Cuối cùng thằng Tuấn cũng"may mắn"như bao người khác. Nó chẳng bị kết tội gì ngoài tội sống bất hợp pháp. Nghe nói phiên toà hôm xử nó có rất nhiều người bị bắt ở các nơi dồn về. Vẫn chủ yếu là lập hồ sơ ghi rõ tên, tuổi, quê quán, quốc tịch. v.v.v... Tất cả những thông tin này đều được phiên dịch có kinh nghiệm và"tốt bụng "gợi ý sẵn. Cũng có thể do người ở ngoài đã đặt vấn đề tiền nong, nên khi làm hồ sơ phần lớn có lợi cho người bị bắt. Thằng Tuấn là điển hình. Với ba cái tội của nó nếu ở trong nước chắc ngồi tù"mọt gông"! Vì nó đã đá vào bụng một anh biên phòng và dùng khuỷ tay thúc vào mạng sườn anh kế tiếp.
Ảnh minh họa.
Sau này nghe cha nó kể lại, tôi cũng hình dung được phần nào tính nhân đạo của nước sở tại. Họ chắc thừa biết các mánh khoé của người nhập cư trái phép. Nào là mới 15, 16 tuổi( có khi đã ngoài 30 tuổi), với dáng người nhỏ thó, kể ra cũng dễ bịp, ai nỡ đuổi"trẻ con"về nước! Nào là khai tên Chim, tên Cò...thay cho tên Mạnh, tên Dũng...Rồi quê quán"râu ông nọ, cắm cằm bà kia". Không kể có người còn tự nhận mình là người Mông Cổ, tha phương từ bé chẳng nhớ họ tên và cha mẹ thì nhớ sao nổi quê quán, họ sống chung với người Việt nên thạo tiếng Việt Nam!( một cách lý giải vì sao họ nói thạo tiếng Việt!). Nào là bị ruồng rẫy ở nhà vì nợ chồng chất do cờ bạc hay gặp sự cố không may mắn trong làm ăn. Có người còn nêu nguyên nhân do bức xúc bất mãn nên có hành vi và ăn nói mang tư tưởng ảnh hưởng chính trị, chống đối chủ trương chính sách nhà nước Việt Nam, nên chạy"bán xới"tránh tù tội ở nhà.v.v.v...Rất nhiều thông tin và ty tỷ lý do khác nhau của mỗi người với mục đích được ở lại, không bị trục xuất về nước. Vì lẽ đó chính quyền Ba Lan không thể tống khứ họ. Biết đâu về đến sân bay Nội Bài, biên phòng Việt Nam chối đây đẩy vì chẳng có ai tên họ, quê quán như thế sao cho nhập cảnh được. Bài học đã từng xảy ra buộc họ phải cân nhắc. Chính vì thế hầu hết được đưa về các trại để chờ điều tra chính xác. Hạn hữu lắm mới có người thích về và xin khai thật, thậm chí bỏ tiền túi mua vé máy bay càng nhanh càng tốt nhằm tránh cảnh tù tội. Hoá ra đi tây cũng có nhiều cái lạ. Lạ nhất là vào tù mà các phạm nhân mặt cứ hớn hở như đi trẩy hội. Thằng Tuấn không ngoại lệ. Nó nhắn tin cho cha nó, động viên cha nó đừng khóc, đừng lo cho nó, nó vào trại nghỉ ngơi an dưỡng vài tháng rồi lại ra đi cày. Nó lo nhất là cha nó một mình vất vả, lại còn dặn cha nó làm ít thôi nhớ giữ gìn sức khoẻ... Toàn lắp bắp kể cho tôi nghe các chuyện cùng với nụ cười trông như mếu. Toàn thú thật là đã qua những ngày ăn không ngon, ngủ chẳng yên vì con. Sợ nhất là nó bị quy tội nặng rồi nhốt chung với bọn tội phạm. Vì nghe đâu bọn này tàn bạo kinh khủng. Ngoài việc hầu hạ, đấm bóp,"thượng cẳng chân, hạ cẳng tay"chúng còn thú vui bệnh hoạn khác- thú bắt bạn tù làm nô lệ tình dục. Nhất là khi bọn nó vớ được anh bạn Châu Á, da vàng, mũi tẹt, ngôn ngữ bất đồng, cứ như vớ được"búp bê", cơ hội thế sao không sử dụng... Cũng là nghe mọi người kể lại, hàng đêm bọn tù tây bắt mấy bạn tù vuốt ve, hôn hít hết chỗ này chỗ nọ, chủ yếu các vùng nhạy cảm. No chán chúng coi" bạn tù"cùng giới như các thiếu nữ, rồi làm tình hành hạ đến khi thoả mãn mới thôi. Nghe rồi hình dung ra cảnh một người Châu Á bé nhỏ, khúm núm phục vụ những chuyện ghê tởm như thế ai chẳng hãi. Nghe nói có người sau khi bị nhốt chung với bọn này, khi ra tù cứ như người trầm cảm. Lúc nào cũng co ro, sợ sệt, nhìn thấy đàn ông tây mặt xanh lè, tay chân bủn rủn. Sống không ra sống, chết không ra chết, chẳng còn thiết làm ăn kiếm tiền...chuyện phức tạp thế nay tôi mới nghe Toàn kể. Tôi cũng ớn lạnh và sởn gai ốc. Hoá ra những người như Toàn, trông hiền lành, cứ như người chẳng biết sợ là gì, hàng ngày hùng hục làm việc, tối ngủ lăn quay. Phó mặc may rủi cho số phận, thực ra họ đã trang bị cho bản thân mình những hiểu biết của thân phận sống chui lủi, nếu chẳng may bị bắt. Cứ như tôi chẳng ai to nhỏ kể cho nghe các chuyện kinh hoàng này, làm sao tôi hiểu được những giọt nước mắt của Toàn khi nghe tin con bị còng tay lôi lên xe...Nghe xong tôi an ủi Toàn:
- Thôi, trong cái rủi có cái may. Vậy là nó nhập trại của những người sống trái phép. Dù sao nghe nói các trại này cũng dễ chịu. Quản giáo dễ dãi và thông cảm cho tù nhân. Tiếp tế thức ăn, đồ dùng và tiền vẫn được nhận đầy đủ. Hơn nữa phần lớn chỉ ăn và chơi, đến giờ có người phục vụ xúp, bánh mỳ chẳng lo đói...Toàn lấy tay gạt nhẹ giọt nước mắt, rồi nhỏ nhẹ:
- Vâng, đúng thế. Em đã nhờ người gửi vào trại cho thằng Tuấn ít áo quần và đồ dùng cá nhân. Giờ cũng yên tâm chút ít. Chỉ mong nó chóng được ra. Em muốn xuống trại thăm nó xem nó thế nào, có đúng là không bị đánh đập hay không. Có khi bị đánh sưng vù cả mặt mà vẫn dấu em cũng nên. Em còn lạ chi cảnh tù tội. Thằng bạn em ở nhà chỉ vì uống rượu say, khi đi xe đạp trên đường chẳng may tông nhẹ vào con của ông phó chủ tịch xã. Vậy mà bị công an nhốt với lý do chờ tỉnh rượu, rồi bị bọn nó"tẩn" cho gãy xương sườn, mặt sưng vù như cái rổ. Người nhà đến thấy thế, nhưng bọn nó bảo say rượu húc vào bờ tường, có mà kiện ai. Đằng này thằng Tuấn còn đấm đá cả công an biên phòng. Ai tha cho nó được. Khổ cái là em không giấy tờ tuỳ thân, thò mặt ra có mà"lạy ông tui ở bụi này". Bó tay thôi chị ơi!
Tôi vẫn thấy nỗi lo lắng bất an trên khuôn mặt Toàn. Nhưng chắc bên tây không đến nỗi thù vặt, trả thù vặt như thế. Hy vọng thằng Tuấn bình an.
Chuyện của thằng Tuấn nguôi ngoan dần. Cha nó vẫn đều đặn kéo xe, tuy không vui vẻ hồ hởi như trước. Thỉnh thoảng cha nó gọi điện vào hỏi thăm tình sức khoẻ rồi tiếp tế cho khi thì thùng mỳ tôm, khi bọc quần, áo hay dày dép. Kể như cũng an nhàn giống đi nghỉ dưỡng, chỉ khác có người canh giữ không chạy nhảy tung tăng được. Nghe đâu chỉ vài tháng nó tăng được hai kí liền. Thằng Tuấn còn khoe với cha nó đang học võ vì trong trại có anh từng là lính đặc công ở nhà, anh này sau khi giải ngũ cũng lặn lội sang Balan và dính trại hơn một năm nay. Cha nó vừa mừng vừa lo. Mừng vì con không hư hỏng cờ bạc như một số người. Lo vì sợ nó biết võ lại kèm tính bộc trực nhỡ đâu"tai bay vạ gió"... Nhìn cha nó lộp bộp chân chất vậy nhưng hoá ra lại rất lo xa. Tôi cũng không biết nói gì hơn chỉ cầu mong cha con họ sớm đoàn tụ.
Dạo này chợ trên Sân Vận Động 10 năm*đang thời kỳ hưng thịnh. Những năm 1997-2001, hàng hoá loại gì cũng bán rất chạy. Hàng từ Việt Nam sang, hàng từ Trung Quốc sang, hàng vải, hàng dày dép đấy là mặt hành chủ yếu của bà con Việt kinh doanh. Vì lẽ đó nhu cầu vận chuyển giữa chủ hàng với khách càng cần thiết. Không kể việc bốc dỡ hàng từ các contaner về kho, hàng từ các kho về tận các ki ốt cũng nhộn nhịp. Gần như người làm nghề wudzek như Toàn việc chẳng ngớt tay. Nhiều khi số lượng gần trăm người kéo xe cũng không đáp ứng nổi. Vì thế đội quân xe kéo ồ ạt đưa người từ nhà sang bằng nhiều con đường vừa hợp pháp, vừa chui lủi. Chủ yếu vẫn là đi hợp pháp sang Nga, sang Tiệp bằng máy bay, sau đấy với muôn nẻo cách vượt biên họ có mặt ở Ba Lan. Người may mắn chỉ sau một tuần là trót lọt, cũng không ít người cả mấy tháng mới đặt chân lên miền đất"hứa"để lăn lộn kiếm tiền. Thằng Tú, con thứ 2 của Toàn là một trong những đứa"cực may mắn"như cha nó lắp bắp khoe với mọi người.
Thằng Tú cũng to con, da trắng, giọng nói cũng đặc xứ Nghệ. Khi cha nó dẫn ra chợ giới thiệu với mọi người, ai cũng ngạc nhiên và đùa:"- Con sao chẳng giống cha? Hay con ông hàng xóm?". Toàn cười lành khô:"- Con tui chứ con ai? Tui đẻ ra nó tui biết, tui vẫn khoe con tui như tài tử điện ảnh rồi đấy thôi!". Đùa cha nó chút cho vui, chứ nhìn vào cặp mắt và nghe giọng nói có chút lắp bắp thì chạy đâu cho thoát con của Toàn. Lạ thật, cái ren nói lắp nó trội thật, chẳng biết hai đứa sau nhà Toàn có nói lắp không, hai thằng sang đây to cao, đẹp trai vậy mà cũng bị lắp bắp giống i hệt cha nó.
"Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh". Câu này thật đúng cho hai thằng con trai nhà Toàn. Thằng Tú cũng cực kỳ chăm chỉ. Giống như thằng Tuấn( anh trai nó), thằng Tú cũng ngoan và chăm làm. Nó lại hùng hục kéo xe, nó học nghề rất nhanh, chỉ sau vài ngày cha nó đã sắm cho nó cái xe cũ đã được hàn thêm các chi tiết sao cho vừa chắc chắn, vừa tiện lợi. Nó đã tự lập chẳng cần cha nó đi kèm bên cạnh. Mà lấy đâu thời gian Toàn kèm cặp con vì công việc quá nhiều, chủ hàng quen và tin cậy cứ số điện thoại của" Toàn Lắp"( biệt hiệu mọi người gọi cho đỡ trùng với Toàn khác), gọi nhí nhéo cả ngày. Dạo này tuy có thằng Tú sang nhưng cha nó thì tham việc, cứ kéo xe, rồi lại dọn kho, rồi thì dọn và mở các ki ốt cho chủ hàng. Chỉ sau vài tháng, Toàn gầy rộc, chỉ có tiếng cười nói chất phác là vẫn như xưa. Nhờ Trời! Tuy thằng Tuấn vào trại nhưng cha con Toàn ở ngoài chợ vẫn thu hoạch đều đặn. Mọi người quen biết cũng vui và mừng cho cha con Toàn. Cuộc sống cứ vậy trôi đi như bao người kéo xe khác.
Cuộc sống của người xa xứ rất đơn điệu và ai cũng hài lòng với những gì mình đang có. Ngoại trừ chẳng may họ gặp điều gì đấy không hay. Cha con nhà Toàn cũng không ngoại lệ. Rất nhiếu điều không báo trước có thể xảy ra, đương nhiên cũng không ít người gặp nhiều may mắn. Họ cứ thế, bán sức, bán thời gian để đổi lấy những đồng tiền gửi về quê hương. Tôi luôn nghĩ những người ở nhà khi cầm những tờ đô la mới cứng, tiếng kêu sột soạt phát ra từ đồng tiền có gợi cho họ chút cảm thông hay không? Vì rằng những đồng tiền đấy là mồ hôi, là sức khoẻ và có khi còn là mùi tanh của máu trong đấy...
( còn nữa)
* Chợ Sân Vận Động 10 năm: Là địa điểm được dùng làm khu vực bán buôn lớn nhất Châu Âu những năm từ 1990- 2008
Vác Sa Va tháng 9/2015(Còn nữa)
Nguyễn Mai Lê
Bình luận