2012-08-07 22:49:16

Bỗng dưng trở chứng

Cuộc sống hôn nhân đang xuôi chèo mát mái theo chuẩn mực đã được hai vợ chồng thoả thuận từ ngày đầu thì bất chợt, một trong hai người thay đổi “lịch trình”, hướng đời sống gia đình theo một lề thói khác. Trong trường hợp đó, liệu người còn lại sẽ cố nương theo hay “huỷ hợp đồng”: đâm đơn ly dị?

http://sgtt.vn/Uploads/Images/8/b95/8b954fa217b3950a767051ed5420ea99.jpg

Cuối đời vùng dậy

“Cậu phải thay đổi ngay cái cuộc sống nhàm chán hiện thời này đi! 40 rồi còn gì. Mười mấy năm cơm dâng nước rót cho chồng con, giờ cậu phải sống cho bản thân chứ!”, nghe đứa bạn xa vắng chục năm xứ người về rù rì bên tai, rằng phụ nữ tân thời không nên chôn đời vào góc bếp, chị Diệp Hoa không ít phân vân về cuộc sống hiện tại. Hoa lấy chồng từ thuở 25. Mười mấy năm qua, khi đã xong công việc của một nhân viên văn phòng, hoạ hoằn lắm chị mới ra khỏi nhà sau 7 giờ tối. Vì ở nhà có bao thứ chị phải làm: cơm nước, quét dọn nhà cửa, dạy con học bài, chuẩn bị sách vở, cặp táp cho con, rồi lo cho bữa sáng hôm sau, tính toán chợ búa... Nhịp điệu cuộc sống mỗi ngày cứ thế lặp đi lặp lại, nay con cái đã có đứa vào cấp hai, đời sống gia đình khá ổn định. Trong khi đó, chồng chị – anh Thiện Minh thì có thể về nhà quá nửa đêm vì những hợp đồng làm ăn, nhậu nhẹt với bạn bè, đồng nghiệp. Có lần chị Hoa nhờ chồng đến trường đón con, anh còn không nhớ thằng nhỏ học lớp nào!

Nhớ lại vô vàn những chuyện như thế, Diệp Hoa thầm trách sao mình quá dễ dãi với “hợp đồng” thoả thuận cùng chồng trước ngày cưới. Vậy là từ sự thuyết phục của cô bạn, Diệp Hoa quyết tâm thay đổi cuộc sống cá nhân. Thay vì nấu bữa sáng cho cả nhà, chị điều động mấy bố con ra tiệm phở. Mỗi tuần, chị phân công chồng đón con ba buổi. Cuối ngày chị không còn “vắt chân lên cổ” hối hả cho bữa cơm, lười nấu thì gọi đồ hàng quán mang về ăn. Cuối tuần, để mấy bố con ở nhà, chị tranh thủ đi mua sắm cho mình những bộ cánh đẹp, hay đi làm móng. Chồng hỏi “mua làm gì lắm quần áo thế?”, chị trả lời: “Để còn đi sinh nhật, dự tiệc gặp gỡ bạn bè”. Cả ngày chủ nhật chị tụ tập nhóm bạn gái đi câu cá, chơi thể thao, hát karaoke.

10 giờ đêm chị về nhà, thấy mấy tô mì tôm dở dang trên bàn, hai thằng con ngủ vạ vật trên salon, còn chồng thì quạu quọ: “Con cái không chăm, nhà cửa bỏ bê. Em học theo ai thói đó?” Được dịp, chị Diệp Hoa xả luôn một tràng những vướng mắc mà chị cần chồng thoả thuận lại. Anh Minh không chấp nhận. Cuộc sống vợ chồng ngày càng “lệch pha”, đỉnh điểm của xung đột, anh Minh đòi đưa đơn ra toà ly dị.

Thay đổi cũng cần được thoả thuận

Giai đoạn sau 40 tuổi, con người ta đã vượt qua được những thăng trầm của hôn nhân, cuộc sống gia đình đã ổn định về kinh tế, con cái. Tuy nhiên, trong trạng thái ổn định này, con người ta đôi lúc trở nên so đo, cân nhắc. Có người thoả mãn, tiếp tục duy trì trật tự vốn có, người khác lại âm thầm tìm cách đổi thay. Nếu sự đổi thay không được người kia chấp nhận thì tất yếu xung đột sẽ diễn ra, hôn nhân tan vỡ sau hàng chục năm chung sống. Trong một lần trò chuyện, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, văn phòng Luật Giải Phóng cho biết: “Văn phòng đã nhận xử lý không ít trường hợp đòi ly hôn chỉ vì không chấp nhận sự thay đổi của bạn đời, đa phần là đàn ông. Có ông chồng kia tuổi 45, bất đắc dĩ mới đưa đơn nhờ luật sư phân xử. Ông kể mà nước mắt chảy trên mặt, vì tự dưng vợ và con gái rủ nhau đi du lịch khắp nơi mà không cho ông đi cùng. Rồi tự dưng vợ ông thích làm tiệc tại nhà, rủ bạn bè về nhậu nhẹt! Ông phàn nàn thì vợ cho rằng chồng gia trưởng. Cảm giác mình không còn hợp thời, bị vợ bỏ rơi, ông đòi ly dị. Gặp những trường hợp này, chúng tôi luôn khuyên giải họ suy nghĩ lại, và tự điều chỉnh cuộc sống hôn nhân cho hợp tình, hợp lý”.

Chuyên viên tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (trung tâm tư vấn Tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) nhận định: Về phương diện nào đó, thay đổi là phương án tích cực, bởi hôn nhân cứ theo một nhịp điệu đều đều sẽ gây nhàm chán, nhưng thiên về sự thoả mãn cho một đối tượng thì lại bất công cho người còn lại. Vì vậy, một khi nhìn thấy được sự không ổn trong đời sống hôn nhân, thì vợ chồng nên thống nhất thay đổi thế nào cho phù hợp với cả hai. Một khi không chấp nhận được sự chuyển hướng bất ngờ của người vợ, người chồng trước tiên nên nhìn lại bản thân, tìm hiểu vì sao vợ lại mong muốn thế. Về phía người vợ, nếu bản thân quá nhọc nhằn, không kham nổi gánh nặng chăm sóc, nên nói thẳng với chồng. Đừng nên vì tác động của bên ngoài mà làm gãy đổ mái ấm vun đắp bấy lâu.

Nguyên Cao (SGTT)

Sửa lần cuối 2012-12-25 01:36:05

Bình luận

Bình luận qua Facebook