2014-11-23 20:05:10

Ai bảo đi" Tây" là sướng! Phần 4- Trước lạ, sau quen


Vậy là đúng một tuần chị đặt chân lên đất Balan, nghĩa là hơn một tuần chị trở thành người xa xứ. 
Nhớ lại những gì đã qua, khi máy bay dừng hẳn trên sân bay Okiecie. Chị lo sợ vẩn vơ, chân đi mà lòng dạ hồi hộp quá chừng. Trước mắt chị là cả dãy như quầy bán hàng, có mấy ông tây ngồi nghiêm nghị. Chị đoán là biên phòng vì ai vào cũng chìa hộ chiếu và đứng đợi khi họ nhìn kỹ mặt mình, rồi so sánh với ảnh. Chị không còn lạ vì đã qua hai lần: một ở Nội Bài, một ở Nga. Nhưng chị cũng nghe bác đi cùng giải thích khi ngồi chờ bên Nga: Rằng ở đây là khâu quan trọng nhất. Thích họ cộp giấu, vẫy tay cho vào. Không thích họ cộp giấu chỉ ra ngồi một chỗ rồi lôi đi hỏi này nọ, thậm chí tống cổ về. Chị nghe sởn cả tóc gáy. Chị năn nỉ bác Toàn (tên người đàn ông trạc hơn 50 tuổi, vị cứu tinh của chị cả đoạn đường bay), bác giúp cháu nhé, cho cháu đứng trước bác có gì bác đỡ lời. Chị xếp hàng theo chỉ dẫn của bác, sau hơn vài chục người là đến chị. Bác Toàn giục đi đi, chị run bần bật, có mỗi cái túi xách nhỏ cũng rơi xuống đất. Chân cứ dẫm lên nhau. Nhìn lên thấy ông tây, mặt trắng nhợt, mắt xanh như mắt mèo, mũi rõ là cao, đang nhìn chị chằm chằm có vẻ nghi ngờ gì đấy. Trống ngực đập liên hồi, chị chắc giống hệt kẻ cắp bị bắt quả tang. Bác Toàn cáu:- đã bảo bình tĩnh rồi, đừng làm bọn nó chú ý, rõ là...! Sau khi nghe nói mà chẳng hiểu gì, chị đưa cái hộ chiếu ra, tay run rẩy lóng ngóng như người đói ăn sắp chết. Ông tây chậm rãi mở xem từng trang, soi đi soi lại ảnh, nhìn chị. Giây phút này chị ngộp thở cùng cực, thi thoảng ngoái lại nhìn bác Toàn. Nếu chẳng may họ chỉ ra góc nào có lẽ chị lăn quay ra đấy luôn. Chị cảm nhận được điều đó. Bỗng nghe tiếng cộp, họ trả hộ chiếu rồi nói gì đấy, chị mặt tái xanh, miệng lắp bắp, tay chỉ lên trời, rồi chắp tay trước ngực vái như mỗi lần cúng tổ tiên, chị nghĩ là chị bị đuổi ra. Bỗng bác Toàn giục: đi vào thôi. Chị ngơ ngác, vào đâu, vào đâu hả bác? Bác Toàn bước vội đẩy hộ cái biển chắn ngang, xô chị vào rồi nói nhỏ: Thoát rồi, vào đi và đứng chờ tôi! Hoá ra chị chẳng bị vặn vẹo gì, chị nghĩ chị nhờ phúc đức Tổ tiên nên đầu xuôi, đuôi lọt. Mừng thế mà nước mắt lại chảy ròng ròng, chị chẳng hiểu chị khóc vì ai? Khóc vì cái gì khi chị đã hợp pháp trên đất của họ! 
Những gì sau đó rất trôi chảy, chị cứ bám bác Toàn và ra ngoài là nhìn thấy ông chú đang vẫy tay gọi. Ông chú đưa chị cái túi dứa bảo chị lấy áo mặc vào kẻo ngoài trời âm 10độ. Chị mặc cái áo to như chăn bông, dài chấm đầu gối, quàng thêm khăn len cũng không phải ngắn, lại thêm cái mũ len nhìn như cái rế hay dùng cho nồi cơm nóng nhà chị. Duy nhất đôi dày như cái ủng là vừa khít chân. Giờ nhìn chị chắc giống bà Tây, hay ít ra cũng là người đi Tây. Ai đời lạnh thế dưới chân lẹp kẹp đôi dép lê bằng thật chẳng hợp chút nào. Chị sực nhớ đến ân nhân của mình, muốn giới thiệu với chú. Ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng thấy bác Toàn đâu, chị tự trách mình sao vô ý quá, ít ra cũng có câu cảm ơn. Đằng này...
Chiếc xe thùng cũ kỹ màu ghi xám, ì ạch đưa chị về nhà ông chú. Nhìn chú thở ra khói, chị thấy ái ngại vô cùng. Trên xe chú hỏi có ăn được không? Ngủ được không? Có bị say không? Chị trả lời mà mắt lại chăm chú nhìn quang cảnh hai bên đường, như cố tìm sự khác nhau giữa thực tại và trong tưởng tượng. Hoá ra trời tây lạnh thật, những con quạ đen đang cặm cụi nhặt nhạnh gì đấy giữa tuyết. Bất chợt chị nghĩ chị cũng sẽ vậy. Sẽ rất chăm chỉ để nhặt từng xu, cho dù tuyết có lạnh bao nhiêu chị cũng như lũ quạ! 
Nhà của chú đi thuê, ở khu vực nghe bảo gần chợ, gần quán ăn của chú. Chị nhìn vào không nghĩ là đang ở tây. Bởi nhìn ngoài nó mốc meo, thỉnh thoảng có những mảng tường lở cóc cáy. Đi vào trong, ánh đèn mờ mờ ảo ảo làm chị thoáng rùng mình. Chú ít nói chứ không như hồi chị gặp ở quê, nhìn chú còn không bằng chồng chị ở nhà lúc nào cũng đạo mạo, ăn mặc sạch sẽ. Chú giải thích: Tao thuê luôn cả cái nhà ba tầng này, mỗi tầng có 2 buồng ngủ, 1 bếp, 1 buồng tắm và vệ sinh. Tao vừa ở, vừa cho mấy cặp nữa thuê lại. Vì thế mày sang ở cùng tầng 2 với vợ chồng tao cho ấm cúng, đỡ nhớ nhà. Chị đáp khẽ: Vâng! 
Lên tầng 2, chú gọi to:- Hà ơi! Mở cửa đi, chú cháu tôi về rồi, đặt lại nồi xúp cho nóng kẻo cái Thắm nó sắp xỉu vì đói và mệt rồi! Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng lục cục nghe rất rõ. Chú quay lại bảo: chuyện tao dài lắm, mày cứ gọi cô ấy bằng thím là được. Chị khẽ đáp: Vâng! 

Ảnh minh họa.

Thím Hà có lẽ hơn chị dăm tuổi, người đẫy đà, cũng có vẻ ít nói. Chị vào, chào hỏi rồi vất đồ vào cái phòng chú chỉ, xong ra rửa mặt mũi, xuống bếp phụ thím dọn ăn. Chú hình như đang vội, húp xoàm xoạp bát xúp( quê tôi gọi là canh khoai tây) với tay véo chút bánh mỳ nhai lép nhép. Chú dặn ở nhà cố ngủ đi, mai thứ 2 đông khách mày phải ra phụ rồi đấy. Chị đáp khẽ: Vâng! 
Chỉ có vậy, chẳng ai nói thêm với ai gì cả. Chị rất muốn bắt chuyện, rất muốn hỏi thêm, nhưng thím đã vội vào phòng và đóng cửa lại. Hình như có tiếng trẻ con khóc, chị rất tò mò, nhưng lại thôi. Chị rửa dọn xong, vào phòng, tự nhiên mệt rã rời. Chị nằm thiếp đi, trong mơ chị thấy ba đứa con đang ôm chặt mẹ. Chị choàng tỉnh, cũng là lúc tiếng chú vọng vào: Khổ thân nó, chắc mệt, ngủ như chết. Nó có dậy đi làm cùng được không? Chị nhanh nhẩu bước ra thay cho câu trả lời. Chị mặc áo, quàng khăn, đi dày, nguyên bộ hôm qua. Xong chạy vội vào rửa mặt và không cả đánh răng, chị súc miệng òng ọc. Chị đã xuống nhà kịp khi chú nổ máy. 
Cứ vậy, từ 4 giờ sáng ra khỏi nhà, mãi gần 9 giờ đêm chú cháu mới về đến nhà. Chị chẳng biết thêm chút gì về hoàn cảnh của chú. Hình như chưa đến lúc chú cần bộc bạch. Chị vì vậy cũng chẳng dám hỏi thêm. Chỉ có thím Hà là được ở nhà vì thằng bé mới hơn tuổi. Hàng ngày trông con và lo bữa ăn, nhưng thực ra cả chú và cháu tối về chỉ lo tắm táp rồi lăn ra ngủ. Chị đã quen dần với cuộc sống mới ở tây. Chị đã quen dần với công việc. Chỉ duy nhất nỗi xa con, xa nhà là ngày càng nhiều lên. Nhất là trong giấc ngủ. Hình như cả ngày vất vả với rửa rau, thái rau, lau chùi, dọn dẹp...làm gì còn thời gian nghĩ ngợi đến ai. Với chị, một tuần trôi qua rất nhanh, nhưng đêm đến dài như thế kỷ. Tuần đầu tiên đi Tây mới chỉ là làm quen. Chưa thể gọi là khổ, chị cầu mong công việc như thế. Nhưng thực ra những điều không may cho nghề làm quán đang rình rập mọi người, nhất là người Việt Nam. Chuyện sau này làm xoay chuyển cả cuộc bôn ba của chị trên xứ người... 
Vacsava- 08/11/2014 
Nguyễn Mai Lê 
( còn nữa)

Sửa lần cuối 2014-11-23 19:05:10

Bình luận

Bình luận qua Facebook