Có thể bạn không hề biết rằng có những điều khá nhỏ nhặt và tinh tế nhưng lại gây ra những tác động mạnh mẽ lên hôn nhân của mình.
Hãy cùng các chuyên gia tìm hiểu 9 thủ phạm tiềm ẩn phá vỡ hạnh phúc gia đình và biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đó:
1. Giao tiếp bằng kỹ thuật số
Gửi tin nhắn, gửi email, hay gửi tin qua Facebook có thể nhanh và tiện hơn so với những cuộc trò chuyện mặt đối mặt. Tuy nhiên, nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học Oxford (Anh) tiến hành đã cho thấy các cặp vợ chồng nói chuyện với nhau nhiều hơn qua các kênh kỹ thuật số thường ít hài lòng hơn với cuộc hôn nhân của họ. Điều này có thể là do công nghệ sẽ xóa tan những cảm xúc xuất hiện khi trò chuyện trực diện. “Bạn càng thể hiện được bản thân nhiều hơn với bạn đời thì hai bạn càng nhớ nhau hơn khi xa cách”, tiến sĩ Jeney Caddel, chuyên gia tâm lý (Mỹ) chia sẻ. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn có thể cân đối giữa các tin nhắn và các cuộc trò chuyện trực diện, đặc biệt là khi cần giải quyết những vấn đề bức xúc.
Ảnh: astrologermukeshsharma
2. Những cảnh lãng mạn trên màn hình
Bạn say mê và đắm đuối với các hình ảnh lãng mạn về các cặp đôi trên tivi? Đó thực sự có thể là một trong những lý do đẩy bạn ra xa bạn đời của mình hơn. Nghiên cứu đã cho thấy rằng những người đã kết hôn mà quá tin tưởng vào những hình ảnh lãng mạn trên ti vi thường ít tận tâm hơn cho mối quan hệ thực của mình. Bạn sẽ luôn kỳ vọng nhận được hoa hồng và những chuyến phiêu lưu kỳ thú giống như trên phim từ bạn đời của mình; và thực tế thì điều đó lại thường khó có thể xảy ra. “Họ tách mình ra khỏi thế giới thực”, tiến sĩ Caddell chia sẻ. Sử dụng cốt truyện trên tivi như một nguồn cảm hứng để hai bạn cùng nhau thử điều gì đó mới mẻ là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ rằng thực tế không giống như trong kịch bản.
3. Ngủ kém
Được nghỉ ngơi đầy đủ là điều cần thiết cho sức khỏe và cho cả hôn nhân của bạn. Một nghiên cứu do ĐH California (Mỹ) tiến hành đã cho thấy các cặp vợ chồng thường hay lâm vào các vụ cãi vã căng thẳng sau một đêm ngủ kém. “Nếu bạn mất ngủ, bạn sẽ khó có thể tập trung và suy nghĩ minh mẫn”, tiến sĩ Leslie Becker-Phelps, nhà tâm lý học (Mỹ) chia sẻ. Chính vì thế, hoàn toàn dễ hiểu khi những trao đổi giữa hai vợ chồng trở nên khó kiểm soát và có xu hướng xấu hơn. Vì vậy, nếu mọi chuyện giữa bạn và bạn đời trở nên căng thẳng thì hãy thừa nhận rằng mình đang mệt mỏi hơn bình thường. Và sau đó, hãy bàn bạc lại về vấn đề khi bạn đã được nghỉ ngơi đầy đủ.
4. Không thể hiện sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau
Một đốm lửa to không thể bù đắp cho sự thiếu vắng nhiều tia lửa nhỏ mỗi ngày. Trong năm 2011, National Marriage Project đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng những cặp vợ chồng thường xuyên dành cho nhau sự quan tâm và chăm sóc nho nhỏ, ví dụ như pha cà phê hoặc thể hiện tình cảm yêu thương, thường ít ly hôn hơn những cặp còn lại. “Nếu bạn thường xuyên nuôi dưỡng một mối quan hệ gần gũi và thân mật thì bạn đời của bạn sẽ không cần tới những cử chỉ quá hoành tráng”, tiến sĩ Becker-Phelps chia sẻ. Hãy tìm hiểu những điều nho nhỏ mà anh ấy/cô ấy thích và tìm cách thực hiện nó mỗi ngày. Và cũng đừng quên cho “một nửa” của mình biết rằng bạn cảm động thế nào trước sự quan tâm của anh ấy/cô ấy dành cho bạn.
5. Không bao giờ tranh luận
Vợ chồng bạn không bao giờ tranh cãi không có nghĩa là mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. “Không có sự bất đồng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy hai vợ chồng không trung thực với nhau”, tiến sĩ Becker-Phelps chia sẻ. Ngoài ra, theo nghiên cứu do ĐH Michigan (Mỹ) tiến hành thì tranh luận thậm chí còn có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Né tránh tranh luận có thể làm gia tăng hàm lượng hoóc môn căng thẳng trong cơ thể. Vì vậy, cách tốt nhất để bắt đầu một chủ đề không thoải mái giữa hai vợ chồng là: Bắt đầu một cách tích cực. “Hãy nói rõ rằng cuộc trò chuyện của các bạn lần này chỉ nhắm vào một hành vi cụ thể của anh ấy mà thôi, còn anh ấy nói chung vẫn là một người đàn ông tuyệt vời”, bà khuyến khích.
6. Bạn bè ly dị
Hãy cảnh giác với những rạn nứt trong hôn nhân của những người bạn đã kết hôn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ly hôn lan truyền rất nhanh thông qua mạng xã hội, gia đình, và thậm chí là cả nơi làm việc. “Vấn đề chính không phải là việc gì đang diễn ra trong hôn nhân của người khác mà chính là ở cách bạn cảm nhận về nó như thế nào”, tiến sĩ Becker-Phelps chia sẻ. Ví dụ, nếu bạn của bạn có một người chồng lừa dối thì niềm tin của bạn vào bạn đời của mình lại có thể bị lung lay. Vì thế, hãy ghi nhớ rằng, điều quan trọng là hôn nhân của bạn diễn biến thế nào chứ không phải hôn nhân của những người quanh bạn.
7. Sở thích khác nhau
Quyết định nên làm gì cùng nhau có thể khiến bạn gặp phải nhiều mệt mỏi. “Phụ nữ thích những hoạt động được lên kế hoạch trước trong khi nam giới lại có xu hướng hành động tự phát”, tiến sĩ Howard Markman, đồng tác giả cuốn Fighting for Your Marriage chia sẻ. Một bữa tối lãng mạn bên ngoài có thể là điều mà bạn mơ ước, nhưng ông xã của bạn lại thích ở nhà xem ti vi. Thực tế là cả hai nên cởi mở với nhau về việc mà mỗi người thích làm và tìm cách cân đối chúng. Có thể hôm nay bạn gợi ý một hoạt động mà anh ấy thích làm trước; và tuần sau, hãy khuyến khích anh ấy dành ra một hoặc hai tiếng đồng hồ cùng làm điều bạn thích. Và cả hai đều là người chiến thắng.
8. Xin lỗi quá nhiều
Nói xin lỗi không phải là điều mà “một nửa” của bạn muốn sau một trận tranh cãi. “Bản thân lời xin lỗi không thể giải quyết được những mối quan tâm chính của bạn đời”, tiến sĩ Keith Sanford đến từ ĐH Baylor (Mỹ) chia sẻ. Kết quả một nghiên cứu do ĐH Baylor tiến hành đã phát hiện ra rằng phần lớn các cặp vợ chồng muốn “một nửa” của họ thay vì nói xin lỗi thì nên dành nhiều tâm sức hơn cho mối quan hệ của mình. Vì thế, hãy cố gắng thỏa hiệp thay cho xin lỗi. Hãy nói ra những điều bạn cần, ví dụ như bạn muốn anh ấy tham gia nhiều hơn vào việc nhà, và lắng nghe những gì anh ấy nói. Sự bất đồng sẽ được giải quyết ổn thỏa hơn khi bạn trực tiếp xử lý vấn đề.
9. Những giấc mơ của bạn
Theo một nghiên cứu mới đây thì một cơn ác mộng về hình ảnh một người chồng tàn ác hay không chung thủy có thể dẫn đến một cuộc tranh luận thật sự ngoài đời. “Họ tỉnh dậy và ý nghĩ kia cứ bám riết lấy đầu óc họ và ảnh hưởng tới cách cư xử của họ”, tiến sĩ Dylan Selterman, tác giả của nghiên cứu và là giảng viên về tâm lý học tại ĐH Maryland (Mỹ) chia sẻ. Những giấc mơ đó có thể xuất phát từ sự mất tự tin hoặc tâm lý bất an của bạn, ví dụ như suy nghĩ rằng bạn đời sẽ từ bỏ hay lừa dối bạn. Vì thế, khi tỉnh táo, hãy cùng bàn bạc về những vấn đề gây ra cảm giác đó ở bạn. Và bạn sẽ có thể có những giấc mơ ngọt ngào hơn.
Thanh Mai/VNE (theo womansday)
Bình luận