Những năm gần đây người Việt đang có xu hướng khơi lại những tập tục văn hóa cũ trong đó có việc thờ cúng thần linh. Lễ cúng ông Công, ông Táo là một trong các lễ cúng được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, có rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ không hiểu rõ tại sao lại có lễ cúng này và nghi lễ của việc cúng này thế nào là đúng. Trong bài viết này tôi chỉ muốn sưu tập những tài liệu đáng tin cậy và những thông tin trên báo chí trong những năm gần đây để bạn đọc tự suy ngẫm.
Trước hết ta cần biết ông Công, ông Táo là ai và tại sao người ta lại cúng các ông ấy.
Theo các sách viết lại thì Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần của Lão giáo Trung Quốc: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ (những vị thần trông coi nhà cửa, đất đai và chợ búa). Nhưng khi qua Việt Nam, người Việt chuyển hóa Táo quân thành ba vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp trong đó có hai ông, một bà. Có một số nơi thì coi Táo quân chính là ba ông đầu rau (ông Táo) dùng để đặt nồi niêu lên đó nấu nướng trong bếp. Nói là ba vị trông coi nhà cửa, đất đai và bếp núc hay chợ búa nhưng khi cúng ông Công, ông Táo người ta (cả người Việt và người Hoa) đều quan niệm cúng vị thần trông coi bếp núc. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên hiểu hết tất cả mọi chuyện xấu, tốt của gia chủ. Trước tết, ông Táo phải về trời bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc ở trần gian. Gia chủ cúng ông Táo không phải để xin xỏ điều gì mà chỉ để cho thần Bếp bẩm báo nhiều điều tốt cho gia đình mình. Tất nhiên trong lúc cúng thì không phải ai cũng nói như thế, nhiều người vẫn muốn Táo quân bẩm với Ngọc Hoàng cho gia đình mình năm tới ấm no, hạnh phúc và những điều may mắn.
Người Hoa cho rằng Táo quân về trời bằng ngựa còn người Việt thì nói rằng các ông bà cưỡi cá Chép về trời. Bời vậy nên để tạo điều kiện cho Táo quân thượng lộ nhanh chóng và bình an, người ta cúng cùng với mâm cỗ các phương tiện như ngựa giấy và cá giấy. Ngoài ra là quần áo và đặc biệt là mũ (cũng bằng giấy) để các Táo có bộ đồ sang trọng khi vào chầu. Lễ cúng thường được tiến hành vào thời điểm trước buổi tối ngày 23 tháng chạp vì cho rằng Táo quân được vào chầu Ngọc Hoàng vào buổi tối. Nhiều người sợ tắc đường, nên cúng trước buổi trưa hoặc từ những ngày hôm trước để Táo quân không bị trễ buổi chầu.
Trải qua hàng nghìn năm, tập tục được duy trì qua nhiều thế hệ, đi qua nhiều vùng miền nên đã có những thay đổi đáng kể.
Trước đây trong mâm cúng của người Trung Hoa thường là bánh ngọt hay kẹo làm từ mạch nha vì tin rằng của ngọt sẽ làm cho ông Táo vui vẻ, nói lời ngọt ngào dễ nghe (về gia đình mình) với Ngọc Hoàng. Có nơi còn cúng bánh Nian Gao, loại bánh làm từ gạo nếp vừa dẻo, vừa ngọt hy vọng ông Táo bị „dính chặt miệng”, không thể bẩm báo những điều xấu của gia đình mình. Người Hoa thường đặt đồ lễ ngay trong bếp, trước bức tượng hoặc tranh Táo quân. Sau khi cúng xong thì đốt vàng mã cùng với bức tranh ông Táo rồi thay luôn bức tranh ông Táo mới. Nếu là tượng ông Táo thì người ta lau rửa sạch tượng rồi đặt lại vào vị trí cũ. Bởi vì trước khi cúng người ta thường bôi mật ong hoặc mạch nha vào quanh miệng ông Táo.
Ở Việt Nam ta, ghi lễ cúng ông Công, ông Táo ở mỗi vùng miền có đôi chút khác nhau.
Ở miền Bắc, người ta thường đặt các đồ cúng trên bàn thờ gia tiên. Một số nơi, nhất là miền Nam lại đặt bàn thờ Táo quân ở bếp. Hoa quả, ba chén rượu và trầu cau là những thứ cần có khi cúng. Vàng mã thông thường là một bộ mũ áo cho hai ông, một bà. Mũ cho Táo ông có cánh chuồn, còn mũ cho Táo bà thì không có. Ngoài ra, những người cầu ki hơn thì có thêm tiền vàng để các Táo có lệ phí đi đường. Mâm cỗ cúng của người Việt trước đây thường có các món chính là: Thịt lợn luộc. một đĩa rau xào, một bát canh và một đĩa muối. Để cung cấp phương tiện đi đường cho Táo quân, người miền Bắc cúng cá chép vì cho rằng „cá chép hóa rồng”, có thể đưa Táo quân lên trời. Tuy nhiên, mỗi vùng cúng theo cách riêng của mình, có nơi cúng cá sống sau đó mang ra phóng sinh ở sông, hồ, có nơi cúng cá giấy sau đem đốt cùng vàng mã, có nơi cúng cá chép rán cùng với các đồ ăn. Còn ở miền Trung người ta cúng ngựa giấy với yên cương đầy đủ thay cho cá chép. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy để táo quân dùng đi đường.
Ngày nay, lễ cúng ông Công, ông Táo đã được người ta thay đổi rất nhiều. Nói chung là không theo đúng tập quán cũ mà theo những trào lưu mới và phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Trong mâm cúng bây giờ là những món cầu kì không cần nói lên ý nghĩa gì, miễn là gia chủ thích. Người ta thêm các món như nem rán, tôm nướng, bánh chưng, xôi đậu xanh và xôi gấc tạo hình cá chép. Có nhà cúng khoai sọ chiên vừng, thịt gà rang xả, gỏi tôm, bò xào thập cẩm. Thật là đa dạng. Theo tôi, ai thích ăn gì cũng nghĩ là ông Táo thích ăn món ấy nên cúng. Điều đó chấp nhận được. Chỉ có điều cúng cá chép thì lắm chuyện quá.
Ngày nay người có nhiều tiền hay không có nhiều tiền cũng đua đòi cúng cá chép vàng. Loại cá này là cá cảnh quen sống trong bể kính và được chăm sóc đặc biệt nên khi đem thả ra sông, ra hồ thường không sống nổi. Ấy vậy mà người ta cứ vứt chúng ra sông, hồ sau khi cúng. Có người thả từng con một, có người ném cả túi ni lông với cá xuống sông. Lại có những người bơi thuyền ngay gần đấy dùng vợt vớt các con cá vừa được thả đem về bán. Kiểu này chắc các ông Công, ông Táo phải nhờ các đại lí mua vé máy bay chứ không làm sao về chầu Ngọc Hoàng được. Năm nay tôi còn thấy có người đăng tin trên „phây” rằng cúng cá xong thì thả cá vào bể cá cảnh nhà mình, không biết người ấy có nhìn thấy Táo quân đang khóc vì không biết lên trời bằng gì. Ngược lại, có người chắc là lo Táo quân đi đường xa nên cần nhiều cá để thay đổi nên cúng cả chậu cá, có người thêm cả cua, rùa để cá chép có bạn lúc đi đường. Khổ nhất là có người vì phóng sinh cá mà ngã xuống sông chết đuối, Táo quân chắc là rất buồn nếu biết có người chết vì mình.
Lễ cúng ông Công, ông Táo đã được người Việt gọi là tết ông Công, ông Táo. Mà đã là tết nhất thì phải cúng, phải kiêng. Dân gian có câu „có cúng có thiêng, có kiêng có lành” thực ra cũng chỉ là suy diễn để tạo lòng tin. Nhưng cúng gì và kiêng gì thì cũng nên xem xét chu đáo để người ta không thấy mình là quá lố. Ở Ba Lan có những người cẩn thận năm nào cúng xong cũng mang cá chép ra sông Vi-soa thả. Có năm nước sông đóng băng phải đào mãi mới được cái hố để cho cá xuống. Xin bái phục.
Tại Trung Quốc, nơi khởi sinh ra phong tục cúng ông Công, ông Táo người ta đã đơn giản hóa đi rất nhiều. Nhiều gia đình chỉ cúng kẹo ngọt tượng trưng, dán giấy mới vào nhà và dọn dẹp nhà cửa. Phải chăng, cuộc sống trong thời đại công nghiệp hóa đã khiến người dân thay đổi ý thức của mình.
Xuân Nguyên
Vac-sa-va, tháng 1/2018
Bình luận