2015-06-10 21:26:10

Nước mắt người xa xứ(3): Chuyện cha, con nhà Toàn

Chợ Sân Vận Động ở thủ đô Vac Sa Va thật nhộn nhịp vào các dịp đầu xuân, đầu hè, đầu thu và đầu đông. Bởi cứ vào tầm này khách các nước xung quanh như Nga, Ukraina, Lít Va, Tiệp, Bungari, Đức, Rumani, Hungari.v.v.v...và khách hàng vừa tây vừa ta ở các tỉnh khác đều đổ về chợ bán buôn lớn nhất Ba Lan. Những năm tháng thời kỳ từ 1993-2002 không khí buôn bán ở đây thật đông vui, náo nhiệt. Đấy là thời kỳ hoàng kim cho việc giao lưu hàng hoá, thông thương từ nước này sang nước khác. Nhờ vậy những người xa xứ hầu như đều ăn nên làm ra. Nhu cầu vận chuyển hàng cho khách từ các ki ốt, từ các kho ra tận bãi tập kết hoặc tận ô tô của khách cũng trở lên vô cùng cấp bách và cần thiết. Điều này tạo nên tầng lớp chở hàng, bốc dỡ hàng trong cộng đồng người Việt. Đội ngũ này thường có tên gọi"Đội Wudzek"(vì tài sản duy nhất đáng giá sau sức khoẻ của bản thân họ là chiếc xe kéo 4 bánh tiếng Balan gọi là xe wudzek). 

  Một góc chợ Sân vận động 10 năm.     

Hàng ngày từ sáng tinh mơ, thường từ 2-3h sáng, những người làm nghề Wudzek, đã ra khỏi nhà. Không kể những hôm đột xuất chủ hàng gọi đi bốc dỡ hàng hoá lúc nửa đêm, vì vậy cuộc sống của họ khó có thể quy định giờ giấc sinh hoạt cho mình. Trong ánh đèn mờ tỏ của những ki ốt hắt ra, chủ và khách sau khi thanh toán tiền xong, lập tức có người chất hàng lên xe chở đi đến chỗ tập kết theo yêu cầu của khách. Lâu dần, người kéo xe và chủ hàng có mối quan hệ tin cậy, vì vậy ai nhiệt tình, vui vẻ và thật thà việc không ngớt tay. Thu nhập có khi hiệu quả hơn người bán hàng vì họ chẳng bao giờ lo tồn đọng, chẳng lo hàng lỗi mốt và thành quả lao động cầm trong tay khi hết giờ làm việc. Chính vì việc kiếm tiền bằng sức lao động thuần tuý dễ dàng, nên người nọ mách người kia. Anh kéo em trai sang, bố đón con trai đến tuổi lao động sang, thậm chí nếu họ hàng thân thích có nhu cầu họ tạo điều kiện bằng cách giới thiệu đường dây và đón về nhà lo các khoản thanh toán hộ... Cứ thế, trong một thời gian ngắn, số người tham gia vào lực lượng kéo xe và bốc dỡ hàng rất đông. Có thời điểm lên tới hơn hơn trăm người. Phần đông người Nghệ An, chủ yếu các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc... nhưng đông nhất là dân Yên Thành, nghe đâu lực lượng này đã tạo nên hình ảnh"xoá đói, giảm nghèo"tích cực nhất, hiệu quả nhất ở quê nhà. Trong số những người chân chất nói đặc giọng xứ Nghệ, tôi rất hay nhờ vả ba bố con anh Toàn. Chuyện về họ bình thường như bao người khác, nhưng không hiểu sao mỗi lần nhớ lại tôi luôn thấy tình cảm cha con họ thật gắn kết và cảm động. Con trai của Toàn tuy xuất phát từ nhà nông nhưng mọi cư xử thật lễ độ và ngoan ngoãn.  

      Toàn dáng người nhỏ nhắn, nước da bánh mật với khuôn mặt hiền lành chất phác. Anh có ba con trai và một con gái ở quê. Các con của Toàn tên rất vần và hay: Tuấn, Tú, Tâm(con gái) và cậu sau là Tình. Ở cái xứ gió Lào"chó ăn đá, gà ăn sỏi"mà có những 4 mặt con sàn sàn tuổi nhau như thế không khổ mới là lạ. Ngày đầu tôi biết  Toàn do cần chở hàng từ"kho Mepble"* về kiot của mình, tôi tình cờ gọi"Em ơi! Chị cần chở hàng". Toàn đứng bật dậy rất nhanh( thời kỳ đã có đông người kéo, vào lúc chợ đuội họ hay ngồi túm tụm vào một chỗ tán chuyện cùng nhau hoặc chơi bài cùng nhau). Trước lạ, sau quen, con người nói giọng"cà lắp"với những mẫu chuyện kể tưng tửng gây cười cộng với tính chịu khó không ngại việc, Toàn trở thành người chở hàng nhiều nhất khi tôi cần. Tiếp xúc lâu dài với Toàn, sau những câu chuyện kể là hình ảnh cuộc sống của những người xa xứ sống bằng lao động chân tay. Thì ra cuộc sống của họ tuy không tổn hao tâm trí về việc đầu vào, đầu ra, về việc bỏ tiền nhỏ thu về tiền to như người buôn đi, bán lại. Nhưng cũng hết sức vất vả và không kém phần lo sợ bởi số đông của họ không có giấy tờ. Họ sống bất hợp pháp. Thường có khi cả chục người thuê chung một căn hộ khoảng 50 m2, phố càng gần khu vực chợ càng tốt. Họ không câu nệ đòi hỏi tiện nghi, miễn sao tiện và rẻ. Chính vì vậy các căn hộ thường có một bếp nhỏ đầy đủ mọi thứ, một buồng tắm cùng toalet. Phòng khách biến thành phòng ngủ. Vậy nên mỗi người gắn bó với một tấm nệm mút và bộ chăn, ga, gối của riêng mình. Còn tất cả đều dùng chung. Chủ nhà càng dễ tính càng tốt, miễn đừng phải gặp gỡ tiếp xúc nhau vì họ đâu có biết tiếng. Với lại ở hàng chục người chứ không phải như hợp đồng thuê nhà ghi rõ chỉ có gia đình gồm bố, mẹ và vài đứa con. Vì thế họ sống khép kín, đi ra khỏi nhà khi hàng xóm chưa thức dậy và chiều về nhà khi hàng xóm đã đóng cửa kết thúc ngày làm việc. Sống chung đông đúc nên mọi người hàng ngày phân công nhau làm trực nhật bao gồm chợ búa, nấu nướng, rửa bát, lau dọn nhà tắm, nhà vệ sinh. Mỗi cặp thay phiên nhau từng ngày trong tuần và ghi chép tiền nong, cuối tháng bổ đầu từng người đóng cho"thủ quỹ". Nhà chỉ có mỗi cái nhà tắm nên việc làm vệ sinh cá nhân phải ý tứ nhìn nhau...Hồi đấy những năm 1996,Toàn chỉ có một mình, đặt chân lên đất Ba Lan bằng con đường vượt biên từ Tiệp. Kể cũng tài, con người hiền khô, trình độ văn hoá chưa hết cấp 2, mới 33 tuổi đã gánh trên vai trọng trách cha của 4 đứa trẻ, lại thêm cô vợ đẻ nhiều, thiếu thốn vất vả nên ốm đau quặt quẹo không đi làm ruộng nổi. Chẳng kể ra, tôi cũng biết Toàn vô cùng khốn khổ khi ở quê nhà: nào cày, nào cấy, rồi gặt hái, rồi đến vụ thu hoạch, và lam lũ làm thuê khắp đầu làng cuối xóm. Thi thoảng tôi đùa:  

     - Phục thật! Vợ chồng trẻ, vợ lại ốm đau, tảo hôn hay sao mà thằng đầu năm nay đã 17 tuổi? Lại đông con lít nhít cả đàn thế? 

    Toàn cười khùng khục, khi vừa xếp hàng lên xe kéo, vừa cà lắp kể chuyện nhà: 

     - Nhà quê mà chị. Biết chi mô! Hai đứa mới lớn, đứa làng trên, đứa làng dưới, mấy lần theo bạn đi tán gái, rồi ưng nhau. Chẳng biết sao có mỗi một lần em chạm vô nó, rồi tháng sau nó hổn hển bảo"dính" rồi. Em cuống lên, chối đây đẩy:"Dính là dính sao? Có mỗi lần, chỉ bịa chuyện!". Nó khóc rồi bảo chắc là nó đi tự tử, em hoảng quá đành đưa về nhà nói chuyện với cha mẹ. Nào ngờ các cụ vỗ tay:"- Được! Được cho cưới luôn. Nhà đang neo người!". Khổ nhất là xã không đông ý vì hai đứa chưa sang tuổi 17, vậy là" cưới chui". Sau vụ đó, cứ cách vài năm lại tòi thêm đứa khác. Con vợ em chỉ được cái"mắn", chồng xoẹt qua đầu giường là có chửa, cũng phải nạo hút mấy lần nữa rồi đấy...May em mò sang được đây, trước là có tiền nuôi con, sau là cai được cái khoản đấy. Hú vía!  

    - Cái khoản chối tội thì nhất mấy ông chồng rồi. Dễ thường mình vợ muốn có chửa sao? Mà sao khối cách kế hoạch hoá gia đình, lạc hậu thế? 

    Lại cười khùng khục: 

   - Của Trời cho, sao phải kế với chả hoạch."Trời sinh voi, trời sinh cỏ". Chị không thấy mấy đứa con em, chị chưa biết, chúng nó đói thật nhưng đứa nào cũng đẹp như tranh. Hai thằng đầu cao to, đẹp trai chứ không giống em. Em đang tính cho thằng đầu sang, có hai cha con làm việc quản lý nhau càng tốt.  Em sang hơn năm rồi gửi trả hết nợ nần vay lãi khi đi. Tiền còn dư dật nữa. Đúng là mơ cũng không nghĩ là thế chị ạ!

     Cách lý luận về cuộc sinh tồn của Toàn thật giản đơn, cũng chính vì thế những người ở miền quê không áp lực nghề nghiệp, họ thường rất đông con, tuy bữa đói, bữa no nhưng không làm họ phải tính toán lo xa. Tôi vẫn nghĩ họ sang đây chỉ lo kiếm tiền, ngoài ra không có thú vui nào khác. Những hình ảnh trên con đường ngập tuyết, đằng trước là thân hình bé nhỏ   của người kéo xe, hai tay quặt ra sau, bám vào càng xe. Trên xe chất cao ngất ngưỡng những thùng hàng, bịch hàng to nhỏ, có khi nặng hàng tạ. Mặt họ cúi gầm, cả thân hình dướn lên phía trước và đôi chân mang dày bám sâu trong tuyết. Họ đi mà như chạy, hơi thở phì phò, những làn hơi trắng tuôn ra từ hai lỗ mũi dưới cái lạnh âm độ, nhìn giống hệt cách các con nghiện thuốc lá nhả khói ra ngoài. Trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, những đường gân nổi gồng lên ở cổ, trông như những con chạch trườn dưới lớp bùn mỏng... Đấy là những hình ảnh nổi bật nhất của đội quân xe kéo. Những con người châu Á, chỉ sau vài tháng làm việc da thịt như đúc bằng đồng, săn chắc và dẻo dai. Đồng tiền được trả giá bằng sức lực của họ, vì vậy phải thật khoẻ, thật yêu nghề mới bám trụ được lâu dài. Trong mắt tôi họ thật thân thiện và tôi luôn quý trọng, không hề có ý coi thường loại hình kiếm tiền bằng nghề kéo xe. Tưởng rằng lam lũ thế, vất vả thế chắc hàng ngày ngoài ăn, ngủ,"kéo cày"họ chẳng còn sức để màng thêm chuyện gì nữa. Ấy vậy mà có đấy, chuyện của mấy vị"chân đất, mắt toét"(xin lỗi được dùng nguyên văn câu của họ, sợ mọi người hiểu nhầm là tôi coi thường họ) nghe chừng cũng lôi thôi. Thì có lần tôi đang cần hai xe chở hàng gấp cho khách. Đúng lúc chợ vắng, mấy anh quen quen chắc bận chở cho người khác. Tôi ra tận nhóm"tá lả"***thúc giục mà chẳng anh nào chịu đứng lên. Đúng lúc đang sát phạt nhau, công việc cũng mặc, sau mới biết nhóm này đang cay cú vì thua cháy túi hôm qua. À vậy, cũng cờ bạc như các Thánh ở nhà, cũng vì lẽ đó nhiều anh chẳng có nổi tiền gửi về trả nợ ở nhà. Cũng may số này không nhiều lắm!..Có hôm, Toàn vừa  dỡ hàng trên xe chất cho khách  vừa tếu táo: 

     - Cha tổ chúng nó! Tối qua không ngủ được nhọc quá chị ơi! 

     - Lại nhớ vợ, thương con sao? 

     - Nhớ với chả thương gì. Em đi làm về, tắm gội, ăn xong cuộn cái chăn như con tằm là ngáy khò khò liền. Tối qua mấy thằng cùng phòng"rửng mỡ"rước một con người Nga về. Trời đất, chị biết bọn nó thế nào không? Nó vần con Nga hết đứa này sang đứa nọ. Con Nga trắng bôm bốp, to đùng như con lợn, trời tối nhưng nghe bọn nó thở hổn hển, em nằm im chẳng dám ho he. Phần thì lạ, phần thì thấy lợm giọng buồn nôn. Cả đêm em không ngủ được. Cha tổ cái bọn, cứ bảo cho biết mùi"Tây". Mà có rẻ chi cho cam, chung nhau cho rẻ tính ra cũng mất gần trăm rua**một đứa. Chi ly mất cả tạ lúa ở nhà, vừa nhọc người sáng ra không muốn đi làm, vừa lỡ đâu lây bệnh. Em thì ẻ vô!(từ địa phương nghĩa là: ỉa vào!) 

     Tôi há hốc mồm, đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Sau cùng nghĩ lại cũng thấy bình thường. Họ cũng là con người, cũng tò mò, cũng thèm khát, cho dù thế nào đi chăng nữa họ cũng muốn biết thế nào là mùi"Tây"cho bõ công đi Tây! Cái khoản này tôi biết Toàn nói thật bởi con người tằn tiện đến đi đái cũng chạy bậy vào góc khuất nào cho đỡ tốn vài rua thì sao dám chung nhau cái khoản gái Tây. Toàn thỉnh thoảng lại cà lắp kể chuyện, chuyện đông tây, kim cổ. Chuyện của Toàn thường gây cười cho quên bớt công việc nặng nhọc. Tôi vì vậy cũng ít khi thêm vào hay gạt đi, thôi thì cứ để người khác kể, mình nghe. Những  lúc ít việc kéo xe Toàn lại giúp dọn kho, dọn ki ốt cho mọi người. Với tôi Toàn như cậu em, có chút gì hiền lành, có chút gì ma mãnh trong công việc. Đấy là những khi đang chở hàng, điện thoại ai đấy gọi việc, Toàn vẫn luôn miệng:"Em ra đây, em xong rồi!", nhưng lắm hôm chờ 30phut vẫn chẳng thấy mặt đâu. Bực vậy nhưng cứ thấy nụ cười hiền lành và kiểu cà lắp phân bua là...hết giận! 

     Đùng cái, buổi sáng mùa đông, mới tờ mờ, Toàn dẫn thằng con trai ra tận ki ốt tôi giới thiệu:" Thằng Tuấn! Con đầu em sang rồi anh chị ạ. Nó đi đường Tiệp, mới chui rừng sang tối qua. Nó to khoẻ, em nhờ anh chị ưu tiên cho nó kéo hàng". Nhìn thằng Tuấn mới 17 tuổi, cao to, da bánh mật, rắn rỏi. Mái tóc bồng bềnh và khuôn mặt khôi ngô. Nó có dáng dấp tài tử điện ảnh, hao hao mấy cậu diễn viên Hàn Quốc. Chẳng ai nghĩ là con trai Toàn, nó không giống bố nếu như không có cái mũi cao, cặp mắt hiền hậu và khi nói chuyện giống hệt bố- hơi cà lắp, chắc tôi cũng có chút nghi ngờ. Thằng Tuấn nói đặc giọng miền trong, khi nó cất tiếng thì chẳng lẫn vào đâu được, trong câu nói có pha tiếng phổ thông và tiếng xứ Nghệ, nghe rất dễ gần. 

     Vậy là từ đây Toàn đã có con bên cạnh. Như kiểu Toàn vẫn hay nói đùa:" Cho con sang để canh cha, nhỡ may cha theo con Tây, thằng con sẽ níu lại!". Tôi biết thừa chỉ là câu nói đùa, nhưng với gia đình Toàn giải pháp này thật tối ưu. Hai cha con, mấy ngày đầu chung nhau một xe kéo. Thường cha đứng ra nhận việc, có hôm cả hai cùng đi. Thằng Tuấn luôn dành phần kéo xe, cha nó hướng dẫn con xếp hàng thế nào cho gọn, chằng dây thế nào cho chắc rồi Toàn đi phía sau, líu lo chuyện thi thoảng đẩy giúp con chỗ xe lên dốc. Bỗng chốc Toàn thật nhàn hạ, và câu nói cửa miệng của thằng con:"Cha để tui!"(Bố để con!). Câu nói như một mệnh lệnh của thằng con thật mát ruột. Đấy là mệnh lệnh tranh việc để cha được nghỉ ngơi. Cha con Toàn đã gắn bó với công việc, với cuộc sống ở xứ lạ như bao người thế đấy, nếu không có những điều không may xảy ra sau này...  

 

       Vac Sa Va- Tháng 6 năm 2015 

       ( Còn nữa) 

            Nguyễn Mai Lê 


    *Kho Meble : kho dựng bằng tôn  gần khu vực chợ Sân Vận Động  

     ** tiền Ba Lan: 1rua khoảng 0,3 đô

    ***Tá lả: một loại chơi bài tú lơ khơ ăn tiền

Sửa lần cuối 2015-06-10 19:31:08

Bình luận

Bình luận qua Facebook