2014-06-01 19:40:30

Nữ nhà văn trẻ Ba Lan, Magdalena Witkiewicz với Việt Nam

Ngày 23-5-2014, nhà văn Ba Lan Magdalena Witkiewicz đã có buổi giới thiệu tiểu thuyết “Trường học cho các Bà Vợ” với bạn đọc Việt Nam tại Viện Goethe trong khuôn khổ “Nhưng ngày văn học châu Âu tại Hà Nội”. Buổi giới thiệu đã diễn ra đầy hào hứng, sôi nổi. Chắc không nhiều những buổi ra mắt sách mà có đông người dự và không đủ thời gian cho tất cả những người ai muốn chia sẻ cảm nhận của mình về tác phẩm như thế.

Tôi vừa cùng lúc nhận được hai thông tin: một về bản tin của Đại sứ quán Cộng Hòa Ba Lan tại Hà Nội về Những ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam và buổi giới thiệu tiểu thuyết “Trường học cho các Bà Vợ” của Magdalena Witkiewicz, và một về buổi Kể chuyện Việt Nam của Magdalena Witkiewicz trên đài phát thanh Gdansk, Ba Lan sau một tuần chị ở thăm Việt Nam.

Để có được một chuyến thăm Việt Nam thành công, để lại nhiều cảm xúc đẹp đến vậy của nữ nhà văn, phải kể đến một quyết định hết sức bất ngờ của Nhà xuất bản Trẻ, là nơi đã phát hành phiên bản tiếng Việt của “Trường học cho các Bà Vợ”. Đó là việc tài trợ cho tác giả, và dịch giả một chuyến du lịch Tràng An – Bái Đính – Hạ Long – Bát Tràng – Làng cổ Đường Lâm và xe đưa đón tác giả trong suốt thời gian chị ở Hà Nội.

Magdalena W. quyết định sang dự buổi giới thiệu “Trường học cho các Bà Vợ” trong khuôn khổ Những ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam rất nhanh. Và chị đã gặp nhiều sự phản đối, thậm chí quyết liệt cho chuyến đi này. Một số nhà văn và fan của chị còn tỏ ý mỉa mai khi thấy chị phải lặn lội đến một nơi cùng trời cuối đất như vậy để giới thiệu sách của mình. Nhưng vì là một nhà văn đích thực, nên chị vẫn quyết tâm để lại hai đứa con nhỏ để sang Việt Nam với đứa con tinh thần của mình.

Ngay khi xuống sân bay, lên xe về đại sứ quán Ba Lan, chị đã thốt lên: “tôi cảm thấy mình được ứng xử như một nữ hoàng! Chưa bao giờ tôi được xe đón đưa như vậy”. Tôi đã đưa chị đi thăm chùa Trấn Quốc, ăn bánh tôm Hồ Tây, đi dạo quanh Phố Cổ, Hồ Gươm, xem Rối nước, rồi Royal City và làng lụa Vạn Phúc…Chị bảo tất cả cứ như một giấc mơ, cứ như chị đang ở một thế giới khác. Rồi khi bước chân lên con tàu “Syrena” (tàu thuộc sở hữu của một tiến sĩ đã học tập và sinh sống tại Ba Lan, trong tiếng Ba Lan “Syrena” có nghĩa là Nàng tiên cá) để đi thăm vịnh Hạ Long thì chị bảo: “Khi đi thuyền ở Tràng An, tôi đã ngỡ không còn gì có thể đẹp hơn thế nữa, rằng sẽ không còn gì có thể khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa, nhưng Hạ Long đã mang lại cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác…”. Chị không dám ngủ (“để về Ba Lan tha hồ ngủ”) để có thể cảm nhận và ghi lại tối đa những cảnh vật, con người và cuộc sống ở Việt Nam. Chị mang theo Ipad, Iphone, máy ảnh và liên tục, không ngơi nghỉ chụp ảnh, ghi hình và đưa ngay lên Facebook với những dòng cảm xúc nóng hổi của mình. Một ngày không biết bao nhiêu lần chị nói: “Cám ơn chị, Thanh Thư và NXB Trẻ vì từng giây từng phút của em ở đây”. Chị cho tôi xem nhiều comment của bạn bè trên FB. Những dòng comment từ lo lắng, e ngại buổi ban đầu đến ngỡ ngàng, hứng thú, thậm chí cả ghen tị vì những trải nghiệm của Magdalena ở Việt Nam. Những người Ba Lan bàn tán, bình luận sôi nổi về phong cảnh, con người, ẩm thực Việt Nam, về các sản phẩm tuyệt vời của làng lụa Vạn Phúc, về Rối nước, về các pho tượng…Và họ ước ao, họ hẹn nhau sẽ đến Việt Nam để chính mình có được những trải nghiệm ấy. Ngày hôm nay Magdalena W. sẽ đến đài phát thanh Gdansk để kể về một tuần của chị ở Việt Nam.

Ngay cả đại sứ quán Ba Lan và NXB Filia, nơi phát hành cuốn “Trường học cho các Bà Vợ” cũng phải ngạc nhiên trước cách ứng xử trọng thị và chu đáo của NXB Trẻ đối với một nữ nhà văn của đất nước họ. Magdalen W. rời Việt Nam vào đêm thứ sáu thì ngày chủ nhật chị đã có mặt tại Hội chợ Sách Warszawa với lạc luộc đựng trong chiếc nón chị mang từ Việt Nam về để mời khách. Liệu có cách quảng bá tiếp thị nào tốt hơn cho đất nước Việt Nam chúng ta? Và nhà văn đã viết trên status mới nhất của mình: “Tôi đã về nhà, nhưng một nửa trái tim tôi vẫn đang ở Việt Nam. Chính vì thế mà tôi vừa mua miến và nước mắm trong một cửa hàng châu Á ở gần nhà để làm món nem…”

Tôi viết những dòng này như một lời cám ơn chân thành đối với NXB Trẻ mà đứng đầu là Giám Đốc Nguyễn Minh Nhựt. Chính anh đã đưa ra quyết định tài trợ cho tôi và tác giả tiểu thuyết “Trường học cho các Bà Vợ” chuyến đi đầy ấn tượng mạnh mẽ và tốt đẹp này. Tôi cũng gửi lời cám ơn đến biên tập viên Hoàng Anh, một người luôn tận tâm tận sức với công việc. Nếu không có chị lo lắng cho việc đón tiếp nhà văn thì chuyến đi đã không thể thành công đến vậy. Trong suốt chuyến đi tôi cứ thầm nghĩ: “Quả là một sự đầu tư hiệu quả, không chỉ đối với uy tín của NXB Trẻ mà còn đối với hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè”.

Bạn đọc chờ xin chữ ký tác giả

Bà đại sứ tặng hoa cho tác giả, dịch giả và hai vị khách mời.

Hà Nội, 28-5-2014.

Nguyễn Thị Thanh Thư


Sửa lần cuối 2014-06-01 17:43:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook