2014-12-30 21:36:38

Ai bảo đi"Tây" là sướng! Phần 14- Phần cuối


    Tính đến bây giờ cũng đã 6 năm chị và anh hai người hai ngả, nhưng chính thức ly hôn đã 4 năm rồi. Chị giờ đây vững vàng trong cuộc sống. Hai con gái chị đã tốt nghiệp đai học. Cái Tâm làm ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nó đã có bạn trai và cuối năm nay tổ chức lễ cưới. Gia đình thông gia tương lai cũng tốt bụng và yêu quý con chị. Cái Tú làm ở Học viện Báo chí Hà Nội. Thằng Đạt đang học Đại học xây dựng. Bố mẹ chồng chị đều đã qua đời vì già yếu. Hai cô con gái liên tục vận động mẹ quay về, chúng nó đã có thể chăm sóc chị. Nhưng chị biết với đồng lương eo hẹp, các con chị còn bao vất vả phía trước. Biết đâu lúc gặp khó khăn chị sẽ hỗ trợ tiền được phần nào, vì vậy chị lại tìm lý do kéo dài thời hạn đi xa. Kể như cả nhà chị thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Chị cảm thấy đã làm tròn nhiệm vụ và toại nguyện mọi điều mong muốn. 

      Chị nhớ lại, sau khi chị ra đi lần thứ 3, cái Tâm thi đỗ Đại học Ngân hàng Hà Nội. Anh chuyển luôn thằng Đạt về Hà Nội cho dễ bề quản lý. Cái Tú ở nhà với ông bà nội và học nốt trung học cơ sở. Nó thi đỗ trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn. Cũng thời gian đấy bố mẹ anh lần lượt qua đời. Nhà cửa có mấy cô em gái lấy chồng ngay quê chăm sóc hương khói hàng ngày. Cuộc sống của mấy bố con ổn định. Chị vẫn đều đặn gửi tiền về cho các con ăn học. Anh thường xuyên qua lại Thái Nguyên vì mẹ con cô Trà cũng vất vả, anh sao nỡ làm ngơ. Lâu dần sự có mặt của anh là chỗ dựa của họ, cô Trà hay đau ốm vì chứng viêm loét dạ dày. Chẳng gì thằng Hải( con riêng anh) luôn mồm gọi bố, nên con gái Trà cũng gọi anh là bố.  Anh cũng quen dần và gắn bó với gia đình nhỏ bé này. Cái Tâm, cái Tú càng lớn cũng biết điều và có cái nhìn thoáng hơn. Với anh quan trọng nhất là chị thế nào. Anh để chị quyết định... Chị không thể chấp nhận, chị đã bươn chải và hy sinh cho gia đình mình hết cả tuổi xuân. Nếu vì hoàn cảnh, vì cuộc sống đưa đẩy, lần nữa chị chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng của mình. Mà chị còn quyền làm vợ nữa hay sao? Khi anh và chị gần như không còn cảm xúc về nhau, khi chị thờ ơ trước những việc anh và Trà hứa hẹn mà không làm được. Giờ đây chỉ còn lại mối ràng buộc vì con cái. Chị quyết định làm đơn gửi về xin ly hôn. Toà xử ly hôn vắng mặt cho anh chị. Kể như anh hoàn toàn tự do. Anh có thể đàng hoàng nhận con trai, các con chị có thêm thằng em cùng cha khác mẹ. Dù sao, chuyện đã rồi. Chị không muốn tìm mọi lý do để dằn vặt anh, vì những lý do đấy do hoàn gia đình chị nói riêng và thực trạng xã hội nói chung là như thế. Chị chuyển về Vác buôn bán cho gần gia đình chú Đức, chị muốn sống giữa cộng đồng người Việt, muốn mình hội nhập thực sự với những mảnh đời như chị, những phụ nữ đã dám từ bỏ tất cả vì con cái, vì gia đình. May mắn hơn, sẽ có những chị em như" hạt mưa sa xuống giếng", được nâng niu, được quý trọng và giữ được mái ấm của mình. Nghĩ cứng rắn như vậy, nhưng thực ra lòng chị thường nặng trĩu, nhất là những lúc nhìn các gia đình có con cái xung quanh tíu tít dẫn nhau đi chơi vào ngày nghỉ. Chị nhớ lại những ngày tháng xưa, đói khổ mà ấm cúng, vui vẻ cùng con, nước mắt lại chực ứa ra. Chị thường khóc thầm lặng lẽ... 

     Cuộc sống của người đàn bà bất hạnh vì gia đình tan vỡ đã làm trái tim chị luôn rớm máu. Điều này chị không muốn tâm sự cùng ai, kể cả với chú Đức. Với chị muốn có một bờ vai nương tựa sáng tối chẳng chút khó khăn. Những người cô độc ở xứ người sau những gì vất vả trong ngày, đêm đến thật tẻ nhạt và lạnh lẽo. Chị đã từng như vậy suốt những năm tháng còn hạnh phúc cùng anh. Chị đã dặn lòng mình đừng bước qua ranh giới cho phép nhờ có ánh mắt yêu thương của anh dành cho chị, nhờ có ánh mắt rất buồn của anh khi lần đầu anh tiễn chị ra sân bay Nội Bài. Những ánh mắt ấy đã ám ảnh và nhắc nhở chị cả chặng đường xa nhà. Chị đã sống và kiếm tiền như thế, như những gì bạn bè biết về chị...Sau khi ly hôn, chị và anh thực sự giải thoát cho nhau. Chị không muốn biết anh đã thế nào với cô Trà, chỉ biết anh vẫn chăm sóc con cái và làm hết trách nhiệm của người cha, để các con khôn lớn. Với chị vậy là yên lòng. Sau ly hôn, chị tự nhìn lại mình, chị biết nghĩ cho bản thân mình. Những gì chị dành cho con là những khoản tiền đủ để anh lo cho các con ăn học. Chị dành ít tiền gửi về giúp đỡ bên bố mẹ đẻ  và các em chị lúc gặp khó khăn. Dù rằng trước đây chị vẫn âm thầm giúp đỡ bên nhà bố mẹ đẻ, nhưng phải tế nhị tránh anh và nhà chồng biết lại gây khó chịu cho cả hai bên. Quê chị từ xưa đã quan niệm" Xuất giá tòng phu", nghĩa là con gái đi lấy chồng, tất tần tật đều của nhà chồng, theo nề nếp nhà chồng. Giờ chị thoải mái làm những gì chị thích. Duy nhất trong chuyện tình cảm của chị với những người đàn ông từng yêu quý chị, chị thận trọng và đắn đo trước khi quyết định đi thêm bước nữa. Bản tính nhân hậu, vị tha và chịu khó của chị được nhiều người đàn ông khác, cùng cảnh ngộ để ý và sẵn lòng giúp đỡ chị. Nhưng chị không muốn lợi dụng bất kỳ ai, khi chị chưa thực sự sẵn sàng đón nhận họ. Chẳng gì chị cũng như con chim đã một lần dính đạn, thoát được kiếp nạn, nó luôn lo sợ và cảnh giác với mọi vật xung quanh. Chị giống hệt con chim ấy, luôn suy nghĩ và đặt các trường hợp xấu xảy ra sau này. Giờ đây chị cũng đang làm chủ cuộc đời mình. Chị muốn có thời gian chờ vết thương lành lại hẳn. Xung quanh chị có rất nhiều người tốt, chị đã phần nào cảm động bởi tấm chân tình của anh Hiếu- người Thái Bình, hoàn cảnh vợ mất do bệnh tật, anh có hai con: một trai, một gái. Gia đình anh cũng ở bên này và các con anh rất ngoan ngoãn. Có thể nói nếu chị bằng lòng làm vợ anh, chị sẽ có một cuộc sống vật chất và tinh thần vẹn toàn. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh"con anh, con tôi, con chúng ta"chị lại sợ, sợ lần nữa bị tổn thương... Trước mắt chị sẽ buôn bán kiếm tiền, chị muốn dành cho mình những đồng tiền mồ hôi, nước mắt để lo cho cuộc đời chị khi về già. Nếu chợ ngày càng kém, chị sẽ chuyển sang nghề trông trẻ nhỏ. Với nghề này, ăn ở cùng gia đình họ, chị vẫn có khoản tiền kha khá chẳng hao hụt đồng nào ngoài gửi về giúp đỡ gia đình. Hơn nữa tiếp xúc với trẻ con, chị luôn thấy ấm áp như được chăm sóc các con của mình. Chị biết nghề này cũng vất vả, nhưng chị vốn yêu trẻ, chị sẽ vui và vượt qua. Những gì gian nan vất vả về vật chất và tinh thần đã trôi qua. Sóng gió cuộc đời đã phẳng lặng. Chị như con thuyền nhỏ, lướt nhẹ trên mặt nước tìm bến đỗ bình yên. Chị cảm thấy sau bao gian truân giờ đây hạnh phúc của chị là các con đã tự lập, chị và các con chị là điểm tựa cho nhau. Lòng chị thảnh thơi, chị vững bước trong những ngày xa xứ còn lại.

   Ảnh minh họa.

Chủ nhật đầu tháng12, thời tiết đã lạnh nhưng chưa có tuyết. Năm nay rét muộn nên buôn bán có lẽ vì thế ế ẩm chăng? Mình lại vào khu trung tâm buôn bán Marywinska. Quang cảnh khu chợ được trang hoàng  các loại đèn, các loại hình phục vụ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch thật lung linh và đẹp. Hàng hoá phục vụ lễ tết đa dạng với nhiều màu sắc nhìn rất vui mắt. Chợ đã đông người đi lại, khách bắt đầu mua sắm cho dịp lễ. Mình dừng lại chỗ Thắm bán hàng, tuy đông khách nhưng nhìn thấy người quen, Thắm vồn vã chào hỏi:  

     - Cô lại đi"gặt hái" sao? Chắc bà con sắp đến vụ thu hoạch cô ạ. Cháu cũng bán túc tắc rồi!( từ gặt hái ở đây ám chỉ đi thu tiền hàng)

     Nhìn khuôn mặt Thắm vui vẻ, cộng với nụ cười tươi, biết ngay có chuyện vui. Mình đùa: 

    - Sao, có tình yêu mới hay sao? Hôm nay xởi lởi trò chuyện thế?

     Thắm chùng giọng: 

     - Cô lại trêu cháu, giờ chưa dám nghĩ cô à. Vác thêm cái gông vào cổ là chất thêm gánh nặng. Thư thư cháu tính sau. Bỗng Thắm đổi giọng:- Xong Noel là cháu bay về ngay, cháu về tổ chức cưới cho cái Tâm nhà cháu cô ạ.  

     - Vậy chúc mừng cả nhà cháu nhé. Nhớ có quà cưới con gái mang sang đây khao mọi người. Ai tin cháu trẻ thế đã có con gái lấy chồng, ít nữa lại còn lên chức bà Ngoại nữa. 

     Thắm cười rất tươi, lần đầu tiên mình bắt gặp nụ cười đẹp như vậy trên khuôn mặt rất ưa nhìn hàng ngày luôn ủ rũ, đăm chiêu. Câu"Gái có công, chồng chẳng phụ" không có chút gì dành cho chị. Có chăng là những đứa con không phụ công lao của mẹ chúng. Người phụ nữ đứng trước mặt mình đây bình thường như bao phụ nữ khác. Chị không được học hành tử tế, rời ghế phổ thông là bước vào con đường làm vợ, làm mẹ. Chị đã cực khổ ở cái vùng quê heo hút, nghèo nàn. Khi có điều kiện đi xa, chị đã đứng vững trên đôi chân của mình, với hai bàn tay trắng chị đã làm được rất nhiều thứ cho gia đình mình, cho con cái mình. Gặp hoàn cảnh trớ trêu, ai nghĩ con người này xử lý êm thấm, chẳng có sách vở nào dạy  chị điều ấy," trường đời" đã dạy chị, những ngày tháng cơ cực xứ người đã dạy chị điều cao thượng hy sinh bản thân vì người khác. Bất chợt mình hỏi: 

       - Cô hỏi thật, cháu thấy"đi Tây"là sướng hay khổ? 

       Có lẽ mình quá đường đột đặt câu hỏi nên Thắm suy nghĩ hồi lâu mới trả lời: 

       - Mỗi người một cảnh cô ạ. Sướng hay khổ là do quan niệm của từng người. Với cháu chẳng ai nói là sướng cả, cô biết hết hoàn cảnh cháu rồi. Nhưng cháu hài lòng với việc ra đi, thậm chí nhiều khi cháu còn thấy mang ơn bố của cái Tú. Nếu không có anh ấy ủng hộ và giúp đỡ, cháu làm sao có những đứa con trưởng thành như ngày nay. Nghĩ lại những gì đã qua, buồn nhưng hài lòng vì những gì đã có. Nếu không"đi Tây", biết đâu trên cánh đồng làng cháu, đang có 3 hoặc thậm chí 4 nấm mộ của mấy mẹ con cháu, nằm cạnh nhau, cỏ mọc xanh tốt. Cháu vẫn rùng mình khi nghĩ về chai thuốc diệt sâu với những ý nghĩ đen tối trong bước đường cùng. Với cháu là thế, nếu kim đồng hồ quay ngược về gần 20 năm trước, cháu vẫn ra đi!  

   Mình quá bất ngờ trước câu trả lời của Thắm. Mà đúng vậy, với khó khăn như hoàn cảnh của Thắm, thời gian có nghĩa lý gì? Chỉ tiếc khi ai đó cầm đồng tiền từ nước ngoài gửi về, họ có biết đồng tiền đấy đã thấm đậm bao gian truân, đã vùi sâu trong tuyết, đã có người lặn ngụp đến tàn hơi mới lấy được nó về!

     - Thế cháu định ở đây mãi sao? Kế hoạch sau này thế nào? Mình rất muốn biết câu trả lời cho tương lai của chị.

     - Cháu chưa về được cô ạ. Ở đây cháu tự kiếm sống được, về nhà cháu sống bằng nghề gì ngoài làm ruộng. Thôi, còn khoẻ, còn tìm được việc làm cháu còn ở lại. Mình kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, có gì phải xấu hổ đâu ạ! Năm rồi cháu nhờ cô em gái mua cho đám vườn và xây được cái nhà ngói nho nhỏ. Cháu muốn sau này về sống gần bên bố mẹ đẻ và các gia đình em cháu. Chẳng đâu bằng quê cha, đất Tổ đâu cô.

        Lại lần nữa mình ngạc nhiên với nếp suy nghĩ của người phụ nữ này. Hết sức giản đơn, không ước muốn cao xa, là quay về nơi chính mình sinh ra.

      Hãy nhìn rộng hơn, bao người phụ nữ không chỉ ao ước"đi Tây"mà còn đi nhiều nước khác kể cả nước Châu Á. Đâu đó có những chị đi Hàn Quốc, đi Đài Loan. Có phải họ muốn đổi đời hay không? Chắc là không! Họ biết chính họ chấp nhận hy sinh những gì của bản thân mình, để mong có cuộc sống đỡ khổ cho người khác.

     Mình hình dung khắp nơi trên những vùng quê nghèo, có rất nhiều cô Thắm đang lam lũ với cuộc sống khó khăn của gia đình...Nếu như... Nếu như... Có thể được" đi Tây"họ cũng sẽ bỏ xứ ra đi dù biết" đi Tây" là khổ!!!  


         Vacsava- 20/12/2014 

             Nguyễn Mai Lê 

Sửa lần cuối 2014-12-30 20:37:48

Bình luận

Bình luận qua Facebook