KỲ 1
Khoa học: bằng chứng của tự nhiên
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người công khai sự thật với xã hội mình là người đã chuyển giới tính: chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, nhà thiết kế trẻ Franky Nguyễn, ca sĩ Khanh Chi Lâm...
Chuyển giới tính nam – thành – nữ (male – to – female transsexualism) là khi một người là nam hoàn toàn về mặt sinh học lại tin rằng mình là nữ, hồn nữ mà xác nam, nên muốn được chuyển cơ thể thành nữ. Chuyển giới tính nữ – thành – nam (female – to – male transsexualism) là người nữ hoàn toàn về mặt sinh học nhưng luôn tin mình là nam, muốn được chuyển cơ thể thành nam. Người chuyển giới tính có ước muốn mãnh liệt là được có giới tính của bản thân bằng phẫu thuật và nội tiết tố. Họ muốn được sống một đời sống xã hội, nghề nghiệp, luật pháp và tình dục theo giới tính của họ, muốn được hoà nhập, được mọi người nhìn nhận họ thuộc về giới tính kia, được có cơ quan sinh dục của giới tính kia (nam muốn được nhìn nhận là nữ và nữ muốn được công nhận là nam).
Các yếu tố quyết định giới tính
Về mặt sinh học, sự khác biệt giữa giới tính nam hay nữ dựa vào bốn yếu tố: cặp nhiễm sắc thể giới tính XX (nữ) hay XY (nam), tuyến sinh dục là buồng trứng (nữ) hay tinh hoàn (nam), nội tiết tố sinh dục nữ (estrogene và progesterone) hay nam (testosterone) và cơ quan sinh dục là dương vật hay tử cung – âm đạo. Tuy nhiên, các yếu tố trên vẫn chưa đủ mà chính bộ não là yếu tố quyết định để một người nhận dạng bản thân mình là nữ hay nam.
Vì sao lại bị chuyển giới tính?
Tại Hà Lan, số người muốn chuyển giới tính là là 1/11.900 ở nam giới và 1/30.400 ở nữ giới.
Chưa ai hiểu điều gì đã xảy ra trong quá trình hình thành giới tính, để sinh ra cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy. Theo giáo sư Gooren, người Hà Lan, một bác sĩ nam khoa đầu ngành của thế giới mà tôi từng theo học, thì tại vùng hypothalamus trong não có một trung tâm chi phối về giới tính. Trong khoảng thời gian bào thai và một – hai năm đầu đời, trung tâm này có thể bị mã hoá theo kiểu nữ hay theo kiểu nam. Một khi đã mã hoá xong thì vô phương thay đổi. Các nghiên cứu trên não của những người chuyển giới tính đã chết cho thấy não của người chuyển giới tính nam – thành – nữ thay vì có những tế bào của người nam, thì lại có những tế bào giống của người nữ. Đây là bằng chứng cho thấy người chuyển giới tính không phải là người bệnh tâm lý, ước muốn quái gở, mà thật ra họ đã được thiên nhiên tạo ra như vậy rồi.
Điều trị chuyển giới tính (tại Hà Lan)
Quá trình điều trị là một chuỗi điều trị tâm lý – nội tiết – phẫu thuật, trong đó phẫu thuật chỉ là một mắt xích. Mắt xích quan trọng nhất là nội tiết trị liệu vì nội tiết tố giúp cho các thay đổi thuận lợi về tâm lý và cơ thể trước khi phẫu thuật, và nội tiết tố cần được duy trì cả đời, trước lẫn sau khi phẫu thuật.
Giai đoạn sáu tháng “thử việc”: trong sáu tháng trắc nghiệm tâm lý, họ phải ăn mặc như nữ (nếu là nam) và như nam (nếu là nữ). Sau khi nghe bác sĩ tâm lý giảng giải về mọi khó khăn có thể sẽ gặp (mất gia đình, mất bạn, mất việc và bị các tác dụng phụ của nội tiết tố giới tính) thì khoảng 40% bệnh nhân bỏ cuộc.
Trong giai đoạn sống thử hai năm, họ sẽ được điều trị bằng nội tiết tố giới tính. Nội tiết tố sẽ giúp cơ thể họ thay đổi. Tuy nhiên, có những cơ quan không thay đổi được như dương vật không thể ngắn lại, dù âm vật lại có thể dài ra thêm 3,5 – 6cm sau một năm điều trị; hay bộ ngực phụ nữ không thể nhỏ bớt dù vú đàn ông to ra được. Ở người nam – thành – nữ, lông cơ thể giảm bớt rõ rệt nhưng râu giảm ít hơn. Testosterone giúp lông trên cơ thể người nữ – thành – nam phát triển nhiều hơn sau một năm. Tinh hoàn thường giảm 25% thể tích sau một năm điều trị. Sự phân bố mỡ của cơ thể cũng thay đổi dưới tác động của nội tiết tố nữ. Tuy nhiên đối với người nữ – thành – nam thì nội tiết tố nam lại không làm giảm được lượng mỡ cơ thể. Ngoài ra, nội tiết tố sinh dục không làm thay đổi bộ xương. Testosterone làm kinh nguyệt ngưng sớm ngay sau khi điều trị, đồng thời giúp giọng nói của người nữ – thành – nam trở nên “vỡ giọng”, trầm hẳn sau ba tháng dùng thuốc, nhưng estrogene lại không thể giúp giọng của người nam – thành – nữ trở nên thanh tao được. Những người này cần có các bài tập về giọng nói.
Giai đoạn phẫu thuật: sau hai năm dùng nội tiết tố, khi các cơ quan đã thay đổi tới giới hạn, một hội đồng y khoa với các chuyên viên nội tiết, tâm lý, phẫu thuật sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng từng hồ sơ một. Bệnh nhân nào đủ điều kiện thì họ sẽ chuyển qua giai đoạn 3: phẫu thuật cắt bỏ bộ sinh dục cũ và tạo bộ sinh dục mới. Tiến sĩ Hage, thầy dạy tôi về phẫu thuật tạo hình bộ sinh dục nam – nữ tại Hà Lan, đã cho tôi xem những tác phẩm y như thật của ông. Giống thật đến mức có hai “cô” sau mổ đã kiếm sống bằng nghề... mại dâm tại khu “lồng kiếng” ở Amsterdam.
Đối với nam – thành – nữ, phẫu thuật đơn giản và dễ thành công hơn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ hai tinh hoàn, cắt bỏ dương vật nhưng giữ lại da. Da này sẽ được khâu lộn lại để tạo thành ống âm đạo. Phẫu thuật kéo dài vài giờ. Ngực bệnh nhân sẽ được “nâng cấp” bằng túi ngực giả. Đối với nữ – thành – nam thì phức tạp hơn rất nhiều. Trước hết là cắt bỏ bộ ngực nữ, tạo hình lại núm vú đàn ông. Kế tiếp bệnh nhân sẽ được cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Sáu tháng sau, họ sẽ được tạo một ống niệu đạo mới từ miệng niệu đạo cũ ra tới khớp mu và khâu bít âm đạo. Hai tinh hoàn nhựa giả được nhét vào chỗ trước đây là môi lớn. Sáu tháng sau nữa, họ sẽ được tạo dương vật mới: đây là khâu khó nhất, kéo dài 8 – 10 tiếng. Có nhiều nơi để lấy da cuộn thành dương vật: cẳng tay, cánh tay, bụng, mặt ngoài đùi, cẳng chân; trong đó nơi thường được chọn là da cẳng tay (mảng da này được gọi là vạt da Trung Quốc). Da cẳng tay được cắt rời, cuộn lại thành hình dương vật, có ống tiểu bên trong, rồi đem nối xuống dưới. Nếu ống da sống tốt, để dương vật cương lên xuống được, sáu tháng đến một năm sau tiến sĩ Hage sẽ mổ lần nữa, nhét thể hang nhân tạo vào trong. Khi cần, ấn một cái nút nhỏ giấu trong bìu thì dương vật sẽ từ từ cương lên. “Xong việc” thì lại nhấn nút này, dương vật sẽ “thu hồi” lại.
Trong quãng thời gian hai – ba năm phẫu thuật, và sau khi đã được mổ hoàn tất, người chuyển giới tính vẫn phải tiếp tục dùng nội tiết tố và được bác sĩ tâm lý theo dõi mãi mãi.
TS.BS Nguyễn Thành Như
SGTT
Bình luận