2014-12-21 11:54:47

Ai bảo đi"Tây"là sướng! Phần 12- Trận ốm" thập tử nhất sinh"


      Chị đã nằm liệt giường suốt cả tuần nay. Người lúc nóng hầm hập, lúc lạnh run bần bật từ trong ra ngoài. Đầu óc choáng váng, lúc như tỉnh, lúc như mê. Miệng đắng ngắt không muốn ăn gì, đến bát cháo hành cô Lan nấu cho cũng không nuốt nổi. Tay chân rã rời như sắp lìa thế giới cực khổ, nhọc nhằn, mà chị từng trải qua. Tham việc như chị mà phải bỏ chợ từng ấy ngày là chuyện chẳng ai tin, vậy mà chị bỏ chợ thật. Chị không ngồi dậy nổi, mà có đi lại, chạy nhảy được chị cũng không còn tâm trí bán hàng cho khách...Chị dần nhớ lại những gì đã xảy ra với mình.

     Lần ra đi thứ 2 này, chị cũng rất quyến luyến con cái và mọi người. Nhưng với những gì chị từng trải, chị đã vượt qua tất cả. Không khóc lóc, mếu máo nhiều. Không bỡ ngỡ và lúng túng trên đường bay. Chị tự bắt taxi, không phiền chú đưa đón. Cũng may chị thuê nhà ở chung với bà tây già, nên chị biết khá nhiều các từ cần cho giao tiếp. Chị vào thẳng trung tâm ASG*, nơi chú và thím Hà thuê chỗ mở quán ăn. Từ khi chợ Sân Vận Động sắp đóng cửa**,chú Đức đã có hướng chuyển vào mở quán trong trung tâm này. Chị ở lại Vác vài hôm, tham khảo việc buôn bán của mọi người, đồng thời nhờ chú lo cho vụ nộp đơn làm thẻ dài hạn. Sau cùng chị quyết định trở về chợ lẻ, vì chi phí ít hơn, lại quen chỗ buôn bán, chị ngại bắt tay lại từ đầu, liệu hai năm sau chị có thể trở về hẳn với các con như dự định hay không? 

      Trở về chợ lẻ, chị gặp lại các cô chú thân quen, không ngờ gần ba tháng về Việt Nam, ở đây đã có mấy gia đình chuyển hẳn đến Vác. Vì thế số lượng người Việt giảm đi trông thấy. Chị lao vào công việc, hăm hở hơn, bươn chải hơn vì nhìn thấy đích phấn đấu rõ mồn một. Cứ ngỡ ít bạn hàng, cạnh tranh giảm đi    nên bán hiệu quả hơn, nhưng không phải vậy, vì hệ thống siêu thị mọc lên khắp nơi. Hàng vải của họ nhập toàn thứ rẻ tiền vì lý do lâu ngày không giải toả được, chủ hàng bán rẻ ồ ạt cho siêu thị, thế nên giá trong siêu thị rất rẻ so với chợ đấy mới là mối lo lớn nhất cho dân bán lẻ. Phần nữa, siêu thị rộng, ấm áp và đa dạng hàng nên khách cũng vãn dần, ít ra chợ lẻ vì ngoài trời nhiều khi mưa nắng, không tiện cho việc mua bán. Việc kiếm tiền không đơn giản như trước. Chị phải hàng tuần đi Vác, khai thác hàng tốt, thay đổi mẫu mã liên tục. Nhờ vậy hơn hai năm qua, chị kiếm và gửi về nhà cũng khá. Chồng chị đã xây được nhà 2 tầng trên mảnh đất anh được phân. Kể như nhiệm vụ đã hoàn thành. Chị có thể quay về nhà mà không cần suy nghĩ tiếp. Chị đang nhẩm tính mấy tháng nữa, chị cố nốt vụ hè này, gặt hái thêm ít dành làm vốn liếng, bán rẻ số hàng tồn đọng bằng cách chất đống lẫn lộn từ quần áo nam nữ, từ găng tay đến khăn, từ áo lót nữ đến áo lót nam và xịp nam, nữ các loại. v.v.v...giống hệt cách bán hàng của bọn Xít( cách gọi vừa vui, vừa đùa ám chỉ bạn hàng người Bungaria). Chị nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ, tạm biệt bạn hàng, tạm biệt khách quen, ung dung xách va li về nước. Lòng chị thấy nhẹ nhõm và thanh thản giống"anh nông dân cày xong thửa ruộng" trong thơ Tố Hữu. Ôi! Cuộc sống mới đáng yêu biết bao! 

      Ảnh minh họa.

Nếu như không có vụ chú Đức gọi, chú Đức bảo chị về Vác có chuyện gấp. Chị hỏi mà chú không nói, cứ bảo mày lên, thong thả tao kể cho nghe. Chị đứng ngồi không yên, linh cảm có chuyện chẳng lành, chị gọi điện về nhà, anh bảo ở nhà bình thường, chẳng có gì phải lo lắng. Chị nghĩ hay là giấy tờ trục trặc, mà chị đã nhận thẻ dài hạn hàng năm nay rồi. Thôi chết! Hay họ phát hiện chị không có giấy phép lao động, nên việc chị buôn bán là bất hợp pháp. Kiểu này đứt là về luôn, khỏi bàn...Thứ 2 hàng tuần, buôn bán kém nhất, chị đi tàu từ tối chủ nhật, vào thẳng nhà chú, không quên mua túi bánh cho thằng Phúc. Ăn uống xong, thím Hà vào phòng riêng, còn lại 2 chú cháu. Chú Đức khẽ khàng:  

     - Mày có nghe tin gì ở nhà về chồng mày không? 

   Chị hốt hoảng: 

    - Không ạ! Cháu vừa gọi điện hôm qua, chồng cháu bảo mọi chuyện vẫn bình thường ạ. Chị tái mặt vì nghĩ anh bị ốm đau hay tai nạn gì mà anh giấu chị.

     Chú Đức thấy vậy thở dài: 

      - Thôi! Tao cho mày xem bức thư của cái Hoà nhà tao vừa gửi sang. Mày đọc rồi bình tĩnh xem thực hư ra sao. Chưa về, cũng nên nhờ người ở nhà điều tra cho cụ thể. Nhưng tao không muốn giấu mày, tao gọi mày về đây là vì vậy.

     Chị đón lá thư, tay run lẩy bẩy, chuyện gì mà đến mức chú Đức biết, còn chị lại không biết tý gì. Chị bình tĩnh, cố đọc. Trong thư, cái Hoà cháu chú Đức kể: chồng chị có thằng con riêng ở tận Thái Nguyên. Nghe đâu mới vài tháng tuổi... Chị không tin vào mắt mình, chị không khóc, chị như vừa bị ném từ trên cao xuống vực thẳm, bàng hoàng, chới với, chị tối sầm mặt mũi... Tỉnh dậy,  chị thấy thím Hà đang ngồi bên cạnh với cốc nước chanh đường. Thím nắm tay chị khuyên hãy bình tĩnh. Chờ gọi điện về nhờ người điều tra xem sao. Chị thấy đỡ choáng váng, vẫn tin chồng chị không thể nào là người như thế. Chỉ là nhầm lẫn... Chỉ là nhầm lẫn mà thôi...! Chị thức trắng đêm với bao giả thiết và cách giải quyết!

     Sáng hôm sau, thay vì cùng chú vào mua thêm ít hàng trong các trung tâm buôn bán, chị chẳng còn lòng dạ nào, chị tất tưởi quay về, mong sao chóng đến nhà, chị sẽ gọi điện hỏi anh cho ra nhẽ, việc gì phải nhờ vả ai. Chị đã đặt ra mọi tình huống, chị sẽ tiếp nhận tin anh thế nào? Chị sẽ về hay ở lại? Chị về sống trong tâm trạng con chung, con riêng liệu chị có chịu nổi không? Chị biết chị không có đồng minh, chị không muốn lôi kéo các con vào chuyện này. Còn nhà chồng chị, cháu nào chẳng là cháu, con trai anh tức là cháu nội sẽ được ghi tên trong gia phả. Chị biết mẹ chồng chị vui nhiều hơn buồn bực... Cứ vậy, tàu dừng ở ga, chị đi ra mà như kẻ mất hồn, buồn rầu, mắt ngấn lệ:"Lạy Trời! chỉ chốc nữa thôi, chị sẽ được nghe anh phủ nhận:-là nhầm, là sai, là bịa đặt...!" 

     Chị gọi điện, đầu giây bên kia anh trả lời. Chẳng cần quanh co chị hỏi:  

      - Anh trả lời thật cho em biết, anh đã có con riêng với người khác. Anh đã giấu em, đúng không?

     Phút im lặng kéo dài, anh chẳng trả lời đúng hay sai. Chị hốt hoảng:

     - Là sai, là sai phải không anh? Chị muốn khẳng định nhưng câu nói phát ra lại là câu hỏi nghi vấn đặt ra. Bên kia vẫn im lặng. Phút im lặng đến ghê người, như lời thừa nhận. Chị bỗng oà khóc, khóc như nhận được tin bố hay mẹ mình đột nhiên mất đi. Khóc còn hơn thế nữa, khóc cho sự tôn kính chồng bị sụp đổ, khóc vì nỗi tủi hờn của ghen tuông đàn bà trong chị trào dâng... Cuối cùng đầu giây bên kia có tiếng e hèm, hắng giọng. Tiếng anh nghèn nghẹn: 

      - Em bình tĩnh, nghe anh nói. Anh chẳng muốn giấu em, là có thật, là anh có lỗi, nhưng hoàn toàn không xuất phát từ tình yêu. Là sự cố trong khi không kiềm chế được. Vì thế anh đã cố tình giấu em, giấu mọi người.  

      Chỉ nghe có vậy, chị đánh rơi điện thoại khỏi tay mình xuống đất. Chị ngồi bệt xuống, đầu óc quay cuồng, nhà cửa chao đảo. Ai vừa nói bên tai chị, các ngôn từ"anh, em"sao chị nghe cảm giác như từ xa xôi vọng về. Đã rất lâu rồi chồng chị không nói với chị âu yếm như vậy. Lại còn câu"anh có lỗi", lần đầu tiên kể cả lúc mới yêu nhau đến giờ anh chưa bao giờ nhận lỗi, xin lỗi với chị, vì vậy tất cả chỉ là mơ, là chị hoang tưởng! Hình như trong điện thoại anh đang kể lể, thanh minh. Chị cầm điện thoại, tắt tiếng ném mạnh vào góc nhà. Chị nằm vật xuống giường, bàng hoàng, thổn thức. Cứ thế cả ngày hôm đấy chị không ăn, không uống, cũng chẳng ra khóc, chẳng ra giận. Chị như cây khô héo lá, chỉ muốn đổ gục trong gió bão. Mãi chiều tối, cô Lan đi chợ về, chắc gọi điện cho chị mãi không có trả lời, cô tất bật chạy sang. Chị như con trẻ bị lạc mẹ, chị ôm choàng lấy cô Lan khóc nức nở. Cô Lan chắc đã biết chuyện do chú Đức kể, cô ngồi lặng lẽ, tay vuốt lưng chị, không an ủi, không giỗ dành, cô muốn chị khóc to, khóc nhiều cho vơi nỗi buồn bất ngờ trong lòng chị

    Chị tĩnh tâm dần, mấy ngày sau chị vẫn ra chợ, tuy nhiên nhiều khách hỏi mà chị chẳng bán được mấy. Là đi cho đỡ buồn bã. Chị gầy rộc, hai mắt thâm quầng, chẳng ăn, chẳng ngủ được, chị cứ vậy buông xuôi sự đời...Anh chủ động gọi sang, chị nghe mà không nghĩ là anh đang kể về anh. Hoá ra anh và cô bồ từng là thầy trò của nhau. Cô bồ tên Trà, chồng tên Lý. Hai người đều học trung cấp dược chỗ anh. Sau khi ra trường họ lấy nhau về công tác ở Thái Nguyên. Cách đây hơn hai năm Lý bị tai nạn giao thông, để lại cho Trà cô con gái nhỏ gần tuổi. Chồng chị hay đi công tác ở Thái Nguyên, tình cờ có lần anh bị sốt cao, phải nhập viện. Bệnh sốt rét có từ hồi quân ngũ thỉnh thoảng làm anh như vậy. Trà trực tiếp chăm sóc và thầy trò nhận ra nhau. Hồi chị về Việt Nam chính là lúc anh và Trà đã gặp nhau, thi thoảng anh vào thăm mẹ con Trà. Theo anh kể hồi đấy anh rất vô tư, không hề có chút tình ý. Khi chị ra đi lần nữa, anh tâm trạng rất buồn và bất lực trước mọi thuyết phục của chị. Một lần nhân chuyến công tác, anh mua quà vào thăm mẹ con Trà, sau khi ăn  tối xong, trời mưa như trút, lại làm chén rượu thuốc, trong khi chờ trời ngớt mưa để về khách sạn, anh ngủ thiếp đi. Trà lấy cái chăn phủ nhẹ lên anh, sợ anh bị cảm khi nằm ở cái ghế dài phòng khách. Trong mơ màng, anh nhìn thấy chị đang chăm sóc mình. Nỗi khao khát vì xa vợ trỗi dậy. Anh ôm Trà vào lòng và cái gì đến, nó đã đến. Sáng tỉnh rượu, anh và Trà không biết nói gì hơn. Từ đấy anh và Trà gặp nhau nhiều hơn, anh khao khát chị qua Trà, còn cô lại thấy chồng mình qua anh... Anh kể với chị tất cả không giấu điều gì. Anh vẫn vun vén cho gia đình anh, ngược lại Trà cũng lo toan cho gia đình cô ấy, chẳng ai lợi dụng ai. Khi Trà báo tin mang thai, anh rất lo lắng, nhưng vì thai nhi đã lớn, lại là con trai. Trà và anh quyết định để lại. Anh cũng tính âm thầm chăm sóc và có trách nhiệm về sau. Anh không muốn phá vỡ hạnh phúc  gia đình mình, anh đã bàn với Trà như vậy. Chị càng nghe càng thấy giận anh. Lòng tin của chị đã bị tổn thương. Nhưng chuyện đã rồi, đứa bé chẳng có tội tình gì. Mà xét cho cùng ai rơi vào hoàn cảnh như anh chắc cũng vậy. Là lỗi từ chị, chị đã bỏ anh cô đơn quá lâu. Chị tìm mọi lý do từ mình để vơi bớt nỗi đau... Chị đã như vậy đến khi gục ngã hoàn toàn bằng trận ốm"thập tử, nhất sinh". Chị sẽ thế nào, tha thứ? chấp nhận hay chối bỏ tất cả?Tha thứ ư? Chị không làm được vì đứa bé là bằng chứng anh phản bội chị. Làm sao chị có thể tin anh sẽ thờ ơ với mẹ nó, khi mỗi lần anh đến thăm con. Hơn nữa chắc hai  người đã có tình cảm với nhau, thứ tình yêu mới chắc mãnh liệt chứ không như với chị. Cứ thế, trong cơn nóng lạnh, chị mê sảng gọi tên chồng, tên con, như một sự níu kéo hạnh phúc đã tuột khỏi tay chị.  

     Cuối cùng chị cũng khoẻ dần, chị đã ngồi dậy và đi lại được. Chị tỉnh táo, chị nhớ đến những gì các cô ở chợ lẻ đã nói chuyện đêm trước khi chia tay chị về Việt Nam... Chị giống như con thuyền chơi vơi trên biển, nhìn vào ngọn hải đăng để chèo lái vào bờ. Nhất định chị phải vượt qua...

                Vacsava - 27/11/2014

                 Nguyễn Mai Lê 

                   (Còn nữa) 

  

        * Trung tâm ASG: là trung tâm thương mại lớn do một nhóm doanh nghiệp người Việt Nam xây dựng và quản lý. Cách trung tâm Vác gần 30 km về phía nam. 

       **Chợ Sân Vận Động, nằm trong địa phận thủ đô Vác. Chợ này được sử dụng vào những năm đầu 90, thế kỷ trước, do sân vận động quốc gia không sử dụng. Để chuẩn bị đăng cai Euro Cup năm 2012, chợ trời bán buôn, bán lẻ thuộc khu vực Sân vận động đều bị giải toả. Giờ đây khu này đã có một sân tròn có mái che đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sửa lần cuối 2014-12-21 10:54:47

Bình luận

Bình luận qua Facebook