2012-08-10 21:12:59

Nếu ta cũng đã từng yêu sớm

Thêm một thông tin đau lòng: học sinh lớp 11 tự thiêu vì tình. Yêu sớm ở tuổi này, có người phê phán thế là sai. Nhưng cũng có người bảo yêu muộn cũng sai. Xã hội nhìn nhận sao đây cho trường hợp này?

16 – 17 tuổi trong quan niệm truyền thống là chưa đủ tuổi để yêu. Luật Hôn nhân gia đình chưa cho phép kết hôn ở tuổi này, nhưng đấy là theo lý của luật. Lý của tình thì không theo luật, nó theo tâm trạng cá nhân. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp xúc sớm với nhiều thông tin ngoài trường lớp và giáo dục. Trường lớp và giáo dục liệu có đi sau sự tiếp cận thông tin nhanh của học trò không? Người viết chưa dám kết luận. Gia đình liệu có đi chậm hơn con cái trong quan niệm hướng dẫn, dạy dỗ không? Điều ấy tuỳ vào quan niệm của mỗi gia đình.

http://sgtt.vn/Uploads/Images/e/f0e/ef0edb58b106b42c40b9ef21d615ff0c.jpg

Trường hợp yêu sớm có trong xã hội Việt Nam không? Có, nhiều nữa là khác. Nhiều thế hệ trước cũng đã xảy ra. Nhà văn X thú nhận yêu lúc… 13 tuổi, hệ quả là in thơ tình rất sớm trên các tạp chí văn chương. Chỉ thế thôi, anh ta không tự thiêu dù tình yêu ấy chỉ mỗi anh ta biết. Nhưng lại có cô gái nhảy cầu Bình Lợi khi 15 tuổi vì thất tình. Hệ quả là hưởng dương ngắn ngủi. Vấn đề này thế hệ nào cũng có nhưng không phải ai cũng chết nếu…

Cái chữ “nếu” ấy đặt ra vô số vấn đề. Nếu gia đình không đẩy vấn đề của con cái đi quá giới hạn của tự ái đến tuyệt vọng. Ngăn cấm mà không đi cùng, không đứng cạnh, không phần nào chia sẻ với con thì ngăn cấm ấy chỉ vô ích. Người lớn thường quên mất khi còn vị thành niên mình có khi cũng rơi vào tình cảm tương tự, thế sao mình còn sống? Sao mình không tự thiêu? Thế sao mình để con trẻ đến chỗ đi mua xăng?

Theo thông tin của VietNamNet, chiều 7.8, học sinh Trần Hậu H. lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh, đã châm lửa tự thiêu ngay trong dãy nhà học. Nam sinh này bị phỏng rất nặng, được đưa đi Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Thông tin ban đầu cho biết, H. tự thiêu do bị cấm đoán trong chuyện tình cảm.

Nền giáo dục không chỉ nằm trong trường học, nó còn nằm trong mỗi thành viên của xã hội. Lên án bao giờ cũng dễ hơn chia sẻ. Trước hậu quả này có người sẽ nói “Loại con cái như thế cũng chả mong gì mai sau, có khi thế lại hay hơn cho gia đình”. Cũng có người ngậm ngùi: “Tuổi trẻ non dại nông nổi”.

Hồi chuông cảnh báo cứ cất lên, mà khổ thay nhiều bậc cha mẹ thường chỉ nghe thấy khi nó đã thành hồi chuông báo tử!

Hãy bên cạnh con cái. Còn bên cạnh thế nào thì phải suy ngẫm để chọn lựa một thái độ cho mình, nếu chúng ta đã từng đi qua tuổi trẻ ngông cuồng lẫn liều lĩnh như con cái ta.

Nếu trong chúng ta, những bậc cha mẹ cũng đã từng yêu sớm.

Đỗ Trung Quân

SGTT

Sửa lần cuối 2012-12-25 01:40:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook