( Phần 1).
Tín ngưỡng và tôn giáo về bản chất là mê tín. Đó là niềm tin của con người vào những hiện tượng „siêu nhiên” mà con người không thể sờ mó, quan sát được. Ở một nhánh khác, niềm tin lại hướng đến những Đấng tối cao, những vị thần, thánh mà người ta coi là „thiêng liêng” và „bất diệt”, có khả năng phù hộ, độ trì cho con người. Niềm tin là bản chất của con người, nó ra đời và tồn tại, phát triển cùng với loài người. Niềm tin là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống tinh thần. Do vậy, niềm tin hay mê tín trong tín ngưỡng và tôn giáo còn được gọi là đời sống tâm linh của con người.
Từ khi con người biết sống theo tổ chức cộng đồng, mê tín đã hình thành. Khi đó cuộc sống hoang dã làm con người luôn sợ hãi trước những bầy thú dữ và những thay đổi bất thường của thiên nhiên. Với thú dữ, những con vật có thể nhìn thấy bằng mắt, con người sẵn sàng tự vệ cho dù nhiều khi cuộc đấu không cân sức. Nhưng với thiên nhiên, sức mạnh ghê gớm từ đâu đó ập đến làm cho con người mất khả năng chống trả. Từ đó, người ta cho rằng đã có những thần linh hoặc ác quỷ với sức mạnh vô biên mang những tai họa đến cho họ. Chính vi vậy, khi cộng đồng loài người phát triển thành bộ lạc, mặc dù còn sống theo kiểu du thủ, du mục nhưng họ đã làm những buổi lễ tế thần linh, mong được tai qua nạn khỏi, mưa thuận, gió hòa. Do mê tín, loài người quỳ phục trước thần linh để mong được phù hộ.
Khi xã hội loài người phát triển cao hơn, một số niềm tin (mê tín) đã tồn tại thành hệ thống, con người cũng tìm cách giải thích nguyên nhân dẫn đến sự tin tưởng để mang đến sự bình yên lâu dài cho bản thân và cho mọi người. Những giải thích này thường chỉ chú trọng đến tạo dựng lòng tin tuyệt đối cho con người không dựa trên những bằng chứng vững vàng hay kiến thức khoa học. Điều đó dẫn đến sự ra đời của tín ngưỡng. Do phát sinh trong một bộ phận xã hội và sự giao lưu hạn chế của loài người trong những thời gian trước đây, tín ngưỡng thường mang tính dân tộc, dân gian.
Tín ngưỡng mang đến cho con người đức tin một cách hệ thống. Con người có được đức tin sẽ cảm thấy hạnh phúc và ở một mức độ nào đó đức tin giúp họ vượt qua những dằn vặt khổ đau, sợ hãi, thậm chí qua khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Một điều cần đáng nói ở đây là nhiều người cứ lầm tưởng mê tín và tín ngưỡng là hai phạm trù khác nhau, rằng tín ngưỡng mới là văn minh, mới là có ích cho đời sống của con người còn mê tín là lạc hậu và không mang lại những điều tốt đẹp. Vậy nên, người ta phê phán mê tín và bênh vực tín ngưỡng, trong khi cả hai đều xuất phát từ đức tin của con người mà nếu xét từ góc độ khoa học là những đức tin „viển vông” không có đảm bảo. Tính triết lí của vấn đề này rất rộng và đòi hỏi nghiên cứu rất sâu mới mong trả lời tương đối thỏa đáng. Nhìn chung, mê tín đơn thuần và tín ngưỡng đã mang lại đời sống tâm linh và xét ở khía cạnh nào đó có ích cho loài người.
Tôn giáo thực chất là Tín ngưỡng khi phát triển đến một mức độ cao hơn. Tôn giáo khác tín ngưỡng ở chỗ đã được các nhà triết học viết thành những đạo giáo và được truyền bá khắp nơi. Tôn giáo hình thành và tồn tại trên cơ sở lý luận chặt chẽ và có tính hệ thống cao. Trên cở sở đó, những người đi theo và trung thành với tôn giáo (tín đồ) sẽ tu luyện theo những quy định hay những triết lí mà tôn giáo đó đưa ra. Nghi lễ trong tôn giáo cũng khác với nghi lễ trong tín ngưỡng là được thực hiện mang tính bắt buộc đối với tín đồ, được duy trì thường xuyên, cùng với những quy định khác.
Phần I: Tín ngưỡng
Tín ngưỡng đa thần
Với quan niệm cho rằng bất cứ vật gì cũng có linh hồn, nên người xưa đã tôn thờ rất nhiều thần linh liên quan đến các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên như nắng, mưa, gió, bão, sấm, sét …Bên cạnh đó là những thần linh tồn tại trong những sự vật liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, núi, rừng, sông, biển…Kể cả những con vật nhiều khi cũng được tôn thờ như những vị thần. Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều có phong tục thờ cúng thần linh. Các học giả gọi đây là tín ngưỡng đa thần.
Người Việt có những câu châm ngôn: „Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” hay „Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Từ đó, cảm thấy yên tâm khi bày tỏ những lời lễ tạ và hy vọng được phù hộ độ trì khi tỏ lời cầu xin các vị thánh thần. Người ta lập ra các miếu, đền, phủ, là những chỗ tôn nghiêm tế lễ các vị thần đó. Các nghi lễ tín ngưỡng được tổ chức chu đáo, thậm chí là cực kì chu đáo ở bất kì đâu và bất kì lúc nào. Những lão làng, người dân hay quan chức được giao việc tổ chức lễ, hội đều cố gắng làm thật tốt những việc được giao. Người ta luôn nghĩ phải thực tâm, thực tin mới có thể mong được thần thánh phù hộ. Tín ngưỡng đa thần của người Việt rất phong phú, phần lớn bắt nguồn từ mê tín của người Việt, một số khác được đưa từ nước ngoài đến, chủ yếu là từ Trung Quốc rồi được lai tạp hóa trở thành tín ngưỡng của người Việt.
Có rất nhiều thần linh liên quan đến Thiên nhiên. Một số Thần chỉ được gọi tên và được người ta kể cho con cháu nghe như những huyền thoại như thần Sấm, thần Sét, thần Mưa, thần Gió vv…Những Thần liên quan đến các sự vật và địa chí như: Thần Sông (Hà Bá), thần Núi, thần suối, thần Biển, thần Đất (Thổ Công, Thổ Địa), Táo Quân (Thần Bếp) vv…được cúng trong các miếu, đền hoặc trên ban thờ đặt trong nhà hay ngoài sân. Các thần linh mang đến vận may được thờ cúng thường xuyên thậm chí hàng ngày:
Thần Phúc, Lộc, Thọ (Còn gọi là Thần Tam Đa): Ông Phúc mang đến sự may mắn, tốt lành. Ông Lộc mang đến sự giàu có, thịnh vượng. Ông Thọ mang đến sự sống lâu, trường niên, bất lão.
Thần Tài: Giúp người làm ăn may mắn, phát đạt. Thần Tài thường được cúng trong nhà cùng với Thần Thổ Địa.
Môn Quan: Thần giữ cửa. Các Thần Môn Quan và Tâm Đa thường được cúng ở các đền, chùa.
Thần Thành Hoàng làng: Thành hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng. Ngày xưa, không có làng nào ở Việt Nam mà không có Thành Hoàng. Trong các đình làng, ngoài các các vị thần linh, người ta còn thờ cúng những ông tổ làng nghề hoặc anh hùng dân tộc đã được phong Thánh. Mỗi năm dân làng tổ chức hội Đình để tri ân, cũng là để cầu khấn các vị thánh thần phụ hộ dân làng trong mọi công việc và đời sống.
Tam phủ, Tứ phủ: Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Bà Trời), Mẫu Thượng Ngàn (Bà Chúa Thượng), Mẫu Thoải (Bà Nước). Tứ Phủ gồm ba vị Mẫu trên cộng thêm Mẫu Địa Phủ (Bà Đất). Các Mẫu cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất trong nông nghiệp. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam cũng là một tín ngưỡng giàu bản sắc dân tộc. Tín ngưỡng này lấy việc thờ Thánh Mẫu (mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trì và che chở cho con người. Những quan niệm về Thánh mẫu đều xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài việc cầu xin Thánh Mẫu ban ơn, độ trì còn có các sinh hoạt gọi là „lên đồng”. Đây là ghi thức „giúp” người cầu xin được giao lưu trực tiếp với các thần linh, các vị Thánh thông qua các ông đồng, bà đồng (còn gọi là Cô, Cậu được các Thánh hóa thân vào), nhằm trừ ma, phán bệnh, ban phúc, ban lộc. Ngoài việc giao tiếp với thần linh, người tin vào tín ngưỡng này còn quan niệm sau khi chết linh hồn người chết vẫn theo dõi cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy khi lên đồng, linh hồn người chết có thể nhập vào Đồng Cô, Đồng Cậu để nói chuyện với người thân, yêu cầu người thân tiền bạc, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt. Linh hồn cũng qua miệng Đồng Cô, Đồng Cậu cho biết vận mệnh, tương lai của người thân trong gia đình.
Tất cả những hình thái tín ngưỡng liên quan đến Thánh, Thần nói trên đều xuất phát từ quan niệm hay thói quen của một bộ phận cộng đồng. Trong quá trình giao lưu, những hình thái đó có thể được những bộ phận cộng đồng khác chấp nhận và làm theo. Tập tục (hay thói quen) này được nhóm người này chấp nhận nhưng có thể không được nhóm người khác chấp nhận. Do vậy, tất cả các hình thái tín ngưỡng cúng tế thánh thần đều có tính chất địa phương.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Một tín ngưỡng được coi như tập quán lâu đời, phổ biến nhất của người Việt và một số dân tộc khác là việc thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ những người đã mất. Ở các gia đình người Việt, nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên và việc cúng giỗ, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân rất được coi trọng. Bên cạnh việc cúng giỗ tổ tiên ở từng gia đình người ta còn thờ cúng tổ tiên dòng họ trong các nhà thờ họ.
Tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên được cho là quy tụ hầu hết người Việt Nam. Bản tính người dân Việt vốn thật thà, chất phác, vì thế niềm tin của người Việt cũng đơn sơ và mộc mạc. Họ lưu giữ hình ảnh và ký ức của những người thân quá cố bằng việc lập ra cái bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình. Bàn thờ tổ tiên thường được đặt tại một nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mỗi gia đình người Việt và được người Việt xem như một nơi linh thiêng, không thể thiếu vắng trong gia đình. Bàn thờ tổ tiên cũng là nơi để người sống duy trì mối liên lạc với những người thân quá cố. Người ta tin rằng vong hồn người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong từng trường hợp cần thiết. Người ta cũng tin rằng người sống và người chết đều có những nhu cầu sinh hoạt như nhau, người sống cần nhà ở, thì người chết cũng cần một nơi cho linh hồn nương náu. Vậy nên, người chết vẫn được người sống dành cho những đặc quyền như khi còn sống vào những ngày lễ trọng đại trong năm như ngày đầu năm mới (Tết), ngày sinh, ngày mất (gọi là kỵ nhật hay ngày giỗ) vv… Khi trong gia đình có những việc lớn, người Việt đều không quên việc thắp vài nén hương gọi là cho ấm bàn thờ tổ tiên. Trong việc cưới xin, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Trước đây, lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết những gia đình người Việt.
Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ cúng tố tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người thân đã khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ cúng tổ tiên quanh bàn thờ Chúa. Kể từ năm 1968, tòa Thánh Vatican cho phép những người Công giáo thiết lập bàn thờ tố tiên như mọi gia đình Việt Nam khác. Chỉ những người Theo đạo Hồi là không thờ cúng những người đã chết. Người Theo đạo Hồi chỉ thờ phượng duy nhất Đấng Ala.
- Phần II: Tôn giáo
Tôn giáo cũng như Tín ngưỡng đều bắt nguồn từ mê tín. Chính nhờ những đức tin sau khi đã được định hình và tìm được vị trí vững chắc trong tâm hồn con người mà tín ngưỡng và tôn giáo đã là những yếu tố đầu tiên hướng cho con người sống vì đồng loại và xây dựng cộng đồng loài người khác với các loài cầm thú.
Mỗi Tôn giáo đưa ra cách giải thích những bí hiểm xảy ra trong vũ trụ, dẫn giải nguồn gốc và tương lai của loài người theo triết lí của mình và đưa những tư tưởng ấy đến với con người theo các cách khác nhau. Tuy nhiên, các Tôn giáo cũng có những tư tưởng tín ngưỡng gần giống nhau. Thí dụ đạo Phật nói rằng nếu làm được như Phật dạy thì con người tự thoát khỏi những khổ đau hoặc nếu chưa thoát khỏi khổ đau trong hiện tại thì sẽ thoát khỏi khổ đau ở tương lai (kiếp sau). Đạo Thiên chúa thì nói rằng nếu tin vào Chúa thì bao giờ Chúa cũng ở bên cạnh mình, giúp mình thoát khỏi những khổ đau, bệnh tật. Các tôn giáo khuyên con người thành tâm tin và làm theo lời dạy bảo của Đấng tối cao, cũng khuyên người ta luôn tự mình sám hối. Trong các sách Phật và Kinh Thánh cũng nói rằng con người có thể tự tu, không nhất thiết cứ phải đi đến chùa, nhiều chùa hay nhiều nhà thờ mới là người ngoan đạo. Trong cách hành đạo thì mỗi tôn giáo cũng đều có những cách làm để con người được tiếp cận gần nhất với Đấng tối cao. Thí dụ đạo Phật khuyên người ta đến chùa lễ Phật, đạo Thiên chúa khuyên người ta đến nhà thờ để cầu chúa, sám hối. Những nơi đó cũng giống như đền, phủ là nơi không chỉ có không khí trang nghiêm mà còn có thêm các nhà sư hay cha đạo hướng dẫn làm nghi lễ. Vào chùa, vào nhà thờ, người ta còn được tiếp xúc với cộng đồng có cùng tín ngưỡng, tạo thêm niềm tin cho mình.
Tôn chỉ hoạt động và những điều giáo huấn của các tôn giáo đều có những ý tưởng gần giống nhau với mục đích răn dạy cho mọi người tôn thờ Đấng tối cao của mình, sống vì mọi người, tránh làm điều ác và hướng thiện.
Số lượng tín đồ của từng tôn giáo thay đổi theo từng thời đại. Những tôn giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay được thống kê là: Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo và Phật giáo. Tại Việt Nam, Ấn Độ giáo chưa phát triển nên bài viết này chỉ tập trung phân tích về các tôn giáo lớn: Thiên chúa giáo và Phật giáo.
Thiên Chúa giáo:
Đức Chúa trời.
Thiên chúa giáo là một nhóm các tôn giáo độc thần, coi Thiên chúa (còn gọi là Chúa Trời) là Đấng tối cao, tạo thiên, lập địa, thông hiểu tất cả mọi vật và chính ngài đã sáng tạo ra loài người. Các tôn giáo này được coi là có nguồn gốc chung từ Abraham, dựa trên truyền thuyết Thiên Chúa lập giao ước với Abraham (Tổ phụ của dân Do Thái và Ả rập) tại núi Sinai. Các tôn giáo theo truyền thống Abraham bao gồm: Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki-tô giáo, có số lượng tín đồ chiếm hơn một nửa dân số thế giới ngày nay.
Do Thái giáo:
Do
Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất, xuất
hiện từ khoảng năm 2000 TCN. Do Thái giáo xem niềm tin vào
sự „mặc khải” (những ý muốn của Thiên Chúa) và
chấp nhận kinh Torah là cốt lõi căn bản của đức tin.
Sách Torah (còn gọi là Ngũ thư Kinh thánh) trước đây có
tất cả 613 điều răn trong đó một số điều răn chỉ
được áp dụng cho nam giới hoặc nữ giới, một số
điều chỉ dành cho các thầy tế lễ, một số điều
dành riêng cho nông dân Israel vv…Ngày nay sách Torah hướng
dẫn người ta chỉ phải tuân theo 300 điều răn. Ngoài ra
một số đức tin cũng được hướng dẫn qua cách truyền
miệng từ đời này qua đời khác. Triết học Do Thái
giáo là sự kết hợp giữa các nghiên cứu triết học và
thần học Do Thái. Tôn giáo này trân trọng kinh Cựu ước
(còn gọi là kinh Tanakh) và tuân giữ các điều răn trong
đó. Các điều răn này thường gọi là 10 điều răn đạo
đức, đóng vai trò quan trọng nhất trong Do Thái giáo:
1. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.
2. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta.
3. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ.
4. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.
5. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
6. Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
7. Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sa-bát và coi đó là ngày Thánh.
8. Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi.
9. Ngươi không được giết người.
10. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.
2. Ki-tô giáo:
Ki-tô giáo xuất hiện vào thế kỉ thứ 1, như là một phiên bản cải cách của Do Thái giáo. Tôn giáo này mau chóng truyền đến Hi lạp, La-mã và sau đó đến các nước châu Âu khác, châu Á, châu Mỹ và các nơi trên thế giới. Trải qua nhiều thế kỉ, Ki-tô giáo tự chia cắt thành nhiều Giáo hội và Giáo phái khác nhau do có sự bất đồng về đức tin và quyền bính. Một số nhóm ly khai, một số nhóm tách ra thành các tôn giáo mang tên mới. Hiện nay, 4 tôn giáo lớn nhất, có chung nguồn gốc là Ki-tô giáo bao gồm: Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo.
- Đạo Công Giáo (còn gọi là Công giáo La-mã) tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Đức Giáo Hoàng (Pope) là vị Đại diện duy nhất của Chúa Giê-su trên trần thế trong sứ mệnh cai quản Giáo Hội Công Giáo.
- Chính thống giáo (Prawosławie, còn gọi là Ki-tô giáo Đông phương), là một nhánh Ki-tô giáo được tách ra khỏi hiệp thông với Giáo hội Công giáo La-mã từ năm 1054 vì một số bất đồng về đức tin, phụng sự và quyền bính. Giáo hội Chính thống không công nhận vai trò lãnh đạo giáo hội của Đức giáo hoàng ở tòa thánh Va-ti-can.
- Tin lành là nhánh Ki-tô giáo đã tách ra khỏi Giáo hội Công giáo sau những cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther (linh mục Dòng thánh Augustino) chủ xướng vào năm 1517 tại Đức và lan sang Pháp (John Calvin) và Thụy sỹ (Ulrich Zwingli), sau đó là bắc Âu, bắc Mỹ và nhiều nơi khác.
- Anh Giáo là tôn giáo được tách ra từ Công giáo Rome, khởi đầu với những mục tiêu chính trị của vua nước Anh là Henry VIII. Nhà vua lúc đó muốn hủy hôn nhân với vợ là Catherine của Aragon (mà Giáo hội Công giáo Rome không cho phép) để kết hôn chính thức với Anne Boleyn. Lí do là hoàng hậu đương thời không có hoàng tử để thừa kế ngai vàng. Khi được tách ra, nhà vua Anh là người đứng đầu Giáo hội.
Đạo hữu Ki-tô giáo tin rằng Đấng Giê-su, con của Thiên Chúa, đã trải qua những đau khổ và bị cám dỗ như con người bình thường nhưng không hề phạm tội. Thiên Chúa đã cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, đặt Chúa ngồi bên hữu của Chúa Cha để tế trị và cứu rỗi nhân loại. Trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo là qua sự chết và phục sinh của Giê-su, con người tội lỗi được phục hòa với Thiên Chúa, nhờ đó mà nhận lãnh sự cứu rỗi và lời hứa được hưởng sự sống muôn đời.
Ki-tô giáo nguyên thủy có năm điều răn để nhắc những người có đức tin với Chúa chu toàn bổn phận, thờ phượng Thiên Chúa và góp công sức xây dựng Hội Thánh:
1. Tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ quy định, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh trong các ngày đó.
2. Xưng tội và sám hối thường xuyên, ít nhất là mỗi năm một lần.
3. Rước lễ ít nhất một lần trong mùa Phục sinh.
4. Giữ chay và kiêng ăn thịt trong những ngày Hội Thánh (trong đó có ngày thứ 6 hàng tuần).
5. Theo khả năng của mỗi người cần đóng góp cho các nhu cầu vật chất cho Hội Thánh.
Trong cuộc sống thường ngày, Ki-tô giáo đưa ra 10 điều răn, cũng gọi là 10 điều răn đạo đức giúp con chiên thoát khỏi nô lệ tội lỗi và tôn thờ Chúa với niềm cung kính và quy phục tuyệt đối.
Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết: Mọi sự tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào Thiên Chúa là Cha của mình và đặt Người ở vị trí tối thượng trong cuộc sống của mình..
Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ: Tuyên xưng Danh Chúa, chỉ nói đến Danh Chúa để chúc tụng, ngợi khen. Không được dùng Danh Chúa một cách bất kính. Khi bắt đầu ngày sống, khi gặp cơn cám dỗ, gặp nguy khó thì làm dấu Thánh kêu cầu Chúa.
Giữ ngày Chúa Nhật: Chúa Nhật (Chủ nhật) là ngày dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa (ngày mừng kính Đức Giêsu sống lại từ cõi chết) và nghỉ ngơi để chăm lo phát triển nhân cách, đời sống gia đình và xã hội.
Thảo kính cha mẹ: Phải tôn kính, yêu mến, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; Vì kính chúa mà phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, nâng đỡ tinh thần cha mẹ lúc ốm đau, cô đơn.
Chớ giết người: Cố ý giết người trực tiếp và gián tiếp (kể cả phá thai) đều là những tội thật nặng nề. Chúa dạy tha thứ, yêu thương cả kẻ thù (trừ trường hợp tự vệ chính đáng để bảo vệ sự sống của chính mình).
Chớ làm sự dâm dục: Quy định những lỗi phạm đạo đức bao gồm: Thủ dâm, thông dâm, khiêu dâm, mãi dâm, cưỡng hiếp và đồng tính luyến ái.
Chớ lấy của người: Quy định những điều cấm trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác, đầu cơ, hối lộ, cờ bạc, cá độ.
Chớ làm chứng dối: Cấm nói dối, nói xấu, nói hành, nói oan, nói hay làm hạ danh giá người khác, làm chứng gian , thề gian, lỗi lời thề.
Chớ muốn vợ chồng người: Cấm ngoại tình, thèm muốn xác thịt.
Chớ tham của người: Bị trọng tội khi có ý muốn hoặc tìm cách chiếm đoạt của cải của người khác.
Hồi giáo:
Hồi giáo xuất hiện vào thế kỉ thứ 6. Đây không phải là một nhánh ly khai từ Do Thái giáo hay Ki-tô giáo. Hồi giáo tự cho mình là tiếp nối và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. Hồi giáo tôn thờ Thiên Chúa, mà họ gọi là Đấng Ala (Allah), là đấng tạo hóa, đấng phán xét của mọi sự sống, là duy nhất và có tất cả sự từ bi và toàn năng. Đấng Ala hiện hữu khắp nơi, rất mực độ lượng và khoan dung. Hồi giáo tôn thờ Muhammad, vị Thiên sứ cuối cùng được Đấng Ala trao quyền mang kinh Koran (Quran) đến rao giảng cho các tín đồ.
Trong kinh Koran của đạo Hồi cũng có mười điều răn đạo đức:
Chỉ tôn thờ một Thiên Chúa (tiếng Á Rập là Allah).
Vinh danh và kính trọng cha mẹ.
Tôn trọng quyền của người khác.
Hãy bố thí rộng rãi cho người nghèo.
Cấm giết người, ngoại trừ trường hợp đặc biệt (*).
Cấm ngoại tình.
Hãy bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi.
Hãy cư xử công bằng với mọi người.
Hãy trong sạch trong tình cảm và tinh thần.
Hãy khiêm tốn
(*) Trường hợp đặc biệt được phép giết người mà không bị trọng tội là:
1) Trong khi kháng cự hoặc chiến đấu chống lại những kẻ lùng giết người đạo mình nhằm cưỡng bách bỏ đạo. Nhưng nếu chiến thắng, phải noi gương thiên sứ Muhammad, tha thứ và đối xử nhân đạo với phần đông kẻ bại trận.
2) Giết những tên sát nhân để trừ hại cho dân lành.
Ngoài ra tín đồ Hồi giáo có một số luật lệ:
Một lần trong đời, họ phải hành hương về thánh địa Mecca, nhưng với điều kiện họ không vay mượn hay xin phí tổn. Trước khi đi, họ phải lo cho gia đình vợ con đầy đủ những nhu cầu cần thiết trong thời gian họ vắng mặt hành hương.
Nghiêm cấm ăn máu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức; không được ăn thịt lợn vì lợn là con vật ô uế.
Nghiêm cấm uống rượu và các thức uống lên men.
Nghiêm cấm cờ bạc.
Nghiêm cấm gian dâm và trai gái quan hệ xác thịt trước khi cưới hỏi.
Nghiêm cấm ăn những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột v.v.).
Người Hồi giáo chỉ được ăn thịt đã được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống.
Hàng năm phải thực hiện tháng ăn chay Ramadan để tưởng nhớ và biết thương xót người nghèo. Tính theo lịch mặt Trăng,trong tháng này, khi còn ánh sáng mặt Trời, không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng này, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có thai không phải thực hiện Ramadan.
Hồi giáo nghiêm cấm kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, tín đồ Hồi giáo không được phép chỉ trích cũng như phán xét người khác. Đó là việc của Allah - Đấng Toàn Năng.(Còn nữa)
Xuân Nguyên
Bình luận