Việc công nhận đầy đủ chữ viết tiếng Việt trong hệ thống hành chính Ba Lan đã trở thành hiện thực sau một quá trình vận động kéo dài và nhiều vòng trao đổi với Bộ Tư pháp Ba Lan. Đây là kết quả của sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của Hiệp hội Người Việt Nam tại Ba Lan cùng các cá nhân và tổ chức liên quan.
Vào tháng 11/2022, Hiệp hội Người Việt Nam tại Ba Lan đã chính thức gửi kiến nghị lên Bộ Tư pháp Ba Lan, đề xuất bổ sung hỗ trợ các ký tự dấu tiếng Việt trong hệ thống hành chính điện tử, bao gồm sổ hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng bất động sản, giấy chứng nhận sở hữu, chứng thực ngân hàng và số PESEL. Đề xuất này nhấn mạnh rằng việc thiếu hỗ trợ các ký tự dấu (diacritics) gây ra nhiều khó khăn pháp lý và hành chính cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Diacritics là các dấu phụ như dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng hoặc các dấu phụ trong các chữ cái â, ê, ô, ă, đ, ơ, ư – những yếu tố quan trọng giúp phân biệt nghĩa của từ trong tiếng Việt.
Ngày 14/11/2022, Bộ Tư pháp phản hồi lần đầu tiên, xác nhận rằng hệ thống hiện tại chưa hỗ trợ đầy đủ các ký tự diacritics tiếng Việt. Văn bản này cũng chỉ ra rằng cần xem xét sửa đổi danh mục ký tự hiện có trong hệ thống điện tử quản lý sổ đăng ký đất đai và Krajowy Rejestr Sądowy (KRS).
Ngày 21/11/2022, Hiệp hội tiếp tục gửi thư phản hồi, cảm ơn Bộ Tư pháp vì sự quan tâm và đồng thời nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc điều chỉnh hệ thống. Hiệp hội cũng cung cấp thêm dữ liệu về hệ thống chữ viết tiếng Việt và các vấn đề thực tế mà người Việt Nam đang gặp phải.
Ngày 09/02/2024, Bộ Tư pháp cập nhật về tiến trình sửa đổi, thông báo rằng các quy định liên quan đang được xem xét và sẽ thay thế danh mục ký tự cũ bằng chuẩn Unicode UTF-8. Bộ cũng xác nhận rằng vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự và đang trong giai đoạn tham vấn liên ngành.
Ngày 30/01/2025, Bộ Tư pháp chính thức thông báo rằng từ ngày 25/01/2025, hệ thống hành chính Ba Lan sẽ hỗ trợ Unicode UTF-8, giúp ghi nhận chính xác tên họ tiếng Việt trong tất cả các tài liệu hành chính và pháp lý. Đặc biệt, các giấy tờ chủ sở hữu bất động sản, bao gồm sổ đỏ (księga wieczysta) và các văn bản liên quan, cũng sẽ được cập nhật để đảm bảo tính chính xác của thông tin cá nhân. Điều này giúp tránh những sai sót trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng và xác nhận quyền sở hữu tài sản.
Thành công này không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền Quận Śródmieście, đặc biệt là Ông Aleksander Ferens - Chủ tịch Quận Śródmieście thành phố Warszawa. Ông cùng chính quyền địa phương đã tạo ra động lực quan trọng giúp việc thay đổi này được thực thi một cách hiệu quả.
Đặc biệt, vai trò của anh Karol Hoàng là không thể phủ nhận. Anh là người đầu tiên phát hiện vấn đề và đã kiên trì theo đuổi, đề xuất sửa đổi với các cơ quan chức năng. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của anh đã góp phần đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự và thúc đẩy Bộ Tư pháp đi đến quyết định cuối cùng.
Việc công nhận chữ viết tiếng Việt trong hệ thống hành chính Ba Lan đánh
dấu một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt tại đất
nước này. Đây không chỉ là một thành tựu về mặt pháp lý mà còn là một dấu hiệu
tích cực cho sự công nhận và hòa nhập của người Việt trong đời sống xã hội Ba
Lan.
Trần Trọng Hùng
Phó CT Phụ trách đối ngoại & pháp luật
Hội Người Việt Nam tại Ba Lan.
Bình luận