Hiệu trường AGH – GS.TSKH Tadeusz Słomka phát biểu
Dựa trên sáng kiến của của Hiệu trưởng Trường AGH – GS.TSKH Tadeusz Słomka và sự tài trợ danh sự của Đại sứ nước ta tại cộng Hòa Ba Lan – ngài Phạm Kiến Thiết, Đại học Khoa học và Công nghệ AGH (Trường AGH) đã tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về hợp tác khoa học giữa Ba Lan và Việt Nam đã tại thành phố Krakow – Ba Lan từ ngày 23 đến 27/06/2014. Hội nghị được bắt đầu với bài phát biểu chào mừng của Đại sứ nước ta và Hiệu trưởng Tadeusz Słomka.
Hội nghị đã diễn ra thuận lợi và thành công, với sự tham gia của nhiều các nhà khoa học, học giả Việt Nam và Ba Lan đang nghiên cứu, giảng dạy ở các lĩnh vực như Mỏ địa chất, Địa lý, Vật Lý, Công nghệ thông tin, Xã hội học, Sinh Y... ở hai nước. Đoàn bạn có những giáo sư đầu ngành như GS. Jadwiga Jarzyna, GS. Jacek Szewczyk, GS. Jerzy Ziętek, GS. Jan Golonka, GS. Janusz Mucha… đoàn nước ta phải kể đến như GS. Võ Chí Mỹ, PGS. Nguyễn Văn Giảng, PGS. Trần Thanh Hải, GS. Lê Khánh Phồn, PGS, Nguyễn Quang Minh... Đặc biệt Hội nghị có sự tham dự của nhiều nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan như GS. Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Bách khoa Wrocław), GS Mai Xuân Lí (Viện Hàn Lâm khoa học Ba Lan), GS. Nguyễn Đình Châu (Trường AGH), GS. Như-Tarnawska Hoa Kim Ngân (Đại học Sư phạm Krakow), GS. Nguyễn Chí Thuật (Viện nghiên cứu Văn học Poznan)…
Đại sứ Phạm Kiến Thiết phát biểu chào mừng Hội nghị
Những vấn đề khoa học chuyên ngành trong các lĩnh vực quan tâm đã được các đại biểu trình bày và cùng nhau thảo luận, từ khoa học lý thuyết đến khoa học thực nghiệm và công nghệ thông tin, từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên như vật lý và sinh y. Tựu trung, các đề tài nghiên cứu khoa học đều có sự liên kết giữa hai quốc gia, hoặc được hợp tác thực hiện bởi các nhà khoa học Việt Nam và Ba lan. Những công trình nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước nổi bật trong lĩnh vực Địa vật lý, Trắc địa, Khai thác mỏ, Cơ khí mỏ.. và phần lớn được tiến hành ở Việt Nam, như những nghiên cứu hợp tác giả Trường AGH và Viện Vật lí Địa cầu Việt Nam, hay ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà khoa học, học giả điểm lại lịch sử và những thành tựu trong hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa hai nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ đầu những năm 1950 đến nay, Ba Lan đã đào tạo cho nước ta một đội ngũ cán bộ khoa học ở hầu hết các lĩnh vực, vững về trình độ chuyên môn, tinh thần tránh nhiệm cao, và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Theo tác giả Hồ Chí Hưng (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan), trong số cựu du học sinh Ba Lan đã có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng ở Việt Nam: 2 Bộ trưởng, 2 tương đương bộ trưởng, 8 Thứ trưởng hoặc tương đương, 4 Hiệu trưởng đại học, 1 thiếu tướng… rất nhiều người là Viện trưởng Viện nghiên cứu, Cục trưởng, Vụ trưởng ở các bộ ngành.
Đóng góp cho sự thành công của Hội nghị còn có những báo cáo định hướng trong hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa hai nước. Tiêu biểu là bài nói chuyện về thực trạng, triển vọng và những thuận lợi – khó khăn trong hợp tác đào tạo bậc sau đại học ngành công nghệ thông tin giữa hai nước của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành. Rồi định hướng và triển vọng trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Vật lý giữa trường đại học Sư phạm Krakow với Đại học Sư phạm Hà Nội và các sơ sở đào tạo khác ở Việt Nam của GS. TSKH Như-Tarnawska Hoa Kim Ngân.
Để có sự thành công của Hội nghị lần này, không thể không kể đến những đóng góp trách nhiệm, nhiệt tình và thầm lặng của Ban tổ chức. Đó là những cán bộ, nhà khoa học đang công tác tại Việt Nam và Ba Lan, điển hình là GS.TSKH Jadwiga Jarzyna – Trưởng ban tổ chức, và bà Marta Foryś – Giám đốc Quan hệ quốc tế Trường AGH.
Bà Marta Foryś (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng một số đại biểu
Tản Viên
Bình luận