2014-11-29 07:52:49

Ai bảo đi"Tây" là sướng! Phần 6- Tai nạn"nghề nghiệp"


     Chị đang yên phận với nghề làm quán của chú. Chị đã quen với việc đi sớm về tối. Quen quần quật chẳng có ngày nghỉ suốt từ thứ 2 đến hết chủ nhật. Quán ăn ngày càng đông khách, ông chú mở thêm quán mới ở khu vực trung tâm thủ đô Vác. Chị trở thành người quản lý, người quán xuyến, thậm chí rửa rau, rửa bát và bưng bê phục vụ khách nếu thấy cần làm. Mệt, nhưng vui dần, vì chị đã quen với một số khách hàng thường xuyên, chỉ cần thấy họ bước chân vào là biết khẩu vị mặn, nhạt cần thêm bớt cho vừa ý. Có lẽ một phần do tính cởi mở, một phần do chiều khách và chu đáo cả đến từng cá tính của họ, chị được khách hàng mến mộ và kéo theo bạn bè khác vào ăn. Thu nhập hàng tháng của chú tăng lên rõ rệt. Thím Hà thuê được cô giúp việc người Ukraina ở luôn một phòng trên tầng 3, trông thằng Phúc cả ngày lẫn đêm. Thím ra quán mới cùng làm với hai nhân viên biết việc. Chú chạy đi chạy lại như con thoi giữa hai quán ăn.

Dạo này có kiểm tra liên tục, đấy là các đoàn bên vệ sinh dịch tễ và phòng thuế kết hợp đi cùng. Lắm hôm có cả biên phòng, bịt mặt, tay cầm súng bủa vây mọi ngả đường tìm kiếm những người không có giấy tờ tuỳ thân. Biên phòng chị đã gặp nhiều lần, chị là người của hãng Đức - Hà nên mọi chuyện ổn, chỉ tội cậu thanh niên giúp việc tên Tùng, người Hà Nội, mới sang theo đường Nga, chẳng có giấy tờ( vì vượt biên), nên vào làm ở quán hễ nghe nói có biên phòng, mọi người bảo tránh đi. Bị bắt, coi như hết đường, may mắn, nhanh nhất sau 3 tháng được thả ra, nếu có hội nhân đạo của ông cha sứ người Balan can thiệp, khi ra họ có giấy chứng nhận"cư trú chính trị". Tức là vì lý do chính trị gì đấy không thể ở Việt Nam( cách cứu người nước ngoài bị bắt). Đa phần ở trong trại giam cả năm, thậm chí họ bị trục xuất về nước nếu xác định được đầy đủ danh tính. Phần lớn khi sang đến đây, họ đã tốn kém chi phí không dưới 10 ngàn đô la, có khi còn gấp đôi nếu gặp trục trặc trên đường đi. Bởi thế, không ai muốn quay về khi có món nợ lớn do gia đình hoặc vay lãi, hoặc thế chấp nhà cửa ở Việt Nam. Rất nhiều lần đang bê suất thức ăn đến tận các ki ốt cho khách, theo đơn đặt hàng điện thoại. Tùng đã phải vất vội, chui vào các kho hàng nhỏ của người Việt, chủ kho khoá cửa bên ngoài, chờ biên phòng rút hết, chủ kho mở khoá mới chui ra. Cực vậy, nhưng liên tục vẫn thấy người đến xin việc với lý do mới sang. Ngẫm lại chị thấy mình quá may mắn. Ơn này chị biết trả sao cho hết:- Lạy Trời! cầu cho gia đình chú khoẻ, công việc trôi chảy, mọi điều như ý  (câu chị hay nghĩ đến nhất trong ngày).

        Nhớ mãi cái lần, lúc khách đang ngồi chật cả quán ăn, chủ yếu là khách tây. Tầm này, họ mua xong hàng, ăn uống no nê là ra xe về nhà. Hình như ở các tỉnh lẻ về mua hàng, họ đã nghiện suất cơm có món nem rán( quen gọi là Sàigonki), không chỉ ăn tại chỗ mà còn mua thêm mấy xuất mang về cho vợ, cho con ở nhà. Chị và mọi người đang túi bụi, lo cho từng ấy khách, từng ấy yêu cầu đâu có nhanh được. Bỗng rầm rập, có đến vài chục người, cả công an, biên phòng, phòng thuế. Họ đưa thẻ cho chú xem, rồi xộc vào khu làm bếp. Họ lục tung cả tủ lạnh, đảo hết rổ thịt chú mới nhập vào, có nồi móng giò lợn đã làm sạch ướp riềng mẻ, mắn tôm đang chờ ngấm ngáp rồi đun khi vắng khách. Họ chụp ảnh lia lịa, cứ như là đang quay phim hình sự. Khách hàng ai chưa ăn nhốn nháo ra ngoài. Ai đang ăn dở cũng dừng lại tò mò, ngơ ngác. Nhìn sang bên cạnh, các quán ăn khác cũng vậy, đông nghịt người giống như bên chị. Chị cũng không hiểu tại sao? Lần đầu tiên chị chứng kiến chiến dịch có quy mô, và đông người tham gia như thế. Thằng Tùng bị giữ lại và đưa lên xe vì không có giấy tờ, chị nhìn theo ứa nước mắt. Mọi người thì thào bàn tán xôn xao, họ bắt đóng cửa vì thiếu giấy chứng nhận gì đấy. Bỗng nhiên chị rất sợ hãi, giống hệt cái lần đứng trước cửa khẩu vào Balan năm nào. Tim chị đập thình thịch, người run lẩy bẩy, mặt mũi tối sầm lại, chị cầu Trời phù hộ cho chú, cho chị và cho mọi người bình an.

       Tối về, chú đưa ra tờ báo Balan cho mọi người xem, rồi giải thích trong đó họ viết: Người Việt Nam ăn trộm chó, hoặc giả vờ mua chó về nuôi, nhưng thực ra là giết thịt để ăn và đưa cho các quán ăn Châu Á. Món Sàigonki, là một trong những món cần nhiều thịt nhất. Cách đấy mấy tháng trước cũng có tin loan ra các quán bắt chim bồ câu, làm nhân của Sàigonki. Tin đồn này gây làn sóng phẫn nộ trong dân chúng Balan. Chim chóc dù hoang dã cũng là động vật được bảo vệ. Chẳng thế chị đã từng ngạc nhiên khi cả đàn chim đi lại, nhặt bánh mỳ thậm chí trên lòng bàn tay con người. Mà chim ở đây nhiều vô vàn, nhất là vào dịp hè, chúng ở đâu ra rất nhiều nên chị đi đâu cũng gặp. Chuyện tạm lắng vì thấy điều vô lý, thịt chim được một nhúm, ai hơi đâu bắt về làm thịt!... Lần này lại là thịt chó, khốn nỗi trên mặt báo rõ mồn một ảnh mấy ông Việt Nam, tay bị còng. Bên cạnh, trong cái tủ lạnh to đùng bao nhiêu là thịt, chất đầy ăm ắp. Rõ ràng nhất là hình con chó đầy đủ đầu, mình và tứ chi vừa thui xong, nhẵn nhụi, vàng ươm với hàm răng nhe trắng xoá. Không chó thì là con gì? Chối cãi sao được?

     Quán tự nhiên vắng khách hẳn vì khách tây hầu như sang các quán của Thổ Nhĩ Kỳ, hay quán của người Balan. Tuy rằng thực đơn hoàn toàn khác, không có " Sàigonki", nhưng lại đông khách vào. Khách Việt từ trước đến nay có phải lúc nào cũng ăn quán đâu. Làm ăn càng khó khăn, họ càng tiết kiệm. Đi làm có khi họ đã cặp sẵn bánh mỳ bơ với thịt từ nhà, kèm thêm phích nước chè pha sẵn. Vậy là bớt rất nhiều tiền cho việc ăn uống ở chợ. Duy nhất đi vệ sinh mỗi lần tốn 1 rua( tiền Balan, tương đương 0,3 đô). Có người ăn ít đi, uống ít đi cố nhịn về nhà. Vì họ nhẩm tính từng ấy tiền cũng mua được khối thứ ở Việt Nam cho con dùng. Suốt mấy tháng sau, đài, báo, vô tuyến và người bản xứ vẫn nhìn người Việt như lũ mọi rợ. Đặc biệt những người yêu chó. Họ nhiều khi tỏ thái độ ra mặt, có vẻ rất hằn học. Chị chẳng biết sao lại như thế, ở quê chị, nuôi chó rồi thịt chó là lẽ đương nhiên. Gặp con chó khôn ngoan, được việc thì giữ lại lâu dài. Gặp con chó không ưng ý, khi có cỗ hoặc dịp gì liên hoan, làm thịt chó, đánh chén vui vẻ, mặc dù khi trói chân cẳng con chó, nó kêu ăng ẳng, nước mắt nước mũi chảy ào ào, cũng có sao đâu?!

  Ảnh minh họa (Internet)   

Sau này nghe chú và mọi người kể, ở tây họ nuôi chó, coi chó như người. Cũng tắm gội, cũng có bác sỹ khám bệnh, cũng có thức ăn riêng. Thậm chí chó có giường riêng. Mỗi con chó đều có sổ chứng nhận như người về nguồn gốc, tình trạng sức khoẻ. Được ở chung với người. Trẻ con nhiều đứa khi có người hỏi nhà mấy người, nó trả lời: Có bố, mẹ, nó và con chó. Nghe chuyện chị cứ há hốc mồm. Thế hoá ra con chó Tây nó sung sướng hơn cả mấy đứa con nhà chị. Vì rằng mỗi khi ốm, hễ nóng sốt, chị hái nắm cỏ Nhọ nồi, giã dập đắp vào trán. Chẳng biết bác sỹ là ai, tiền đâu mà đi khám với mua thuốc. Tắm gội hàng ngày, bé tý đã tự kỳ cọ cho nhau. Bữa ăn có rau ăn rau, có cà ăn cà, thoảng hoặc mới có tý thịt, tý cá...Chị lại khóc, khóc vì nhớ con, khóc vì thương con chẳng được như lũ chó bên này...! Ông chú dặn mọi người, khu vực nhà đang ở cũng phức tạp. Người lớn thất nghiệp nhiều, lại hay nghiện rượu, ra vào nhớ để ý đề phòng. Trẻ con nhiều đứa ngổ ngáo vì ít được chăm sóc tử tế. Nhà mình làm quán ăn, dân ở đây đều biết. Chú sợ nhỡ may họ kỳ thị, họ ác cảm rồi có hành động không hay, mọi người cần hạn chế ra ngoài ban đêm. Điều này chị đã nhận ra, mấy lần đi làm về muộn chị đã gặp những bộ mặt gườm gườm, nói gì đấy ra chiều giận giữ... Chị chẳng lo, cả đời chị có ra ngoài đâu, thi thoảng ra đổ rác ở thùng trước cổng nhà, xong lại vào ngay. Nói vậy mà chính chị lại là người gặp xui. Một hôm trước khi đi ngủ, chị thấy túi rác đã đầy, chị nghĩ vứt ngay kẻo có mùi. Vừa ra khỏi nhà, trời tối mờ mờ, chị vấp phải cái gì như hòn đá, loạng choạng, mất đà tay chị chống xuống đất, chị nghe tiếng ục, giòn tan, đau điếng. Chị hốt hoảng kêu to. Mọi người chạy vội ra, chị đau đớn chỉ vào tay. Chú nhìn thấy mấy viên gạch nằm lăn lóc ở lối đi và lẩm bẩm:- Đích thị là mấy thằng trẻ ranh lúc tối lảng vảng, nó cứ gọi"Zuatek"( mọi vàng, từ ám chỉ sự khinh bỉ) chỉ có bọn nó trả thù cho lũ chó bị giết, khổ thế!

     Chú lái xe đưa chị đi viện, chị gãy xương tay trái. Bó bột xong chị về nhà. Dọc đường chú lẩm bẩm:

      - Hoạ vô đơn chí, chó với chả mèo! Mấy cái thằng thiếu gì thịt ngon không ăn, lại thích ăn thịt chó! Mấy cái thằng thiếu gì việc không làm lại làm nghề giết chó! Báo hại nhà này, hai quán vắng hoe, bao vốn liếng dồn hết cả vào quán xá, lâu dài chắc phải thải bớt người làm! Báo hại mày, tay gãy có khổ thân không chứ! Gãy tay ở đâu không gãy lại gãy tay ngay trên đất tây. Đúng là tai nạn nghề nghiệp...!

    Chị nghe vừa ngậm ngùi, vừa tủi thân. Chị thuơng vợ chồng chú và thương chính bản thân mình... 


         Vácsava 10/11/2014

             Nguyễn Mai Lê 

              (Còn nữa)

Sửa lần cuối 2014-11-29 06:52:49

Bình luận

Bình luận qua Facebook