2014-12-17 07:35:09

Ai bảo đi"Tây"là sướng! Phần 11- Ra đi lần thứ hai


     Sau khi ăn Tết âm lịch xong, chị càng nhận thấy cần có quyết định sáng suốt vì chỉ còn vài tuần nữa là chị đã quá 3 tháng rời khỏi Balan. Theo lời chú Đức nếu chị muốn tiếp tục sang làm ăn, tốt nhất là sang sớm, còn làm đơn xin viza dài hạn*. Từ trước đến giờ cứ mỗi lần chị chỉ được cho phép ở hợp pháp trong vòng một năm. Nếu thuế đóng không đầy đủ họ có thể từ chối, vậy là trở nên sống bất hợp pháp. Lợi thế của viza( còn gọi thẻ) dài hạn là người được cấp gần như không bị truy cứu về tài chính đóng góp cho nhà nước Balan. Họ xoá tên trong hãng làm việc, có thể đi buôn bán trốn thuế vẫn không sao. Vì công an chỉ hỏi giấy tờ tuỳ thân, còn giấy tờ buôn bán ít hỏi, trường hợp bị hỏi, thường tìm cách nhờ người có hãng nhận hộ, vậy là êm chuyện. Chị nhẩm tính cũng dôi ra gần 4 ngàn đô một năm. Con số không phải nhỏ! 

     Lý do để chị đắn đo nhất là vấn đề tiền ở nhà hiện tại không có nhiều. Chị giao hểt cho anh, nên việc chi tiêu thật eo hẹp. Hồi trước chị bám đồng ruộng, chăn nuôi gia súc và trồng rau trong vườn, bươn chải cũng qua ngày. Nay quê chị thanh niên lên Hà Nội kiếm việc làm, xóm làng chủ yếu còn trẻ con và các ông bà ở lại. Chị đi vắng, ruộng nhà chị cho người khác làm khoán, họ trả cho ít lúa khi thu hoạch. Tính ra cũng chẳng là bao. Nếu chị ở nhà muốn có thu nhập chắc phải nhận thêm ruộng nhà khác, lại đầu tắt mặt tối, lại" bán lưng cho trời, bán mặt cho đất", lại lợn, gà, chó, vịt...mới nghĩ đến cảnh xưa chị đã biết rất vất vả, cực nhọc. Giờ các con đã lớn, nhu cầu ăn mặc, học hành cũng nhiều lên. Chẳng nhẽ vì eo hẹp kinh tế mà không cho con cái học cao thêm. Ở lại quê là chồng, là con luẩn quẩn giống chị hồi trước. Đêm nằm chị không ngủ được, bế tắc mà chưa dám đề xuất ý định"đi Tây"tiếp với chồng. 

    Chị nhớ mãi ánh mắt dữ dằn của  anh, khi chị muốn anh đưa tiền cho chị lo thêm ngày Tết. Anh dằn giọng: 

     - Dễ thường tôi quản lý tiền cho riêng tôi sao? Cô không biết tôi còn bao nỗi lo to tát hơn. Thiếu tự xoay xở lấy, đàn bà ở quê như cô có mà bán nhà đi ăn mày. Cô đi"Tây" có mấy năm, cô học thói đòi hỏi ở chồng như các tiểu thư thành phố hả?

    - Là lâu rồi em mới được ăn Tết cùng gia đình. Số tiền anh đưa mấy lần trước em đã dè xẻn tiêu pha hết cho con cái. Em muốn sắm sanh mấy thứ cho Tết này, nếu anh thấy vừa lòng thì anh đưa, nểu không em" liệu cơm gắp mắm".

    - Hay cô tưởng đi"Tây"về là có quyền đòi hỏi. Cô học đâu cái thói quản lý chồng thế?

   Chị nước mắt lưng tròng, ấm ức nghẹn ngào. Đây không phải là lần đầu, mà đã mấy lần cứ nói về tiền nong là anh lại nổi khùng. Chị không hiểu sao anh thay đổi nhiều đến vậy. Phải chăng anh luôn không hài lòng vì chị giờ đây không ngoan ngoãn như trước? Mà đúng thế, chị cũng hay lý sự với anh, kể cả việc bố mẹ chồng nuông chiều thằng Đạt. Có thể vì thế anh thấy bị vợ qua mặt. Từ xưa đến nay anh vốn không thích ai cãi lại dù đúng hay sai. Chị cũng biết anh đang có nỗi lo lớn về nhà cửa, anh đã nói qua với chị: Anh vừa được phân 40 mét vuông đất, tuy hơi xa trường anh dạy nhưng cũng thuộc nội thành. Ý định làm tạm cái nhà để ít nữa hai cô con gái tốt nghiệp phổ thông, cho thi vào học các trường ở Hà nội, rồi đưa thằng Đạt và bố mẹ lên cùng. Như vậy là ổn về lâu dài. Nhà ở quê bảo cô em chồng trông coi hộ. Chính vì thế anh có lẽ hay cáu gắt với chị. Nhưng chị cũng có đòi hỏi gì nhiều cho cam. Mới chưa đầy hai tháng về đây, chị làm sao nuôi gia súc, bán lấy tiền như trước kia khi gặp túng thiếu. Những chuyện nhỏ nhặt vớ vẩn hàng ngày, làm chị không còn biết tính toán sao cho hợp lý. Anh cũng đã nghe chị kể những ngày tháng chị xa nhà. Anh cũng biết quý trọng đồng tiền chị làm ra, nhưng hễ trái ý anh, anh lại nghĩ chị cậy kiếm được tiền mà coi thường anh. Lắm khi chị ao ước giá đừng"đi Tây", nghèo thật nhưng chắc không tạo ra khoảng cách khó hiểu như bây giờ. Cuối cùng chị cũng mạnh dạn đề xuất:

      - Em nghĩ thế này, anh xem có hợp lý hay không? Hay em lại tiếp tục đi thêm vài năm nữa. Lúc đấy các con cũng vẫn còn ở nhà học phổ thông bình thường. Em sang lo được bộ giấy tờ dài hạn, cũng đỡ chi phí được nhiều. Số tiền làm được em gửi về anh lo cái nhà. To nhỏ gì cũng là nhà mình, vài năm em về cả nhà đoàn tụ rồi tính tiếp. Nếu em cứ ở nhà thế này, biết lúc nào mới có thể có tiền.

     Anh nghe, có vẻ không bằng lòng. Anh bảo thiên hạ sống được sao mình không sống được. Vợ chồng cứ xa nhau biền biệt, con cái không ở gần rồi hối không kịp. Chị lại tỷ tê, phân tích hơn thiệt. Hai năm rất nhanh, hai năm"tính cua trong lỗ" cố gắng vài chục ngàn đô không phải là khó. Chỉ cần anh đồng ý, chị sẽ cố gắng hết mình. Cứ vậy, chị kiên trì thuyết phục, anh cũng ngã lòng theo, anh giao trả chị hộ chiếu. Chị gọi điện nhờ chú Đức mua vé để bay sang cho kịp thời hạn. 

    Ảnh minh họa ( Internet)

Lần ra đi này không giống lần đầu. Hình như chị đã xa nhà quá lâu nên mọi người cũng quen với nếp sống thiếu chị. Bố mẹ chồng cũng không còn lo lắng hồi hộp. Hai cô con gái thể hiện tình cảm nhất làm chị không cầm được nước mắt. Cái Tâm thổi xôi, giã vừng gói cho mẹ đi ăn đường. Cái Tú ngồi kỳ cạch dùng khăn ẩm lau sạch đôi dày cho mẹ vì từ hôm về chị chẳng xỏ chân lần nào. Hai đứa cứ xoắn xuýt, quanh quẩn bên mẹ, chốc chốc lại ôm sau lưng mẹ, cố hít mùi mồ hôi như thể mẹ ra đi không trở lại. Chị ôm hai con vào lòng, dặn dò nhiều chuyện, nhất là chuyện của con gái mới lớn, chuyện cẩn thận chớ yêu đương sớm. Các con chị là hình ảnh của chị ngày xưa. Rất duyên dáng, dịu dàng dù chưa là thiếu nữ. Chị muốn ôm mãi hai con vào lòng, muốn mãi mãi chở che cho con. Chị sợ nhất câu chú Đức đã nói về chị, đã ví chị như"hạt mưa rơi xuống bãi cứt trâu!". Chị không bao giờ muốn các con chị đi theo vết chân của chị. Thằng Đạt nghe nói mẹ lại ra đi, nó vui sướng dặn mẹ mua hết thứ này thứ nọ. Chị nghĩ con trai có khác, bằng tuổi nó cái Tâm, cái Tú đã biết làm khối việc, nó ngoài đi học, về nhà quẳng sách là chạy đi chơi. Chị lo nhất là nó, mấy lần cầm roi răn đe, mẹ chồng chạy ra bênh vực, nó càng được cớ hư thêm. Mẹ chồng chị giờ cũng ít lời hơn, nhưng mỗi lần thế bà lại phàn nàn:" Giá như chị đẻ thêm cho tôi vài thằng nữa, có khi có anh, có em nó ngoan ra. Đến khổ, số tôi khan cháu!". Chị suýt bật cười vì cháu gái bà không tính là cháu nội của mình! Chồng chị không thể hiện gì ngoài nét mặt lầm lỳ. Anh vẫn vậy mỗi khi có gì không ưng ý. Đêm trước khi chia tay, chỉ có hai vợ chồng bên nhau, chị cũng muốn anh thể hiện tình cảm của anh với chị. Chị gối đầu lên tay chồng, nghe hơi thở và nhịp đập con tim anh trong không gian yên ắng. Bỗng anh nhổm dậy, ghé sát mặt chị hỏi nhỏ:

       - Tôi hỏi thật, bên kia cô có bồ bịch với ai không?

    Chị ngạc nhiên xen lẫn tức giận:  

       - Anh làm sao thế? Hỏi vớ vẩn! Em đã kể với anh rất nhiều lần về nỗi gian truân của em. Anh không tin sao? 

       - Tin sao được mấy cô đi Tây. Báo chí với thiên hạ nói đầy đường. Mà tôi nói trước, cô mà vớ vẩn tôi cắt luôn. Đừng trách!

       Chị muốn khóc vì tận lúc này, khi sắp chia tay anh lại giở chứng, nói chuyện đâu đâu. Chị chợt nhớ lại những lần trò chuyện với cô Lan Sơn về đề tài chồng ở nhà bồ bịch. Chị buột miệng:

      - Vậy nếu anh ở nhà mèo mỡ thì sao? Anh đã không tin em, nên em cũng có quyền không tin anh.  

     Nói xong, chưa biết phản ứng của chồng, chị chợt im bặt. Lần đầu tiên chị biết đấu khẩu cùng anh. Lần đầu tiên chị dám đặt câu hỏi và bắt bẻ anh. Trong chị đã từ lâu lòng kính trọng chồng đặt lên hàng đầu. Chẳng lẽ 7 năm bôn ba, đã có cái gì biến đổi trong chị? Đấy cũng là suy nghĩ ngạc nhiên của anh. Và cả hai nhận ra: Cô Thắm của 7 năm về trước, cam chịu, nhẫn nhục không còn nữa, thay vào đấy là một cô Thắm từng trải, tự tin, quyết đoán. Đêm chia tay, hai người nằm cạnh nhau, họ đến với nhau như những cặp vợ chồng trẻ trước khi đi xa. Nhưng không còn nóng hổi, không còn đam mê... Hai người hoàn toàn vô cảm với nhau... Cả hai đều nghĩ lẽ nào do đã xa nhau 7 năm? Lẽ nào chỉ vì áp lực đồng tiền? Lẽ nào chỉ vì câu chuyện bất chợt trong đêm chia tay?... Họ cùng nhận ra vì cả ba lý do trên...!


                        Vacsava- 26/11/2014 

                             Nguyễn Mai Lê

                                ( Còn nữa) 

 

         * Viza dài hạn, thực chất là loại viza được cư trú lâu dài. Có thể 5 năm cấp tiếp một lần, cũng có thể 10 năm cấp tiếp lần khác. Trong thời gian đấy nếu người sử dụng làm điều sai trái họ sẽ thu hồi.

Sửa lần cuối 2014-12-17 06:35:09

Bình luận

Bình luận qua Facebook