2014-11-27 08:42:13

Ai bảo đi"Tây" là sướng! Phần 5- Nhọc nhằn với quán ăn

   

      Thấm thoắt hai năm trôi qua. Nhớ lại ngày ấy, cũng vào  dịp gần lễ Noel này chị đã có mặt tại đây và làm quen với công việc- nghề quán ăn. Không thể nói hết nỗi cực nhọc của nghề này. Chị đã trải qua hai vụ đông và hai vụ hè. Tiếp  xúc với nhiều loại người tốt có, xấu có. Biết thêm vô vàn thông tin về người khác qua các vị khách to, khách nhỏ bô bô chuyện trò khi ăn. 

     Những ngày đầu, chị rất nhớ quê hương, nhớ vô cùng gia đình của chị, hai bên nội, ngoại, chồng và các con. Nhớ từ gốc cây, nhớ từ đám ruộng, nhớ cả lũ chó, mèo, ngan, vịt...chị những tưởng không đủ sức chịu đựng, có lẽ chị phải trốn về. Sau hơn nửa năm công việc vất vả chị dần nguôi ngoai.  

      Hai năm trước nhờ mấy ngày nghỉ lễ Noel và Tết dương lịch, chợ Sân Vận Động*, nơi có quán ăn của ông chú cũng được nghỉ. Chú quyết định nghỉ từ 24/12 đến  02 tháng1 năm sau. Tức là thông từ Noel đến hết Tết dương lịch. Chị vì thế cũng có thời gian gần gũi với gia đình chú. Chú uống chén rượu vào, buồn bã tâm sự:- Ông nội của chú và ông nội bố chị là anh em con chú, con bác. Vì thế chú gọi bố chị bằng anh họ. Chú đi xuất khẩu lao động ở Bungari từ hồi làm công nhân ở Hà Nội. Hết hạn hợp đồng chú theo bạn dạt sang Balan, rồi bám rễ luôn ở đây. Trước kia chú ở tỉnh lẻ sát biên giới Tiệp. Chú làm quán ăn, rồi lấy cô vợ người Balan. Sống với nhau chẳng có con, vợ chú đi theo người khác, vậy là chú bỏ lên Vác mở quán ở Sân Vận Động này. Chú làm chủ quán, thuê đầu bếp, thêm vài người chạy vặt cũng tạm ổn. Tuy không giàu nhanh, nhưng cũng chẳng nghèo. Cách đây 3 năm, chú gặp thím Hà, hoàn cảnh cũng éo le. Chồng thím Hà ở Việt Nam dính nghiện ma tuý, đập phá, hút chích hết tài sản. Cuối cùng quay sang hành hạ vợ, bắt kiếm đủ tiền để thoả cơn nghiện. Không chịu nổi những trận đòn, thím Hà mang cô con gái về gửi bên mẹ đẻ. Tìm đường sang Nga rồi qua Balan. Hôm đấy trời cũng mùa đông lạnh và tuyết dày đặc, chú ra mở quán nhìn thấy có người nằm co quắp ở góc khuất gió. Chú tưởng bọn say rượu nên lay dậy, ai ngờ là phụ nữ. Sự tình cờ như một sắp đặt. Hai người về ở với nhau và cùng làm quán với nhau. Cũng vì thế quán chú đổi tên là Đức- Hà, ghép tên hai người lại như trên biển quảng cáo. Thím Hà sinh cho chú một thằng con trai, chú đặt tên là Phúc. Cũng vì biết cháu có họ hàng nên thím ấy ngại mà không cởi mở. Chú chẳng cưới xin gì, ai hiểu sao cũng được. Chuyện là thế, đi"Tây" rồi cũng quen dần. Từ khi vợ nghỉ sinh con, tất cả dồn vào chú, vất vả vô cùng. Vì vậy có chị sang, chú hy vọng lâu dài chị quản lý cho chú, chú có thời gian phát triển thêm quán thứ 2. 

     Chú chuyển đề tài về lương của chị. Chú đã trao đổi với chồng chị từ trước, chị sang hai năm đầu chú gửi đều đặn mỗi tháng 200 đô về cho anh. Bên này chú lo ăn ở và chi phí đi lại từ nhà sang. Các năm sau chị nhận 600 đô mỗi tháng. Tất nhiên ăn ở cùng nhà. Các khoản khác chị tự lo. Chị nghe cũng ù cả tai, mới sang chị có biết "đô" là thế nào, to hay nhỏ. Nhưng thâm tâm chị mang ơn chú, không bao giờ chị tính toán hơn thiệt. Lương thưởng gửi về có chồng chị nhận ở nhà, chị hơi đâu quan tâm cho mệt.

     Vì quán ăn phục vụ các loại khách cả tây, cả ta. Tây món chủ đạo là nem, ăn với bắp cải bào nhỏ trộn tý muối, dấm, đường, thêm chút nước sốt chua ngọt. Cũng có khách ăn cơm với gà rán, hay thịt bò xào, hoặc tôm bọc bột rán vàng, không bao giờ thiếu món nước chua ngọt mặn, pha sền sệt. Khách Việt Nam lại thích món nước như các loại phở, bún, hay vịt luộc chấm nước mắm ăn cùng bún... Ngoài ra khi" Thượng Đế" vào, đập tay xuống bàn, cao giọng yêu cầu món cao sang hơn, không thể không đáp ứng. Khu vực quán ăn dần dần mọc lên nhiều quán nữa, và tên"phố ẩm thực" được mọi người gọi nghe to tát, hoành tráng, nhưng thực ra nó chỉ là những ki ốt dựng lên bằng các tấm sắt, nằm ở khu vực hơi khuất nên ít khách vào mua hàng. Ban quản lý chợ là người Balan cũng nhạy bén, dẫn thêm đường ống nước vào, tạo nên khu làm quán. Mùa hè không sao, mùa đông là nỗi cực nhọc, không có hệ thống nước nóng và sưởi vì thế buốt giá kinh hoàng. Chợ này có đặc thù họp từ nửa đêm, chợ chẳng có mái che, là các dẫy kiốt được ghép sát nhau và có mắc điện. Từ nửa đêm các xe thùng chở hàng ở các tỉnh xa về, và tầm 3 giờ sáng đã bắt đầu bán buôn cho khách. Khoảng tiếng sau khách đã rất đông, có cả người nước khác như Ukraina, Lítva, Nga, Bungari... Nhưng đông nhất là người bản xứ và người Việt. Một khu chợ bán buôn hỗn tạp, chứa đủ thứ tệ nạn như cướp, trấn lột, gái, cờ bạc, lừa đảo...Với những người như chị, bước chân ra khỏi nhà là nơm nớp lo sợ, lo sợ đủ thứ trên đời! Mùa đông muốn phục vụ khách ăn sớm, có khi 5 giờ sáng họ đã vào uống chén nước, hút điếu thuốc, ngồi co ro sát bên lò sưởi đốt bằng bình ga, rồi gọi suất ăn nóng cho ấm bụng. Chị và mọi người phải chuẩn bị thái rau, thái bắp cải, cà rốt, pha các loại thịt từ lúc 4 giờ sáng. Nhúng tay vào bồn nước lạnh giá, chị vớt từng rổ rau, tay dần tê cứng và không còn cảm giác. Bàn tay chị chai sạn vì cày cấy ở nhà, nhưng luôn ấm nóng. Giờ đây, không như chị từng nghĩ, giá rét làm tái màu da, ngược lại tay chị đỏ ửng nhưng sờ vào vô cảm như bàn tay ma! Mùa hè còn sớm hơn nữa. Vì các loại nước dùng phải chuẩn bị từ chiều tối hôm trước. Ninh xương ngập nước, khi sôi lại đổ ra, cạo rửa sạch sẽ, lại tiếp tục ninh. Để có nồi nước dùng ngọt, trong, thơm phức là cả bí quyết và công phu trong đó. Công việc kết thúc cũng tầm 7-8 giờ đêm. Với vòng xoáy thế, chị làm sao còn thời gian để nhớ, để thương! Khi quen việc, chị thành"bà chủ"  bất đắc dĩ, không trực tiếp đứng bếp, nhưng tất cả các việc không tên là chi. Chị gầy hơn, xanh xao hơn, nhưng không hiểu sao gái"ba con trông mòn con mắt" nhiều anh đến vậy!  

    Hàng quán ở phố cổ Warszawa ( Ảnh Internet)

 Những giọt nước mắt ứa nhoè khi chị tự tay bỏ vào thùng rác cả miếng đùi gà nham nhở, cả những đĩa xào thịt bò, khách ăn không hết. Thậm chí những miếng thịt dính ở phần xương, khi ninh lấy nước phải cắt bỏ, chị cũng tiếc đứt ruột. Hình ảnh những bữa ăn đạm bạc ở quê nhà, những cái nhìn ngời sáng của các con chị khi bữa ăn có chút thịt bày ra. Những lần mẹ chồng ốm nằm cả tuần, chị phải bán con gà đang đẻ lấy tiền mua thuốc và vài lạng thịt nạc về nấu cháo...Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là xót của vất đi, chị đã từng dấu chú, gói những miếng thịt lẽ ra vất đi, đưa về nhà. Chị ướp chút hành, cho ít gia vị và tiêu bột, nhân lúc chú đã ngủ, chị rang khô, cất vào lọ ăn dần. Khi bị phát hiện, chú đã mắng chị một trận, bảo sao mà phải ăn thế? Bên này thiếu gì thứ, nhà làm quán sao phải bóp mồm, bóp miệng... Chị lặng lẽ, gạt nước mắt, chú đâu hiểu lòng chị. Là chị đang muốn ăn cho các con chị, hình như những gì chị ăn con chị đều được thưởng thức, chị không muốn ăn vào những thứ của chú, những thứ có thể kiếm ra tiền từ khách...Chị dùng những thứ lẽ ra...vất đi...! 

     Chưa bao giờ chị kêu ca phàn nàn, chưa một lần chị tỏ ra lười nhác. Với chị, khái niệm"đi Tây" cũng không còn nữa. Chỉ có sự tận tâm, trách nhiệm cho xứng với đồng tiền chồng chị nhận ở nhà. Cũng nhờ thế thỉnh thoảng chị gọi điện về, anh kể về con cái, về sự tiến bộ và cuộc sống ở nhà được cải thiện. Chị thấy nhẹ nhõm và đêm ngủ các giấc mơ nhẹ nhàng về chồng con hiện lên. Chị như đang được sống trong niềm hạnh phúc vô bờ bến... 

      Những tưởng an phận vì công việc, tưởng rằng hết hai năm chồng chị sẽ nhận được 600 đô hàng tháng. Giờ chị đã hiểu trị giá đồng đô la, so với tiền Việt. Đấy là món tiền khổng lồ, lớn hơn rất nhiều lần lương của chồng chị...Nếu như không có vụ báo ầm ĩ đưa tin người Việt thịt chim Bồ Câu, giết chó, dùng cho các quán ăn... Cuộc đời chị có lẽ gắn bó lâu dài, biết đâu sau này chị trở thành bà chủ thực sự của một quán ăn...!

       Vacsava- 08/11/2014 

        Nguyễn Mai Lê 

        ( Còn nữa )

 

      * Chợ Sân Vận Động, là khu chợ được hình thành vào cuối những năm 80, thế kỷ trước. Chợ này nằm ở địa phận Vacsava, chuyên bán buôn, họp từ lúc hơn nửa đêm, tầm xế chiều là tan

Sửa lần cuối 2014-11-27 07:42:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook