Trong các bộ chính sử của nhà nước quân chủ Việt Nam cũng như trong quan niệm chính thống của các sử gia đương thời, có ba triều đại bị đặt ra ngoài lề của dòng chính sử, bị coi là nguỵ triều chỉ vì lẽ cướp ngôi vua, giết vua thì danh không chính, ngôn không thuận, vì lẽ nghịch mà lấy được nước, nên không chép là chính thống. Đó là các triều: nhuận Hồ, nguỵ Mạc và nguỵ Tây Sơn.
Đối với nhà Mạc và Mạc Đăng Dung, dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến thì thật tồi tệ. Các bộ chính sử của các triều đại sau vẫn miệt thị, lên án Mạc Đăng Dung đủ điều, nhất là tội chuyên quyền, cướp ngôi vua và đầu hàng giặc Minh. Triều Mạc được xếp vào ngụy triều. Lê Quý Đôn, trong một vài tác phẩm của mình, hoặc xem nhà Mạc không tồn tại (Kiến Văn tiểu lục), hoặc xếp vào hàng nghịch thần (Đại Việt thông sử). Bộ sách mang tính chất Bách khoa của Phan Huy Chú - Lịch triều Hiến chương loại chí - sau này cũng chỉ bàn tới nhà Mạc như một dị biệt... Quan điểm ấy còn kéo dài hơn nữa trong cả thời cận và hiện đại qua các tác phẩm của Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược), Phan Xuân Hoà (Lịch sử Việt Nam)... và cho tới cả bộ Lịch sử Việt Nam tập I do Uỷ ban KHXH Việt Nam chủ trì biên soạn xuất bản lần đầu năm 1971, tái bản năm 1976 vẫn coi nhà Mạc là một “tập đoàn quân phiệt” vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi... và họ Mạc tự chuốc lấy sự phẫn nộ của nhân dân...
Theo Toàn thư, Mạc Đăng Dung, sinh năm 1483, là người xã Cao Đôi (Đông Cao theo Cương mục), huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), tổ tiên ông là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần.
Thời Lê Chiêu Tông, Đăng Dung là tướng võ, song cũng giỏi cả về văn chương và là người có biệt tài về chính trị. Mạc Đăng Dung đã có công giúp Lê Chiêu Tông dẹp loạn, yên ổn được triều chính. Tuy là công thần của nhà Lê nhưng sau đó, năm 1526, Mạc Đăng Dung đã giết chết Lê Chiêu Tông và tháng 6/1527, Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc, trị vì từ năm 1527 đến năm 1529 với niên hiệu Minh Đức.
Các bộ chính sử thời phong kiến của Việt Nam như Toàn thư, Cương mục đều viết về hai sự kiện Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1528, cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận
Về việc cắt đất này, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều sử gia lên án gay gắt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng Mạc Đăng Dung làm thế là khôn khéo nhất, vì cùng một lúc không thể chia sẻ lực lượng ra để chống lại hai thế lực: nhà Minh ở phía bắc, liên minh Lê - Nguyễn ở phía nam. Học giả Trần Trọng Kim lên án Mạc Đăng Dung như sau: "Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ".
Năm 1541, Mạc Đăng Dung qua đời, thọ 59 tuổi.
Ánh Dương (ĐS&PL)
Bình luận