2016-04-09 13:57:32

Tại sao giá dầu mỏ trên thế giới giảm mà giá bán xăng vẫn cao?

Tại sao khi giá một thùng dầu mỏ hạ đến gần 20% mà giá bán xăng ở các trạm xăng chỉ giảm đi chưa đầy 10%. Vì sao vậy? Ấy là vì giá xăng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: tỷ giá đồng đô la Mỹ, vào tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC, vào những người đầu cơ chứng khoán ở Antverpen (trung tâm công nghiệp của Bỉ), vào chính sách của Liên minh Châu Âu và cả giá cây cải dầu (tiếng Ba Lan: rzepak) và giá bán ngô nữa.

Vào tháng 10 năm ngoái, giá một thùng dầu loại BRENT, tức loại dầu châu Âu hay mua nhất, có giá là 50 USD/thùng. Giờ giá đã giảm đi gần 20% và giá một thùng chỉ còn khoảng 40 USD. Nếu chúng ta so sánh giá dầu với giá xăng ta trả ở các trạm bán xăng, thì sự chênh lệch về giá chẳng là bao: ngày 9-10-2015 giá bán xăng là 4,47 zł/lít, giá dầu chạy xe là 4,32 zł/lít. Như vậy so với giá xăng dầu mua trong tháng 3-2016, ta thấy giá xăng chỉ giảm đi 9,3%, còn giá dầu chỉ giảm 9,7%. Ở chiều ngược lại cũng vậy. Ta chỉ cần xem lại số liệu ngày 4-7-2008, khi giá dầu mỏ ở mức 141 USD/thùng nhưng giá bán xăng và dầu chạy xe chỉ cao hơn bây giờ có 14% và 17% mà thôi. Từ đó có thể rút ra một kết luận rất đơn giản: giá dầu mỏ không quyết định trực tiếp giá nhiên liệu chạy xe. Tại sao lại như vậy?

Dù giá dầu mỏ là một yếu tố quan trọng, nhưng giá xăng dầu bán ở trạm xăng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chỉ cần nhắc bạn là giá một lít xăng mua ở nhà máy lọc dầu chỉ bằng khoảng 38% giá bán ra. Ngoài ra là thuế: 37,7% thuế hàng hóa đánh để hạn chế tiêu thụ (akcyza), 19% thuế VAT. Ta còn cần thêm vào đây lãi (marża) và thuế nhiên liệu (opłata paliwowa). Ngoài giá dầu, tỷ giá ngoại tệ cũng đóng vai trò cốt yếu. Ví dụ khi tỷ giá tiền Ba Lan yếu đi so với các đồng đô la và euro, thì các hãng Ba Lan phỉa trả nhiều tiền hơn cho cùng một lượng nhiên liệu mua, nên giá bán xăng dầu ở trạm cũng bị ảnh hưởng. Chỉ cần nhắc lại là trong năm qua, tỷ giá đồng đô la đã tăng khoảng 10% theo tỷ giá trung bình của Ngân hàng Quốc gia Ba Lan NBP.

– Giá xăng dầu ở trạm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết là giá bán buôn ở các nhà máy lọc dầu tức là ở PKN Orlen và Nhóm Lotos. Các loại thuế kể trên: thuế hàng hóa, thuế nhiên liệu, thuế VAT là không đổi cho mỗi năm. Nếu kể đến giá sản xuất nhiên liệu, thì giá dầu và tỷ giá đồng đô la có ảnh hưởng lớn. Song việc định hình giá bán buôn của các nhà máy lọc dầu Ba Lan còn chịu ảnh hưởng của sự thay đổi giá trên thị trường nhiên liệu, tức là giá của các nhà máy lọc dầu khác (ví dụ ở châu Âu là giá ARA, đây là giá bán nhiên liệu ở các thị trường chứng khoán tại Antverpen (Bỉ) , Rotterdam và Amsterdam (Hà Lan)), theo lời ông Zdzisław Pisiński, chủ bút tạp chí „Paliwa Płynne” (Nhiên liệu lỏng).

Từ gần đây, chính sách xanh của Liên minh Châu Âu về khí hậu cũng ngày càng ảnh hưởng đến giá xăng. Theo đó, tất cả những đơn vị khi bán nhiên liệu ra thị trường phải bổ sung các thành phần nhiên liệu sinh học vào đó. Theo chuẩn hiện nay, mỗi lít dầu chạy xe phải chứa đến 7% ê-te chiết xuất từ cây cải dầu (tên gọi là FAME), và trong mỗi lít xăng có từ 5 đến 10% bioetanol. Thế mà giá dầu cải dầu (nguyên liệu để sản xuất FAME), cũng như giá ngô Mỹ dùng sản xuất bioetanol không giảm đi đồng thời cùng với giá dầu mỏ. Cần phải bổ sung thêm vào là để giữ ổn định hỗn hợp trên sao cho nước không bị phân ly ra từ đó, người ta phải dùng các chất chống ô xy hóa có giá rất cao, ông Zdzisław Pisiński nói thêm.

Ngay cả khi xuất hiện các điều kiện thuận lợi để giá bán xăng dầu ở các trạm có thể giảm đi thì chưa chắc như thế đã tốt cho thị trường. Giá giảm đi quá sẽ dẫn tới các vấn đề lớn hơn trong khu vực.

– Thị trường xung quanh có ảnh hưởng đến giá bán buôn của các nhà máy lọc dầu Ba Lan. Giá nhiên liệu do các nhà máy của cả Orlen cũng như Lotos không thể rẻ hơn các đối thủ của mình. Nếu họ bán đắt hơn, thì các trạm xăng của Ba Lan sẽ đi nhập từ các nhà máy lọc dầu khác như Rosnieft ở Schwedt, hay mua từ Slovnaft ở Bratislava. Nếu họ bán rẻ hơn thì xăng nội sẽ bị hút ra nước ngoài. Có một thời nước Nga đã rơi vào tình trạng như vậy, do chênh lệch giá quá cao, các nhà máy lọc dầu của Nga không bán ra thị trường nội địa nên dân Nga không có xăng để chạy và chính Tổng thống Pu tin khi đó đã phải can thiệp, ông Zdzisław Pisiński nói.

Giá xăng dầu cao ở các trạm xăng cũng không có nghĩa là các hãng nhiên liệu sẽ thu về lãi lớn. Khi mà cả đô la và dầu mỏ tăng giá, thì các hãng sẽ có vấn đề, lãi giảm đi vì các hãng nhiên liệu không thể đổ hết mọi thứ lên đầu khách hàng, vì nếu làm thế thì lượng mua sẽ giảm do thị trường cạnh tranh rất cao. Do vậy khi đó các hãng lớn cũng nhận một phần thiệt thòi về phía mình.

Giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế có thể thay đổi lên xuống trong vào tuần tùy tình hình. Vì thế các hãng lớn của châu Âu như PKN Orlen hay Grupa Lotos quy định giá trên cơ sở mức của thị trường chứng khoán ARA chứ không trên cơ sở giá dầu thô. Ngoài ra họ còn cố gắng ký các hợp đồng dài hạn để loại trừ các rủi ro do thay đổi tỷ giá ngoại tệ.

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2016-04-09 11:58:43

Bình luận

Bình luận qua Facebook