2025-03-27 12:03:31

Tiến sĩ SGH giải thích vì sao những quận ‘giàu’ thường nằm ở phía tây thành phố

Tiến sĩ Habil. Michał Schwabe, trường Kinh doanh Warszawa (SGH), chia sẻ trên tờ Wyborcza góc nhìn của mình về tác động của nơi cư trú và quy hoạch đô thị đến chất lượng cuộc sống của cư dân.

Ảnh: freepik

Thông thường, người ta cho rằng ở Ba Lan, môi trường nông thôn trong lành và sạch sẽ hơn thành phố nên điều kiện sức khỏe cũng tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông, các thành phố có mạng lưới sưởi ấm và khí đốt hiện đại, không cần dùng than củi như ở nông thôn, nên mức độ ô nhiễm lại thấp hơn. Vì vậy, cách phân chia truyền thống giữa “nông thôn” và “thành thị” chưa chắc phản ánh đúng chất lượng sống thực tế. Thay vào đó, ông đưa ra một góc nhìn khác, đó là sự khác biệt giữa 'phía đông' và 'phía tây' của thành phố.

Phía tây ‘giàu’ hơn phía đông?

Đúng là về mặt thống kê, khu vực phía đông của các thành phố thường nghèo hơn khu vực phía tây. Nguyên nhân lớn là do hướng gió.

Trong thời kì cách mạng công nghiệp, khi các nhà máy bắt đầu xuất hiện, chúng thường được đặt ở phía đông thành phố để gió không mang ô nhiễm vào. Thủ đô London với khu West End và East End thường được coi là ví dụ điển hình.

Ở Ba Lan, thành phố Łódź, nơi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp, có tổ hợp nhà máy Księży Młyn được đặt ở phía đông. Ở thủ đô Warszawa, nhà máy Koneser và Żerań cũng nằm ở phía đông thành phố. Tại Kraków Zabłocie, nhà máy Siedler, Nowa Huta cũng ở phía đông. Và ở Lublin, các nhà máy xe tải cũng nằm ở vị trí tương tự. Dĩ nhiên bên cạnh đó cũng có một vài ngoại lệ. Ví dụ như nhà máy lớn nhất ở Warszawa trước chiến tranh cũng nằm ở khu vực quận Wola chứ không hẳn là ở phía đông. Bởi ngoài hướng gió thì khoáng sản và giá đất cũng đóng vai trò quyết định cho vị trí nhà máy.

Ảnh: freepik

Khu hội nghề mới là khu ‘giàu’

Nhưng trước thời đại cách mạng công nghiệp, thì việc phân chia các khu ‘giàu’ và ‘nghèo’ lại được ảnh hưởng bởi yếu tố khác. Giới tinh hoa bao gồm vua chúa, tăng lữ, quý tộc thì sống ở trung tâm thành phố để chứng tỏ quyền lực. Còn những người làm nghề, buôn bán, thợ thủ công và người nghèo thì sống ở vùng rìa, ngoại ô. Trong đó, những khu dân cư có giá trị không hẳn là đẹp hay sạch, mà là nơi có hội nghề thủ công hoạt động mạnh, ví dụ như phố thợ rèn, thợ mộc, thợ vàng, vân vân. Bởi lẽ ngày xưa ở Ba Lan, các hội nghề thường rất uy tín và khó vào, phải mất nhiều năm học việc mới có khả năng làm thợ cả. 

Ngày nay, một số con phố ở Ba Lan vẫn giữ được những cái tên được đặt từ thời xa xưa, theo các hội nghề uy tín trong khu vực, ví dụ như Szewska (phố ‘Hàng Giày’), Złota (phố ‘Hàng Vàng’), Kowalska (phố ‘Hàng Rèn’), Piwna (phố ‘Hàng Bia’).

Quay trở lại với thời cách mạng công nghiệp, đô thị bắt đầu thay đổi mạnh. Nhà máy mang theo ô nhiễm, khói bụi. Người lao động và dân nhập cư buộc phải sống gần các nhà máy ở phía đông để tiện làm việc. Còn tầng lớp giàu có thì bỏ trung tâm, bỏ phía đông để ra ngoại ô phía tây sinh sống.

Thời hiện đại: lối sống đô thị và khu ‘dân nhập cư’

Đến thế kỉ 20, các nhà máy không còn nằm ngay trong thành phố nữa. Thay vào đó, mô hình đô thị theo kiểu "đồng tâm" được hình thành, với khu tổ hợp thương mại, văn phòng, ngân hàng ở trung tâm, bao quanh là các quận, xa hơn là ngoại ô.  Người giàu lại có xu hướng quay trở về trung tâm thành phố y như thời trước cách mạng công nghiệp, nhưng không phải vì công việc, mà vì sở thích và lối sống đô thị.

Ảnh: freepik

Tuy nhiên, ngày nay các thành phố ở Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung ngày càng phân mảnh hơn do có nhiều người nhập cư. Vậy khi người nhập cư xuất hiện tập trung ở một khu vực cụ thể, giá bất động sản ở khu vực đó có thay đổi không?

Người nhập cư ở Ba Lan hay sống tập trung thành từng cộng đồng, do giới hạn ngôn ngữ, không thông thạo cách xử lý các vấn đề trong cuộc sống, khó hòa nhập với đất nước sở tại  nên cần sống gần nhau để tương trợ. Thomas Schelling, người đoạt giải Nobel kinh tế, chỉ ra rằng việc hình thành các khu nhập cư như vậy là một quá trình không chủ ý. Tuy nhiên, khi vượt quá một ngưỡng nhất định, người bản địa sẽ rời khỏi khu vực đó và những người nhập cư sẽ đổ vào đó. Khi chính dân bản địa rời đi thì giá nhà đất khu này cũng có xu hướng giảm theo. Nhưng nếu người nhập cư tập trung ở trung tâm thành phố, lâu dần giá đất sẽ tăng lên đến mức chính họ cũng không trụ được và phải rời đi, nhường chỗ cho dân bản địa.

Kết luận

Không có địa chỉ nào là xấu. Chỉ có những nơi cần được quan tâm nhiều hơn, để mọi người sống ở đó có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình, ví dụ như những khu có nhiều người nhập cư không hòa nhập được, khu ô nhiễm môi trường nặng, khu có nhiều người nghèo, ít nhận được hỗ trợ. Nếu xã hội, chính quyền và cộng đồng cùng chung tay, thì bất kỳ nơi nào cũng có thể trở thành một nơi đáng sống.

An Vu

Tổng hợp từ https://wyborcza.biz/biznes/7,147758,31777216,to-nie-przypadek-ze-najbogatsze-dzielnice-warszawy-sa-po-zachodniej.html#S.economy_biz-K.C-B.1-L.1.duzy

Sửa lần cuối 2025-03-27 11:03:54

Bình luận

Bình luận qua Facebook