Những người có vợ con, hạnh phúc đề huề lại còn cải thiện thêm “hạnh phúc ngoài tiêu chuẩn” nói theo góc độ pháp luật là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nói theo dân dã là họ đang làm chuyện “ngoài luồng” hoặc lập “phòng nhì”. Từ ngày có chuyện phạt xe không chính chủ căn cứ vào tờ đăng ký đứng tên thì chuyện “nem chả” được gọi là “tình yêu không chính chủ” cũng căn cứ từ Giấy đăng ký kết hôn. Và quanh chuyện phạt “tình yêu không chính chủ” này cũng lắm chuyện để bàn...
- Rượu xịn thằng cháu em xách tay từ bên Tây về đấy bác ạ. Bác cứ nhận đi rồi cho em thưa chuyện...
- Hàng xóm láng giềng có gì giúp nhau chứ quà cáp, rượu chè làm gì! Chuyện gì vậy?...
Đang tươi cười là thế bỗng chị hàng xóm mặt đỏ phừng phừng, hỏi dồn dập như súng liên thanh, như đại bác cấp tập vào cứ điểm địch:
- Chứ em hỏi bác đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì công an phạt bao nhiêu? Thằng ăn cướp vàng hay lẻn vào nhà người ta trộm cắp, vét sạch của cải thì tù bao nhiêu năm? Nhà có sổ đỏ bỗng có ai đó nhảy vào chiếm đoạt thì thế nào? Rồi...
- Chị làm ơn cho tai tôi nó thở một tý! Chị hỏi dồn dập những câu hỏi chẳng liên quan...
- Hì hì...! Là cái chuyện người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 1 triệu đồng ý...
- Thì liên quan gì tới những là mũ bảo hiểm, sổ đỏ, trộm cắp, cướp của...
- Ối giời bác ôi... Trộm cướp, chiếm đoạt đất đai thì đi tù mà cái đứa ăn trộm, ăn cướp hạnh phúc của người khác lại chỉ bị phạt bằng 1 - 5 lần không đội mũ bảo hiểm hay có đội mà không cài quai thôi hả bác? Cái thằng cướp tiệm vàng nhưng không xả súng bắn ai, bị phát hiện, bỏ chạy mà công an tóm được còn đi tù huống hạnh phúc nhà người ta là vàng, vợ chồng có đăng ký chính chủ đàng hoàng mà nó cướp rồi “sử dụng” giữa ban ngày lại bằng 1 - 5 lần không đội mũ bảo hiểm!
- Rõ là nhà chị này! “5 cái mũ bảo hiểm” là trong trường hợp không nghiêm trọng!
- Vậy thế nào là không gây hậu quả nghiêm trọng hả bác? Cứ phải chết người, án mạng mới là nghiêm trọng hả bác! Nói thật chứ, thà là bị đâm, bị chém hoặc chết đứ đừ chứ sống dở chết dở còn khổ hơn! Bác tính, chồng hay vợ mà có nhân tình nhân bánh thì khác nào tim gan bị đâm, bị chém ngày này qua ngày khác. Về mặt kinh tế thì chuyện tình ái phí nó cũng cướp đi những khoản chi tiêu trong nhà...
Chao ôi, cái chuyện “phạt” này đã có từ năm 2001 với Nghị định 87 chả thấy ai nói gì, vậy mà đề xuất của Bộ Tư pháp tăng mức phạt lên đôi lần lại được thiên hạ quan tâm đến thế! Mừng cái đã vì dân quan tâm đến luật đã ra và có thể ra là dân trí đã cao, rất có tinh thần làm chủ, không thờ ơ với xã hội. Tăng mức phạt lại thắc mắc là còn thấp chứng tỏ một thái độ... Xem ra nhà chị hàng xóm lý sự cũng chả bắt bẻ được, tôi đánh trống lảng:
- Giời ạ, tôi là nhà báo chứ không phải nhà làm luật. Mà sao chị cứ sồn sồn lên thế?
Chả đợi chị hàng xóm giải thích, anh chồng chị quần ống thấp ống cao đã sang, cười hềnh hệch:
- Bác thông cảm! Cũng tại em đang đọc báo thấy tin này tự dưng reo lên rằng “Quá rẻ! Mất có một triệu là... là...”
- Là được bồ bịch thoải mái chứ gì? Bậy!
- Thế em hỏi bác, bác không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, CSGT ở ngã tư phạt bác xong thì cho bác đi, dặn là nhớ mua mũ bảo hiểm hay giữ bác lại đợi người nhà đem mũ đến mới cho đi? Bác đi rồi gặp CSGT khác đi tuần tra ở giữa phố họ có phạt bác tiếp không khi bác xùy cái giấy vừa nộp phạt ra? Luật quy định không phạt hai lần trên cùng một lỗi. Vậy chuyện này nếu ai bị phạt có thế không hay người phạt áp giải kẻ vi phạm về bàn giao cho vợ hoặc chồng? Em nói thế mà nhà em cấu đến đỏ tai, véo đến tím sườn đây này... Hì hì...
- Bác ơi... - Chị vợ rền rĩ, nhà em còn giải thích rằng “chung sống như vợ chồng” tức là phải ở cùng nhau tại địa chỉ thường xuyên, ăn cùng nhau, trả tiền điện nước cùng nhau, xem tivi cùng nhau, cùng gọi nhau dậy và có thể cùng cãi nhau thì mới “như vợ chồng” và lúc đó mới bị phạt. Bồ bịch có khi chỉ đôi ba tiếng không cố định “cùng nhau” ở địa chỉ nào thì chắc không bị phạt!
Tôi cười:
- Đừng có tin anh ấy! “Như vợ chồng” tức là làm cái chuyện chỉ có vợ chồng mới thế mà đối với người khác thì không thể!
Anh chồng cười ngặt nghẽo: - Bác mà nói thế thì... tai bác cũng đỏ, sườn bác cũng tím bây giờ! Hì hì... Em cá với bác 1 ăn 100 rằng như thế thì khó phạt được ai vì không bắt quả tang cái chuyện “như vợ chồng” theo định nghĩa của bác thì không thể phạt được bởi có gõ cửa vào mà thấy họ đang nói chuyện trong phòng khóa trái thì sao phạt được!
Chị vợ rũ rượi:
- Vậy là các ông tha hồ cải thiện khi mà hạnh phúc ngoài luồng, tình yêu không chính chủ không thể kiểm soát? Mấy khi chuyện này bị các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn để mà phạt? Các ông bị cắm sừng, các bà bị mất “tài sản” chính chủ có theo dõi, bắt quả tang lại không thể phạt! Mà chuyện vi phạm này có thể khiến nhiều gia đình tan nát, nhiều trẻ nhỏ bơ vơ vì mất cha, mất mẹ, anh em bị chia lìa...
Anh chồng là tay thương vợ thấy “tình hình rất tình hình” mới nhỏ nhẹ:
- Mẹ nó cứ hay nghĩ xa. Pháp lý là thế nhưng quan trọng là đạo lý vợ chồng! Đánh mất đạo lý thì pháp lý có thế nào chăng nữa người ta cũng lách được! Có đưa về cơ quan kiểm điểm, dân phố cười chê thì kẻ đã mất đạo lý cũng không ngán... Thôi mẹ nó mở rượu ra mời bác đi, ta cùng làm một chén mừng cho 2 nhà láng giềng chúng ta chưa có ai bị dao đâm vào tim gan, suy nghĩ đến gầy rạc...
Chị vợ lườm yêu chồng:
- Tôi mà làm luật thì tội “này” chỉ có cho đi tù hay ít ra cũng thiến!
- Ấy ấy, - Lê Quý tôi xua tay - vế trên có thể được chứ vế sau về lý thì là phạm pháp. Về tình thì lúc các ông “hoàn lương”, các bà lại ân hận!
- Em là em cứ phải “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho nhà em bác ạ! - Chị hàng xóm vừa rót rượu vừa nguýt yêu chồng - Bố nó mà “liên thiên” là em giết!
Anh chồng cười:
- Mẹ nó cứ hay lo hão! Các cụ đã tổng kết đời thằng đàn ông chúng anh rằng: “Khi nhỏ thì sợ mẹ cha/lớn lên sợ vợ, về già sợ con” thì mẹ nó còn lo cái nỗi gì!
- Vâ...âng! Trẻ sợ thầy cô hơn sợ bố mẹ nhưng sểnh ra cũng có thể trốn học tí ti ra hàng điện tử đấy!
Chị vợ hàng xóm rót rượu cho chồng và hàng xóm của chồng được 2 tuần bỗng thần mặt. Tôi hỏi:
- Lại nghĩ gì thế?
- Là em nghĩ đến cái xe máy không chính chủ hiện nay.
- Lại lan man... - Anh chồng cười - chán xe là phải sang tên đổi chủ không thì phải phạt!
Người phụ nữ yêu chồng bỗng trở nên nghiêm túc:
- Đi xe không thích thì mua xe khác rồi sang tên đổi chủ chứ vợ chồng...
- Không thể ở được với nhau vì lý do nào đấy thì ly dị cho nhẹ cả hai... Hì hì... - anh chồng cười.
Chị vợ không đáp lời chồng, nhìn tôi:
- Nhiều cặp vợ chồng không thể ở được với nhau nhưng còn con cái, bố mẹ và nhiều lý do khác nên không thể ly dị. Họ vẫn chung nhau tờ đăng ký kết hôn nhưng thật sự không phải là của nhau, sống như hai cái bóng trong sự ly thân. Một ngày nào đó, ai đó bỗng tìm thấy người có hoàn cảnh giống mình, lại hợp nhau trong sự thông cảm và chia sẻ muộn màng. Họ đến với nhau bằng một tình yêu thật nhưng không thể kết hôn thì “tình yêu không chính chủ” này sẽ thế nào bác nhỉ!...
- Ờ, ờ... mẹ nó tinh đấy!... Tôi cũng biết đôi ba trường hợp... Hì hì... Có phải cứ không sống được với nhau nữa là ai cũng ra tòa tắp lự đâu... - Anh chồng nhìn vợ gật gù.
Nhìn đôi vợ chồng hàng xóm, tôi chỉ biết lặng đi. Họ yêu nhau, sợ mất nhau vì gió máy cuộc đời có thể vô tình cướp đi hạnh phúc đang có, vậy mà vẫn nghĩ đến những trường hợp ngoại lệ đầy thông cảm và yêu thương. Tất nhiên, chuyện phạt “tình yêu không chính chủ” là thái độ đối với chuyện ngoại tình đang làm băng hoại hạnh phúc gia đình chứ phạt cũng không dễ, song nếu gặp “tình yêu không chính chủ” như anh chị hàng xóm nghĩ đến thì sẽ xử sự thế nào nhỉ...
Cuộc sống thật đa dạng và đấy mới là cuộc sống chăng...
Lê Quý (SK&ĐS)
Bình luận