2015-07-07 21:33:08

Nước mắt người xa xứ_ Phần 3: Chuyện cha, con nhà Toàn


        ( tiếp theo1)

     Việc thằng Tuấn sang Ba Lan, cùng nghề xe kéo đã làm bố nó có những suy nghĩ khác trong việc ăn ở hàng ngày. Có hôm Toàn tâm sự: 

      - Em tính phải thuê nhà chỗ khác thôi chị ạ. Nó còn ít tuổi, lại non nớt biết chi mô. Ở đông như bây giờ cũng phức tạp. Dù sao mấy ông bạn cũng sinh hoạt xô bồ. Nhiều khi kể chuyện bậy bạ và văng tục lung tung. Em sợ lâu dài nó hư tính thì gay go. Anh chị thuê dùm em cái nhà nho nhỏ cũng được, em rủ thêm mấy anh bạn tử tế về ở cùng. 

      - Ok! Vấn đề là cần nhà khu nào và ở bao nhiêu người. Bọn chị không quen với cách sinh hoạt tập thể, hơn nữa sợ có chuyện gì lại lôi thôi. Cái gì giúp được thì giúp, cái gì vướng mắc phải nói trước đấy. Nhất là bọn em toàn không có giấy tờ hợp pháp, họ(công an, biên phòng) khám nhà có khi"hốt"cả mẻ đấy nhé. 

     - Vâng! Cái đấy như đánh bạc. Chúng em xác định rồi. Dạo này họ làm ác lắm. Khi thì gõ cửa, khi thì đứng chờ sẵn ở cầu thang máy. Tuần nào chẳng có mấy người bị bắt đưa đi. Nhưng mà cũng lạ, có người bị cho vào trại*nhốt vài ba tháng rồi ra. Có người mất mấy chục rua (tuỳ tiền có trong người), xong họ đuổi xuống xe cho về. Sáng qua thằng Hợi và thằng Chương cùng phòng với em, bị công an tóm. Họ chở đi vào chỗ nào nhiều cây lắm. Khám người mỗi đứa có vài chục rua. Họ lấy rồi bảo:"biến đi!".Hai thằng không biết đường mô mà về. Cứ nhất định không chịu ra khỏi xe công an, lại còn nhờ chở về chợ Sân vận động. Thế mà họ chở về thật, xuống xe bọn nó cảm ơn công an rối rít. Đấy có chi mô mà sợ. Dân kéo xe thì đông, làm sao bắt xuể, cơm gạo mô mà nuôi? 

      - Ừ, cũng biết thế, nhưng nhỡ đâu số đen đủi nó lại rơi vào cha con em. Cẩn thận vẫn hơn, chẳng gì mỗi lần sang được đến đây ít nhất cũng mất khoảng bảy ngàn đô. Chưa kể có người lận đận mất gấp đôi số tiền ấy chứ. 

   ... Mà đúng thế thật, chuyện bắt người như cơm bữa hàng ngày. Cả chợ có đến mấy ngàn người, số người không giấy tờ chẳng ít chút nào, các trại tỵ nạn thì có hạn. Hình như không chỉ mình Vac Sa Va mà các tỉnh khác nghe đâu cũng hết chỗ chứa người. Cũng lạ, người nước nào rõ rành rành nước ấy, vậy mà cứ người Châu Á tóc đen, da vàng là người bản xứ không thể phân biệt được ai là người Việt, người Tàu hay người Mông Cổ. Mà luật của họ cứ phải giấy trắng mực đen rõ ràng tên tuổi, quê quán, xuất xứ.v.v.v...mới được phép trục xuất khỏi nước họ. Mỗi trường hợp đuổi người không hợp pháp là cộng thêm cả ngàn đô tiền vé máy bay. Nếu không chứng minh chính xác khi đến sân bay còn bị kiện tụng không chịu nhận người, vậy là họ mất toi công sức và tiền của để đưa trở lại trại. Đã từng bị như vậy nên chính quyền Ba Lan cũng hết sức cẩn thận...Vì lẽ đó phần lớn vào trại ai cũng tỏ ra ngô nghê không nhận mình ở đâu, làm gì và vì sao"lạc"vào xứ bạn đến độ sống không tên, không tuổi! Lâu dần họ cũng đâm chán, thôi thì theo lệnh cứ bắt, cứ xét, cứ hỏi, nếu được hối lộ ít tiền rồi giả vờ lơ đễnh cho đối tượng bị bắt trốn thoát. Chính nhờ vậy người Việt rất nhiều người may mắn và họ quen dần với việc bị bắt. Thi thoảng đúng chiến dịch của công an biên phòng, việc bị bắt, vào trại tạm giam chờ hoàn thiện hồ sơ trục xuất về nước mới thực hiện được. 

      Thằng Tuấn sang cũng đã hơn một năm. Nó giờ nhìn chững chạc. Hình như nó cao hơn, to hơn. Khuôn mặt và cách ăn nói đã nhuốm màu bôn ba, từng trải. Nó hơn hẳn cha nó về tiếng Ba Lan, thỉnh thoảng còn nói được mấy câu tiếng Nga và tiếng Rumania. Chẳng gì nó cũng tiếp xúc thường xuyên với các loại khách tây, việc nghe và nói của nó hơn hẳn các bác, các chú cùng nghề với nó. Nó chăm chỉ, quần quật từ sáng đến tối, được đồng nào nộp cho cha nó hết. Mỗi lần thuê nó chở hàng thật yên tâm vì nó vừa khoẻ vừa có trách nhiệm. Hàng hoá nó chở hầu như không bị mất bao giờ. Vì rằng cũng có lúc mọi người vẫn bị mất hàng do chủ quan buộc chằng hàng hoá không kỹ, trên đường đi họ chỉ chú tâm vào kéo và nhìn đường phía trước nên kẻ cắp lợi dụng thường rình chỗ khuất người, tháo vài kiện hàng ôm chạy. Khi kiểm hàng có biết mất cũng đành chịu."Một mất, mười ngờ" có khi chủ hàng còn cho rằng người kéo xe thông đồng với kẻ ăn cắp. Chuyện không thường xuyên hàng ngày, nhưng người nọ rỉ tai người kia, vậy là ai cũng ngại không thuê bốc dỡ hoặc kéo tiếp, coi như thất nghiệp. Điều tối kỵ của nghề wudzek chính là điểm này. Bên cạnh đấy việc có sức khoẻ để chở được số lượng nhiều trong mỗi chuyến cũng được chủ hàng hết sức quan tâm. Nếu đi từ kho hơi xa( như kho Meble về khu Parking) khoảng hơn một km, mỗi chuyến vài chục rua tiền chở, vì thế người kéo xe càng khoẻ, xếp hàng càng khéo, chủ hàng càng có lợi. Chính điều này cũng gây cạnh tranh cho mọi người. Thằng Tuấn chiếm ưu thế mọi mặt, nó vừa khoẻ, vừa khéo lại hết sức chịu khó không ngại việc, không kén chọn mặt hàng phải chở. Nó việc không ngớt, rất hiếm khi thấy nó ngồi chơi, ngoại trừ khi cần"nạp năng lượng". Hai cha con được lòng nhiều người, lại sống tằn tiện, nhiều lần Toàn nhờ tôi giữ tiền hộ. Cứ vài ngày lại gửi mấy trăm rua rồi cuối tuần nhờ mua hộ đô la để góp lại thành món gửi về nhà. Chính vì thế tôi biết thu nhập của hai cha con họ rất tốt. Có dễ những tháng vào vụ vừa kéo xe, vừa bốc dỡ hàng họ cũng được gần bốn ngàn đô. Toàn lại tâm sự đang tính đưa cả thằng Tú sang, vì nó cũng lớn và đã nghỉ học. Vợ Toàn ở nhà chẳng hiểu do nguyên nhân gì mà giờ đây béo đỏ phây phây, lại còn biết cho vay nặng lãi ở nhà. Toàn hồ hởi ra mặt, các câu chuyện vui và tiếng cười làm khuôn mặt vốn chất phác càng toát lên sự sung sướng, giống bộ mặt của anh nông dân được mùa. Tôi luôn cảm thấy vui lây và mừng cho họ. 

   Cảnh chợ Sân vận động 10 năm ngày trước.  

Một sáng mùa hè, tôi thấy Toàn hớt hải mặt trắng bệch, chạy từ đâu lại, lắp bắp mãi mới nói lên lời: 

      - Chết cha rồi chị ơi! Thằng Tuấn bị tóm khi ra kho chở hàng cho khách. May mà xe chưa có hàng, nó đang đi thì có xe biên phòng ập đến. Nó bị đẩy lên xe thùng cùng với mấy người nữa. Nghe nói nó vùng vẫy ghê lắm, em sợ thằng này máu liều, về đồn chống cự có khi ăn đòn. Anh chị có cách gì giúp cha con em với. 

      Tôi cũng thần cả người khi nghe tin này, vì dính vào biên phòng là khó gỡ. Nếu là xe cảnh sát bình thường nhất là gặp bọn"ăn tiền"may ra có chút hy vọng, còn đã gặp biên phòng cầm chắc vào trại tạm giam. Nhìn Toàn thất sắc, ngồi ủ rũ, hai tay buông xuống dáng điệu như sắp sụp đổ, tôi chỉ biết động viên: 

     - Bình tĩnh nào, đâu lại vào đấy thôi. Cùng lắm là ngồi trại ba tháng, biết đâu họ phóng thích vì không lập được hồ sơ. Để bọn chị dò hỏi mấy người phiên dịch xem vụ này là chiến dịch hay chỉ là bắt bớ bình thường. Mà gan"cóc tía"như em,  ngày thường mạnh mồm sao giờ nhụt chí thế? Tôi muốn đùa cho Toàn yên tâm chút. 

      - Hu hu hu! Sáng nay nó (thằng Tuấn) chưa kịp ăn sáng. Tối qua đi bốc công (hàng từ công tơ nơ bốc dỡ xếp vào kho) mãi gần hai giờ sáng mới về. Nó chợp mắt được hơn một tiếng là vội dậy đi làm. Ra đến đây kéo hàng chưa kịp ăn. Giờ bụng đói lại bị bắt, thương con quá chị ơi! Khổ thân nó, không biết có cách gì lôi nó ra không?

     Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh người đàn ông khóc thành tiếng. Bỗng thấy nghẹn ngào vì đàn ông luôn biết kìm nén cảm xúc. Toàn là vậy, dẫu đi tây đã gần ba năm nhưng vẫn chân chất, mộc mạc. Đàn ông khóc có nước mắt đã làm yếu lòng người khác, nay lại cả tiếng khóc" hu hu hu!"chẳng cần giữ ý tứ quả thật não lòng. Ngày thường luôn có con bên cạnh, công việc bận rộn Toàn đâu có thời gian dành cho con. Với lại sức vóc như nó, tuổi"bẻ gãy sừng trâu", có gì phải lo cơ chứ. Nay bỗng đâu tai hoạ đến với con, Toàn như thấy nó vẫn là đứa trẻ ngày nào, thiếu cha bên cạnh e rằng sẽ bơ vơ và bị bỏ đói. Tôi biết Toàn đang rất hoang mang lo lắng. Mà cũng đúng thôi, ai nghĩ đi tây để vào trại giam, ai nghĩ đi tây để trở thành người mất tự do. Chưa kể vào trại nếu nhốt chung với bọn khác, ngôn ngữ bất đồng có khi lại ăn đòn từ bạn tù. Cứ thế, cả ngày hôm đấy Toàn như kẻ mất hồn, chẳng nói, chẳng làm cứ ngồi co ro một góc. Ai nhìn cũng ái ngại, thật khác hẳn cha thằng Tuấn hàng ngày vui vẻ, tếu táo, lắp bắp và việc chẳng ngơi tay.  

      Thông qua phiên dịch, họ bảo đây cũng là chiến dịch bắt người của biên phòng vì nghe đâu ở tận tỉnh xa vừa trống mất gần 20 người. Không biết vì lý do gì mà chỉ trong một đêm số tù nhân trốn trại nhiều như thế, vì vậy sáng nay họ mới càn mẻ đột xuất này. Thằng Tuấn thật không may. Còn tôi chẳng tin điều này, làm gì có chuyện trống chỗ rồi ra vơ đại nhồi vào cho đủ con số. Con người chứ phải đâu con gà, con vịt mà lùa dễ như thế. Nhưng ở khu vực chợ này việc họ sờ vào ai cũng lịch sự chứ không hề thô bạo. Trước hết họ đứng nghiêm, cất tiếng chào:"Dzien dobry!"( chào ngài!). Sau đấy mới đến câu xin cho xem giấy tờ tuỳ thân. Khốn nỗi dân mình, cứ nhìn thấy công an là mặt thường dại đi, mắt nhìn sang chỗ khác tìm đường thoát thân. Bởi chỉ cần chạy vào khu vực chợ đông người là cơ hội lẩn trốn rất cao. Cử chỉ này tố cáo"ngài"đang đứng trước mặt là"con vịt hoang cần lùa". Điều đáng lo là thằng Tuấn vốn to khoẻ, phản xạ nhanh. Nghe đâu khi bị hỏi giấy tờ nó bỏ xe kéo lại vùng chạy nhưng không kịp. Đã thế nó còn kháng cự nên bị quật ngã xuống đất và tra còng số 8 vào tay. Hình như họ còn lôi trong túi quần của nó ra con dao găm bấm, loại này chỉ cần bấm cái tách là lưỡi dao nhọn hoắt bật ra. Đấy mới là cái tội khó gỡ nhất- Tội tàng trữ vũ khí chống người nhà nước. Nghe chuyện tôi hết sức ngạc nhiên bởi thằng Tuấn rất hiền lành, sao lại chứa dao nhọn trong người như thế, tôi buột miệng hỏi Toàn: 

         - Có đúng là dao của nó không? Sao nó phải mang dao theo người? Lại còn kháng cự với biên phòng, thật không thể ngờ!  

      Toàn vẫn chưa hết sụt sịt, thú nhận: 

         - Nó có mang dao theo người thường xuyên, nhưng là để tự vệ thôi. Chẳng là nó hay đi làm đêm, có khi cả nhóm vài ba người, có khi đi đông hơn. Khu vực cha con em ở hơi vắng vẻ, mấy lần đi làm về trời tối, bọn cướp hay ra trấn lột. Có lần vừa bị mất tiền vừa bị bọn nó đấm cho thâm cả mặt. Nó cú lắm nên sắm con dao, gặp lúc cần thiết nó bật cái"tách"lưỡi dao nhọn sáng choé trong đêm làm bọn cướp chùn lại. Nó khua loạn xạ ra điều sắp đâm chém, vậy là mấy thằng tây to như hộ pháp cắm đầu chạy mất. Nhờ có chiêu này, đi lại ban đêm đỡ ngại hơn, chẳng gì cũng doạ được khối đứa, chẳng lẽ sợ bọn nó bỏ cả nghề của mình sao...Từ hồi nó thạo việc đến giờ, nó không cho em đi làm đêm nữa. Việc ai gọi nặng nhọc nó đều tranh phần. Thằng con như thế ai ngờ lại rước hoạ vào thân!... Nói rồi Toàn lại khóc hu hu như đứa trẻ không còn cách gì khác để vơi nỗi lo âu.

       Chuyện tưởng rất bình thường, nhưng với người bản xứ việc dùng dao với mục đích đâm chém dẫn đến án mạng đã xảy ra rất nhiều. Chính vì thế với ba tội danh: tội sống bất hợp pháp, tội chống người thi hành công vụ và tội có tang vật nguy hiểm, không biết thằng Tuấn sẽ bị xử thế nào. Vì vậy chẳng hy vọng kéo nó ra khỏi đồn** trong vòng 48 tiếng như quy định, nhưng cũng yên tâm vì biết chính xác chỗ nó bị nhốt, và ngày giờ thẩm vấn làm hồ sơ. Toàn cũng đã tiếp xúc với phiên dịch và nhờ họ bằng mọi cách kéo con ra, hay ít nhất cũng không bị trục xuất về nước, tốn kém bao nhiêu cũng chấp nhận.   

     Chỉ sau một đêm, Toàn như biến thành con người khác. Không còn vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Vẫn nhận kéo hàng cho khách nhưng bộ mặt ngơ ngáo như mất hồn. Khuôn mặt hồn hậu, tiếng cười khùng khục cùng với các câu chuyện tếu táo hàng ngày lặn đâu mất. Toàn lầm lũi cả ngày như người câm, chẳng ai biết Toàn có tật nói cà lắp. Nhiều lúc rỗi việc nhìn Toàn đứng thẫn thờ thỉnh thoảng lấy tay quẹt nước mắt, tôi biết Toàn đang thương con và lo cho con. Không hiểu trong đồn chỗ tạm giam thằng Tuấn có biết cha nó đã thức trắng đêm với bao suy nghĩ dằn vặt vì lôi con sang xứ người hay không. Tôi biết Toàn đang rất ân hận, vì Toàn cứ lẩm bẩm:"Giá như được thay thế nó, giá như người bị bắt là cha chứ không phải là con, Tuấn ơi!..." 

       Nước mắt của người đàn ông không thể chảy vào trong, không thể che dấu, bởi họ bó tay và bất lực với hoàn cảnh của mình. Nước mắt người đàn ông xa xứ kiếm tiền nuôi sống gia đình mình và nỗi ân hận chẳng biết lúc nào sẽ ngừng rơi. Toàn trong những ngày đầu xa con ở đất khách đã như vậy...   

         Vác Sa Va- Tháng 6 năm 2015 

                 Nguyễn Mai Lê

                  ( Còn nữa)


    * Trại: tên gọi nơi giam người, trong đấy có nhiều thành phần, một số lượng người sống bất hợp pháp có khi 3 tháng, 6 tháng hoặc hàng năm tuỳ theo từng trường hợp.  

    ** Đồn: tên gọi nơi tạm giữ người nghi vấn sống bất hợp pháp. Trong thời gian 48 tiếng nếu không có giấy tờ chứng minh hoặc người bảo lãnh đáng tin cậy sẽ bị lập hồ sơ chuyển về các trại giam trong cả nước.

Sửa lần cuối 2015-07-07 19:39:37

Bình luận

Bình luận qua Facebook