2012-12-31 05:20:24

Sốc với quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên

Hiện nay, không ít gia đình, con cái đã không còn xem cha mẹ là chỗ dựa an toàn và vững chắc. Trong khi đó, vị thành niên (VTN) trên thực tế lại có khuynh hướng bước vào cuộc sống tình dục từ khi còn quá trẻ, trước khi hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm sinh lý. Các em thật sự rất cần sự hỗ trợ về phía gia đình. Các em càng bộc bạch với cha mẹ nhiều, càng giảm được những hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm cả việc giảm nguy cơ có thai 3 lần so với những trường hợp không tâm sự với cha mẹ.

Cha mẹ quan tâm - con ít có xu hướng hoạt động tình dục sớm

Như đã thông tin ở bài trước, nghiên cứu của GS.BS. Nguyễn Duy Tài cùng nhóm cộng sự về việc xác định tỷ lệ tuổi nữ VTN có thai và các yếu tố nguy cơ, cho thấy trẻ VTN quan hệ tình dục (QHTD) sớm dẫn đến có thai là do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, không áp dụng hoặc áp dụng không thường xuyên các biện pháp tránh thai.  Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên phần lớn là do nữ VTN thiếu sự quan tâm của gia đình.

Kết quả từ nghiên cứu thực tế tại 3 bệnh viện phụ sản ở TP.HCM là minh chứng rõ nét nhất. Đó là, biểu đồ khảo sát sự liên quan giữa khả năng nói chuyện với cha mẹ và sự có thai ở trẻ VTN cho thấy: có tới 57,3% trẻ rất khó khăn để nói chuyện với cha mẹ; trong khi rất dễ dàng chỉ ở con số khiêm tốn là 8%. Bên cạnh đó, cũng từ cuộc khảo sát này cho thấy tỉ lệ trẻ VTN không có sự trao đổi với cha mẹ là rất lớn, chiếm đến 69,3%; nhóm trao đổi thường xuyên chỉ chiếm 2,7% và còn lại 28%  là thỉnh thoảng.

Sốc với quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên 1

Người mẹ có vai trò quan trọng đối với con gái trong đời sống tinh thần cũng như trong kiến thức về quan hệ tình dục và sức khỏe sinh sản

GS.BS. Nguyễn Duy Tài khẳng định: “Càng có mối quan tâm sâu sắc từ cha mẹ, các em càng có nhiều cơ hội trao đổi tâm sự với cha mẹ thì càng giảm khả năng có thai và ít có xu hướng có hoạt động tình dục sớm. Thực tế từ khảo sát, so với những trường hợp không tâm sự với cha mẹ, những trường hợp tâm sự rất dễ với cha mẹ thì giảm nguy cơ có thai 3 lần và những trường hợp tâm sự ít cũng giảm được nguy cơ có thai gần 2 lần”.

 Theo phân tích của GS. Tài, trong các mối quan hệ gia đình có những vấn đề mà ai cũng cho là mình hiểu khá rõ nhưng đôi khi chỉ là sự lầm tưởng. Với câu hỏi: “Ông bà có thể tự cho rằng mình hiểu đến mức nào về con cái trong gia đình mình?”. Có 25,4%  số người được hỏi trả lời hiểu rõ, 40,4% hiểu khá rõ, 26,4% hiểu trung bình, 5,7% chưa rõ hay còn ít, 2% không hiểu về con mình. Điều đó cho thấy còn một bộ phận cha mẹ chưa hiểu rõ về con mình, về tâm tư nguyện vọng của trẻ”.

Chị P.T.D.L, 43 tuổi, buôn bán, thường trú tại Ba Tri, Bến Tre, có con gái 14 tuổi cho hay: “Tôi đi bán về đến nhà thì mệt muốn xỉu còn sức đâu mà trò chuyện. Còn nói chuyện giới tính với con hả? Ngại lắm. Vẽ đường chi cho nó chạy. Dạy nó sử dụng bao cao su hay thuốc ngừa thai càng kích thích nó hơn. Tôi nghĩ chỉ cần kiểm soát chặt chẽ thời gian biểu của nó, bắt nó học càng nhiều càng tốt, để không còn thời gian yêu đương nhăng nhít”.

Còn N.N.G.K, học sinh lớp 9, Khánh Hòa tâm sự: “Nhiều khi em cũng có một số thắc mắc nhưng hỏi gì mẹ em cũng nói lớn lên sẽ biết. Rồi từ khi kế nhà em có bạn đang đi học có thai nên giờ ba mẹ em toàn đưa em đến trường rồi đón về. Ba mẹ em nói chỉ cần em ngoan, đến trường rồi về nhà là không sao hết”.

Với một học sinh nam (lớp 10), trường Đ.T.H, TP.HCM thì: “Ngại lắm. Em cần biết thông tin gì thì lên internet, tìm các trang tư vấn để đọc thôi, chứ hỏi cha mẹ thì e bị nạt là bậy bạ...”.

Đằng nào “hươu” cũng chạy, vậy thì dẫn “hươu” chạy theo đường đúng còn hơn là để “hươu” chạy quàng. Với các nhà chuyên môn, trong việc giáo dục giới tính (GDGT), vai trò của cha mẹ là rất cần thiết. “Không ai hiểu con bằng mẹ”, GS. Tài khẳng định. Với những kinh nghiệm bao nhiêu năm tích lũy, chắc chắn mỗi người đều có một vốn sống nhất định để trao lại cho con mình. Nhưng nói như thế nào cho con hiểu và có thể tiếp thu vẫn là vấn đề mà các bậc làm cha mẹ còn loay hoay đi tìm, hoặc tạm thời bị “gác lại” trước những bộn bề lo toan cuộc sống.

Dạy trẻ kỹ năng sống và cả kỹ năng từ chối

GS.Tài kể lại rằng: “Chúng tôi tiếp cận được 3 bạn tình của các nữ VTN tại các cơ sở y tế. Tất cả các đối tượng đều không còn ở độ tuổi VTN, không quan tâm đến các vấn đề sức khỏe sinh sản. Tất cả cho rằng vấn đề QHTD là sự thỏa hiệp giữa hai bên nhưng thú nhận là do bản thân gợi ý và không thích áp dụng các biện pháp tránh thai”. Một bạn trai nói: “Nếu không có sự đồng ý của bạn gái thì làm sao quan hệ được, vấn đề là ở hai người nhưng thường sau nhiều lần nói, bạn mới đồng ý”.  Một bạn khác nói: “Em không biết nhiều về SKSS, vấn đề tránh thai là do bạn gái phải tính toán phù hợp”.

Được biết, bạn tình của nữ VTN rất đa dạng, từ những người đàn ông có thể có gia đình, ly hôn đến những chàng trai độc thân, thậm chí là tuổi VTN. Vì vậy, đây thực sự không phải là nhóm đối tượng mà chúng ta hy vọng tác động tốt. Do đó, vấn đề mấu chốt chính là nữ VTN cần được trang bị kỹ năng sống và kỹ năng từ chối tốt.

Ai trang bị cho các em? Câu trả lời: cha mẹ không thể đứng ngoài cuộc. GDGT tốt nhất là từ cha mẹ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thuộc lĩnh vực SKSS, GDGT không phải là “một sớm một chiều” mà là một quá trình lâu dài để có được những thông tin chính xác, nó giúp hình thành thái độ, niềm tin và những giá trị về bản ngã, về các mối quan hệ tình cảm. GDGT bao gồm nhiều nội dung: sự phát triển của giới tính, SKSS, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới.

Đặc biệt, GDGT hiệu quả nhất là thực hiện trước khi trẻ bước vào tuổi hoạt động tình dục. Các bước tích cực này sẽ giúp khuyến khích trẻ không SHTD sớm và biết cách SHTD một cách an toàn, giảm thiểu thai ngoài ý muốn ở các em.

Chỉ trang bị kiến thức về giới tính cho con thôi vẫn chưa đủ. Điều quan trọng không kém là trang bị cho con về kỹ năng sống, biết cách “từ chối” những đòi hỏi hoặc những “dụ dỗ” từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng. Thay vì cấm con “không được yêu”, nên dạy con biết yêu sao cho lành mạnh, trong sáng. Thậm chí có thể dạy con cả những biện pháp bảo vệ (tránh thai) để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó, theo phỏng vấn 8 thầy cô trong hai trường (một tại Củ Chi và một tại quận 3, TP.HCM) cho biết: việc GDGT trong nhà trường là hết sức cần thiết, tuy nhiên chương trình chính khóa quá dày nên việc triển khai GDGT thật sự gặp khó khăn;  chương trình còn mang tính phong trào, áp đặt từ các dự án (khi không còn hỗ trợ từ các dự án thì các trường không triển khai).

“Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cụ thể hóa các chương trình giảng dạy SKSS phù hợp với các cấp học, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa trường học và nhân viên y tế chuyên trách SKSS; đặc biệt tận dụng vai trò của phụ huynh trong việc định hướng giới tính cho các em trong giai đoạn nhạy cảm này”, GS. Tài nhấn mạnh.

GIA KHÁNH – BẢO THI (SK&ĐS)

Ở những nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp... GDGT được đưa vào giảng dạy từ rất sớm (từ bậc tiểu học) như một môn học chính thức. Từ cấu tạo, chức năng các “cơ quan giới tính” của nam và nữ, đến những biến đổi của cơ thể khi lớn lên, khi bước vào tuổi dậy thì... đều được lý giải một cách tường tận từ nguyên nhân, đến những trục trặc có thể xảy ra. Các em đã hiểu rõ về cơ thể mình, về những biến đổi ngay cả khi nó chưa đến! Thêm vào đó chương trình còn được lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức nhân nghĩa để trẻ biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.

Sửa lần cuối 2012-12-31 05:24:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook