Cuối cùng chị cũng quyết định trở về nhà sau 7 năm xa cách. Việc chị có quay trở lại hay không còn phụ thuộc vào các chuyện trong gia đình chị. Nhưng mọi người vẫn coi như chị về hẳn, chị cũng thu xếp và gửi gắm số hàng chưa bán hết, nhờ cô Lan giải quyết hộ. Chị đi chào tạm biệt từng người, cảm thấy như lần về này sẽ không còn gặp nhau trên xứ người nữa. Chị vốn đa cảm, nhất là trước những chuyến đi xa. Hơn hai năm cùng sống, cùng làm ăn với nhau,"thương trường như chiến trường" là lẽ đương nhiên, nhưng tình cảm xa quê, gắn bó nhau như ruột thịt. Ai cũng mời chị qua nhà ăn bữa cơm tạm biệt, chị khéo léo từ chối vì biết sự tất bật của mọi người.
Cô chú Lan- Vân thật chu đáo, trước khi chị đi tàu lên Vác, cô Vân bảo:
- Thắm à! Ngày mai cô chú làm bữa cơm chia tay cháu, đồng thời mời mọi người lại chơi, cùng ăn uống, hát hò cho vui vẻ. Chẳng gì thời kỳ đầu ai cũng giúp đỡ cháu, hơn nữa cũng có mấy gia đình đang rục rịch chuyển lên Thủ Đô, hợp lý hoá việc học hành cho con cái.
- Vâng! Cháu cũng đang áy náy, cháu thuê nhà ở cùng bà tây, chật chội và không tiện nên chẳng bao giờ mời ai được chén nước, chứ đừng nói đến ăn uống cô ạ. Nếu cô chú nghĩ vậy, để cháu mua các thứ rồi về làm cơm cô nhé.
- Thôi, cứ để cô lo, đáng bao nhiêu. Cháu còn cần nhiều tiền mang về quà cáp kẻo lại bị trách móc đấy. Mà cô dặn, về nhà chớ kể chuyện bên này nhé. Nhất là thu nhập hàng ngày, kẻo có khi bà con tưởng bở lại vay mượn, mất lòng. Còn chuyện sướng, khổ chỉ kể cho chồng con nghe thôi. Thiên hạ không tin đã đành, sau lưng mình họ còn nhạo báng. Nhớ đấy!
Chị khẽ đáp:- Vâng!
Bữa cơm chia tay thật đầm ấm vui vẻ. Mọi người vui đùa ôn lại những gian truân thủa ban đầu. Đàn ông chén rượu vào, vui như Tết, sắc mặt ai cũng đỏ phừng phừng, chuyện trên trời, dưới bể. Rồi lôi caraoke ra gào cùng nhau. Chị em mỗi người một tay, thu dọn, rửa và cất giúp gia chủ. Xong đâu đấy, cùng với đĩa hoa quả, họ kéo chị vào phòng bên trò chuyện. Ngày mai nghỉ Tết dương lịch, nên tha hồ tán gẫu, có khi đến tận sáng không chừng.
- Chuyện của bọn này trước đây nhiều lắm. Nghĩ lại cũng không biết sao hồi đấy mình dũng cảm thế. Đang biên chế nhà nước, lại là dược sỹ hẳn hoi. Cuộc sống khổ thì cả nước ai chẳng khổ. Năm 1991, dắt con sang với diện thăm chồng làm thực tập sinh ở Balan. Thấy cuộc sống dễ chịu, cả vật chất lẫn tinh thần. Mình làm đơn xin nghỉ việc không ăn lương, cơ quan đồng ý ngay. Vậy là lăn vào cuộc mưu sinh. Cô Thu( vợ chú Sơn) tâm sự.
- Nhà này thì ngược lại, tiếng là hai vợ chồng kỹ sư, cùng làm việc ở viện nghiên cứu, lấy nhau có hai đứa con, khổ ơi là khổ! Gạo còn chẳng đủ ăn, vì khách ở quê ra, cháu bên vợ, cháu bên chồng hết ở nhờ ôn thi đại học, lại có người còn ở nhờ chữa bệnh, khám bệnh. Kỹ sư gì mà đi làm về hết nuôi gà, nuôi lợn, nuôi thỏ...còn tranh thủ đi thu mua giấy vụn bán cho Bình Đà làm pháo. Nuôi gà công nghiệp, người ở cùng gà, vì gà con mới nở nuôi bán giống, thành ra quây luôn trong nhà, đêm còn trông kẻo chuột nó tha mất. Tối lo nấu nồi cám lợn, cho gà ăn, dọn phân gà, phân lợn, lục cục phải gần nửa đêm. Sáng dậy đi làm mơ mơ màng màng. Lên cơ quan mệt, mắt díu lại, nhìn gà hoá cuốc, còn nghiêm với cứu nỗi gì. Đi làm, cặp lồng cơm mang ăn trưa chủ yếu rau và mấy quả cà muối. Có hôm bị ngã xe đạp, cà văng lăn lóc giữa đường, đến xấu hổ...! Khi được chồng bảo lãnh sang chơi trời Tây, vậy là làm đơn gửi về xin kéo dài thời hạn với cơ quan. Rồi cứ thế quen không muốn về nữa. Cô Hương( vợ chú Quân) nói liền một mạch.
Cô Hiền, vợ chú Tùng lại điềm đạm chậm rãi:
- Nhà em thì chẳng có gì phải tiếc cả. Lý do là nhà chật chội, vì là con trai trưởng nên ở cùng bố mẹ chồng. Nhà đông các con, tất cả đi làm nhà nước, khi có gia đình đều chui về nhà bố mẹ ở. Thời đấy làm gì có nhà cho cán bộ, công nhân viên. Học xong, đi xin việc, cơ quan tiếp nhận bắt ký cam kết phải tự lo chốn ăn ở, họ mới nhận. Vậy nên mấy cặp anh chị em ở cùng nhau, chỉ cách nhau có mỗi bức vải che làm ri đô. Không nói các chị cũng biết nó khổ, nó phức tạp cỡ nào. Nhân dịp đi du lịch Nga, vợ chồng tìm đường sang Balan, vậy là cắm chốt luôn.
...Cứ thế, các chuyện xuất xứ đi Tây chẳng ai giống ai, nhưng tóm lại là họ cũng giống chị, kiếm tiền, nuôi con...gia đình là trên hết. Chuyện làm ăn của mọi người thủa đầu cách đây hàng chục năm có nhiều gian nan, vất vả. Nếu họ không kể ra, chị làm sao hiểu được khi nhìn họ đang ôm vai nhau cười rũ rượi, cứ như đang kể về ai đấy, không phải nói về chính họ- những phụ nữ nhỏ bé đang ngồi trước mặt chị lúc này.
Ảnh minh họa.
So tuổi tác có người cũng chỉ đáng tuổi gọi bằng chị, xưng em, nhưng vì quen gọi như chú thím Đức- Hà, chị cứ cô chú, xưng cháu cho có sự tôn trọng. Mà xét về mọi mặt: trình độ học thức, kinh nghiệm sống và thâm niên đi"Tây" quả thật chị rất kính trọng họ. Rôm rả nhất là các câu chuyện những ngày đầu đi bán hàng, do chỉ nghĩ sống tạm bợ, nên họ đã tranh thủ xách túi nhẹ nhàng, đứng ở góc phố, góc chợ. Buổi đầu để thắng được chính mình, thắng mặc cảm đứng" đầu đường, xó chợ ", coi như đã vượt được sỹ diện hão về chức danh. Xét cho cùng ở đâu cũng kiếm tiền, ở nhà đi làm nhà nước, cũng là kiếm đồng lương. Còn" ăn học xong, cống hiến" thì vô cùng. Mình đi để lương lại cho đồng nghiệp cũng là giảm khó khăn cho họ. Có khi mình ở nhà, cạnh tranh, đấu đá, bình bầu lại vô tình chà đạp lên nhau. Mà vắng mình có ai kêu bận đâu! Đến cơ quan, nhìn mặt nhau rồi trà, thuốc, có chăng đọc chút tài liệu. Chẳng biết làm gì, miễn sao chóng hết ngày, chóng đến kỳ nhận lương!... Chị ngồi nghe, thấy thấm thía những điều trong đấy. Những người đi trước đã bỏ lại sau lưng những gì cho cuộc ra đi!
Chuyện làm ăn của họ có nhiều giai đoạn thăng trầm. Hồi đầu các gia đình không có ô tô, phương tiện lên Vác lấy hàng đi bằng tàu hoả. Mỗi tuần ít nhất một lần bất kể mùa đông hay mùa hè. Vào các dịp lễ lớn có khi phải đi hai, ba lần, tuỳ vào nhu cầu buôn bán. Cứ khoảng nửa đêm, một nhóm người chủ yếu phụ nữ, hẹn nhau cùng ra ga tàu. Thỉnh thoảng có ông chồng áp tải ra ga, nhưng phần lớn họ hẹn gặp nhau đi cho có bạn. Ở Tây cũng lắm tệ nạn, cũng cướp giật, móc túi thậm chí hành hung khi bị kháng cự. Trên tàu còn có cả bọn cướp rình mò, đặc biệt hôm nào có người Việt, tay xách xe kéo với mấy cái bao tải dứa, là thế nào cũng có tiền mang theo. Vì thế họ hay chọn riêng một buồng, mấy chị em ngồi cùng nhau, nếu có thêm đàn ông càng tốt. Xong đâu đấy mọi người lấy xe chèn cánh cửa, lấy dây buộc chặt vào thành ghế, tư thế phòng thủ, không trò chuyện vì sợ bị phát hiện. Lắm hôm bọn cướp đêm giả vờ người soát vé, gõ cửa, đập cửa rồi ra sức giật tung cửa. Phía trong mấy người cùng hiệp sức níu giữ, mãi khi thấy không ăn thua bọn cướp mới bỏ đi. Chuyện này như cơm bữa, lâu thành quen:- Mày cướp cứ việc cướp, bọn tao có cách của bọn tao...! Hình như ở đâu cũng vậy, nếu người bên cạnh biết họ cũng ngồi im không can thiệp. Chẳng ai muốn dây vào bọn xã hội đen! Việc đi Vác lấy hàng để đàn ông tham gia đều không ổn, vì hàng không bán được, tồn đọng, việc này chỉ dựa vào con mắt tinh anh của phụ nữ. Cứ thế, trên từng cây số, với những đêm đi trong tuyết, lạnh lẽo, thanh vắng, nhưng không ai kêu ca, tỵ nạnh giờ này chồng đang ngủ yên trong chăn ấm, nệm êm, họ lùi lũi đi kiếm tiền như thế!
Cô Thuỷ chợt bật cười, kể chuyện như tiếu lâm:
- Thằng Chung nhà tớ bị móc tiền mọi người nhớ không? Hôm đấy đi đông, nên nó và thằng Tiến phải sang buồng bên. Tớ đã bảo có bao nhiêu tiền đưa chị cầm hộ. Chị ngồi trong này đông người không sợ. Chẳng hiểu sao nó sót có vài chục rua( tiền Balan) trong túi quần nỉ, phía ngoài nó đã mặc quần bò. Hai đứa ngủ thế nào chẳng biết, sáng sớm đến nơi, sang lay mãi bọn nó mới thức dậy. Thằng Tiến kêu bao thuốc lá và bật lửa để bàn ai lấy mất. Thằng Chung vươn vai rồi kêu hốt hoảng:
- Em bị trộm sờ rồi chị ơi! Tớ giật mình, nhìn lại thấy túi quần bò của nó bị cắt nham nhở, tòi cả da thịt bên trong. Nó thanh minh, em quên mất chỉ còn tý tiền lẻ sót ở túi trong, bọn trộm tưởng vớ bở nên không thèm thò tay móc, chắc dùng dao cứa cho nhanh. Hôm đấy ai cũng không nhịn được
cười, khi thấy thằng Chung, thanh niên trai tráng, vậy mà cứ lấy cái áo buộc túm ngang bụng cố tình che chỗ rách. Đến chợ chạy vội vào hàng quần bò mua ngay cái quần thay thật nhanh. Sau này nghĩ lại ai cũng bảo bị bọn cướp cho thuốc mê nên ngủ không biết trời đâu, đất đâu. Hãi thật!
Với những sự cố nguy hiểm trên tàu, thời gian sau, họ thuê hẳn ô tô to của tây. Chỉ cần đăng kí, hẹn gặp chỗ thuận tiện, lên xe họ tranh thủ ngủ, tây lái, miễn sao tờ mờ sáng có mặt trên chợ để kịp lấy hàng.
Cô Lan chợt hỏi:
- Chắc mấy bà không quên chuyện cả lũ suýt chết cách đây gần chục năm nhỉ?
Mấy cô nhao nhao trả lời:-Sao quên được, có mà nhớ suốt đời! Câu chuyện tai nạn vào một tối mùa đông, cách đây đã gần chục năm còn để lại nỗi kinh hoàng trong lòng mọi người. Tối hôm đấy cũng như mọi lần khác, lên xe hai cô ngồi trên buồng lái gật gù, bên cạnh ông tây, mắt nhìn phía trước chăm chú. Phía sau thùng xe mấy phụ nữ cuộn tròn cùng nhau giữa tấm đệm và chăn. Tất cả đang thiu thiu tranh thủ ngủ, bỗng rầm, mọi người chẳng biết chuyện gì xảy ra, họ bị văng khỏi xe. Hai cô ngồi trên buồng lái, lao ra ngoài qua tấm kính vỡ, rơi xuống đống tuyết trước mặt cách cả chục mét. Mấy cô phía sau bị đẩy ra sau, rơi xuống đất. May không ai bị thương nặng, chỉ xây xước qua loa. Lái xe phân trần đang đi đúng đường, tự nhiên có xe ngược chiều chắc đường trơn, không chạy đúng vạch, suýt đâm vào xe. Ông tây vì thế bẻ tay lái tránh, chẳng may lại đâm vào cây ven đường. Hậu quả, xe nát đầu. Các cô người đau ê ẩm, gọi xe khác quay về, bỏ buổi xuống Vác lấy hàng... Chị ngồi im lặng theo dõi câu chuyện, đấy là những gì chị dù có"mắt thấy, tai nghe" cũng không tin được, thật khủng khiếp.
... Trước mắt chị là những người phụ nữ đáng kính. Họ hơn chị ở chỗ dám bỏ hết sự nghiệp, bằng cấp cho cuộc mưu sinh. Vất vả của chị so với người đi trước chẳng thấm vào đâu. Họ là những người dám nghĩ, dám làm. Chị là lớp con cháu đi theo trên con đường đã có sẵn. Trong chị, sự cảm phục, lòng biết ơn và nỗi luyến tiếc nếu không quay trở lại nơi đây, những câu chuyện kể trên như ngọn hải đăng giúp chị vững lái đi về bờ bến. Chỉ còn đêm nay, chị được ngồi bên cạnh họ, sao phút giây này quá đỗi thân thương. Chị muốn ôm từng người, muốn nói, muốn khóc cho thoả nỗi chia xa. Nước mắt lưng tròng, chị lại thổn thức. Mấy cô thấy vậy đều an ủi: Bọn tôi rất thông cảm vì cháu sang đây đơn độc một mình. Chúng tôi dù sao cũng có chồng con bên cạnh, vất vả có người sẻ chia. Thôi cứ về đi, thấy khó khăn lại quay sang, nhớ giữ giấy tờ đừng bị đứt đấy nhé. Đứt giấy tờ hãng là bó tay!
Lúc ra về, ai cũng ôm vai chị và thủ thỉ:- Nhớ vững vàng dù về nhà có biến cố không hay! Một lần nữa chị lại được nghe câu dặn dò: - Về nhà đừng kể hết chuyện làm ăn bên này. Chuyện vất vả, khổ sở cũng vậy. Ai tin đi tây là khổ? Mà kêu làm gì, mình đi tự nguyện, mình kiếm tiền cho gia đình mình chứ có phải cho người khác hưởng đâu. Nhớ nhé! Chúc thượng lộ bình an!...Chỉ chờ có vậy, chị khóc nức nở như chia tay những người thân yêu ruột thịt của mình! Như sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau. Trong chị đầy mâu thuẫn, vừa vui, vừa buồn. Vui vì sắp được trở về quê nhà, gặp lại các con mình, buồn vì phải xa chốn gian truân nhưng thấm đẫm tình người, mảnh đất đã rèn luyện chị kiên cường và tự tin trong cuộc sống. Đồng hồ điểm 12 tiếng. Giờ phút này đã bước sang năm mới, năm 2007, chị biết mình không còn là cô Thắm quê mùa, nhút nhát và cam chịu nữa. Chị không hình dung được, khi gặp lại chồng chị sẽ thế nào? Hờ hững hay vồ vập? Trong mắt anh có nghĩ chị đã trưởng thành hay không? Cò n chị, anh lúc nào cũng đáng kính, chẳng thế chị luôn tôn thờ anh mãi thôi. Nhưng dù sao 7 năm trôi qua chị vẫn dành tình cảm cho anh như những ngày đầu mới cưới. Đấy là những gì chị suy nghĩ nhiều nhất trong những ngày sắp trở về. Một đêm dài không ngủ, với bao hồi hộp, với bao hình dung của ngày gặp lại. Chị vẫn vậy, miên man trong suy nghĩ...
Vácsava -19/11/2014
Nguyễn Mai Lê
( Còn nữa)
Bình luận