2014-12-03 14:32:24

Ai bảo đi"Tây" là sướng! Phần 7- Bước ngoặt mới


        Dư âm của vụ"Chim và Chó" dai dẳng hàng năm. Nghe đồn vụ này có bàn tay xúi giục của những người nước ngoài khác, cùng làm quán ăn trên đất Balan. Vì khách thích ăn đồ Việt Nam, trong khi thuế, địa điểm và mọi chi phí đều như nhau, quán của họ thỉnh thoảng mới có khách vào. Đấy cũng là cách cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng xét cho cùng cũng tại mình, thích ăn thịt chim, thịt chó( giống như quả cấm trong vườn khi Adam và Eva chót ăn vào, Thượng Đế nổi giận là đúng thôi!). Mà nghĩ cũng buồn cười, dân mình lại thích nhớ về quê hương bằng các món đặc sản thật đáng sợ của người bản xứ! Dù rằng họ đã bỏ quê phiêu bạt xứ người với ty tỷ lý do khác nhau!  

       Hậu quả là toàn bộ hệ thống nhà hàng, quán ăn của người Việt gần như tê liệt. Để có thu nhập thêm, quán của  chị nấu thêm nhiều thứ khác, phục vụ đa dạng như xôi, chè, bánh ngọt, bánh rán...Từ tinh mơ chị đã có xôi lạc, xôi ngô, xôi vò... Chị đẩy cái xe, đi mời chào tận từng ki ốt, chẳng quản nắng, mưa hay tuyết lạnh. Mùa hè, xong xôi sáng, chị tất tả bán chè phục vụ bà con khi nóng lên. Ban đầu không quen, hôm hết hàng, hôm không. Lâu dần, mọi việc cũng trôi chảy. Chú phụ trách ở quán với cậu phụ việc, chị đi bán dạo. Thím Hà cai quản  quán ngoài phố. Đi ra ngoài chị quen và nói chuyện với rất nhiều người. Mở mang kiến thức đi Tây của mình. Đã ngót nghét hơn ba năm, chị chỉ biết mỗi đường từ nhà ở ra quán. Chỉ biết các công việc thuộc về bếp núc. Giờ đây chị biết thêm, xung quanh chị rất đông người Việt. Họ cũng có nhiều hoàn cảnh đặc biệt để ra đi. Có người hoàn cảnh éo le và khổ hơn gấp mấy lần chị.

     Ở Việt Nam, chồng chị vẫn đều đặn nhận 600 đô một tháng. Các con chị vẫn ở quê cùng ông bà nội. Anh cuối tuần lại về với con. Thi thoảng anh khoe mua chút quà lên biếu bên ngoại nhân dịp Tết hay lễ. Chị lại cảm thấy mang ơn anh! Các con chị rất ngoan, hai cô con gái học giỏi liên tục được giấy khen và đã làm được hết việc nhà, chăm sóc ông bà như hồi mẹ chưa đi vắng. Cậu con trai đã đến tuổi đi học, nghịch như quỷ sứ và rất được nuông chiều. Với chị như vậy là quá yên tâm. Vợ chồng chị bàn nhau cố gắng vài năm nữa có tý vốn rồi về. Chú chị cũng bảo nên thế, nhưng về thăm nhà rồi lại sang chứ về hẳn lấy tiền đâu chu cấp cho con hết đại học. Mọi khó khăn vất vả, kể cả việc chị bị gãy tay, chú đều kể hết cho anh nghe, dù chị muốn giấu. Chú vẫn  bảo chị: 

     - Mày ngu lắm! phải kể cho nó biết đồng tiền gửi về khó nhọc thế nào chứ. Không đâu nó tưởng sang đây mày sướng lắm, tiền như lá ngoài đường chỉ ra nhặt về!

    Chị chẳng bao giờ nghĩ về anh như vậy. Anh có ăn, có học, lại một mình thay chị chăm sóc bố mẹ chồng và các con, chị sang được đây cũng là nhờ anh. Chị mang ơn anh mới phải. Trước mặt chú, chị chẳng nói gì, chẳng phân bua vì chị biết chú từng trải và xuất phát từ lòng chân thành lo lắng cho chị. Nhớ lại lần bị gãy tay, chú cứ bắt chị nghỉ việc cả tuần. Chị ở nhà đúng hai hôm, nằm nhà rỗi rãi đâm hay nghĩ vẫn vơ. Bận rộn chị cứ tưởng chị đã quen với cuộc sống mới và quên dần chuyện nhà. Thực ra với chị hình như ký ức bị đè nén mà nằm yên. Chị bỗng nhớ nhà cồn cào. Nước mắt tuôn trào , lần đầu tiên chị thả sức cho tiếng khóc có âm thanh. Chị khóc nức nở, chị gào tên gọi từng đứa con: - Tâm ơi! Con nhớ mẹ không? Tha thứ cho mẹ cái lần con bị đòn oan con nhé. Mẹ quá bận việc đồng áng, mà không biết rằng nhà đã hết gạo. Chiều về thấy bếp lạnh tanh, con về với cái rá không trong tay. Mẹ chẳng kịp hỏi lý do, đã cầm roi quất vào con túi bụi. Con càng khóc, mẹ càng đánh nhiều hơn. Cứ ngỡ con ham chơi nên không nấu cơm như hàng ngày. Khi mẹ ngừng roi, qua tiếng khóc, lời kể lể của con làm mẹ ân hận vô cùng. Thì ra bữa cơm trưa nay là bát gạo cuối cùng con nấu. Ăn xong con vội đi học, mẹ vội ra đồng. Con không kịp cho mẹ biết, vậy nên chiều nay con phải xách rá đi sang hàng xóm vay gạo. Trận đòn oan ấy, ám ảnh mẹ suốt đời. Con tha lỗi cho mẹ nghe con! ( chị đã gọi tên cô con gái đầu và tỉ tê như thế). Chị biết chẳng có người mẹ nào muốn vụt cây roi vào người con. Nhưng qua vất vả nên sinh cáu gắt và giận. Chị ao ước ngay lúc này có con bên cạnh, nó sẽ nấu cho chị bát cơm, hỏi han động viên chị... Rồi chị gọi tên đứa thứ hai: - Tú ơi! Đừng đau ốm nhiều nhé con. Nhớ những lần con ho và sốt, mẹ chỉ đắp cho con nắm lá Nhọ nồi, hái quanh xóm. Mặt mũi con lem nhem, hai mắt đỏ, tiếng thở khò khè, và cơn ho bất chợt làm con co quắp người lại. Mẹ bế con ra trạm xá, ngoài viên thuốc cảm và lọ thuốc bổ phế, mẹ chẳng thể mua nổi cho con thuốc kháng sinh. Vậy mà" Trời sinh, Trời dưỡng", con cũng qua khỏi hết lần này đến lần khác. Tuy con hơi còi cọc nhưng vẫn nhanh nhẹn xinh gái. Con gái mẹ giờ chắc lớn và chăm làm giống chị. Chị nhớ thằng con"quý tử", nhớ bố mẹ chồng, nhớ đến những lần nhai cơm như nhai rơm rạ. Nhớ cả ánh mắt buồn của anh lúc chị vào cửa biên phòng ở Nội Bài...Trong cơn buồn ngủ, chị mơ thấy mình đang chạy trốn, mấy anh biên phòng, mặt bịt kín, tay cầm súng đuổi theo sau. Chị cố chạy, lúc sau nhìn lại thì là mẹ chồng chị, tay cầm cán chổi, vừa đuổi theo vừa la hét:"Cái ngữ dâu như mày, chỉ biết ăn, đến đẻ cũng không biết đẻ, lại còn dám cãi bà..!".Cứ vậy, chị ra sức chạy trong mơ, đến khi  chị vấp ngã, giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã như tắm. Chị ngồi dậy, cơn đau nhức từ cánh tay lại dội lên. Nhà cửa im ắng đến lạ lùng. Chị thấy hãi hùng, một cảm giác lo sợ vu vơ. Hôm sau chị nhất quyết đi làm cùng chú.

   Cảnh chợ ở Ba Lan ( internet) 

 Càng ngày, việc kiếm tiền càng khó khăn. Một hôm chú gọi chị tâm sự: 

     - Mày sang cũng khá lâu rồi, giờ có chút kinh nghiệm cuộc sống. Tao rất muốn sau này mày chuyên về làm quán ăn. Nhưng tình trạng này lâu dài, e không ổn. Mà tao không đủ thu nhập để trả lương theo như đã hứa. Sợ bắt mày phụ thuộc việc của tao cũng không nên. Hay mày xem chuyển sang đi buôn như mọi người có khi lại hay.

     Chị im lặng vì sự đường đột này. Tuy hàng tháng biết chồng nhận ở nhà 600 đô, chị cũng thấy áy náy. Mấy lần chị định bảo chú nhận ít hơn. Nhưng lại sợ chú phật lòng, sợ chú bảo coi thường chú. Mãi sau chị cũng thưa chuyện: 

       - Chú bảo sao cháu nghe vậy. Cháu không quen nhiều sợ bỡ ngỡ vì sang đây chuyện gì chú cũng lo cho hết. 

    Mấy hôm sau chú gọi người quen của chú, gửi gắm chị về tỉnh cách thủ đô gần 400km. Chú bảo:

        - Mày cứ yên tâm, bước đầu vốn liếng không có, chú ứng trước cho một ít. Về tỉnh bán lẻ, vốn không cần nhiều, lại có bạn bè của chú ở trên ấy giúp. Nếu bán buôn ở Vác, thân gái đơn độc sao khuân, sao vác nổi. Thôi"mèo nhỏ, bắt chuột con" cứ về các tỉnh lẻ, chịu khó"năng nhặt, chặt bị"! 

    Chị lại mất ngủ, bịn rịn, nước mắt ngắn dài cho cuộc tách rời này. Chú gắt: 

     - Có gì mà khóc, bên này đi lại thuận tiện, lên tàu, ngủ giấc là lại về đây. Rõ là! thôi gói ghém đồ đạc đi, mai họ về lấy hàng, mày đi cùng. Từ nay nhớ chú ý mà lo cho bản thân. 

    ... Một đêm dài không chớp mắt, một đêm dài lần đầu tiên chị biết sẽ phải tự bươn chải không có chú bên cạnh... Chị không biết có gì đang đợi chị. Chỉ biết lần này mới là lần đúng nghĩa đi Tây của chị.Mới mẻ, tự lập, chị như con thuyền nhỏ chòng chành giữa biển khơi. Bước ngoặt lớn của những chặng đường mới bắt đầu...!  


          Vacsava-11/11/2014

           Nguyễn Mai Lê

               ( Còn nữa)

Sửa lần cuối 2014-12-03 13:36:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook