Ông Wieslaw Rozanski giới thiệu về chiến dịch quảng bá về hương vị thực phẩm Châu Âu. Ảnh: Lê Quang Vinh
Trong khuôn khổ chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu”, ngày 21.3.2014, tại Hà Nội, Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt Châu Âu (UPEMI) đã có cuộc hội thảo về lĩnh vực nói trên, với sự phối hợp tổ chức của Đại sứ quán nước Cộng hoà Ba Lan tại Việt Nam.
Những nhà tổ chức hội thảo cho biết: Chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” do UPEMI thực hiện nhằm quảng bá ưu điểm, chất lượng và các nguyên tắc sản xuất thịt tươi, làm lạnh hoặc đông lạnh thịt bò/thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt kéo dài trong 36 tháng, từ 24.7.2013 đến 23.7.2016 tại các thị trường mục tiêu, gồm: Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo ông Wieslaw Rozanski - Chủ tịch UPEMI, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ xúc tiến thực phẩm Ba Lan: Đây là sự tiếp nối chiến dịch quảng bá mang tên “Bàn ăn đầy hương vị” đã được UPEMI tiến hành tại Hoa Kỳ và Hàn Quốc, kết thúc cách đây khoảng 4 năm.
Còn ông Wojciech Gerwel - Tham tán kinh tế Đại sứ quán Cộng hoà Ba Lan tại Việt Nam - cho hay: “Từ khi tham gia EU, Ba Lan đã có những giải pháp cải tổ toàn diện về hoạt động kinh tế, chú trọng việc trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp. Do vậy, dù kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nền kinh tế của Ba Lan vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Ba Lan có thế mạnh về sản xuất nông sản và được ví như “một giỏ bánh mì của Châu Âu”.
Tất nhiên, để cung ứng cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt, Ba Lan phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về tiêu chuẩn Châu Âu. Để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, trong năm nay và năm tới, hai bên sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến tăng cường xuất khẩu…
Bà Agnieszk Rózanska phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Agnieszk Rózanska - người đề xuất chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” -cho biết: Hiện có 48 công ty của Ba Lan được phép xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Dù vẫn tăng, nhưng số lượng xuất khẩu không ổn định, do thị trường EU và Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều biến động. Chúng ta cần phải phối hợp để cải thiện điều này…”.
Trước ý kiến cho rằng, bấy lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam thường quen sử dụng sản phẩm thịt bò của Australia, New Zealand hay Hoa Kỳ, thì nay, trên đường tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm thịt bò của Châu Âu nói chung và của Ba Lan nói riêng, cũng chưa dễ từ bỏ thói quen đó…
Bà Agnieszk Rózanska cho rằng: “Nói chung, chất lượng thịt bò của Ba Lan và các nước khác không có nhiều sự khác biệt. Thịt bò của Ba Lan đã được xuất khẩu sang 70 quốc gia và được người tiêu dùng ở các nước đó chấp nhận. Ưu điểm của sản phẩm thịt bò, thịt lợn của Ba Lan là được sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu. Hơn nữa, khi các sản phẩm này được nhập vào Việt Nam còn phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam…”.
Đại diện Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương Việt Nam) và VP Uỷ ban Codex Việt Nam - Bộ NNPTNT Việt Nam - đã có mặt dự hội thảo. Được biết, Việt Nam nằm trong số 187 quốc gia thành viên của Codex quốc tế - một tổ chức được FAO và WHO thành lập - nhằm bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, tạo điều kiện thực hành công bằng trong thương mại thực phẩm và điều phối các công tác tiêu chuẩn thực phẩm…
( Lê quang Vinh/Lao động)
Bình luận