cứu giúp chúng sinh hoạn nạn, khổ đau. Chính vì thế mà ta thường nghe câu tụng: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn!”


QTÂ cũng không phải là hình tướng nam hay nữ. Tuy nhiên có nhiều mẩu chuyện khác nhau kể về QTÂ ở những quốc gia vào các thời đại khác nhau nên mới có sự phân biệt. Ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Tát QTÂ tượng trưng cho Tình thương của người Mẹ đầy lòng từ bi luôn sẵn sàng cứu độ chúng sinh. Ngài thường ban cho mọi người Pháp Vô úy (không sợ hãi) để tiêu trừ mọi khổ não.
Truyền thuyết kể rằng, từ quá khứ xa xưa QTÂ là một hoàng tử có tên Bất Huyền, con vua Vô Tránh Niệm, rất sùng kính vị Phật thời bấy giờ là Bảo Tạng Như Lai. Thái tử đã quan sát chúng sinh trong vô số thế giới, đã nghe được tiếng kêu cầu của chúng sinh khổ nạn nên phải chịu đau khổ và phát tâm từ bi cứu giúp thế gian. Thái tử đã được thọ pháp với Đức Bảo Tạng Như Lai và được Ngài đặt danh hiệu là QTÂ. Sau khi Thái tử thọ pháp, các thế giới phát ra những âm thanh kỳ diệu, ai nghe cũng được tâm thanh tịnh, dục vọng (sự ham muốn) không còn, nỗi khổ được tiêu trừ. Đó gọi là âm thanh thế gian chứa trong nghĩa QTÂ theo cách giải thích của nhà Phật.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật Thích Ca nói QTÂ tu hạnh “Phản văn văn tự tính” (văn – nghĩa chữ Hán là nghe), ý muốn nói quay lại lắng nghe âm thanh nội tại của mình. Ở đây muốn chỉ cái nghe không phải bằng tai bình thường, mà là sự trực nhận được bản thể của vạn pháp, nghĩa là mọi vật và mọi việc được biết một cách chân thật. Lúc đó sẽ đạt được Chân như ý – tri kiến Phật.


Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (BNBLMĐ) viết: “Quán Thế Âm Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là Bồ Tát QTÂ khi thiền quán thâm sâu Tâm Kinh (tức diệu pháp trí độ), bỗng soi thấy 5 uẩn đều không có tự tính. Sau khi thực chứng điều ấy, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn. Tâm Kinh là kinh tinh yếu. Bát Nhã Ba La Mật Đa – PRAJNAPARAMITA - theo nghĩa tiếng Sanskrit: PRAJNA là trí tuệ, PARAM là vượt ra ngoài, ITA là bậc, đấng. Vậy BNBLMĐ là trí tuệ đã vượt ra ngoài, thường được dịch là Trí tuệ đã đến bờ bên kia. Bờ bên kia là Giải thoát – Tự do tuyệt đối. Bờ bên kia không phải là đối lập với bờ bên này, đối lập với thế giới thực tại, mà bờ bên kia là sự thức tỉnh, thấy rõ thực tại. QTÂ đã quán chiếu Tâm Kinh bằng phương pháp nghe âm thanh nội tại (phản văn) để đạt sự thức tỉnh hay thực chứng thế giới vạn vật. Muốn thức tỉnh (giác ngộ) hay thấy rõ thực tại, chúng ta không thể dùng giác quan để nhận biết, hay nói theo nghĩa Quán Âm là không thể nghe âm thanh thực bằng tai được.
Chúng ta biết rằng khi nghe, các âm thanh được truyền đến màng nhĩ, làm rung động nó, hay nói theo khoa học, thì xẩy ra sự cộng hưởng của các dao động âm tần. Từ màng nhĩ các rung động đó được cảm ứng (điện từ) và tạo ra những tín hiệu (xung thần kinh) truyền qua những nơ ron (tế bào thần kinh) vào khu trung tâm thần kinh thính giác. Màng nhĩ chỉ cho phép cộng hưởng được với các sóng có tần số từ khoảng 20Hz đến 20.000Hz, gọi là dải âm tần. (1Hz = 1dao động hình sin/1 giây). Những âm thanh tương úng với tần số ngoài dải này, tai chúng ta không phục hồi được. Mặt khác, khi một âm thanh phát ra từ một nguồn nào đó, nó đều bị biến dạng tùy theo môi trường mà sóng âm truyền qua (như không khí, nước). Các sóng âm còn bị các vật chắn cản trở hoặc phản xạ gây các hiệu ứng đặc biệt. Ví dụ, khi ta nói to trong hang núi, ta nghe được tiếng vọng do va đập vào vách núi mà vang lại nhiều lần như có ai đó đang nhại lại tiếng của ta. Trong kỹ thuật âm thanh ngày nay, người ta còn tạo ra các hiệu ứng âm nhờ các thiết bị điện tử để trợ giúp cho các giọng ca của ca sỹ được hay hơn. Do vậy mà chúng ta nhiều khi bị lừa dối trong cảm giác nghe. Nếu chúng ta khảo sát thêm về cấu trúc bên trong của cơ thể như gen, các tế bào với các hoạt động lý, sinh, hóa thì còn phát hiện bao điều sai lệch khác nữa về việc nhận biết thông tin dưới dạng tín hiệu âm thanh. Về quan điểm sóng thì bất kỳ một âm thanh nào cũng đều được tạo ra bằng cách tổng hợp từ những dao động hình sin với một tần số xác định. Đó là nguyên lý chập chồng ứng với một biểu thức toán học gọi là chuỗi Fourier. Điều này cho thấy các tín hiệu âm thanh mà ta nghe thấy mang tính giả hợp.
Như vậy, do hạn chế về mặt cấu trúc vật chất của màng nhĩ cũng như tính giả hợp của quá trình truyền sóng âm trong không gian, việc nhận biết âm thanh không thể đạt được tính chân thật. Từ đây ta cũng có thể suy diễn đối với các giác quan khác về việc nhận biết thực tại từ môi trường xung quanh. Ánh sáng mà mắt người nhìn thấy được cũng là những sóng có tần số từ 3,4x10 mũ 14 đến 7,5x10 mũ 14 Hz đặc trưng cho các màu đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm và tím. Vì ánh sáng là sóng nên nó cũng được truyền thẳng và có những đặc tính như phản xạ, khúc xạ, nhiễu xạ, phân cực, giao thoa qua môi trường trước khi đến mắt. Hình ảnh của một vật cũng bị quy luật chập chồng và giả hợp chi phối. Thực ra, không cần phải dựa vào những lý thuyết phức tạp trong khoa học, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thức được về những cảm giác sai lầm trên, như khi ta cho bàn tay vào một chậu nước 5 độ C, vào mùa hè và vào mùa đông ta sẽ có những cảm giác hoàn toàn khác nhau. Hoặc trạng thái tâm lý của chúng ta (đang buồn hay đang vui) sẽ ảnh hưởng rất lớn trong việc thưởng thức một món ăn (ngon hay không), một khúc nhạc (hay hoặc dở). “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”
Các giác quan của con người là nguyên nhân gây ra sự nhận định sai lầm về thế giới hiện tượng, và do vậy mà nhà Phật đã nói cõi trần gian là ảo mộng, không thực, hay mọi vật đều không có tự tính.

Ngũ uẩn là năm mối liên kết của các giác quan con người (gồm tai, mắt, mũi, lưỡi, da) với thế giới vật chất. Năm uẩn đó là: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc – hình tướng của các đối tượng, Thụ – tiếp nhận tín hiệu từ đối tượng, Tưởng – xử lý các dữ liệu, Hành – tác động, Thức – nhận biết đối tượng. Sắc thái của một vật (âm thanh, màu sắc, hương, vị, xúc) được tiếp nhận (thụ) bằng những tín hiệu qua các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, da). Cơ quan thần kinh tương ứng sẽ cảm nhận và xử lý chúng (tưởng), sau đó dẫn đến sự tác động (hành) của trí não và hình thành quá trình nhận dạng (thức) đối tượng đang khảo sát. Toàn bộ quá trình này hoạt động trong não bộ không khác gì bộ xử lý (processing unit) cùng bộ nhớ (memory) của một máy tính (computer) với 5 giác quan là những bộ nhập dữ liệu (input). Do những sai lệch về dữ liệu (tín hiệu đầu vào) khi tiếp nhận hiện tượng qua các giác quan, mà 5 uẩn không có tính riêng biệt. Một hiện tượng này đều phải nương nhờ vào hiện tượng khác mà có. Để có được ý niệm về hạt gạo, ta phải liên kết những khái niệm khác nhau như cây lúa, phân, giống, thời tiết nắng mưa, sự chăm sóc của người nông dân, rồi phải qua những công đoạn xay xát, bảo quản, vận chuyển . . . và sau đó phải giải thích từng khái niệm. Mỗi khái niệm thường được đặt một cái tên bằng một ngôn từ và con người đã tạo ra ngôn ngữ là vì thế. Ngôn ngữ gồm tiếng nói và chữ viết. Chữ viết thành lập từ các ký hiệu, tiếng nói – từ những âm thanh. Âm thanh – từ xa xưa con người đã sử dụng để biểu đạt những hiện tượng và trao đổi thông tin. Đó là Logos trong tiếng Hy Lạp, Ngôi lời trong Thánh kinh, nhạc Trời trong Đạo, âm lưu trong Đạo Phật. Còn trong khoa học là Tiếng Nổ Big Bang – tiếng chào đời của Vũ trụ – đánh dấu thời điểm ra đời của các thiên hà và sự sống. 
Ta biết rằng âm nhạc là điều không thể thiếu được trong cuộc sống. Một đứa bé khi còn nằm trong bụng mẹ, nó nhờ nguồn năng lượng của âm thanh nội tại mà phát triển. Khi mới chào đời nó cảm thấy hụt hẫng, thiếu mất âm thanh đó nên đã thấy đau đớn mà phát ra tiếng khóc. Nhưng sau đó nó lại nín lặng và ngủ yên trong tiếng ru êm ái của người mẹ. Nó đã gặp lại phiên bản mà cứ tưởng là âm thanh thật – nguồn năng lượng đã sáng tạo ra nó và giúp nó trưởng thành. Âm thanh thật – đó chính là Sức sống và Tình thương, mà QTÂ đã lắng nghe được để nhận chân mọi hiện thực của thế gian. Điều này giúp ta lý giải thêm tại sao QTÂ từ hình tướng nam giới ở Ấn Độ khi qua các nước Đông Á lại chuyển thành nữ giới.  

Như vậy bằng tai thường, chúng ta chỉ nghe được các phiên bản của âm thanh này. Phải chăng ta có thể xâu chuỗi những điều đã trình bày trên đây, để phần nào nương nhờ vào đó và gắng hiểu về nghĩa của Âm thanh thế gian – Siêu âm thanh trong Quán Thế Âm, như Đức Thích Ca đã từng dạy: “Ngón tay không phải là mặt Trăng mà là công cụ để chỉ và giúp ta nhìn biết mặt Trăng”.  Ngôn ngữ cũng vậy, nó chỉ là công cụ diễn đạt chứ không phải là sự vật. Cái rắc rối là vì chúng ta thường hay bám víu vào ngôn ngữ và khái niệm để nhận thức sự vật để rồi gây ra những cách hiểu khác nhau và thế mới phải tìm đến sự giải thích trong từ điển, có khi còn phải tranh luận. Điều đó trong Phật Giáo gọi là vọng tưởng, hay mọi vật và mọi việc (tức vạn pháp) đều do vọng tâm sinh ra.  Vì thế trong sách nhà Phật mới có câu thế giới thật đảo điên và dẫn dụ câu chuyện về bốn người mù xem Voi để nhắc nhở người đời: người sờ thấy chân thì bảo là cột đình, sờ thấy tai thì cho voi là cái quạt, còn sờ đuôi thi nói voi là cái chổi, nên mới tranh cãi mãi không ai thắng ai, bởi họ vẫn còn vô minh.  Cảm giác là không thật – “Ngũ uẩn đều giai không”.
Chữ “không” ở đây không phải nghĩa là không có mà phải hiểu là rỗng (empty). Trong rỗng bao gồm mọi thứ (tức vạn pháp), tựa như quả bóng rỗng, không phải là không có gì bên trong, mà nó chứa đầy không khí. Dưới con mắt của nhà vật lý hạt nhân hay chân không thì mọi vật chất đều có cấu trúc hạt, các hạt luôn chuyển động với những vận tốc rất nhanh và khoảng cách giữa chúng lại cực kỳ lớn so với kích thước bé nhỏ của chúng. Trong thế giới vi mô đó, mọi vật (hạt gạo hay con voi, con người hay bông hoa) đều là rỗng, nhưng lại chứa đầy các hạt, và đằng sau tất cả là một quy luật điều khiển chúng – một Trí tuệ siêu đẳng.  Rỗng mà lại đầy? Loay hoay với ngôn từ, ta lại thấy thế gian thật là điên đảo! Chính vì vậy mà Thiền giả rất “ghét” ngôn từ và loại bỏ mọi phép biện luận: “Bất lập văn tự”. Triết lý của Thiền là Tĩnh Lặng.
Theo phép Thiền thì tốt nhất là tự mình chứng nghiệm lấy, như QTÂ hướng vào bên trong để nghe âm thanh của chính mình. Vì một cái bánh có tự mình nếm thì mới biết nó ngon như thế nào, còn chỉ nghe quảng cáo, dù có hay đến đâu, cũng không thể giúp ta nhận biết được hương vị của nó. Cái thiếu chính xác của ngôn ngữ lại giải thích thêm cho ta sự sai lệch về nhận thức về thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều khi vẫn phải dùng đến ngôn từ và lý luận để trao đổi đôi điều như ta đang làm từ đầu đến bây giờ.
Những ví dụ trên cho phép ta kết luận: nhận thức của con người về thế giới hiện tựơng thường bị sai lệch, trước hết là do các giác quan (tai, mắt, mũi, lưỡi, da), sau đó là do tính không chính xác của ngôn từ và khái niệm (ý) mà trong Phật giáo gọi là lục căn.
Việc nhận biệt được chân lý trong tâm linh xẩy ra hoàn toàn khác và diễn biến ở một mức độ cao hơn nhiều mà với những hiểu biết khoa học như hiện nay và bằng những ngôn ngữ thông thường thì rất khó mà diễn đạt nổi. Muốn nhận biết thực tại, trước hết cần phải xóa đi tất cả các định kiến, vượt lên trên những kiến thức thông thường để đạt tới một cấp độ cao hơn về nhận thức, gọi là tâm thức siêu đẳng (super spiritual consciousness). Lúc đó ta có thể “nghe” được siêu âm thanh của thế giới như Bồ Tát QTÂ vậy. Thực chất, ngôn từ “siêu âm thanh” muốn nói trên đây là âm thanh nội tại. Nó là một cấu trúc sóng-hạt có năng lượng, mang thông tin và chính nó đã tạo ra thế giới vật chất trong đó có sự sống. Hiện nay khoa học đang nghiên cứu vấn đề này dưới những chuyên khảo như năng lượng sinh học, hào quang cơ thể, tiềm năng con người, trường thông tin toàn thể, lý thuyết toàn đồ (hologram). Mong rằng không xa nữa, các ngành khoa học với những phát minh mới sẽ chứng minh được những điều mà Phật giáo đã đề cập từ ngàn xưa, khi trên trái đất chưa từng có khoa học.
Chính Einstein cũng đã từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó sẽ là Phật giáo. Phật Giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học, vì Phật Giáo bao trùm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. (If there is any religion that would cope with modern scientiphic needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientiphic finding. Buddhism need no surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science).
Mọi việc Tốt – Xấu (hay Sinh – Tử) đều do các khái niệm và nhận thức của con người, hay do tâm tạo ra cả (vọng tâm). Chúng đều mang tính giả hợp. Nghĩa là nếu ta chú tâm phân tích một hiện tượng theo chiều tiêu cực, sự việc sẽ trở nên cay đắng, còn theo chiều tích cực thì ta thấy yên vui, tùy theo cách ta nhìn con Voi theo hướng nào. Chính khi chúng ta không còn tâm phân biệt như kiểu đánh giá của những người mù xem voi kia thì đâu còn cảm thấy đau khổ. Nhận biết được điều này là ta đã ngộ ra được đôi điều và hiểu rõ hơn câu “Sau khi thực chứng điều ấy, Ngài (QTÂ) vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn” như trong Tâm Kinh đã dạy. Học theo Ngài, ta cũng sẽ vượt qua được bao khổ đau và tự tại hơn trong cuộc sống đời thường và ta sẽ thấm nhuần hơn câu Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác.” Đó là giá trị nhân bản của Tâm Kinh.


Quang Lâm


Sửa lần cuối 2019-05-11 04:31:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook