Ngày 26 tháng 5, trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm ngày chính thức đưa vào đào tạo ngành Ngữ văn Việt Nam tại Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz ở Poznan và 65 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam – Ba Lan, Viện Ngôn ngữ học thuộc Khoa Ngữ văn mới, dưới sự bảo trợ của Hiệu trưởng Đại học Adam Mickiewicz và Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề „Hợp tác Việt Nam – Ba Lan, sự phát triển và triển vọng”. Hội thảo đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ không chỉ của Đại học Poznan mà còn có các nhà khoa học từ các trường khác ở Ba Lan như Đại học Tổng hợp Varsava, Đại học Bách khoa Wroclaw… Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Phạm Kiến Thiết và Phu nhân cùng một số cán bộ Đại sứ quán, đại diện Hội Người Việt Nam tại Ba Lan Đoàn kết &Hữu nghị, đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, đại diện một số Hội, Đoàn của Việt Nam tại Ba Lan, báo Quê Việt… đã tham dự Hội thảo.
Mở đầu Hội thảo, GS. TSKH Beata Mikolajczyk, Phó trưởng Khoa Ngữ văn mới, đã đọc thư chúc mừng của Hiệu trưởng Đại học Adam Mickiewicz, GS.TSKH Bronislaw Marciniak, gửi Hội thảo. Giáo sư Hiệu trưởng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc đưa vào đào tạo ngành Ngữ văn Việt Nam tại Đại học Adam Mickiewicz, hy vọng trong tương lai các công trình nghiên cứu Việt Nam sẽ đi vào chiều sâu và quan hệ truyền thống mọi mặt Ba Lan – Việt Nam sẽ được củng cố và thúc đẩy hơn nữa. Trong phần phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TSKH Phó trưởng khoa Beata Mikolajczyk đánh giá cao những kết quả đào tạo đã đạt được của ngành Ngữ văn Việt Nam trong 10 năm tồn tại và phát triển tại Viện Ngôn ngữ học, chúc Viện và những người trực tiếp tham gia đào tạo cố gắng hơn nữa để sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ trong công việc tương lai.
Tới dự Hội thảo còn có GS. TSKH Maciej Karpinski, Phó trưởng khoa Ngữ văn mới, GS. TSKH Piotr Wierzchon, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Sau lời khai mạc của bà Phó trưởng Khoa thay mặt lãnh đạo Trường, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ngài Phạm Kiến Thiết, đã phát biểu ý kiến, chân thành cảm ơn Lãnh đạo Đại học Adam Mickiewicz, Khoa Ngữ văn mới, Việt Ngôn ngữ học đã tổ chức cuộc hội thảo có ý nghĩa đặc biệt khi gắn liền sự kiện 10 năm chính thức đưa vào đào tạo ngành Ngữ văn Việt Nam tại Poznan với 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan. Đại sứ nhắc lại sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Ba Lan anh em trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Việt Nam trong quá khứ, đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới với mục tiêu „Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong phát biểu của mình, Đại sứ cũng đã nói về cộng đồng người Việt tại Ba Lan và bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền Ba Lan tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại Ba Lan làm ăn và sinh sống ổn định trên đất nước Ba Lan, có những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế và xã hội Ba Lan, một mặt hội nhập sâu sắc và toàn diện hơn vào đời sống xã hội Ba Lan, song mặt khác vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ông Michal Kaczmarek, đại diện Lãnh đạo thành phố Poznan đã đọc thư của Thị trưởng thành phố Poznan, ngài Jacek Jaskowiak, gửi Hội thảo và phát biểu ý kiến chúc mừng Hội thảo.
Bước sang phần chính thức, những người tham dự Hội thảo đã nghe báo cáo của hai vị khách mời danh dự của Hội thảo: GS. TSKH Tadeusz Zgolka, Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz và GS. TSKH Nguyễn Ngọc Thành, Đại học Bách khoa Wroclaw.
Trong báo cáo viết dưới nhan đề „Đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam tại Ba Lan”, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Thành đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghe, bởi lẽ báo cáo chứa đựng những con số rất cụ thể, tác giả có phong cách trình bày khoa học, sử dụng thiết bị nghe nhìn hiệu quả. Ở mức độ nhất định, báo cáo của GS Thành đã thể hiện đầy đủ hơn hình ảnh của người Việt tại Ba Lan: không chỉ đóng góp trong lĩnh vực kinh tế xã hội mà không ít người Việt có vai trò không nhỏ tại các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học của Ba Lan.
Giáo sư TSKH Tadeusz Zgolka thu hút sự chú ý của những người tham dự Hội thảo nhờ những chia sẻ chân thành, những tình cảm sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam, nêu bật đóng góp của những con người cụ thể trong việc phổ biến tiếng Việt và sự phát triển ngành Ngữ văn Việt Nam tại Đại học Adam Mickiewicz. Hội thảo đã dành một phút mặc niệm Tiến sĩ Teresa Halik, người có những công trình nghiên cứu quan trọng về Việt Nam và có công lao đáng ghi nhận để việc đào tạo tiếng Việt và ngành Ngữ văn Việt Nam được duy trì và phát triển tại Đại học Poznan.
Thu hút sự quan tâm chú ý nhiều của người nghe là báo cáo của GS. TSKH Jerzy Banczerowski, người đã nhiều năm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Việc ngành Ngữ văn Việt Nam (lúc đầu là Ngữ văn Việt – Thái) chính thức đưa vào đào tạo tại Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz năm học 2004 – 2005 được Giáo sư Banczerowski lý giải một cách đơn giản: các ngành ngữ văn khác như Hán học, Nhật học, Ngữ văn Hàn Quốc… đã được thành lập trước đó thì không có lý do gì Ngữ văn Việt Nam, ngành ngữ văn của một đất nước giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học, lại đang phát triển đi lên, ngày càng có địa vị quan trong ở khu vực và trên thế giới, lại không được mở ra tại Poznan. Tất nhiên đằng sau những lời giải thích giản dị đó là cả một quá trình cố gắng không mệt mỏi để có được những ý kiến nhất trí của Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Ba Lan. Trong báo cáo của mình, GS. Banczerowski nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi Mới, đưa ra những con số có ý nghĩa về sự phát triển đi lên của Việt Nam và nhấn mạnh tính xác đáng của việc thành lập ngành Ngữ văn Việt Nam tại trường Đại học mang tên thi hào dân tộc Ba Lan, Adam Mickiewicz.
Sau tham luận của GS. TSKH Romuald Huszcza, Đại học Tổng hợp Varsava, về lịch sử tiếng Việt, tham luận của GS. TSKH Tomasz Lisowski, Đại học Adam Mickiewicz, so sánh một số câu cầu nguyện trong Kinh Thánh liên quan đến từ „bánh mì” được dịch ra tiếng Việt và tiếng Hàn, GS. TSKH Piotr Wierzchon, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đã phát biểu kết thúc chương trình buổi sáng của Hội thảo. GS. Viện trưởng đã nhấn mạnh ý nghĩa viêc đào tạo các ngành ngữ văn được coi là nhỏ bé, trong đó có Ngữ văn Việt Nam. Nó góp phần đưa văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam gần lại với những người Ba Lan, góp phần đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu về Việt Nam trong tương lai.
Trong giờ giải lao giữa hai buổi Hội thảo, nhờ sự trợ giúp tài chính của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, tất cả những người tham dự Hội thảo, cả chủ nhà lẫn khách mời, đã được thưởng thức bữa trưa đậm đà hương vị Việt (phở Hà Nội, bún nem, sườn chua ngọt, mì xào gà, gà Hà Nội…) tại nhà hàng Thanh Hà, nhà hàng gần như duy nhất của người Việt Nam ở Poznan.
Chương trình buổi chiều được mở đầu bằng báo cáo của TSKH Nguyễn Văn Thái, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan Đoàn kết&Hữu nghị, về cộng đồng người Việt tại Ba Lan, khả nàng Hội làm cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các cử nhân Việt Nam học sau khi tốt nghiệp Đại học Adam Mickiewicz. Sự phong phú, đa dạng của chương trình Hội thảo được thể hiện qua phần trình bày về „Tiềm năng du lịch Việt Nam” của TS. Michal Farys, của võ sư Việt võ đạo Ryszard Jozwiak đại diện Viện Bạch Long, về „Ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam đến võ thuật”. Những người tham gia Hội thảo còn được nghe báo cáo của một sinh viên nữ năm thứ II ngành Ngữ văn Việt Nam điểm qua về lịch sử và thành tựu 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan, báo cáo tham luận của nghiên cứu sinh Jakub Krolczyk về „Sự tôn vinh tổ tiên của người Việt”.
Hội thảo „Hợp tác Việt Nam – Ba Lan – sự phát triển và triển vọng” kết thúc bằng đêm thơ Việt Nam gồm phần thơ viết bằng tiếng Ba Lan và những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam dịch ra tiếng Ba Lan. Đại sứ Phạm Kiến Thiết và đông đảo những người tham dự đêm thơ đã cùng nhau đọc và thưởng thức những bài thơ để lại nhiều ấn tượng.
Nguyễn Chí Thuật
Một số hình ảnh trong buổi hội thảo
*
*
*
*
***
Trường đại học tổng hợp Adam Mickiewicz, Poznan
Bình luận