Tượng Nàng Tiên Cá (Syrena) bên bờ sông Wisła
Nhiều người biết tượng đài Nàng tiên cá trên bờ sông Wisla ở Vác-sa-va, nhưng rất ít người biết là khuôn mặt của Nàng tiên cá trên tượng đài đó là khuôn mặt cô gái Krystyna Krahelska (1914-1944) – nữ hướng đạo, nữ thi sỹ và là một chiến sỹ Quân đội Quốc gia (Armia Krajowa - AK) với biệt danh "Danuta". Cô đã tham gia và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va năm 1944. Cô cũng là tác giả của một bài hát phổ biến nhất của nước Ba Lan kháng chiến, bài hát "Hej chłopcy, bagnet na broń!" (Nào, hãy dương lê lên đầu súng, hỡi các chàng trai!).
Krystyna Krahelska
Krystyna Krahelska sinh ngày 24-3-1914 trong một gia đình trí thức ở vùng Mazurki, trên bờ sông Szczara ở gần Baranowicz. Cha cô, ông Jan Krahelski là kỹ sư, sau đó là sỹ quan Quân đội Ba Lan, huyện trưởng và sau đó là tỉnh trưởng tỉnh poleskie vào các năm 1926-1932, mẹ cô Janina Bura là một nhà sinh học.
Cô tham gia hướng đạo từ năm 1928. Năm 1932 cô tốt nghiệp phổ thông trung học và từ tháng 10-1932, cô là sinh viên sử-địa và sau đó học nhân chủng ở Khoa Xã hội ĐHTH Vác-sa-va và tốt nghiệp vào tháng 5-1939. Năm 1936-1937 cô làm người mẫu cho nữ điêu khắc gia Ludwika Nitschowa, tác giả của tượng đài Nàng tiên cá.
Cô viết thơ và các bài hát từ năm 1928. Bài hát nổi tiếng nhất "Hej chłopcy, bagnet na broń!" cô viết vào tháng 1 năm 1943 cho các chiến sỹ đơn vị „Baszta”. Nó đã trở thành bài hát kháng chiến và bài hát nổi tiếng nhất của cuộc Khởi nghĩa Vác-sa-va:
„Hej, chłopcy, bagnet na broń!
Długa droga, daleka przed nami,
Mocne serca, a w ręku karabin,
Granaty w dłoniach i bagnet na broni!”
Dịch nghĩa:
„ Nào các chàng trai, hãy dương lê
Con đường còn dài và xa trước mắt chúng ta
Ta đi với các trái tim quả cảm và súng trên vai
Lựu đạn trong lòng bàn tay và lưỡi lê trên đầu súng”
Cô là y tá, một chiến sỹ Quân đội Quốc gia (Armia Krajowa - AK) trong cuộc Khởi nghĩa Vác-sa-va và đã hy sinh đêm 2-8-1944 vì các vết thương ngay trong ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa (1-8-1944).
Tác giả tượng đài Nàng Tiên cá là bà Ludwika Nitschowa. Tượng được làm do sáng kiến của ông thị trưởng thành phố Stefan Starzyński. Ông đã dành cho nữ điêu khắc một xưởng trống ở Liên hợp lọc nước (Zespoł Stacji Filtrów) và thành phố bỏ chi phí làm đài kỷ niệm. Tượng đài thể hiện nàng tiên cá với thanh kiếm và tấm đỡ. Trên tấm đỡ có hình đại bàng và xung quanh có dòng chữ „Warszawa”. Để tạo hình đầu và thân nàng tiên cá trong các năm 1936–1937, bà Ludwika Nitschowa đã lấy mẫu cô sinh viên ngành Nhân chủng học của trường Đại học Tổng hợp Vác-sa-va Krystyna Krahelska. Thánh 5 năm 1937, mô hình thạch cao đã được giới thiệu ở Viện Quảng bá Nghệ thuật trong cuộc trưng bầy Điêu khắc toàn Ba Lan lần thứ nhất.
Ban đầu họ dự định làm tượng đài bằng thủy tinh xanh cao 20 mét đặt giữa lòng sông Wisła, nhưng công trình quá tốn kém và gặp khó khăn về kỹ thuật. Cuối cùng, họ quyết định đặt tượng đài bình thường bên bờ sông. Bức tượng cao 2,75 m làm bằng đồng thau trong Xí nghiệp của anh em nhà Łopieńscy năm 1938. Tượng đài Nàng tiên cá đặt trên phố Wybrzeże Kościuszkowskie, song song với dòng chảy của sông Wisła. Vị trí đặt tượng có liên quan đến câu chuyện truyền thuyết về biểu tượng của thủ đô.
Tượng đài khánh thành ngày 29-6-1939. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, cả hai tượng đài nàng tiên cá không nằm trong danh sách bị tháo dỡ và chúng cũng không bị hủy hoại trong cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va. Có lẽ một phần là vì các tượng đài đều nằm dọc bờ sông mà từ năm 1944 là chiến tuyến. Tuy vậy tượng đài vẫn có một số chỗ nứt đã được sửa lại mà không tháo khỏi bệ và năm 1949.
Năm 1966 tượng đài được sửa lại, thêm bồn phun nước. Năm 1985 ở gần tượng đài, một chiếc cầu tạm mang tên Syrena (Nàng tiên cá) được công binh xây ở phố Tamka, năm 2000 cầu được thay bằng cầu Świętokrzyski.
Khuôn mặt cô Krystyna Krahelska còn mãi cùng với tượng đài Nàng Tiên cá.
QV (theo: http://www.polskatimes.pl/artykul/3377529,100-lat-temu-urodzila-sie-krystyna-krahelska-to-jej-twarz-ma-warszawska-syrenka-zdjecia-video,id,t.html
và https://pl.wikipedia.org/wiki/Pomnik_Syreny_w_Warszawie_(Powiśle))
Bình luận