2015-04-28 12:00:55

Chuyện tình thời tàn cuộc chiến

Ảnh có tính chất minh họa (nguồn: internet)

Đây là câu chuyện có thật. Đã 40 năm nhưng mỗi lần kể lại, tôi vẫn có một cảm giác vừa đau đớn, vừa hạnh phúc. Đau đớn vì sự khốc liệt của chiến tranh và hạnh phúc vì tình đồng đội.


Anh Lan làm cơ yếu.
Lúc đó tôi không biết cơ yếu là gì, chỉ nghe nói là họ chuyên dịch mật mã các bức điện tín rất quan trọng, quan trọng đến độ, trong lúc họ ngồi làm việc, nếu có người bước vào thì họ có quyền bắn ngay. Nghe nói ai làm việc này cũng phải xét lý lịch đến 5 đời.
Nói là nghe nói nên không xác tín, chỉ biết lúc đó anh mới thượng sĩ nhưng đến sư trưởng cũng rất tôn trọng anh. Trai Hà thành vốn đã trắng trẻo, lúc nào cũng ngồi trong phòng nên càng trắng trẻo thư sinh. Đám lính trẻ chúng tôi nhìn anh, nhìn công việc của anh rất ngưỡng mộ.
Tôi làm công vụ, bảo vệ các thủ trưởng nên ngày nào cũng tập võ thuật, bắn súng, phóng dao…Anh Lan thường ngồi xem. Một hôm vui chuyện, anh kể, hồi ông Phùng Thế Tài làm nhiệm vụ bảo vệ cho Bác Hồ, ông bắn súng rất giỏi. Một hôm đi công tác, ông xuống suối lấy nước, Bác ngồi trên triền đồi,  Bác thử muốn tài ông nên dùng một hòn đá ném xuống suối, ông Phùng Thế Tài lập tức phản xạ, rút súng bắn vỡ tan hòn đá. Kể xong anh hỏi, Thịnh biết vì sao ông Tài bắn tài thế không, tôi lắc đầu. Anh Lan nói vì ông luyện bằng cách đưa một sợi tóc lên giữa hai mắt, sát trán, cứ thế nhìn, nhìn bao giờ sợi tóc to như cột nhà là thành. Lúc đó hòn đá cuội nhỏ như hòn bi ông nhìn to như cái thúng nên bắn phát trúng liền. Tôi nghe anh kể thích quá, về nhổ sợi tóc luyện mãi, đến mức thủ trưởng tôi nói thàng này bị tâm thần hay sao suốt ngày cầm sợi tóc dí lên trán trừng trừng con mắt…
*
Khi đơn vị được lệnh rút từ Căm pu chia về nước, hai xe chở đơn vị cơ yếu được ưu tiên về trước. Giữa đường bị lính Pôn Pốt phục kích, anh em bỏ xe chạy vào rừng khộp. Lúc đó mới phát hiện ra trên xe chở hàng có một người con gái nấp trong đống bao tải nhảy xuống. Anh Lan kéo tay người này chạy đi…
Khi đơn vị vệ binh sư đoàn đến tiếp ứng, chia nhau từng nhóm 3 người vào rừng tìm thì chỉ thấy 3 người, suốt một ngày trời vẫn không thấy anh Lan và người phụ nữ.
Mọi người đoán già đoán non, thậm chí có giả thuyết cho rằng cô đó là gián điệp, kế hoạch chuyển quân lập tức được thay đổi.
*
Đơn vị tôi về đóng quân bên một con suối ở vùng núi Pleiku mới được giải phóng, đang là mùa mưa vùng biên, vắt và muỗi như trấu.
Tôi và anh Tó (người dân tộc Tày) được cử đi săn lấy thực phẩm, hai anh em lấy dầu luyn (dầu nhớt) bôi khắp người cho vắt khỏi cắn. Ba ngày, ngày nào cũng kiếm được con nai hoặc con hoẳng.
Ngày thứ tư, đi mãi đến chiều không gặp con thú nào, anh Tó đưa tôi quả lựu đạn bảo xuống suối kiếm ít cá để anh đi thêm chút nữa xem sao.
Tôi xuống suối, chọn chỗ nước quẩn, rút chốt thả cái bùm. Cá chết lật bụng trắng phau. Vừa lúc, nghe một tiếng hú man dại vang lên bên kia suối. Tôi bay người lộn mấy vòng, nấp sau tảng đá lớn, giương AK chỉa về phía tiếng rú, nghĩ là bọn Pôn Pốt nên quát bằng tiếng Miên: “Tao thấy rồi, bước ra, giơ tay lên không tao bắn”. Nói mãi không thấy ai động đậy, bèn nói câu đó bằng tiếng…ta. Một bóng người từ trong bụi chui ra, đầu tóc rủ rượi y như một con ma.
Tôi quát: “Giơ tay lên!”, bóng ma vẫn không giơ, bèn nổ ba phát súng chỉ thiên, thấy con ma ngã vật xuống đất. Nghĩ bụng, mẹ, mình bắn lên trời sao lại trúng con ma nhỉ? Lần này chỉa súng vào mô đá cạnh con ma nổ hai phát, tảng đá bắn tung toé nhưng con ma vẫn cứ nằm im. 
Nghe tiếng súng nổ, anh Tó tưởng tôi bắn được thú nên chạy đến, hai anh em quan sát, bàn tính một hồi thì quyết định: Tôi nấp ở vị trí thuận lợi nhất yểm trợ, anh Tó  đi ngược lên trên một khúc rồi bơi sang suối tìm cách tiếp cận.
Tôi đang căng mắt nhìn con ma thì anh Tó quay lại, thì thầm, ta không thể sang đó được, lỡ bọn Pôn Pốt bố trí phục kích thì chết. Tôi gật đầu đồng ý ở lại canh, anh Tó cắt rừng về báo cho đơn vị.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tiếp cận được con ma. Anh Tó lật cái xác lên. Đó là một người đàn bà. Xoon-đa! Mọi người đồng loạt hét lên.
*
Chị Xoon-đa không chết, chỉ bị ngất.
Câu chuyện sau đó được ráp nối lại thế này:
Ở thị xã Stungtreng, cạnh đơn vị tôi đóng quân có một dãy phố Việt kiều sinh sống, chị Xoon-đa người Việt, có tên Việt là Hoa có một tiệm may khá nổi tiếng.  
Anh Lan ra sửa áo quần thì gặp. Hai người vương tơ lòng. Câu chuyện của họ kéo dài 3 năm nhưng tuyệt không ai biết.
Ngày anh Lan chào chị về nước, chị đã ngay lập tức quyết định theo anh.
Thoạt đầu anh lan từ chối quyết liệt, nhưng cuối cùng, con người nắm giữ biết bao nhiêu bí mật đại sự trong lòng lại không thể cầm lòng trước một người con gái.
Xe về đến gần biên giới thì bị phục kích. Anh Lan kéo chị chạy vào rừng, quân Pôn Pốt xả đạn như mưa.
Chị kể, chạy vào rừng sâu rồi bọn áo đen vẫn bám theo, đạn bay ràn rạt sau lưng. Biết không thể thoát, anh Lan rút súng ngắn ra, lên đạn rồi dặn chị chờ một lúc, khi nghe anh bắn hết 3 phát đạn thì nhằm hướng ấy mà chạy, nhất định sẽ gặp lại đơn vị, anh sẽ đánh lạc hướng bọn địch và sẽ tìm chị sau. Trong tính thế khẩn cấp, chị không thể không nghe lời.
Chị nấp trong bụi, đếm đủ 3 tiếng súng K59 thì cắt rừng chạy. Thỉnh thoảng, chị lại nghe thêm một tiếng K59 nổ. Đến lần thứ 6 thì hết.
Và chị đến bên bờ suối đúng vào lúc tôi thả quả lựu đạn xuống sông.
Chị nói chị biết đó là bộ đội, nhưng đã kiệt sức.
Đó là ngày thứ 8...
*
Đơn vị cử một trung đội đi ngược lại tìm, đến hai ngày sau thì phát hiện ra anh Lan. Anh bị bắn nhiều viên vào ngực, trong tay vẫn nắm chặt cây dao găm đặc công, có vẻ như anh đang xông vào bọn chúng...
Anh Lan được mai táng bên sườn đồi. Tôi cắt thùng lương khô, lấy cái đinh đóng thành chữ làm bia.
Đơn vị tổ chức lễ truy điệu xong thì đọc quyết định tước quân tịch, thông báo về địa phương.
Chị Hoa-Xoon- đa ôm lấy mộ anh nức nở.
*
Khi đơn vị về Buôn Mê Thuột, chị Hoa được gửi vào một tổ hợp may mặc.
Thỉnh thoảng tôi và anh em vẫn đến thăm chị.
Thế rồi đơn vị hành quân về Châu thành Gia Nghĩa (Đăk Min, Đăk Nông ngày nay), tôi không biết tin tức gì về chị nữa.
Ngày tôi chuẩn bị ra Bắc đi học, chú Tư tiểu đoàn phó tiểu đoàn 8 cũng được phục viên. Chú Tư lúc đó 46 tuổi chưa vợ được coi là quá lứa. Chú rất thích vẽ. Biết tôi vẽ được nên chú hay gọi tôi lên xem tranh. Một hôm tôi thấy bức tranh lớn đặt giữa sân, hỏi chú vẽ ai đây chú, chú nói Bác Hồ chứ ai, tôi nhìn lại rồi bảo, cũng giông giống...Chú cười rất hồn nhiên.
Một thời gian sau, tôi nhận được thư chú, chú kể chuyện chú quay lại Buôn Mê Thuột, rồi cưới cô Hoa (lúc đó đã bỏ hẳn tên Xoon đa), chú nói đám cưới vui lắm!
*
Hai năm sau tôi gặp anh Khuất cùng đơn vị chuyển ngành về làm ở Bưu điện Bờ Hồ (Hà Nội), anh em mừng mừng tủi tủi. Tôi hỏi gia đình anh Lan ra sao, anh Khuất bảo đau khổ lắm Thịnh ơi.
Nói rồi anh khóc...
Tôi lại hỏi, anh có gặp chị Hoa và chú Tư không, anh lau nước mắt cười tươi rói: Hay lắm Thịnh ơi, may trời có mắt, con đầu của anh Tư là con thằng Lan đó!
Tôi ngớ ra một lúc, vậy khổ cho chú Tư quá. Anh Khuất vẫn cười, nói không khổ, không khổ, anh Tư biết chuyện mà. Rồi anh ghé vào tai tôi nói nhỏ: Anh Tư bị chất độc da cam nên vô sinh!
Tôi vẫn áy náy, rứa sao không cho gia đình anh Lan biết có cháu nội để ông bà đỡ tủi. Anh Khuất lại khóc, anh Tư cũng nói thế nhưng đồng đội cũ bảo khoan, cho biết làm sao được, họ biết thì thiên hạ biết , lúc ấy thiên hạ lại bảo thằng nhỏ là con ông bị tước quân tịch thì khổ đời nó...
Đến lượt tôi khóc...
*
Tháng 12 năm 2001, anh Khuất báo tin, tôi lập tức từ Đà Nẵng đi tàu ra Hà Nội dự đám cưới thằng Lộc, con ruột anh Lan và chị Hoa nhưng là con khai sinh của chú Tư.
Thằng Lộc là kỹ sư điện tử.
Rất đông đồng đội của anh Lan và chú Tư đến dự. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Đám cưới đủ mặt cô bác cậu dì của cả bên anh Lan và chú Tư. 
Chú Tư cười móm mém: “Thế cũng được rồi Thịnh nhỉ”. 
Tôi ôm chầm lấy chú, rưng rưng: “Quá được chú ơi!”
Nguyễn Thế Thịnh

Sửa lần cuối 2015-04-28 10:00:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook