2014-12-13 09:12:18

Ai bảo đi"Tây"là sướng! Phần 10- Sau bảy năm gặp lại

     Ảnh minh họa ( Internet)

Lần trở về Quê hương chị bay theo đường Pháp. Chú Đức bảo tốt nhất mua vé một chiều, nếu không quay sang đỡ phí. Chị vâng lời và làm theo những gì chú căn dặn. Có lẽ cuộc đời chị may mắn nhất là gặp người chú họ quá tốt bụng và chân tình. Thấm thoắt hơn hai tháng trôi qua. Chị giờ đây đang lúng túng vì quyết định về hẳn hay tiếp tục quay sang. Chú Đức vừa gọi điện bảo chị phải trả lời gấp để chú có tiếp tục đóng thuế hãng cho chị nữa hay không? Mỗi tháng gần 300 đô la, cho thuế hãng là cả một khoản tiền lớn. Chú lại bảo cố gắng đừng ở quá 3 tháng, vì chị có khả năng được nộp đơn xin thẻ dài hạn. Lòng chị rối như tơ vò, nhớ lại tất cả những gì đã qua khi đặt chân về quê nhà, chị càng cân nhắc kỹ hơn. Đêm nằm, chị vắt tay lên trái và nhớ lại từng hình ảnh của thời gian qua...

    Hôm đón chị có anh và ba đứa con cùng lên sân bay Nội Bài. Chị đã từng hình dung về lần gặp mặt này, vậy mà khi nhìn thấy các con, chị bỗng thấy hình như chị bé nhỏ lại. Ôi! Hai con gái của chị phổng phao, trắng trẻo, ăn mặc gọn gàng ra dáng thiếu nữ. Cái Tú đang tuổi dậy thì nhìn không còn xanh xao, gầy gộc như trước. Các con chạy vội lại ôm chầm lấy mẹ. Ba mẹ con cùng khóc, mừng mừng, tủi tủi, quên cả xung quanh còn bao người đứng nhìn. Thằng Đạt có vẻ xấu hổ khi gặp lại mẹ, nó gần 10 tuổi, nhưng nhìn tồ tồ, ngô ngố, chị muốn ôm nó vào lòng nhưng nó lại cố tình lẫn tránh. Anh chẳng nói gì, thoáng ngỡ ngàng rồi lo đẩy cái xe trên có hai va li một to, một nhỏ cùng với mấy túi ni lông lỉnh kỉnh của chị. Anh thuê hẳn cái xe 7 chỗ chạy từ Nội Bài về thẳng quê. Dọc đường các con tíu tít kể chuyện, chị hỏi hết chuyện nọ chuyện kia, chẳng theo tình tự gì. Anh chỉ nói chuyện với lái xe, thỉnh thoảng mới trả lời theo các câu hỏi của chị. Chị thấy anh vẫn vậy, chẳng già đi, lại có vẻ quan cách hơn, ăn mặc chỉnh chu và đạo mạo, đúng là công chức nhà nước, cảm  giác kính trọng ngày nào lại nhắc chị nhớ tới khoảng cách xưa- Chị lúc nào cũng nhút nhát trước anh và phục tùng anh vô điều kiện!

    Chị bước từng bước chậm, không vội vã khi xuống xe đi vào con đường làng dẫn về nhà chị. Anh và mấy đứa lo đẩy cái xe đạp mượn tạm nhà đầu ngõ, trên chất va li to đùng. Cái va li nhỏ thằng Đạt hí hửng kéo, ra điều hãnh diện. Mấy đứa trẻ con trong làng đang chơi, bỏ cuộc chạy theo, tay chỉ trỏ, miệng không ngừng nói:- Mẹ thằng Đạt đi"Tây" về, nhà nó đã giàu lại càng giàu thêm, giờ nó tha hồ nhiều kẹo bánh và đồ chơi lại còn quần áo đẹp nữa! Thằng Đạt được thể mặt càng vênh lên, nhìn rõ buồn cười. Chị sững người khi bước chân qua cái cổng vào sân nhà chị. Ngôi nhà cũ đã được sửa lại, xây cao ráo hơn, nối rộng thêm và lợp ngói. Anh đã kể là cần sửa sang lại lấy chỗ cho các con học hành riêng biệt. Tiền chị gửi về đã làm thay đổi hoàn toàn nhà cũ, chị chợt thấy chút tự hào. Bố mẹ chồng chị, trông già và yếu rất nhiều. Chị quên hết mọi chuyện tủi khổ ngày xưa. Chị chào hỏi, rồi mở va li, mùi thơm ngan ngát của quần áo cùng quà cáp làm thằng Đạt ngồi cạnh cứ hít lấy hít để. Nó xuýt xoa:- Mùi Tây thơm quá! Ừ mà đúng thật, ở bên kia chị không để ý, sao về đây nó toả ra mùi dễ chịu, mùi đặc trưng của các thứ mang từ Tây về! Chị lấy quà ra biếu ông bà, là mấy tấm vải lụa may quần áo chú Đức dẫn đi mua, ít thuốc bổ, mấy hộp sữa. Mẹ chồng chị cảm động, tay run run, chẳng nói gì thêm, chỉ bảo:- Ôi dà! vẽ chuyện, về được đến nơi là quý hoá rồi! Cứ thế, hết quà cho người này lại quà cho người nọ. Chị gói riêng một gói từ bên kia, đấy là quà chị mua tặng bên bố mẹ đẻ. Thôi thì"của ít, lòng nhiều" chị cũng cố chu tất cả hai bên nội ngoại kẻo mang tiếng"nhất bên trọng, nhất bên khinh". Bữa cơm sau 7 năm xa cách, với chị không ăn cũng no. Chị giờ mới có thời gian nhìn kỹ từng người. Sao trẻ con lớn nhanh đến thế, thoáng cái hai cô con gái ngấp nghé tuổi lấy chồng, thằng con trai ngồi ăn như người lớn, nó gắp thức ăn, ăn ngấu nghiến chẳng sợ hóc xương gà nữa. Bố mẹ chồng ăn uống chậm chạp, mắt mũi kém nên cái Tâm và cái Tú ngồi cạnh cứ gỡ hết xương và bóc hết da gà rồi mới gắp cho ông bà. Anh ngồi cạnh lặng lẽ, cũng chưa hỏi chị nhiều về công việc hay nhìn chị kỹ hơn. Bữa ăn giờ đã khác xưa, hết đạm bạc, với chị mơ ước đã thành hiện thực...

      Nhà chị giờ cũng có phòng riêng cho mọi người, bố mẹ chồng có phòng gần khu vực bếp và nhà vệ sinh, cho tiện đêm hôm đi lại. Tiếp đến phòng của hai con gái rộng nhất vì còn tủ quần áo và hai bàn học riêng biệt. Gian giữa là gian thờ, xong đến buồng anh và thằng Đạt hay ngủ. Phòng ngoài cùng là của anh chị, có tủ anh hay cất những gì quan trọng. Vậy là lần đầu tiên anh chị có phòng riêng biệt, kín đáo, chị cảm thấy hơi lạ lẫm. Vốn xưa kia chị hay ngủ với các con, giờ chỉ có hai vợ chồng lại cách xa biền biệt thế, bỗng nhiên chị thấy lúng túng, chị không hiểu anh có cảm giác vậy không? 

    Buổi tối chị mở túi xách tay nhỏ đưa anh gần 4 ngàn đô. Chị nói mà như báo cáo với anh:

    - Vé một chiều cũng đắt gần ngàn đô anh ạ. Số hàng em chưa bán hết đang gửi lại áng chừng gần ngàn đô, chú Đức bảo chú sẽ lấy tiền đấy trả cho thuế hãng. May quá dịp Noel và Tết dương lịch vừa rồi, em bán được nên cũng có khá tiền cho lần về này. Mua quà cáp, với bánh kẹo, giờ còn chỗ này, em đưa anh giữ luôn cùng hộ chiếu. Thôi, không quay sang cũng giữ làm kỷ niệm, chú Đức cứ dặn em thế!

     - Được thế cũng quý rồi! Thôi, cô đi hàng bao cây số, tắm gội rồi ngủ sớm đi, tôi mai cũng quay về trường kẻo lắm việc đang chờ, vừa đi giảng bài vừa làm thêm công tác quản lý của khoa nên cũng bận!

    Chị lặng lẽ nghe theo. Chị gọi anh xưng em, quên luôn là trước đây hay gọi"chồng ơi!"bằng "mình ơi!", nghe vừa lễ phép lại vừa âu yếm( quê chị hay gọi thế). Giờ chị không gọi như vậy nữa, có thể là sự vô tình, nhưng bằng ấy năm chị không nghe ai gọi chồng như vậy, thành ra không quen tai. Mà gọi anh, xưng em nghe có vẻ giống các gia đình khác ngoài xã hội, chẳng gì chị cũng đã thoát ly chừng ấy năm rồi! Chẳng hiểu sao anh không gọi chị như xưa là:"mẹ nó thế này","mẹ nó thế kia", anh gọi vợ bằng cô, nghe vừa cộc lốc, vừa khô khan, vừa khách khí! Chị tắm gội bằng dầu gội và sữa tắm mang về, dù rằng gói bồ kết mẹ chồng đưa cho chị cả bọc chị không dùng. Chị cố tình muốn gần chồng với hương vị từ đi tây về. Muốn tạo cho anh cảm giác chị có chút thay đổi và anh vì vậy muốn gần gũi chị hơn. Trước đây còn ở nhà, chị lúc nào cũng lam lũ, tất bật. Quần áo nhàu nhĩ, tuy sau giờ làm việc sạch sẽ nhưng cũng lem nhem. Với lại chị làm gì có thời gian dành cho bản thân mình, vì thế vợ chồng ít gần gũi nhau, thậm chí nhiều khi nằm cạnh nhau cũng muốn ngoảnh lưng kẻo sợ con nhìn thấy! 

    Chị khe khẽ nằm cạnh anh. Bao ham muốn dồn nén, chị mới 35 tuổi, khoẻ mạnh, khao khát phút gần chồng sau bao năm tháng cô đơn xứ người. Nhưng nhìn anh đang tỏ vẻ thơ ơ, chị đâm sợ. Chẳng gì cũng mang tiếng bỏ con, bỏ chồng đi"Tây", ai mà tin chị như con trâu ngày mùa, cứ lo đi cày, đến ăn cũng phải tranh thủ, giống hệt con trâu khi ngủ còn nhai rơm nhóp nhép! Chị rất muốn được ôm anh, được dụi đầu vào bộ ngực anh, hít mùi đàn ông mà đã rất lâu nay chị không có. Chị sợ nếu chị mạnh dạn quá, có khi anh lại suy luận lung tung, vậy khác nào công lao chị, lòng chung thuỷ của chị như" muối bỏ bể"... Chị đâu biết anh đang suy nghĩ gì lúc này. Đàn ông, vốn tính gia trưởng, anh có tiếng nói quan trọng nhất nhà. Khi chị còn ở nhà, lắm lúc anh cứ nghĩ cả nhà sống nhờ vào anh. Anh luôn tự tin và mỗi lần về nhà anh giống như"ông Hoàng" được chiều chuộng, cung phụng. Từ khi chị đi"Tây", anh cũng mặc cảm với đồng tiền nhận được ở nhà. Nhưng dần rồi cũng quen. Sau này trở thành chuyện đương nhiên. Ban đầu anh có quyển sổ ghi ngày tháng nhận tiền, ngày tháng chi khoản gì, anh muốn công khai khi chị về để chứng tỏ anh chẳng cần tơ hào đồng nào tiền của chị. Lâu dần, việc chi tiêu lặt vặt không thành tấm món gì, lại dài đằng đẵng 7 năm, anh chẳng quan tâm nữa. Mà xét cho cùng, sửa nhà, xây nhà, mua cái xe máy tốt lấy phương tiện khi cần gấp đi về quê cũng là phục vụ con cái như chị hằng mong muốn, có gì cần thông qua vợ. Khi nhìn thấy chị ở sân bay, anh thoáng sững sờ, chị không tiều tuỵ vì vất vả như chú Đức đã kể. Ngược lại anh thấy vợ da dẻ hồng hào, trắng nõn, nhưng trên hết là phong thái tự tin, nhìn chị thật hấp dẫn. Đúng là ngấm thức ăn tây! Anh đã rất muốn thể hiện chút tình cảm vợ chồng xa nhau, nhưng ngại con cái, ngại mọi người nhìn vào. Giờ đây, khi chỉ còn hai vợ chồng, nhẽ ra anh sẽ làm những gì cần làm... Vậy mà ý nghĩ đồng đô la vợ vừa đưa cho anh, chính tay vợ anh đưa cho anh, làm anh có chút tự ái, sỹ diện: Mình là thằng đàn ông"chân đạp đất, đầu đội trời", đã từng là lính ba năm trong quân ngũ. Giờ lại là anh cán bộ giảng dạy tận Hà Nội, kể ra cũng oai phong. Bỗng nhiên cầm đồng tiền của vợ, trước mặt vợ anh thấy chua chát và mất thể diện. Hình như anh đang tự hạ thấp mình trước vợ- người trước đây anh coi thường ra mặt. Thay vì ôm chị vào lòng, anh cố tình làm ngơ khi chị khẽ nằm cạnh. Hai người, hai luồng suy nghĩ, như hai kẻ cùng đọc được ý nghĩ của nhau, vậy nhưng cả hai đều chờ người kia vồ vập. Cả hai chợt thấy có chút xa lạ trong tình cảm, dù đã hơn 15 năm nên vợ, nên chồng! Chị đã từng suy nghĩ về anh, chị tưởng anh sẽ thương cảm, sẽ như con thú đói khi gặp mồi, sẽ hăm hở, sẽ quên cả xung quanh, anh sẽ lao vào chị... Bỗng dưng chị tủi thân, nước mắt tuôn rơi, chị không muốn anh biết nhưng tiếng thổn thức cứ bật ra, anh có lẽ không chờ đợi gì thêm ở chị, quay vào, vỗ về, anh và chị đã say đắm như thủa đầu mới cưới...

    Sáng hôm sau, anh đưa chị mấy triệu tiền Việt, dặn chị cầm lấy quà cáp cho bên ngoại, bên nội và những ai thân thích cần đáp lễ. Chị cầm xấp tiền Việt, tay run tun, chưa kịp tính nhẩm ngược lại nó cỡ bao nhiêu đô la. Anh đã   vội vã ra tàu quay về Hà Nội. Chị thoáng chút buồn và hụt hẫng vì anh ở nhà quá ít. Nhìn xấp tiền chị chợt nghĩ nếu sử dụng hết, chị sẽ xin anh tiếp hay anh tự biết đưa thêm cho chị. Cảm giác phụ thuộc, cảm giác ngửa tay xin tiền chồng ám ảnh chị suốt ngày. Những ngày sau đấy, chị hết sức cẩn thận, tính kỹ mỗi khi rút tiền trong xấp tiền anh đưa. Những ngày lam lũ xưa, những ngày chưa đi tây chị đã quên từ lâu do bận rộn, cứ hiện về trong những lúc chị rỗi  rãi. Nhưng điều làm chị trăn trở và nuối tiếc là mỗi buổi chiều qua đi, chị biết chị đã bỏ phí mất một ngày chị kiếm được tiền nơi xa xứ. Chị lại suy nghĩ từng ngày, từng đêm cả trong giấc ngủ...


        Vacsava- 23/11/2014

          Nguyễn Mai Lê

            ( còn tiếp)

Sửa lần cuối 2014-12-13 08:12:18

Bình luận

Bình luận qua Facebook