2019-01-24 03:29:12

Văn học Ba Lan: "Hoàng đế – sự sụp đổ của một đế chế"

     Lời giới thiệu: Trong các ngày 7, 8 và 10 tháng 1 năm 2019, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IX) đã tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ X. Sau khi xem xét và thảo luận tập thể, với sự nhất trí cao, Hội nghị quyết định trao GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM NĂM 2018. Trong số các tác phẩm được trao giải lần này có cuốn phóng sự văn học HOÀNG ĐẾ của nhà văn Ba Lan nổi tiếng RYSZARD KAPUŚCIŃSKI do NGUYỄN CHÍ THUẬT dịch.

     Quê Việt trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Huy Minh nhan đề „Hoàng đế – sự sụp đổ của một đế chế” nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc Việt Nam đầu năm 2019.

*

            

Dịch giả Nguyễn Chí Thuật


     Có thể nói, Ryszard Kapuściński là nhà văn – nhà báo đầu tiên biến thể loại phóng sự thành một dạng văn chương, ông đã xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, khoảng cách tưởng chừng được phân định rõ giữa hư cấu – phi hư cấu được ông phá bỏ và chính “Hoàng Đế”là viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng vững chắc cho sự nghiệp sáng tác gây được nhiều tiếng vang của ông. Thể loại phóng sự ông chọn lựa gây kinh ngạc toàn thế giới và đã tạo ảnh hưởng đến rất nhiều nhà báo sau đó, điển hình là Svetlana Alexievitch – nữ nhà văn đoạt giải Nobel văn chương năm 2015.

“Hoàng Đế” phác họa chân dung của Haile Selassie – vị vua của các vị vua – hay cũng chính là chân dung của đất nước Ethiopia dưới thời ông trị vì kéo dài từ năm 1930 cho đến khi bị lật đổ vào năm 1974. Bằng cách gặp gỡ và phỏng vấn những nhân vật chủ chốt của hoàng gia, giấu mặt và giấu tên, Ryszard Kapuściński đã không ngại dấn thân vào những nơi chốn khó khăn, nguy hiểm để tìm kiếm những lời kể cho sự thật mà ông đang tìm kiếm, soi rọi ánh sáng vào lịch sử của một đất nước tưởng chừng đã bị bỏ quên trên bản đồ thế giới.

Cuốn sách được chia làm ba phần:Ngai Vàng” – thuật lại chân dung của vị vua và cách ông điều hành đất nước, Đi đi” – những mầm mống của sự bất công và tham nhũng vào những năm 1960 đang lũng đoạt đất nước Ethiopia và Sụp đổ” – cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của Haile Selassie. Như một bộ ghép hình, từng nhân vật được Ryszard Kapuściński giao những vai trò riêng với cách sắp xếp đầy ngụ ý để lật mở từ từ chân dung của một ông hoàng và một đế chế độc đoán khi tất cả mọi quyền lực đều xoay quanh vị vua này, mọi quyết định dù lớn đến nhỏ đều thông qua ông và ông đã dùng tiền để mua chuộc sự trung thành và đẩy đất nước vào cảnh tham nhũng, khi các viên chức cấp cao mặc sức đục khoét và làm lợi cho bản thân, ngân sách nhà nước được dùng để làm giàu cho các vị tướng lãnh thay vì giúp đỡ dân chống đói, với cách quản lý hoàn toàn khép kín mà những can thiệp từ nước ngoài không thể chạm tới được: Ông nắm quyền lãnh đạo một đất nước mà ở đó người ta chỉ biết đến những phương thức đấu tranh tàn bạo nhất để để giành quyền lực (hoặc để duy trì quyền lực), một đất nước trong đó quyền bầu cử tự do được thay thế bằng dao găm, thuốc độc, nếu cãi – bắn bỏ hay treo cổ.”

     Hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết, những câu chuyện được Ryszard Kapuściński sắp xếp một cách hợp lý và khéo léo khiến câu chuyện hiện lên thật sống động, thay vì chỉ là những sự kiện lịch sử, những con số, những tên người thì ông gán câu chuyện vào số phận từng lời kể, khiến những tình tiết tưởng chừng khô khan trở nên thú vị và lôi kéo người đọc dõi theo số phận của vị hoàng đế cũng như đất nước đang đến hồi cáo chung. Được kể một cách khách quan và lôi cuốn, ông không can thiệp quá nhiều vào câu chuyện hay đưa ra những lý lẽ của mình thế nhưng đâu đó ta vẫn thấp thoáng sự suy tư, trăn trở của ông về một đất nước xa lạ: phát triển kiểu gì khi cả dân tộc đang bị nghèo đói dày vò, khi cả mấy tỉnh đang chết đói, không mấy người có lấy một đôi giày, chỉ một nhúm biết đọc biết viết, ai động ốm là chết, bởi vì không có cả bệnh viện lẫn thầy thuốc, nhìn đâu cũng thấy tối tăm, man rợ, xúc phạm, giẫm đạp, đặc quyền đặc lợi và cạm bẫy, bóc lột và phân biệt đối xử…” Dù chỉ là một người ngoài cuộc ghi lại những câu chuyện kể với sự vô tư nhất có thể, Ryszard Kapuściński vẫn biết cách biến cuốn sách thành của chính ông theo một cách rất riêng.

     Vị hoàng đế Haile Selassie trong cuốn sách có thể nói là một nhân vật rất thú vị, dù từ đầu đến cuối ta chỉ được tiếp kiến ông qua lời kể của những người thân cận, nhưng ông vẫn hiện lên sống động với đầy đủ đức tính đầy mâu thuẫn của một ông hoàng: thông thái nhưng vẫn giả vờ nhắm mắt làm ngơ, đầy uy quyền nhưng cũng bất lực trước sự lũng đoạn của đất nước, độc đoán những lại rất dễ xiêu lòng, không tin tưởng bất cứ ai nhưng lại tin rằng có thể mua lòng trung thành bằng tiền. Với một cá tính dữ dội và đặc biệt như một nhân vật trong tiểu thuyết, cũng không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách đã được dựng thành kịch và biểu diễn trên sân khấu như một tác phẩm nghệ thuật.

      Tại Hà Nội, trong các ngày 7, 8 và 10 tháng 1 năm 2019, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IX) đã tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ X. Sau khi xem xét và thảo luận tập thể, với sự nhất trí cao, Hội nghị quyết định trao GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM  NĂM 2018 cho các tác phẩm của các tác giả sau đây:

- VĂN HỌC NGA HIỆN ĐẠI NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ THUYỀT VÀ LỊCH SỬ, tập lý luận phê bình của tác giả TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG

- HOÀNG ĐẾ, tiểu thuyết của RYSZARD KAPUŚCIŃSKI bản dịch của NGUYỄN CHÍ THUẬT

- TƯƠNG LAI ĐƯỢC VIẾT TRÊN ĐÁ CỔ, thơ của FERNADO RENDÓN, bản dịch của PHẠM LONG QUẬN

Huy Minh 

Sửa lần cuối 2019-01-24 02:38:40

Bình luận

Bình luận qua Facebook