2019-02-24 22:19:26

Xin chữ đầu năm


Ngày mồng hai tết, hội Xuân Hồ Văn khai mạc. Từng dòng người đổ về, ai nấy đều phải chen lấn, xô đẩy người khác mới vào được nơi cần đến. Năm người đàn ông tuổi từ 25 đến 45 cùng đi trong một nhóm, rẽ đám đông tiến thẳng vào khu chợ chữ. Người thứ nhất là một nhà buôn, biệt danh „Hai Chém”. Người thứ hai là một công chức nhà nước, biệt danh „Ba Kễnh”. Người thứ ba là một bác sỹ, biệt danh „Tư Vênh”. Người thứ tư là một thầy giáo, biệt danh „Năm Sao”. Người thứ năm là một sinh viên năm cuối, biệt danh „Sáu Công tử”.

Nhóm người này tự nhận mình thuộc tầng lớp tinh hoa của xã hội, chơi thân với nhau vì có nhiều sở thích giống nhau thí dụ như ăn đồ Tây, uống rượu ngoại. Năm nay họ lại cùng có thêm sở thích là xin chữ để treo trong nhà. Theo họ, đây thực là một thú ăn chơi trong thời a-còng, đang được nhiều người ưa thích. Xin chữ để mà chơi chữ. Chơi chữ để được người đời coi là người có tri thức, học cao, hiểu rộng. Ngoài ra là để mong được những thứ mình muốn qua con chữ treo ở phòng khách trong nhà.

Ngày xưa đi xin chữ phải tìm đến tận nhà thầy đồ. Thày đồ nhiều khi lại còn kiểm tra tư cách, mục đích của mình mới viết cho cái chữ, cái chữ mà thày cho chứ không phải cái chữ mình muốn. Bây giờ thời đại đổi mới, trong những ngày hội Xuân hay trên các phố ông Đồ, người cho chữ ở đâu cũng có đến hàng tá, người xin ưng ai cứ việc đến để „xin” cái chữ mình cần. Theo thông báo của Hội Xuân, Hồ Văn năm nay có cả thảy 63 thày đồ đã qua sát hạch và được cấp phép cho chữ. Ngoài ra còn có 8 vị vốn là các nhà nghiên cứu Hán Nôm cũng được mời đến cho mọi người „xin”. Ngày xưa, người xin chữ khăn áo chỉnh tề, mang một chút lễ mọn, to là cút rượu, nhỏ là miếng bánh chè lam đến nhà thày đồ để được thày giảng giải và cho cái chữ. Năm nay Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu (Đơn vị tổ chức „chợ chữ”) đã quy định giá trần là 200 000 đồng/tờ. Trước đó người xin chữ tự mua giấy với giá 100 000 đồng. Giá chữ nhiều chỗ không có quy định cụ thể, tùy tâm người xin chữ.

Năm người đàn ông dừng lại nhìn ngó, chưa biết chọn bàn nào để vào. Nhà buôn nhanh nhảu nói: Chúng ta nên chọn ông đồ già vì ông này chữ đẹp hơn và theo tôi, nếu cần giải thích về chữ nghĩa thì chắc sẽ tốt hơn. Vị công chức nói rằng cái món chữ nho này tôi chẳng hiểu gì sất, nếu xin rồi phải bảo ông đồ phiên âm ra chữ quốc ngữ rồi viết ra đằng sau mới nhớ được. Bác sĩ bảo rằng theo tôi cứ bảo ông ấy viết chữ Việt theo kiểu thư pháp, treo cũng đẹp, sao cứ phải treo cái chữ của thằng Tầu. Thày giáo liền bảo không được, đã chơi chữ phải là chữ nho mới là đúng cách, các cụ xưa nay bảo thế. Chàng sinh viên nhỏ tuổi nhất, cảm thấy chẳng có gì quan trọng chỉ chép miệng rồi phán: Các bác cứ lắm chuyện chứ em thì kiểu gì cũng xong, mang về nhà không khéo ngày mai đã không biết nó nằm ở chỗ nào ấy mà.

Thế là họ cùng đến chỗ ông già nhất. Ông đồ già nhìn thấy năm người ăn mặc bảnh bao, thắt cà vạt, đeo kính trắng nên rất kính nể. Mặc dù vậy ông vẫn không thể không thể hiện sự uyên bác của mình qua những câu giảng giải về ý nghĩa từng con chữ. Cuối cùng ông kết luận: Người xưa thường coi ba chữ Nhẫn, Tâm, Đức là nền tảng đạo đức để phấn đấu, anh có muốn những chữ này không?

Sáu Công tử đương chăm chú nhìn sang đám học trò sờ đầu rùa trước các tấm bia không để ý thày đồ hỏi mình, một lúc sau mới lên tiếng:

- Thày ơi, con từ nhỏ đã được bố mẹ nuông chiều, tiền tiêu không thiếu. Ngặt nỗi việc học hành cứ như cối đá đè nặng trên đầu. Con chẳng thể nhẫn, cũng chẳng có tâm trí để học hành nghiêm chỉnh. Nhưng con lại muốn có điểm cao và tấm bằng tốt nghiệp để ông bô, bà bô không bị chê cười. Thày có thể cho con hai chữ Đăng Khoa?

Thày đồ gật gù: Con nói thế nghe được, thày viết ngay cho con đây.

Hai Chém chờ thày đồ viết xong cho bạn mình rồi mới nói :

- Báo cáo thày, tôi là dân buôn bán, mà phàm đã buôn bán thì không thể không nói dối khách hàng và tìm cách trốn thuế. Chẳng vậy mà người đời thường gán cho chúng tôi hai chữ „gian thương”. Vậy nên tôi không thể lấy chữ Tâm hay chữ Đức mà chỉ xin thày cho hai chữ Lộc Thành viết liền nhau.

Thày đồ chép miệng: Cũng được, dù sao thì anh cũng đã tỏ rõ tấm lòng thành.

Tư Vênh vốn lúc nào cũng tự hào với nghề cầm dao kéo lại làm trong bệnh viện lớn của thành phố nên bảo thầy đồ nghe mình trình bày trước sau đó mới nhờ thày chọn giúp con chữ.

- Ngành y của tôi phải trực ngày, trực đêm để trị bệnh cứu người, công việc năng nề mà đồng lương ít ỏi. Người nhà bệnh nhân thì cứ chắc lép, chỉ muốn chữa bệnh lành rồi mới đưa chút quà chẳng đáng với công lao. Nếu cứ theo họ thì chẳng bao giờ mua được cái ô tô, nói gì đến tậu nhà to, mua đất rộng. Cho nên dù biết là không nên nhưng tôi vẫn phải làm thinh để kíp trực làm khó dễ cho bệnh nhân, đưa phong bao trước rồi mới cấp cứu. Nhưng khỗ một nỗi là ngay trước sảnh chính của bệnh viên người ta cứ treo mấy chữ :„Lương y như từ mẫu”, có ý khuyên chúng tôi phải luôn nhẫn nhục, mang cái tâm của mình ra cứu người. Thày bảo tôi phải xin chữ gì mới thỏa đáng?

- Tôi cho ông hai chữ Nhẫn Tâm.

Đến lượt Năm Sao, người đang đảm nhận chức hiệu trưởng của một trường điểm ở nội thành. Năm Sao được nhiều người đến thăm tận nhà tặng phong bì, lẵng hoa, mùa nào thức nấy nên lúc nào cũng thấy mình như sao sáng trên trời. Tốt nhất là để thày đồ chọn cho mình con chữ - nghĩ vậy bèn nói:

- Nghề gõ đầu trẻ thời nay chẳng được kính trọng vì trẻ con chỉ cần lên lớp, tốt nghiệp, người lớn chỉ cần có tấm bằng để xin việc, lên chức. Vậy nên chúng tôi chẳng cần phải lao tâm khổ tứ để nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Chỉ cần làm cho học sinh sợ mà học thêm nhiều giờ, lo trượt mà mang phong bao đến trước. Ấy vậy mà người ta cứ bắt chúng tôi „thi đua dậy tốt, học tốt”, Thày bảo tôi xin chữ gì ạ?

Nếu vậy thày nên treo chữ Nhẫn Trí.

Ba Kễnh mới ngoài 40 tuổi mà bụng đã to vượt mặt. Anh ta vốn được chú ý cất nhắc theo quy trình ngay từ khi còn học trong nhà trẻ „Xê-ô Xê-cu” nên từ mấy năm nay đã thành ông lớn trong thành phố. Kễnh muốn nhường cho mọi người xin xong mới từ tốn hỏi thày đồ:

- Tôi làm công ăn lương mà đồng lương công chức thời này rẻ mạt, chẳng đủ nuôi vợ nuôi con. Thế nhưng con vợ tôi cứ đòi xây nhà to như cung điện, mấy đứa con mới nứt mắt đã đòi đi du học nước ngoài. Ngoài ra, mỗi tháng đôi lần gặp gỡ cấp trên lại phải có phong bao mới là phải đạo. Vậy nên, tôi dù không muốn thì hàng ngày vẫn phải nhận chút „quà cáp” mới mong trụ được. Người ta cứ bảo quan chức thời nào cũng sướng nhưng tôi lại thấy mình phải chịu bao điều khổ sở. Theo thày tôi phải treo chữ gì mới thỏa đáng?

Thày đồ suy nghĩ mông lung. Nếu đúng như ông ấy nói thì phải cho chữ Tham Nhũng mới phải nhưng cái chữ này mới xuất hiện trong thời hiện đại, trong vốn chữ hán của ông không có, bèn giảng giải:

- Ông không phải là người thường nên không thể treo hai chữ bình thường như mọi người mà phải treo sáu chữ mới thể hiện được oai phong.

- Là những chữ gì, thưa thày?.

- Nhẫn Tâm, Nhẫn Trí, Nhẫn Thân.


Vác-sa-va, 02/2018

Xuân Nguyên

Sửa lần cuối 2019-02-24 21:17:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook