2021-02-05 14:38:17

Những thay đổi chính trị ở Việt Nam và 35 năm cải cách kinh tế


Ảnh: Trung tâm TP. Hồ Chí Minh

TÁC GIẢ: RAFAŁ TOMAŃSKI

Rafał Tomanski là vụ trưởng Vụ Trung Quốc và Đông Á, Nhà báo, nhà nghiên cứu Nhật Bản, tác giả của những cuốn sách về Nhật Bản và cả hai miền Triều Tiên. Ông đã làm việc tại Bắc Kinh với tư cách là phóng viên của PAP khu vực châu Á. Ông đã nhiều lần đưa tin về các hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở khu vực này cho truyền thông Ba Lan, bao gồm. G20 ở Hàng Châu vào năm 2016, Osaka vào năm 2019, và hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội vào năm 2019.

Kể từ tháng 6 năm 2020, ông điều hành „Środek od środka”, chuỗi các bản ghi âm về lịch sử, văn hóa, văn học và cuộc sống hàng ngày của châu Á trên các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau.

***

Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tại Việt Nam vào thứ 2 cuối cùng của tháng 1 năm 2021. Trong một tuần đại hội, hơn 1.500 đại biểu sẽ bầu 200 ủy viên Ủy ban Trung ương, và tiếp đó sẽ bầu các thành viên Bộ Chính trị với số lượng ít hơn (hiện có 19 thành viên). Trong số đó, sẽ nổi lên “tứ trụ”, tức là những người quan trọng nhất trong nền chính trị Việt Nam. Đó là: tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Hiện nay, chức thứ nhất và thứ hai đều do một người duy nhất là ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm. Ông đã kiêm nhiệm cả hai chức vụ kể từ năm 2018 khi chủ tịch tiền nhiệm của đất nước qua đời.

Hệ thống cấp bậc mới chắc chắn được thiết lập sớm hơn nhiều, nhưng đại hội phải được thực hiện theo bài bản. Trước khi chúng ta chính thức biết về ban lãnh đạo mới của Việt Nam, cần nhìn lại chặng đường của đất nước trong năm diễn ra Đại hội lần thứ 13, kỷ niệm 35 năm cải cách kinh tế đưa Việt Nam phát triển vượt bậc.

Năm 1986, Hà Nội đưa ra cải cách được gọi là Đổi mới, tức là "mở cửa". Đó chính là hưởng ứng theo những nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 1978 bởi chủ tịch nước lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình. Đặng muốn người Trung Quốc giàu lên, người Việt Nam theo dõi từ xa cuộc thử nghiệm kinh tế thị trường của Trung Quốc với sự tò mò. Họ hoài nghi vì vào năm 1979, họ đã có một cuộc xung đột ngắn (chưa đầy một tháng) nhưng đẫm máu với Trung Quốc ở biên giới phía bắc của đất nước. Người Trung Quốc từng là những kẻ xâm lược trong nhiều thế kỷ, nên họ đã phải chịu đựng, xoa dịu và ở một mức độ nào đó, coi như đối tác.

Đổi mới đã được đưa ra tại Đại hội 9. Cùng năm đó, Lê Duẩn, cụ Tổng bí thư của Việt Nam, từng điều hành đất nước từ những năm tháng cuối cùng của ông Hồ Chí Minh, cho đến năm 1986, cũng qua đời. Sau khi ông mất, mọi thay đổi đã có thể bắt đầu.

Việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam được quan tâm nhiều vào năm 2019, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Hà Nội. Lý do cho chuyến thăm là cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai của Kim với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump. Cuộc họp kết thúc thất bại, nhưng người ta cho rằng việc chọn Việt Nam làm chủ nhà (cuộc gặp các nhà lãnh đạo đầu tiên được tổ chức vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore) không phải ngẫu nhiên mà còn thể hiện sự quan tâm đến một mô hình kinh tế cũng có thể phù hợp với Bắc Triều Tiên.

Triều Tiên và Việt Nam cùng có một số vấn đề chung. Ngoài việc thuộc một hệ thống chính trị, cả hai quốc gia đều có những công dân được giáo dục tốt, những người ngay từ khi còn nhỏ lớn lên với tinh thần không sợ gian khổ. Việt Nam dễ dàng hơn và có thể hoạt động trên quy mô lớn hơn vì có dân số gấp khoảng 4 lần Bắc Triều Tiên. Hai nước cũng cùng có niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ, điều này giúp ích khi nền kinh tế trải qua thời kỳ khó khăn và phải đương đầu với những tác động chuyển đổi chưa biết đến.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đến nay đã trải qua 35 năm. Đảng Cộng sản đã tồn tại thành công và không bị mất quyền lực. Trong trường hợp của Triều Tiên, tình hình khác một chút vì Kim là người của thế hệ thứ ba thừa kế quyền lực. Đối với miền Bắc, nhà nước chỉ có ba nhà lãnh đạo, bắt đầu từ Kim Nhật Thành, ông nội rồi đến Kim Jong-il, cha của ông, và cuối cùng là chính Kim Jong-Un, người lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Sự chuyển mình ở Việt Nam không phải là một cú sốc, mà nó kéo dài trong bốn thập kỷ, dần dần giải phóng tiềm năng của xã hội.

Việc chuyển đổi không đòi hỏi sở hữu vũ khí hạt nhân, điều này đối với Kim Jong Un có thể là một dấu hiệu có giá trị, cho thấy trong tương lai kho vũ khí này có thể được thanh lý và không cần sử dụng làm bù nhìn cho Mỹ và các nước còn lại trong khu vực. Bản thân nhà lãnh đạo đã nhiều lần nói rõ rằng ông có thể dễ dàng thực hiện một bước như vậy, nhưng đổi lại ông yêu cầu sự đảm bảo an ninh thích hợp từ Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm, Washington và Bình Nhưỡng đã chơi một trò chơi không cần thiết để xem ai sẽ là người thể hiện điểm yếu của mình trước. Kho vũ khí hạt nhân của Kim đã được mở rộng vào năm 2017, đủ để đàm phán một thỏa thuận hòa bình cho Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mặc dù là một người thậm chí không được phép nói chuyện trực tiếp nhưng lại thất vọng với kết quả hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Hai miền Triều Tiên nên cùng tồn tại trên trường quốc tế như một quốc gia duy nhất, và tôi chắc chắn rằng sự tin tưởng vào Bình Nhưỡng sẽ được đền đáp tốt hơn là liên tục gây áp lực buộc Kim phải giải giáp.

Đối với Triều Tiên, mô hình giải trừ quân bị của chế độ Muamammar Gaddafi, nhà độc tài ở Libya châu Phi là một kịch bản không thể chấp nhận. Gaddafi đã bị giết chết một cách nhục nhã dưới bàn tay của những người du kích nhân dân (cũng có quan niệm rằng ông đã bị loại bởi lực lượng đặc biệt của Pháp), mặc dù trước đó ông đã từ bỏ việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Không giống như Triều Tiên, Libya không phát triển công nghệ của riêng mình và không có đầu đạn hạt nhân chế tạo sẵn. Theo quan điểm của Triều Tiên, yêu cầu dai dẳng của người Mỹ đối với Kim là tự nguyện từ bỏ những vũ khí mạnh nhất, những thứ mà toàn bộ nền kinh tế của đất nước đang phải nuôi nó, chắc chắn sẽ thất bại.

Công cuộc Đổi mới của Việt Nam bao gồm việc cho phép các công ty tư nhân hoạt động cùng với thị trường kế hoạch hóa tập trung. Nông nghiệp, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đã được mở cửa. Những cải cách nhằm chấm dứt cách tiếp cận cách mạng đối với nền kinh tế, điều đã từng đòi hỏi những hy sinh lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong những năm 80 của thế kỉ 20, Việt Nam đã tự mình đứng vững và có tiềm năng để có thể thực hiên những điều đó.

Mô hình được chấp nhận được gọi theo nhiều cách khác nhau. Nó được coi là khu vực trung gian giữa chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa tư bản, "chủ nghĩa tư bản cao bồi" và sự thích nghi của thực tế chính trị cộng sản, cứng rắn miền Bắc với miền Nam Việt Nam, vốn luôn thích kiếm tiền hơn chính trị. Một trong những kiến ​​trúc sư của chính sách mới là Nguyễn Xuân Oánh, nguyên phó Thủ tướng trong chính phủ thân phương Tây ở Sài Gòn. Lần này, trong số các ứng cử viên được truyền thông trong nước xem xét cho 4 vị trí cao nhất Việt Nam, không có ai đến từ phía Nam.

Đổi mới đề xuất một quan điểm mới về nền kinh tế. Kế hoạch hóa tập trung đã được kết hợp với các khuyến khích hoạt động thị trường tự do. Các nông trường quốc doanh Việt Nam bị giải thể, bãi bỏ giá cố định đối với nông sản, và nông dân có thể chào bán hàng hóa của họ trên thị trường. Có thể thành lập các công ty tư nhân và đầu tư vốn từ nước ngoài. Việc giám sát vận chuyển hàng hóa được giảm bớt, quy trình kiểm soát hậu cần được đơn giản hóa và cuộc chiến chống lạm phát bắt đầu.

Trước khi cải cách, mỗi ngày Việt Nam cần 4 triệu đô la từ người anh Liên bang Xô viết. Ngay trước Đổi mới, "perestroika" đã được áp dụng ở Liên Xô, và tất cả cho thấy rằng mở cửa nền kinh tế là điều cần thiết đối với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa muốn tồn tại trên thế giới.

Việt Nam đã gặp vô vàn khó khăn trong thời gian từ giữa thập kỉ 70 đến giữa thập kỉ 80 của thế kỉ 20. Miền nam vốn do Mỹ hậu thuẫn nay nằm dưới sự kiểm soát của miền Bắc cộng sản, Washington và các nước phương Tây từ chối viện trợ tài chính, và không có sự hỗ trợ nào từ Bắc Kinh. Khó khăn càng thêm sâu sắc khi quân đội Việt Nam can dự vào nước láng giềng Campuchia. Hà Nội rơi vào quỹ đạo của Mátxcơva và bắt buộc phải trả món nợ chồng chất bằng nhiều cách.

Đảng cố gắng bù đắp ngân sách bằng cách cử công dân của mình đến làm việc trên lãnh thổ của các nước Liên Xô và khối các nước Xã hội chủ nghĩa. Người Nga cũng được phép hiện diện tại căn cứ hải quân ở Cam Ranh. Số vũ khí Mỹ để lại ở miền Nam Việt Nam (chính quyền Sài Gòn trước khi bị chính quyền Hà Nội tiếp quản đã được hỗ trợ quân sự to lớn của Mỹ (trị giá 5 tỷ USD), trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới về số lượng vũ khí phòng không, không quân) đã được bán cho Iran, nhưng nó vẫn không cho phép nền kinh tế đứng vững.

Thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, cần phải phát hành tiền trong khi ngân khố không có gì đảm bảo nên vào năm 1986 đã rơi vào tình trạng siêu lạm phát tới 800 phần trăm. Cùng thời gian xung đột với Trung Quốc, một bộ phận thiểu số người Hoa di cư khỏi Việt Nam, điều này tự động dẫn đến sự sụt giảm số lượng kỹ sư và chuyên gia trong ngành công nghiệp. Việt Nam đòi hỏi thay đổi, nhưng đổi mới phải lâu sau mới thích hợp.

Sau một vài năm, khi đất nước được đưa vào một cuộc tu chỉnh mới, số lượng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đã lên tới con số 5 nghìn. Việc làm đã được tổ chức lại, tỷ lệ thất nghiệp tiềm ẩn đã được giảm bớt và vào nửa đầu những năm 90 của thế kỉ 20, quốc gia này đã tăng từ 8% đến 9%. Lạm phát từ mức ngất ngưởng trên trời trước đây đã giảm xuống mức hai con số.

Lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam được dỡ bỏ vào đầu năm 1994. Trước đó vài tháng, Hà Nội đã trao trả cho Hoa Kỳ hài cốt của 67 người thiệt mạng trong chiến tranh. Đổi lại, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho Việt Nam vay nợ. Thượng nghị sĩ John McCain, với tư cách là một người lính đã trải qua 5 năm rưỡi bị giam cầm ở Việt Nam, khảng định rằng nếu người Việt Nam giữ lời thì phía Mỹ sẽ không thể không giữ lời hứa và dỡ bỏ lệnh cấm vận. Năm 1995, Hà Nội và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao, và năm 2016, Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam.

Mô hình đổi mới của Việt Nam có thể hữu ích ở Triều Tiên vì một số lý do cơ bản. Thứ nhất, trình độ phát triển kinh tế và xã hội, và hệ thống kinh tế dựa trên nền tảng hệ tư tưởng, ở cả hai nước là tương tự nhau. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng được áp dụng đối với cả hai quốc gia, điều này dẫn đến việc thiếu khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại và không có mặt trong nền kinh tế toàn cầu (ví dụ như WTO). Việt Nam cũng đã từng bị cô lập trên diễn đàn khu vực và bị tước tư cách thành viên ASEAN. Sự tham gia của Triều Tiên vào các sáng kiến ​​khu vực cũng rất nhỏ. Bắc Triều Tiên, giống như Việt Nam vào thời điểm đó, là một quốc gia hoạt động trong sự cô lập về kinh tế và chính trị. Đồng minh lớn nhất của Việt Nam - Liên Xô bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc. Các tín hiệu cho thấy đã quá rõ ràng rằng nó không thể đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam.

Trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, không có những tín hiệu rõ ràng như vậy từ đồng minh lớn nhất là Trung Quốc, ngoài ra, Bắc Kinh đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ mất vị trí này. Cuối cùng, Việt Nam vào thời điểm bắt đầu đổi mới, được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định của Bán đảo Đông Dương và toàn bộ khu vực Đông Nam Á (xét cho cùng, nước này có một quân đội mạnh, được đào tạo bài bản) sau khi quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia. Tương tự, Triều Tiên được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên, nhất là vấn đề liên quan đến thử vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng.

Những thay đổi bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Nó là một lĩnh vực quan trọng vì bao phủ phần lớn xã hội. Năm 2000, 24% dân số sống ở các thành phố và 76% ở các vùng nông thôn. Nghĩa vụ đối với nhà nước của nông dân cá thể và hợp tác xã, nông trường quốc doanh và những thành phần khác là bình đẳng. Giả định cơ bản của phát triển kinh tế là thoát khỏi nền kinh tế khép kín, chuyên chế, chuyển sang nền kinh tế thị trường và thu hút nguồn vốn cần thiết để kích thích nền kinh tế. Các bước đầu tiên theo hướng này là việc thông qua Đạo luật Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài vào tháng 12 năm 1987 cùng với các luật Công ty vào năm 1989.

Vào giữa những năm 80 và 90 của thế kỉ 20, quá trình thay đổi phải được đẩy nhanh hơn do việc Nga, chính quyền thừa kế của Liên Xô, rút ​​vốn tài trợ cho nhiều dự án ở Việt Nam. Vốn tư nhân phải được tạo cơ hội thích đáng - Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã công nhận khu vực tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Đổi mới phát triển nhanh chóng và trong những năm 1996-2000 và đã tạo ra nhiều việc làm gấp ba lần khu vực nhà nước.

Vấn đề trong các nền kinh tế đang chuyển đổi là duy trì thâm hụt cao, đe dọa sự ổn định kinh tế. Tại Việt Nam, thâm hụt ngân sách và lạm phát thấp đã được kiểm soát. Những cải cách được đưa ra trước những thay đổi ở các quốc gia hình thành sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác sụp đổ, nhưng khác biệt là, trong khi tất cả các quốc gia châu Âu đều trải qua chuyển đổi có hệ thống và áp dụng liệu pháp sốc để thay đổi (tự do hóa, tư nhân hóa và ổn định vĩ mô), thì Việt Nam vẫn là một nhà nước chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Tóm lại, mô hình đổi mới nền kinh tế Việt Nam có thể có lợi cho Triều Tiên trên nhiều khía cạnh. Giáo sư Małgorzata Pietrasiak từ Đại học Lodz, người nghiên cứu mô hình đổi mới kinh tế này, đề xuất những điểm chung sau đây.

Cải cách kinh tế ở Việt Nam, cũng giống như ở Trung Quốc, do đảng cộng sản khởi xướng và được thực hiện với sự ủng hộ của công chúng, ở Việt Nam người ta thậm chí có thể nói đến việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi của xã hội. Ở Trung Quốc, họ bắt đầu trong một khoảng trống chính trị sau cái chết của Mao Trạch Đông. Hai đảng cộng sản đều dựa trên cơ sở tư tưởng giống nhau, đều có nguồn gốc dân tộc và giải phóng dân tộc. Cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân đã được nêu trên các biểu ngữ của cả hai đảng cùng với các khẩu hiệu về chủ nghĩa Mác-Lê nin. 

Vậy nên, cơ sở của những cải cách này được tạo ra bởi giới tinh hoa của đảng làm cho Việt Nam và Trung Quốc khác với các nước ở Đông Âu và Liên Xô, nơi có sáng kiến ​​(đồng ý cải tổ) của các đảng cộng sản, nhưng ngay sau đó họ đã bị loại bỏ khỏi bộ máy quyền lực. Trong trường hợp của Triều Tiên, cơ sở lý luận chính trị cũng tương tự: không lực lượng chính trị nào khác có thể khởi xướng và thực hiện đổi mới. Cũng như ở Việt Nam, đảng có một phả hệ dân tộc (những người nối dõi –ND) và những người giải phóng dân tộc.

Mục tiêu hàng đầu của công cuộc đổi mới là chuyển đổi chiến lược từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Sự chuyển đổi bao gồm cả khu vực tư nhân và nhà nước (công cộng). Nhà nước công nhận khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế “nhiều thành phần” và tạo ra pháp luật giúp cho nó phát triển. Điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ này.

Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Vai trò của chúng đến từ nền tảng tư tưởng của hệ thống. Những thay đổi không xảy ra đột ngột, mà theo cách xây dựng một cách có hệ thống các nhận thức về sở hữu tư nhân để không gây xáo trộn trật tự xã hội chủ nghĩa. Đây là một đảm bảo cho sự thành công của những cải cách tương tự ở Triều Tiên

Mô hình của Việt Nam phù hợp với nền kinh tế của các nước chủ yếu dựa vào nông thôn, chẳng hạn như Triều Tiên. Xóa bỏ tập thể hóa nông nghiệp đã giải phóng một tiềm năng sản xuất lớn. Điều này dẫn đến việc tăng nhanh năng suất, xóa bỏ các khu vực nghèo đói và tăng xuất khẩu nông sản.

Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn nhiều so với các nước xã hội chủ nghĩa khác, do đó quá trình chuyển đổi sang hệ thống thị trường hoàn toàn khác so với các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu. Chiến lược CAD (chiến lược bất chấp lợi thế so sánh), tăng trưởng thông qua đầu tư vào ngành công nghiệp nặng, huy động nội bộ và kích thích hành chính của một số lĩnh vực ưu tiên gặp phải rào cản tăng trưởng ở Trung và Đông Âu, vì vậy ở đó đã áp dụng hình thức liệu pháp sốc.

Việt Nam đã lựa chọn các phương pháp chuyển hóa thận trọng và nhất quán, không thực hiện liệu pháp sốc, và điều này cho phép tránh sự sụp đổ của hệ thống chính trị. Cách tiếp cận này cho phép liên tục phản ứng và điều chỉnh chính sách.


Việt Nam bắt đầu cải cách ở các vùng phía nam và ven biển, những vùng này đóng vai trò như đầu tàu. Trong trường hợp của Triều Tiên, những "đầu tầu" như vậy nên được chọn. Các khu vực có khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, thích ứng tốt hơn với những thay đổi, thông qua kinh nghiệm của họ và mức độ phát triển cao hơn các khu vực khác.

Ở Việt Nam, một phần nhỏ của khu vực tư nhân vẫn tồn tại vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Sự phát triển cũng được kích thích bởi miền Nam Việt Nam. Thị trường tư nhân tồn tại dưới chế độ Sài Gòn cũ được chính thức công nhận và xây dựng lại vào năm 1987. Triều Tiên không được hưởng hoàn cảnh thuận lợi đó.

Ở Việt Nam, cộng đồng người Việt hải ngoại đóng một vai trò quan trọng. Đất nước này đã mở ra con đường để những người đã ra đi có thể quay trở về, thăm viếng, liên hệ và đầu tư. Có một cộng đồng người Triều Tiên ở hải ngoại và mối quan hệ gia đình ở cả hai miền Triều Tiên. Tận dụng lợi thế của cộng đồng hải ngoại chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự cởi mở hơn, giảm bớt những lo lắng liên quan đến đầu tư.

Cải cách kinh tế phụ thuộc vào chiến lược quốc tế. Khẩu hiệu "Việt Nam là bạn của tất cả các nước " thể hiện quyết tâm thiết lập quan hệ ngoại giao ngay cả với những kẻ thù gần đây (Mỹ năm 1995), gia nhập các tổ chức khu vực (ASEAN năm 1995) và toàn cầu (WTO) cũng như các tổ chức liên quan đến các vấn đề an ninh. Hoạt động quốc tế của đất nước được gia tăng một cách có hệ thống. Việc "mở cửa" dần dần này đối với Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho các quá trình hiện đại hóa.

Trong thời gian sắp tới có thể thấy ai sẽ là bạn của ai. Những thay đổi chính trị ở Việt Nam trùng với lễ nhậm chức của một tổng thống mới ở Hoa Kỳ. Donald Trump, người được người Việt Nam coi trọng vì lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của họ, đã được thay thế bằng Joe Biden, người có thể có chính sách khác với người tiền nhiệm. Cần nhớ rằng trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2021, hai tuần trước khi Biden nắm quyền, những người biểu tình, ngoài cờ Mỹ, còn có biểu ngữ màu vàng ba sọc đỏ ngang, biểu tượng. của miền Nam Việt Nam. Một miền nam trước đây hợp tác với Washington trong chiến tranh Việt Nam. Sự xuất hiện của các yếu tố như vậy vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nước có thể gây ra những hậu quả sâu rộng và không hoàn toàn có thể đoán trước được. Tương lai của Triều Tiên sẽ quan trọng như nhau đối với cả Mỹ và Việt Nam, và Biden cũng có thể thay đổi thái độ đối với nó.

Xuân Nguyên (Chuyển ngữ)

Nguồn: https://www.ecpp.org.pl/polityczne-zmiany-w-wietnamie-i-35-lecie-tamtejszych-reform-ekonomicznych/

Sửa lần cuối 2021-02-05 13:48:49

Bình luận

Bình luận qua Facebook