Lời
giới thiệu (Quê Việt)
Nhà
văn,
dịch giả Nguyễn Chí Thuật sinh ngày
1 tháng 5 năm
1951 tại Lý Nhân, Hà
Nam. Ông tốt nghiệp ngành Ngữ văn
Ba Lan năm 1977 tại Đại học Tổng hợp Łódź, bảo vệ
thành
công luận án tiến sĩ ngữ văn
Ba Lan tại Đại học Tổng hợp Warszawa năm 1990. Là
giảng viên Đại
học Hà
Nội từ năm
1977 và
là giáo sư
Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz ở Poznan từ
2007. Tháng
10 năm 2020, GS Nguyễn Chí Thuật kết thúc những năm tháng
giảng dạy tại Đại học Adam Mickiewicz. Hiện
nay ông là Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Ba Lan
tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Chí Thuật là Ủy viên Hội
đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Dịch giả Nguyễn Chí Thuật đã
được
trao Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà
văn
Hà
Nội năm
2017 và
Giải thưởng
Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018.
Từ 1 tháng 10 đến 31 tháng 10 năm 2024, theo lời mời của Viện Sách Ba Lan, ông có mặt ở Kraków để cùng một số dịch giả văn học Ba Lan ở nước ngoài tham dự chương trình tri ân dịch giả của Viện Sách Ba Lan.
Tháng 9 năm 2019, nhà văn, dịch giả Nguyễn Chí Thuật được Hội đồng Tiếng Ba Lan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan đề cử và Chủ tịch Thượng viện Ba Lan phê duyệt, phong tặng danh hiệu Đại sứ Tiếng Ba Lan ở nước ngoài. Cho đến nay danh hiệu này mới chỉ có 3 người châu Á được nhận.
Tháng
9 năm
2020, Hiệp hội Các nhà
văn
và
Tác gia âm nhạc Ba Lan trao tặng Nguyễn Chí Thuật Giải
thưởng
ZAiK cao quý.
Tại lễ trao giải diễn ra ở Viện Cervantes tại thủ đô
Warszawa, nhà
báo Andrzej Smyczek đã
đọc
bài
viết khái quát chặng đường
học tập, sáng tạo văn học nghệ thuật, đóng góp cho
quan hệ hữu nghị Ba Lan – Việt Nam của Nguyễn Chí
Thuật.
Quê Việt (queviet.eu) trân
trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Andrzej Smyczek
qua bản dịch của Hoàng Nguyên.
Ảnh: Nhà văn - Dịch giả Nguyễn Chí Thuật
Andrzej
Smyczek*
Albert Camus có lần đã phát biểu suy nghĩ của mình, đại ý: “Bạn đừng đi sau tôi, bởi vì tôi không biết dẫn dắt bạn. Bạn đừng đi trước tôi, bởi vì tôi không thể theo kịp bạn. Vậy đơn giản nhất là bạn đi bên cạnh tôi và hãy trở thành người bạn thân thiết của tôi”.
Tôi không biết người đang có mặt ở đây cùng với chúng ta hôm nay, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả và nhà thơ, giáo sư Nguyễn Chí Thuật, đã bao giờ nghe nói đến câu trích dẫn vừa rồi của tôi không. Nhưng anh đã cư xử như anh biết câu nói đó rất rõ. Mặc dù xuất thân từ hai nền văn hóa khác nhau, nhưng chúng tôi đến với nhau tính ra đã hơn nửa thế kỷ rồi.
Khoảng cách thời gian lớn ấy buộc chúng tôi phải tổng kết lại những gì đã qua. Tôi muốn khép lại một cái gì đó, muốn đánh giá lại rồi cất kỹ vào ngăn kéo bàn, dánh dấu bằng một dòng ghi chú. Nhưng nghĩ lại, thấy chưa có cái gì khép lại, chưa có cái gì đã đi đến điểm cuối cùng. Giáo sư Nguyễn vẫn đang lao động miệt mài, hăng say. Ở anh, nhiệt huyết khám phá thế giới của anh sinh viên ngày nào, nay vẫn không hề giảm. Vẫn là anh sinh viên một buổi chiều nọ ghé vào phòng tôi trong ký túc xá ở Lodz để hỏi một vài chi tiết liên quan đến tiếng Ba Lan. Khi đó anh vừa mới làm quen với những âm thanh lạ lẫm của tiếng Ba Lan, mới đang cố nhồi vào đầu những hiện tượng ngữ pháp cứng đầu, không dễ dàng chịu khuất phục, để anh sắp xếp thành một trật tự câu có cả đàn những danh từ, động từ, tính từ, đại từ.
Trường Tiếng Ba Lan ở Lodz đối với một người đến từ châu Á xa xôi, mới chỉ là một cuộc thám hiểm đầu tiên. Cuộc chiến để hiểu biết các từ, ý nghĩa của chúng, sự tinh tế của ngôn ngữ, mới chỉ là bước đầu. Mà anh lại mong muốn chiếm lĩnh vị trí xuất phát tốt nhất. Anh hỏi đi hỏi lại, anh nghiền ngẫm, anh so sánh, anh phân tích. Mỗi cách học đều tốt: xem bóng đá ở phòng tivi công cộng, đi làm thêm ở hợp tác xã sinh viên hay đi đến rạp xem phim. Khi học năm cuối cùng, anh cho tôi xem đề cương luận văn tốt nghiệp cử nhân của anh, tôi hiểu ra rằng anh đã ở tiền sảnh ngôi nhà tiếng Ba Lan, rằng trong cuộc chiến với tiếng Ba Lan, anh đã giành chiến thắng. Bây giờ anh có thể hưởng thụ cái tiếng Ba Lan ấy, nhận ra những ngõ ngách và những nét nghĩa tinh tế của các từ, cụm từ, những câu thành ngữ, cách ngôn. Sự say mê ngôn ngữ và đất nước Ba Lan ở anh là một hành trình không ngừng nghỉ. Việc Nguyễn Chí Thuật được công nhận công dân Ba Lan vào năm 2014 không làm thay đổi điều gì ở anh. Mức độ “điên cuồng” vì Ba Lan, vì những gì là Ba Lan ở anh được nâng lên đến giới hạn mang tính trí tuệ và tinh thần, đồng nhất với giữ gìn bản sắc. Các từ “Ba Lan”, “của Ba Lan” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhan đề các bài thơ anh viết thẳng bằng tiếng Ba Lan. Ở một trong những bài thơ đó, anh bày tỏ: “Tôi không thể/nói với người yêu tôi/rằng em là cả cuộc đời anh/bởi như thế thì Ba Lan của anh/sẽ ra sao/nó là một phần không nhỏ/cuộc đời anh/lại còn miếng bánh mì Ba Lan/ngọt bùi, cay đắng. Một đoạn trong bài thơ khác kết thúc bằng câu hỏi mang đầy hàm ý: “Tôi hát quốc ca Ba Lan/khi các cầu thủ của chúng ta/nhận huy chương vàng/đứng trên bục cao nhất/bài quốc ca có cái gì, mà làm tôi lạnh cả sống lưng. Bài “Chỉ là người Ba Lan một nửa”, rút trong tập Xuôi dòng Warta.
Ảnh: Nhà báo Andrzej Smyczek (Tác giả bài viết)
Nguyễn Chí Thuật có rất đông bạn bè Ba Lan. Nhiều người trong số bạn bè tôi đã được thưởng thức những món ăn đặc sản Việt Nam mà Nguyễn Chí Thuật và Kim Miên, vợ anh, đã nấu. Tôi cũng đã nhiều lần được tham dự các cuộc gặp mặt đón Năm Mới Việt Nam tổ chức tại Ba Lan. Cũng có khi tôi cùng các bạn Việt Nam trang trí cây thông Noel. Còn ở Việt Nam, ông già Noel cũng không ít lần “ghé qua” nhà anh ấy. Khi cô con gái Hương Châu của anh còn bé, chắc cháu đã được nghe bố kể những câu chuyện cổ tích Ba Lan. Hương Châu đã mấy lần đến thăm quê hương Sô-panh. Những năm gần đây, khi đã rời Ba Lan về nước, chắc hẳn giáo sư Nguyễn Chí Thuật muốn kể về Ba Lan cho hai đứa cháu ngoại nghe và cho chúng xem những hình ảnh về một đất nước mà ông ngoại chúng đã sống và làm việc.
Nhưng ý muốn, dự định và cố gắng thể hiện mình ở Ba Lan không có nghĩa là phải vứt bỏ bản sắc mà mình vẫn giữ từ trước đến nay. Trong bài thơ “Phát hiện bản thân”, viết ngay sau vụ tai nạn máy bay chuyên cơ chở Tổng thống Ba Lan và phu nhân xảy ra ở Smolensk, ông bày tỏ lòng mình: “(...)Trong bất hạnh của người khác/tôi đã phát hiện ra/rằng tôi vẫn còn biết khóc!/Tôi không cần đến/một tâm hồn Xlavơ/Trái tim Việt Nam của tôi/là hoàn toàn đủ”. Vấn đề bản sắc đã được nhà thơ giải quyết với giọng điệu hầu như của người đang cầu nguyện: “Ba Lan ơi/tôi rất yêu Người/không bao giờ tôi ngừng yêu Người cả/nhưng hãy cho phép tôi/chỉ là người Ba Lan một nửa/một nửa người Việt kia/tôi sẽ phải giữ lại/cho những người thân yêu nhất/Mẹ tôi, Vợ tôi và Con gái” (rút trong tập “Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta”).
Cái bản sắc mới mang tính chất hành chính này nhà thơ hầu như được trao ngay lập tức. Nhưng cái bản sắc mang tính tâm hồn thì phải qua nhiều năm hun đúc, qua rất nhiều trải nghiệm, rất nhiều quan sát, quan hệ, nắm bắt, thất vọng và suy ngẫm, mới có được.
Khi mới tới đất nước Ba Lan, mọi chuyện không đơn giản. Những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông được phân chia thành nhóm nhỏ, tản về các cơ sở có dạy tiếng Ba Lan. Đất nước Ba Lan không xa lạ với họ. Chiến tranh chống xâm lược Mỹ kéo dài. Các nhà văn Ba Lan đến Việt Nam sống và viết. Họ muốn chứng kiến tận mắt thực tế chiến tranh, thấy những người Việt Nam bằng xương bằng thịt, muốn trở thành nhân chứng các sự kiện. Viết về Việt Nam khi đó có các nhà văn: Zukrowski, Fiedler, Gielzynski, Warnenska. Không cần phải nghi ngờ việc họ đứng về phía ai.
Sau chiến thắng của bộ đội cụ Hồ ở Điện Biên Phủ, đoàn nghệ thuật dân tộc Mazowsze của Ba Lan đã sang Việt Nam biểu diễn. Bài hát “Kukuleczka kuka” gây ấn tượng lớn. Việt Nam đã thừa nhận rằng Ba Lan – như cách nói bây giờ - thật ngầu. Sự cảm tình dành cho một đất nước được coi là đặc biệt hữu nghị với Việt Nam đã được thể hiện rõ ở cách gọi tên Ba Lan trong tiếng Việt: Ba bông hoa lan. Liệu có đất nước nào khác trên thế giới sở hữu cái tên đẹp hơn không?
Không chỉ đối với chúng tôi, những sinh viên đầu thập kỷ 70, mà rất nhiều người Ba Lan nói chung, Việt Nam gợi nhớ đến sự ác liệt, tàn bạo của cuộc chiến tranh đang diễn ra: rừng cháy lụi bởi bom napal, những con người thân hình nhỏ bé khoác trên vai khẩu ca-bin nặng nề, các cuộc bình định đẫm máu nhằm vào xóm làng Việt nằm rải rác hai bên sườn núi xanh, những cánh đồng lúa, trên đó có những người đội mũ rơm rộng vành, lội bùn bì bõm, dưới nắng mưa cấy gặt. Các sinh viên đến đất nước chúng ta hồi đó, đáng lẽ phải với dáng điệu mệt mỏi, chán chường. Vậy mà trên khuôn mặt họ luôn ánh lên sự thân thiện, nét vui tươi. Nguyễn Chí Thuật và anh bạn cùng học, Nguyễn Văn Âu, người miền Nam (rất tiếc nay không còn nữa), các nam nữ sinh viên theo học ngữ văn Ba Lan và các ngành khác, luôn nở nụ cười tươi. Có lẽ - như Czeslaw Milosz đã viết – (...)có một ranh giới của sự khổ đau/mà phía sau nó/nụ cười hiền bắt đầu.
Đây
là sự va đập của hai thái độ trái ngược nhau đối
với thế giới: một bên là thế giới Nho giáo ưa bình
yên và một bên là thế giới Xlavơ xôi xục, thiếu kiên
nhẫn và thận trọng bề ngoài, luôn vội vã, thế giới
của thiện chí, lịch thiệp, nhưng không phải lúc nào
cũng tinh tế, khá thoải mái trong phong cách sống. Rất
may là sự va đập đó không gây ra những hậu quả tiêu
cực. Ngược lại, một trạng thái hấp dẫn lẫn nhau đã
được tạo ra. Bằng chứng là nhân dịp Tết nguyên đán,
các bạn Việt Nam mời các bạn Ba Lan đến dự. Rồi
chính họ lại được mời đến chung vui với các bạn Ba
Lan trong các cuộc gặp gỡ bạn bè.
Con
đường đi tới những thế giới mới được chính những
người dẫn đường mở ra. Thì ra hướng dẫn viên văn
học của Nguyễn Chí Thuật là Wladyslaw Broniewski. Trong các
bài thơ của tác giả Hãy
giương lê!
vang lên những giai điệu – hay – dùng khái niệm phù
hợp hơn – những loạt đại bác – gần gũi với trái
tim người Việt. Nguyễn Chí Thuật đã dành cả chục
trang viết trong luận văn cử nhân của mình để so sánh
tác phẩm của nhà thơ cách mạng Tố Hữu với tác phẩm
thơ của người lính quân đội Pilsudski là Wladyslaw
Broniewski. Các bài thơ của Broniewski thuộc thể loại thơ
anh hùng ca, nên đối với một người mà đất nước
Việt Nam của mình đang ngập chìm trong khói lửa chiến
tranh, nhưng cái gì liên quan đến Ba Lan cũng muốn biết,
thì sự tương đồng giữa hai nhà thơ về cả các yếu
tố văn học và những yếu tố ngoài văn học, đều dễ
tiếp nhận, hấp thu và mở ra nhiều khả năng phân tích.
Học vị tiến sĩ ngữ văn Ba Lan, Nguyễn Chí Thuật được trao sau khi bảo vệ thành công luận án mang tên “Chủ đề yêu nước và cách mạng trong văn học Ba Lan và văn học Việt Nam” tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Varsava. Khi bước chân trên con đường dịch thuật, Nguyễn Chí Thuật đã chạm tay vào các nhà văn và tác phẩm thuộc nhiều thời kỳ và xu hướng văn học khác nhau. Anh dịch thơ Adam Mickiewicz, sau đó Galczynski, Tuwim, Staff, Szymborska và Rózewicz. Anh đọc tất cả những gì tình cờ rơi vào tay mình, từ tạp chí đến báo ra hàng ngày. Anh dịch những gì anh cho là quan trọng. Ở Việt Nam, mỗi khi có một tác phẩm được in, anh đã có sẵn cái cần phải dịch tiếp theo. Khi nào anh cũng sẵn sàng đương đầu với những thử thách nối tiếp nhau.
Mở đầu cho việc dịch những tác phẩm dài hơi hơn, anh đã dịch tiểu thuyết Chết giữa tam giác những sai lầm của Kazimierz Kozniewski, rồi đến Nghệ sĩ dương cầm của Wladyslaw Szpilman. Trong tài sản dịch thuật của mình, anh có hai tập truyện ngắn của các tác giả Ba Lan. Chùm thơ của Karol Wojtyla và bài viết khắc họa chân dung nhà thơ - Giáo hoàng Giăng Pôn II đã gây tiếng vang khá lớn trên báo chí Việt Nam và mang lại ít nhiều danh tiếng cho dịch giả. Khi Giáo hoàng qua đời, Ban Tiếng Việt của đài BBC Luân Đôn đã đề nghị anh chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn từ xa.
Các kế hoạch liên quan đến cố gắng đưa văn học Ba Lan gần lại với độc giả Việt Nam ngày càng thể hiện những tham vọng lớn lao hơn. Nhưng cũng cần phải có cái để sống mà làm việc, mà dịch sách, bởi lẽ ngay cả việc dịch những cuốn sách xuất sắc nhất của văn học Ba Lan, công việc này cũng không thể là nguồn sống chính. Vì vậy nơi lý tưởng nhất để in các bản dịch vẫn là báo chí Việt Nam. Bài viết được in nhanh và đến tay nhiều bạn đọc. Các nhà xuất bản trả nhuận bút chỉ mang tính tượng trưng. Còn những người xuất bản báo thì trả tiền khá hơn. Không có tờ báo danh tiếng nào ở Việt Nam không in các bài báo viết về đề tài văn học. Báo chí trong nước quan tâm khá lớn đến các bản dịch văn học Ba Lan. Những người Việt nhiều thế hệ học ngữ văn Ba Lan hay các ngành khác đã tạo ra ở Hà Nội cả một đội ngũ những người biết tiếng Ba Lan. Ở thủ đô Việt Nam và nhiều thành phố trong cả nước, những người từng học tập, nghiên cứu ở Ba Lan đã vượt qua con số bốn ngàn người. Không ít người trong số họ làm việc trong các tòa soạn báo. Ở một mức độ nhất định, có thể nói chính những người này đã góp phần tạo nên gu đọc và chính họ đã buộc các dịch giả phải làm việc tích cực hơn.
Nhiều dự định lẽ ra sẽ được hiện thực hóa nhanh hơn nếu như một số trường đại học, trong đó có Đại học Hà Nội khi Nguyễn Chí Thuật ở Việt Nam và Đại học mang tên Adam Mickiewicz ở Poznan, khi ông hầu như đã thả neo ở Ba Lan, không đề xuất nhu cầu sử dụng kiến thức của Tiến sĩ, sau đó là Giáo sư Nguyễn Chí Thuật. Tôi đã không ít lần được chứng kiến cảnh một dịch giả tỏ ra lúng túng, thiếu tự tin khi những trang cuộc đời đẩy ra xa những dự án dịch những trang văn.
Ảnh: Nhà văn, dịch giả Nguyễn Chí Thuật (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ trao tặng danh hiệu Đại sứ tiếng Ba Lan (bên phải là nhà văn Olga Tokarczuk, Nobel Văn học 2018).
Nguyễn Chí Thuật “phát hiện” ra Ryszard Kapuscinski vào những năm cuối của thập kỷ 80. Khi đó ông biết đến sự tồn tại trên đời của nhà văn kiệt xuất này nhờ cuộc trò chuyện với Maria Elzbieta Sajenczuk, giáo viên dạy tiếng tại Trung tâm Tiếng Ba Lan dành cho người nước ngoài ở Lodz, người từng có nhiều năm công tác tại Việt Nam. Cô bạn thân thiết ấy đã tặng Nguyễn Chí Thuật cuốn Hoàng đế và khuyến khích ông dịch nó ra tiếng Việt. Cũng trong buổi trò chuyện đó, hai người bạn thân đã viết cho tác giả Hoàng đế bức thư chung, xin gặp nhà văn một buổi.
Hoàng đế và tác giả của nó là sự phát hiện “động trời. (...) tôi cảm thấy như mình vừa phát hiện ra một thế giới mới. Phát hiện bên ngoài và phát hiện trong lòng mình. Cuốn sách của Kapuscinski nêu ra vấn đề liên quan đến những chuyện thường nhật, nêu ra câu hỏi, liệu cái nghèo của các xã hội bị áp bức phải chăng là hiện trạng không thể đảo ngược được. Nó kể về đất nước Etiopia, nhưng lại chỉ ra những điều vô lý của mỗi một hệ thống toàn trị” – ông viết sau đó trong bài “Hai định mệnh” in trong loạt sách “Du ngoạn cùng Ryszard Kapuscinski”, phần 2, do Bozena Dudko biên soạn.
Cuộc gặp gỡ với Ryszard Kapuscinski được dịch giả coi là sự kiện quan trọng trong toàn bộ cuộc đời mình. Khi nhà văn Ba Lan, lúc đó đang rất nổi tiếng sau việc xuất bản tác phẩm Hoàng đế, hồi âm thư mình, Nguyễn Chí Thuật biết rõ, đó là sự đồng ý gặp gỡ và trao đổi. Những cuộc gặp như thế còn diễn ra thêm mấy lần nữa. Một trong số đó là lần Nguyễn Chí Thuật đến thăm nhà văn Ba Lan được coi là vua phóng sự tại nhà riêng của ông ở Varsava. “Ông mời tôi ngồi trong phòng làm việc của ông/nơi ngoài sách chẳng có gì đáng giá/ông tự mình đun nước/pha trà/và tự tay rót ra chén trà thơm ngào ngạt” – đây là những câu chúng ta có thể đọc được trong bài thơ mang tính hồi ức viết dưới nhan đề “Ryszard Kapuscinski” của Nguyễn Chí Thuật. Và đoạn tiếp theo: “Chắc hẳn ông vẫn quanh quất đâu đây/kiên nhẫn nghe, thỉnh thoảng gật đầu/và ngay sau đó đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi/cho dù khi đó tôi chẳng là ai”.
Trước khi Nguyễn Chí Thuật dịch Hoàng đế ra tiếng Việt, ông đã có những năm tháng để lại dấu ấn khi các trích đoạn, những câu chuyện kể, những bài giới thiệu về Kapuscinski được đăng tải trên báo chí Việt Nam – nhật báo, tuần báo đến nguyệt san văn học. Năm 2008, kỷ niệm một năm ngày mất của Ryszard Kapuscinski, tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam đã dành nhiều trang viết để nói về nhà văn Ba Lan được văn học thế giới tôn vinh là vua phóng sự. Tác giả phần lớn các bài viết in trong số này là Nguyễn Chí Thuật. Sau sự kiện đó, bạn đọc Việt Nam đã được chuẩn bị tốt để đón nhận các tác phẩm quan trọng nhất của Kapuscinski. Bằng chứng là việc xuất bản cũng vào năm đó tác phẩm “Du hành cùng Herodotus” do Thái Linh dịch.
Nếu đối với Nguyễn Chí Thuật, Wladyslaw Broniewski trong cuộc chinh phục văn học Ba Lan của dịch giả Việt Nam, giữ vai trò con tàu phá băng thì Ryszard Kapuscinski là con tàu xuyên Atlantich, con tàu đã đưa ông vào những không gian mới. Nhà văn Ba Lan trở thành thần tượng, thành bậc thầy của dịch giả Việt Nam. Thậm chí trong phương pháp làm việc, giữa hai người cũng có những điểm tương đồng. Bằng chứng là ở cả hai người, trước khi có cái gì đó được viết ra trên máy chữ hay máy tính, chúng đã được ghi chép bằng viết tay trên giấy.
Những người làm xuất bản ở Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận mọi gợi ý về xuất bản những cuốn sách tiếp theo của Kapuscinski. Những năm gần đây, tác giả Hoàng đế đã có vị trí cố định trong trái tim nhiều người Việt, bên cạnh những đồng hương vĩ đại của ông: Fryderyk Szopen, Adam Mickiewicz, Henryk Sienkiewicz hay Wislawa Szymborska – dịch giả Nguyễn Chí Thuật đã viết như vậy trong bài “Hai định mệnh”. Ông chưa nhắc đến nhà văn Ba Lan, người đã “hút hồn” ông trong suốt nhiều năm – Boleslaw Prus. Chính tác phẩm Búp bê của nhà văn này, bên cạnh Hoàng đế, là bức tượng đài cao trong toàn bộ tài sản dịch của Nguyễn Chí Thuật.
Người bạn thân thiết của tôi, giáo sư Nguyễn Chí Thuật, lẽ ra đã có thể dừng lại để nghỉ ngơi. Thậm chí anh có thể khước từ hoàn toàn công việc dịch thuật. Bởi vì những gì anh đã đạt được là không hề nhỏ. Vì những thành tựu dịch thuật ấn tượng của mình, anh đã được trao tặng những phần thưởng cao quý ở cả Việt Nam lẫn Ba Lan. Một trong số các tài sản vô đó là danh hiệu “Đại sứ tiếng Ba Lan ở nước ngoài” do Hội đồng tiếng Ba Lan thuộc Đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan kiến nghị, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ba Lan phê chuẩn. Anh cũng nhận được các giải thưởng cho hai tập thơ viết bằng tiếng Ba Lan. Nhưng anh đã không nghĩ đến chuyện giảm tốc trong công việc dịch thuật của mình. Bằng chứng là bài viết về Ryszard Kapuscinski với tư cách nhà thơ và chùm thơ minh họa đã được in ở Việt Nam. Anh đã kịp tặng cho bà quả phụ Alicja Kapuscinska một bản Tạp chí Thơ trước khi anh rời Ba Lan về nước. Hiện nay, theo đề nghị của nhà xuất bản Văn Học, anh đang dịch lại tiểu thuyết Con hủi của Helena Mniszkowna. Trước đó anh dịch và in Rừng bạch dương của Jaroslaw Iwaszkiewicz. Sau khi Olga Tokarczuk được trao Nobel văn học, anh tỏ ra rất vui mừng và tự hào vì mình quen biết nữ nhà văn này. Và nhiệt tình dịch trong anh lại dâng cao.
Nguyễn Chí Thuật có lần tâm sự với tôi: “Đôi khi tớ nghĩ, sau Búp bê và Hoàng đế, tớ sẽ chẳng còn gì để mà vươn tới nữa”. Khi đó tôi đã nói với Thuật: “Văn học Ba Lan luôn tạo ra những điều bất ngờ. Nó sẽ không để cho cậu yên đâu”.
*Andrzej Smyczek, nguyên phóng viên nhật báo Dziennik Lodzki,
nguyên Tổng biên tập tuần báo Tin tức Skierniewice.
Bình luận