Tại Ba Lan, ngày 22 tháng 6 là ngày bắt đầu của mùa hè theo dương lịch. Mặc dù, khởi đầu của mùa hè thiên văn là một ngày trước đó. Ngày này được gọi là ngày Hạ chí, khi Mặt trời đạt vị trí cao nhất trên bầu trời và là ngày có thời gian sáng dài nhất. Vào ngày hạ chí, độ nghiêng trục tối đa của Trái Đất đối với Mặt trời là 23,44°.
Theo phong tục của Ba Lan, đêm Hạ chí (noc świętojańska) được tổ chức vào đêm trước ngày đặt tên của Thánh John, tức là đêm 23 rang ngày 24 tháng 6. Mặt khác, đêm 21-22 tháng 6 được gọi là Đêm Kupała.
Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thuật ngữ Đêm Kupała thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với tên của Đêm Hạ chí. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là hai đêm truyền thống khác nhau, mặc dù có thể thấy nhiều điểm tương đồng trong nghi lễ. Những điểm tương đồng này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả sự ganh đua của Giáo hội trước đây với các tập tục dân gian, thường có nguồn gốc ngoại đạo.
Đêm Hạ chí và Đêm Kupała ở Ba Lan ngày càng được quan tâm trong khoảng chục năm trở lại đây. Đây chắc chắn là kết quả của sự quay trở lại nói chung của văn hóa Slavơ và việc sử dụng các mô típ dân gian trong văn học phổ thông và trong các tài liệu tham khảo văn hóa khác. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng đây không phải là một ngày lễ đặc trưng riêng của Ba Lan. Lễ kỷ niệm đêm Hạ chí cũng được tổ chức ở các quốc gia khác như Anh Quốc, Đức hay các nước vùng Scandinavia.
Lịch sử của Đêm Hạ chí
Đêm Hạ chí, giống như nhiều ngày lễ khác của nhà thờ, được tổ chức trên cơ sở các yếu tố của phong tục dân gian khó xóa bỏ, đó là lễ kỷ niệm hàng năm của Kupała ngoại giáo, còn được gọi là Sobótka. Không thể chống lại những người ngoại đạo, Giáo hội quyết định đồng hóa phong tục dân gian với các nghi lễ của Cơ đốc giáo. Những phong tục được tôn vinh cho đến nay, bao gồm cả tình yêu thể xác, khỏa thân, cư xử nhẹ nhàng và vui vẻ. Trong ngày lễ đó có hình tượng Thánh John, với tư cách là một nhà rửa tội ở sông Jordan, đã cai quản các vùng nước. Theo truyền thống, chính người đã giữ cho các vùng nước, hồ và sông ngòi được an toàn để người dân được tắm trong đó. Do đó, nước và thảo mộc đã được ban phước trong các nhà thờ và nhà nguyện.
Những phong tục và truyền thống
· Thả vòng hoa
Đêm Hạ chí phổ biến với các phong tục và nghi lễ của quá khứ dưới hình thức trò chơi, chẳng hạn như vòng hoa (wianki świętojańskie). Đối với nhiều người tham gia vào sự kiện của đêm này, các nghi lễ mang tính chất kết bạn, đó là lý do tại sao ở Ba Lan, Sobótka mang tên ngày lễ của những người yêu nhau.Thả vòng hoa trong đêm chủ yếu dành cho các cô gái và chàng trai chưa có gia đình riêng. Các cô gái tự tay kết những vòng hoa đặc biệt cho đêm hội, ném xuống dòng sông, để gửi những cảm xúc của mình, những cảm xúc chưa được thỏa mãn hoặc không hạnh phúc. Những vòng hoa như vậy cần được các chàng trai vớt lên. Nếu điều này không xảy ra, chủ nhân của vòng hoa cả năm sẽ không nhận được tình yêu. Nếu một chàng trai không bắt được vòng hoa nào trong Đêm, anh ta cũng sẽ sống cô dơn trong mười hai tháng tới. Một điềm báo thậm chí còn tồi tệ hơn là khi vòng hoa bị vướng vào nhau hoặc bị chìm. Điều này có thể dẫn đến rắc rối trong tình yêu, tình cảm không đúng chỗ hoặc trở thành gái già. Bản thân vòng hoa đã là biểu tượng của nữ tính. Trước đây, nó cũng là biểu tượng khả năng sinh nở. Theo quan niệm cũ, nó phải được dệt từ những bông hoa đẹp nhất và các loại thảo mộc kỳ diệu, và nó cũng chứa một yếu tố của lửa: ngọn đuốc, vỏ cây hoặc nến sáp. Trong nghi lễ Đêm Hạ chí, việc thả vòng hoa không chỉ nhằm mục đích hôn nhân. Vòng hoa cũng mang ý nghĩa bảo vệ cho các trang trại. Nó cũng được nhiều người đan một cách háo hức để cầu mong kiếm đươc nhiều tiền bạc hoặc không bị ốm đau trong năm.
· Hoa dương xỉ
Truyền thuyết về Đêm Hạ chí thường được gắn với câu chuyện về loài hoa dương xỉ. Một yếu tố không thể tách rời của Đêm Kupała trước đây là việc tìm kiếm loài thực vật đặc biệt này, còn được gọi là hoa Perun - theo tên vị thần Perun của người Slavơ. Nó nở hoa mỗi năm một lần, ngay trong ngày hạ chí. Theo câu chuyện, chỉ có một người đàn ông chính trực, không làm tổn thương ai mới có thể tìm thấy hoa đó. Người tìm được hoa đó sẽ được hạnh phúc và giàu có.
· Nghi lễ lửa
Lửa là một biểu tượng quan trọng của đêm Hạ chí. Nó tượng trưng cho yếu tố nam giới, đồng thời mang ý nghĩa làm trong sạch tâm hồn và bảo vệ chống lại cái ác. Trong Đêm, mọi người nhảy múa xung quanh lò sưởi và nhảy qua lửa. Hành động này được cho là để xua đuổi ma quỷ, đảm bảo sức khỏe, sự thịnh vượng và khả năng sinh nở. Những bước nhảy thành công của cặp đôi nắm tay nhau hứa hẹn một cuộc hôn nhân thành công. Khói bay lên từ các đám cháy (như đốt lửa trại) sẽ hứa hẹn mang lại thời tiết tốt trong vụ mùa và theo quan niệm cổ xưa, nó sẽ bảo vệ chống lại những bùa chú của ma quỷ.
· Nghi lễ té nước
Nước là một trong những nghi lễ Kitô giáo gắn liền với lễ kỷ niệm Ngày Thánh John. Xưa kia, người ta tin rằng tắm vào mùa Hạ giúp làm sạch cơ thể và tâm hồn, đồng thời đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh đẻ. Sau đêm Thánh John, việc đáng làm là đi chân trần trên bãi cỏ đẫm sương để gây được sự chú ý của những người khác giới.
Hiện nay đêm Hạ chí được tổ chức như thế nào?
Những truyền thống vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngày càng có nhiều điều được nói đến, và do đó người ta muốn tái tạo lại những phiên bản cũ của Đêm Kupala. Trong ngày lễ này, hầu hết là các trò chơi và dã ngoại được tổ chức tại các thị trấn và làng mạc lớn và nhỏ. Ví dụ, ở Krakow, trên các đại lộ ở khúc quanh của sông Vistula, nơi vào thời tiền Thiên chúa giáo, thả vòng hoa được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, ý nghĩa kỳ diệu của đêm này thường không được chú ý nhiều. Một cách tiếp cận khác được thực hiện bởi những tín đồ bản địa, những người muốn trở về cội nguồn Slavơ và tôn vinh tín ngưỡng của tổ tiên họ.
Đêm Świętojańska và đêm Kupała
Đêm Świętojańska trùng lặp nhiều với Đêm Kupała, nhưng không hoàn toàn. Các trò chơi của Đêm Świętojańska diễn ra từ 23 đến 24 tháng 6, trong khi đó, Đêm Kupała sớm hơn, từ đêm 21 rạng 22 tháng 6, vào đêm ngắn nhất trong năm. Đối với những người ngoại đạo, đó là thời điểm gắn kết của các mặt đối lập: Mặt trời và mặt trăng, lửa và nước, đàn bà và đàn ông. Người ta đốt lửa trên các bờ sông và bờ hồ, nghi lễ khiêu vũ để không bị những linh hồn xấu xa ám ảnh. Đó cũng là thời gian của sinh đẻ và tình yêu thể xác. Vào Đêm Kupała, những thanh niên trưởng thành thường trải qua giai đoạn bắt đầu quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ngày nay, do tác động của các tín đồ bản địa trong Đêm Kupała, các nghi lễ ma thuật vẫn còn tồn tại.
Xuân Nguyên
(Nguồn: https://www.focus.pl/artykul/noc-swietojanska-zwyczaje-i-tradycje-jaka-jest-historia-tego-swieta?page=1)
Bình luận