2014-11-08 19:53:54

Ai bảo đi " Tây" là sướng! Phần 1: Sau luỹ tre làng

Không phải ngày xửa, ngày xưa- cái thời bao cấp, cái thời chưa mở cửa, mà đến tận bây giờ hễ nghe nói đi " Tây" là ai cũng xuýt xoa:- Ôi! Sao sướng thế! Số sao sướng thế!...Câu chuyện mình sắp kể sau đây, là một trong hàng mấy ngàn câu chuyện có thật. Chuyện không của riêng ai, không nói cụ thể ai nhưng là chuyện thật của những người trót mang tiếng đi " Tây". Đọc để thương cho kiếp đàn bà chúng mình. Đúng là như hạt mưa sa! 
Mấy lần vào chợ Marywinska, do chợ kém, khách không mua hàng chỉ đi dạo chơi, vì thế mình cũng hay la cà hỏi chuyện. Lần nào cũng vậy, mình hay dừng lại chỗ cửa hàng của chị bán hàng vặt. Trên sạp hàng cơ man các chủng loại. Nhỏ nhặt nhất là xịp nam nữ, găng tay, khăn quàng, áo lót nam nữ..., to tiền nhất là những bộ complet dạng thể thao, bộ đồ ngủ và các loại áo len... Nghĩa là hàng vải các thứ, miễn sao khách hỏi là có ngay. Bộ mặt chị chủ hễ có khách vào là vụt tươi, còn bình thường nhìn thật đăm chiêu, nét buồn luôn thường trực. Cứ mỗi lần đi qua mình chợt thấy nao lòng, và câu chuyện đi " Tây" cứ thế tuôn trào, nhiều khi mình nghe lại thấy rất ái ngại. Hoá ra chi cũng rất cần tâm sự cho vơi bớt nỗi buồn chồng chất bấy lâu. 
Chị quê ở vùng miền bắc trung bộ. Lấy chồng năm 18 tuổi, về làm dâu nhà chồng ngoài nhiệm vụ phục vụ bố mẹ chồng và các em chồng, chi còn nhiệm vụ đẻ bằng được con trai để nối dõi tông đường. Sau hai lần sinh hai gái, mẹ chồng đã đối xử thật khắc nghiệt với các bài ca sáng, tối như nhau. Nghĩa là bê bát cơm ăn mà hai dòng nước mắt chảy xuống thay canh. Anh chồng thương vợ, nhưng lại đang theo học nghề dược ở tận Hà nội, nên thi thoảng về cũng chỉ được vài câu động viên rồi lại ra đi. Mãi khi sinh được cậu quý tử, gia đình chồng có vẻ niềm nở hơn, mẹ chồng đỡ hắt hủi hơn. Ấy vậy nhưng mẹ chồng, nàng dâu vẫn là câu chuyện truyền đời về khắc khấu, khắc ý. Đằng này chị càng nhịn, mẹ chồng càng nghĩ là bà đúng, và cuộc sống cứ như chịu tra tấn, tù đày đè lên hai vai. Chị đã từng nghĩ cho 3 đứa bé uống chung chai thuốc diệt sâu để cả mấy mẹ con được sum vầy vui vẻ ở thế giới bên kia. Chồng luôn bênh vực mẹ nên không có tiếng nói để mẹ thông cảm, vì vậy chị luôn thấy cô độc ngay trên chính quê hương của mình. Trong những cơn thất vọng, tiếng cười của các con là niềm an ủi động viên để chị sống tiếp hàng ngày. Sau những giờ quần quật đồng áng, về nhà lo cơm nước, lợn, gà. Ngơi tay nhìn lại lũ con đã ngủ lăn lóc, còn lại chút ít thời gian rãnh đêm khuya để ngắm các con. Tình mẫu tử trỗi dậy khi nghĩ các con không có tội tình gì, chúng cần được sống, được học hành và thoát khỏi mảnh đất nghèo khổ và hà khắc tận cùng này. Ý chí sống vì con đã làm chị sống quật cường và cam chịu. Chị đã giống như cỗ máy, chỉ biết làm việc nhưng vô cảm trước mọi lời hạch sách của mẹ chồng.
Rồi tình cờ một ngày nọ, có ông chú họ xa bên bố đẻ, nghe đâu là Việt kiều từ Balan về thăm quê. Nhà mẹ đẻ xin phép cho chị về giúp làm cơm đãi khách quý. Tất tả, quần ống cao, ống thấp chạy về, quẳng cái nón vào hè nhà, tay thoăn thoắt công việc bếp núc. Lúc bê mâm cơm lên nhà trên, ông chú hỏi:
- Thắm! mày nhớ chú không? Hồi bé tao toàn cõng mày chạy nhông nhông ngoài đường đấy! Chị giật mình, lí nhí vì chẳng nhớ nổi điều gì từ thủa bé con. 
- Bố mày vừa kể chuyện của mày cho tao nghe rồi. Rõ khổ, ai ngờ cái con bé hồi xưa trắng như cục bột, xinh xắn như búp bê, ai nhìn cũng muốn cắn cái vào má. Vậy mà lớn lên, lấy chồng, đẻ con lại khổ thế! Đúng là cái số" hạt mưa rơi xuống bãi cứt trâu" cháu ạ!
Chỉ chờ có vậy, hai hàng nước mắt và những tủi hờn cứ trào lên, không tài nào ngăn lại nổi. Chị đặt mâm cơm không kịp mời khách, chân đã quay ngoắt chạy ra phía sau nhà. Những tức tưởi, những tủi hờn đè nén được thể xổ tung ra. Lần đầu tiên sau gần chục năm xa bố mẹ làm dâu nhà người, chị đã khóc ngay chính nơi mình cất tiếng chào đời. Lần đầu tiên có một người đi xa quay về buông tiếng than thân trách phận cho cô. Hình như ở quê, những người làm dâu đều chấp nhận thân phận như thế nếu chẳng may gặp nhà chồng hà khắc! Ý nghĩ giải thoát cho hai cô con gái càng mãnh liệt, nếu không cho chúng học hành có nghề nghiệp, chắc 18 tuổi lại đi làm dâu, chẳng may đời con lại giống mẹ thì khổ vô cùng.
Sau lần gặp mặt ông chú ở nhà mẹ đẻ thi thoảng chị cũng gặp ông, khi đi làm đồng về. Có lần chú hỏi:
- Hay mày sang Balan nhé. Tao lo giấy tờ cho, tao làm quán ăn, thế nào tao cũng tìm cách cho mày sang hợp pháp được. Vợ chồng bàn bạc đi, tuần sau tao bay rồi. Có gì báo chú nhé.
Chị đi như trong mơ, chân nọ đá chân kia, mấy lần suýt ngã. Đi Tây ư? Thật không ngờ nếu một ngày nào đấy chị rời khỏi cái làng này, đi xa, mà đi Tây cơ đấy, ai mà tin! Cứ thế, chị như kẻ mộng du, đi mà chẳng biết mình đang đi. Chỉ khi va vào bà hàng xóm, bà quát : "con điên à, mắt với mũi để đâu, va cả vào tao!". Chị giật mình tỉnh lại.
Mong đỏ con mắt sao chóng đến thứ 7 để chồng về. Sau khi học xong, chồng chi không về quê mà ở lại làm giáo viên của trường trung cấp dược Hà nội. Chiều tối thứ 7, anh thường về với vợ con. Chuyện tày trời này hé ra chắc lại nghe chửi rát cả tai, may ra tỷ tê với chồng còn có thể xuôi được. Mà dại gì te te cơ chứ, việc cả đời người, nếu lần này không quyết tâm chắc không còn cơ hội. 
Tối, cơm nước xong, anh ngồi nhìn các con học, thỉnh thoảng đứa lớn hỏi bài toán, đứa bé đọc bài văn cho anh nghe. Thằng quý tử leo vào lòng bố, sờ xem mấy khóm râu ở cằm bố đã được cạo chưa. Sau khi xong hết việc, rửa tay, lau vội vào vạt áo, khẽ khàng ngồi xuống. Chẳng biết nên bắt đầu thế nào. Mãi sau rụt rè chị nói:
- Mình à! Em có chuyện quan trọng muốn bàn.
- Vẽ chuyện! Mẹ mày có gì cứ nói ra đi, sao hôm nay õng ẹo như gái mới về nhà chồng thế!
- Hay vợ chồng mình vào buồng trong cho kín đáo, em không muốn ai nghe chuyện này.
Anh chồng giật mình, mắt quay sang nhìn vợ, nửa ngạc nhiên, nửa ngờ vực. Chuyện gì to tát mà lại phải thì thào với nhau. Hay mụ vợ lại dính bầu con gái mà dấu mình. Máu nóng bốc lên mặt, anh lạnh lùng: - Vớ vẩn! đã bảo đi bảo lại là phải cẩn thận, lần này mà con gái là coi chừng, tôi bỏ, đừng trách!
Tự nhiên trong cô có mội ý nghĩ bất chấp tất cả. Nếu chồng không đồng ý, cô cũng ra đi. Ở nhà vừa đói khổ, vừa chịu sự áp đảo của mẹ chồng, vừa không có sự chia sẻ của chồng. Nhỡ đâu...nhỡ đâu có thêm cô con gái nữa thì chắc lanh tanh bành. Chị buột miệng thở dài: 
- Anh cứ nghe em đã, chuyện liên quan đến việc kiếm tiền của em. Em có cách đi làm kiếm tiền chính đáng gửi về cho anh nuôi con ăn học. Chuyện là vậy nhưng em muốn bàn kỹ cùng anh.
Lần này, hình như tác dụng của chữ" kiếm tiền" làm anh càng ngạc nhiên hơn. Anh hỏi rõ to: - Cái gì? Mẹ mày vừa nói cái gì? Mẹ mày cũng đòi đi kiếm tiền nuôi con ăn học? Có mà " Chó mặc váy lĩnh"! Nghĩa là coi thường vợ ra mặt. Hoá ra anh cũng giống mẹ chồng, luôn nghĩ cô là kẻ ăn bám. Chỉ biết quanh quẩn xó bếp, vô tích sự...như thế tức là hàng ngày chị làm từ mờ sáng đến nửa đêm cũng không được gọi là làm việc! Nước mắt lại trào ra, tủi hờn vô hạn! Chị năn nỉ: 
- Thôi, lần này thôi, nghe em nói đi mình! 
Anh miễn cưỡng đứng dậy không quên buông câu:- Rách việc!
Phút chót của câu chuyện chị trình bày, mặt anh chùng xuống có vẻ đăm chiêu. Quả thực nếu chị đi" Tây", ông chú bảo lãnh hết thì đại phúc rồi. Lương anh đưa về nuôi con được mấy đồng bạc, con cái ngày càng lớn đủ thứ cần chi. Thực ra từ trước đến nay cuộc sống gia đình anh lay lắt nhờ chủ yếu mấy sào ruộng, với đám vườn nhà rau cỏ, gà, vịt tự cung tự cấp. Bố mẹ anh ngày càng già yếu, bệnh tật, anh con trưởng gánh nặng chất chồng. Để chị đi xa, con bé cũng là nỗi lo, nhưng nếu hàng tháng chị có tiền gửi về, anh có thể đưa con lên Hà Nội ăn học, rồi bố mẹ lên cùng...viễn cảnh sáng sủa hơn. Mà đi xa có ông chú họ bên cạnh thì còn lo gì vợ tấp tểnh theo giai! Anh đồng ý làm chị cảm động lại rơi nước mắt. Từ trước đến giờ, tiếng nói của anh là " Thánh lệnh", anh đã quyết cái gì là được cái đấy. Ghê gớm như mẹ chồng chị mà chưa lần nào trái ý anh. Chị tin lần này anh lại làm cho gia đình chồng không có " phiếu chống".
Sáng hôm sau, vợ chồng dắt nhau sang nhà chú họ. Anh cẩn thận tìm hiểu kỹ lưỡng từng ly, từng tý. Chị ngồi nghe càng khâm phục chồng, đúng là có học, có khác. Cứ như chị nghe nói đi" Tây" là choáng váng, có biết đâu đi cũng khổ lắm chứ, cũng vất vả tấm thân, cũng nhọc nhằn thể xác và tinh thần. Dưng mà, so với cuộc sống ở quê của chị, chị tin mình không kêu ca phàn nàn và chị sẽ làm được tất cả, miễn sao có tiền gửi về nhà! Vậy là chị sắp đi" Tây", chị sẽ làm công ở quán ông chú, chuyện nấu nướng chị vẫy tay là có bữa ăn đấy thôi, chuyện vặt! Phần còn lại chồng chị và chú họ bàn bạc cùng nhau, chị cắp nón ra về mà lòng dạ rối bời. Hoá ra cái nơi chị hay coi là địa ngục trần gian lại gắn bó vơis chị đến thế. Mới chợt nghĩ phải xa nó chị đã không cầm nổi nước mắt. Các con sẽ ra sao khi vắng mẹ, mấy sào ruộng với lũ lợn, gà, ngan vịt và đàn chó mới đẻ, ai chăm? Lại còn mẹ chồng với chứng đau lưng nửa đêm gần sáng lại rên rỉ và luôn miệng: " Thắm ơi! Mày dậy đấm bóp cho tao! Ngủ gì kỹ thế, đúng là của nợ nhà bà...". Không biết vắng chị bà sẽ gọi ai, ai sẽ chiều bà mỗi khi bà đau yếu. Nói vậy thôi, người già, mẹ chồng nhà nào chẳng khó tính với nàng dâu. Nếu không, sao bà nào không đẻ được con trai là coi như chưa biết đẻ con, vì không có con dâu hầu hạ, nghĩa là chẳng được làm mẹ chồng... Cứ thế, chị miên man suy nghĩ, chuyện nọ xọ chuyện kia, cứ như ngay ngày mai đã cắp nón đi ra chợ quê bán mấy thứ lấy tiền mua thuốc cho mẹ chồng vậy!
Chị không ngờ mọi chuyện trôi chảy thế. Ban đầu trong gia đình cũng nhiều người phản đối, nhưng chồng chị với tài hùng biện nên đâu vào đấy. Chỉ có mỗi ngày chủ nhật mà số phận chị thay đổi hoàn toàn. Làng chị cũng đã có mấy tấm gương đấy thôi, có người đi " Tây" nhìn vào khác hẳn, có ăn, có mặc chứ không đến mức lam lũ như kẻ bần hàn. Chị hàng ngày vẫn điệp khúc công việc. Anh và chú họ liên lạc với nhau. Lúc thì anh về bảo chị ký tên chỗ này, lúc lại bảo chị ra hiệu ảnh thị xã chụp làm hộ chiếu. Chị chẳng biết hộ chiếu là chỉ nghĩ là giấy tờ đại loại giống chứng minh nhân dân. Chị
Như cái máy, bảo sao làm vậy. Nhìn anh vất vả đi lại vì chị, từ sâu thẳm lòng biết ơn, sự cảm phục và yêu kính chồng vô bờ bến dâng trào trong chị. Chị tự hứa sẽ bết lòng vì chồng con, chị sẽ quên mình vì anh. Đấy là ý nghĩ dai dẳng và trung thành đến tận lúc này, khi chị đang ngồi trước mình. Mắt nhoà lệ, những tiếng nghẹn ngào cứ chực bật ra. Chị đã như thế trong suốt gần 20 năm xa xứ...
( còn tiếp)

Warszawa 7-11.

Nguyễn Mai Lê.

Sửa lần cuối 2014-11-08 18:51:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook