2025-04-05 13:04:51

Tổng thống Trump và “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ

Vào ngày thứ Tư (2/4/2025), Tổng thống Trump tuyên bố rằng đây là 'Ngày Giải phóng'" của nước Mỹ. Trong lời tuyên bố, ông khảng định sẽ cân bằng lại mối quan hệ của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới bằng cách áp dụng mức thuế ứng đối "có đi có lại" - một động thái chưa từng có tiền lệ, đe dọa làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.

Ông giải thích với “những người Mỹ đồng hương”: "Trong nhiều thập kỷ, đất nước chúng ta đã bị cướp bóc, phá phách, hãm hiếp và bóc lột bởi các quốc gia ở gần và ở xa. ... Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã ăn cắp công việc của chúng ta, những kẻ gian lận nước ngoài đã lục soát các nhà máy của chúng ta và những kẻ nhặt rác nước ngoài đã xé tan giấc mơ Mỹ tươi đẹp của chúng ta. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nữa. Sẽ có đi có lại - nghĩa là họ làm gì với chúng ta thì chúng ta sẽ làm như thế với họ. Rất đơn giản. Và không có gì đơn giản hơn."

Vào “Ngày Giải Phóng”, tổng thống Trump đã đưa ra một loạt biểu đồ nêu chi tiết về mức thuế quan (thuế nhập khẩu) của trên 70 quốc gia trên thế giới mà ông cho rằng đã áp đặt với Mỹ. Và trên cơ sở đó, Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ áp đặt mức thuế “chỉ bằng một nửa” mức thuế mà các quốc gia áp đặt với Mỹ. TheoTrump, con số một nửa đó bao gồm “mức thuế kết hợp của tất cả các mức thuế quan, rào cản phi tiền lệ và các hình thức gian lận khác”.

Trước đó, Tổng thống Trump đã lên kế hoạch áp dụng mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bất kể chúng đến từ đâu (liên quan đến hơn 180 quốc gia). Và bắt đầu từ hôm nay (5/4/2025) mức thuế này chính thức có hiệu lực. Như vậy, theo các biểu đồ về thuế quan được công bố trong “Ngày Giải phóng” thì nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn đáng kể so với mức cơ sở. Thí dụ, mức thuế tương hỗ mới này với Liên minh châu Âu ở mức 20%, Nhật Bản ở mức 24% và Ấn Độ ở mức 26%. Việt Nam bị áp thuế đến 46%, Căm-pu-chia ở mức 49%, Lào ở mức 48%.

Việc áp dụng mức thuế quan cao đối với Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia là một trong những bất ngờ lớn nhất trong thông báo áp thuế của Trump vào hôm mồng 2 tháng Tư. Có vẻ như Mỹ đã coi các quốc gia này là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp giá rẻ thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả dệt may, điện tử và chất bán dẫn. Và các nước này cũng là cửa ngõ của hàng Trung Quốc đưa vào nhằm tránh được thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc cũng nằm trong số các quốc gia bị áp thuế cao (34%). Hiện tại, trong khi Việt Nam đề nghị sẽ giảm thuế quan của Mỹ về 0% thì Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế trả đũa mức 34% đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. 

Trump đã dành phần lớn nhiệm kỳ thứ hai của mình để dàn dựng, trì hoãn, kích hoạt các loại thuế đối với tất cả, dù là bạn bè hay kẻ thù. Như mọi người đã thấy, đó là mức thuế 25% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico hay hai đợt thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu. Tháng trước, ông đã áp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Ông thậm chí còn đe dọa sẽ áp mức thuế 200% đối với rượu của châu Âu.

Nhưng mức thuế trả đũa mới của Trump vừa đưa ra rất đặc biệt vì chúng không dành riêng cho một quốc gia hoặc ngành công nghiệp nào. Thay vào đó, chúng mang tính toàn cầu, nghĩa là toàn bộ hệ thống thuế nhằm thay đổi cơ bản mối quan hệ của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới.

Những người quan tâm đến sự nghiệp chính trị của Trump không cảm thấy ngạc nhiên, bởi vị tổng thống này đã có một câu gây sốc trong lễ nhậm chức của mình vào đầu năm nay: - "Tôi luôn nói rằng 'thuế quan' là từ đẹp nhất đối với tôi trong từ điển". Trong tháng 1/2025, ông cũng đã tuyên bố: - "Thuế quan sẽ khiến chúng ta giàu có khủng khiếp", "Thuế quan sẽ đưa các doanh nghiệp của đất nước chúng ta trở lại sau khi họ rời bỏ chúng ta".

Trump đã khảng định “Ngày Giải phóng” của nước Mỹ, nhưng liệu ông có phải là “Người Thắng cuộc” hay không?. Điều này còn phải chờ thời gian phán quyết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kinh tế đã có những cách nhìn nhận và cách đánh giá khác nhau về ảnh hưởng của thuế quan mà Trump đưa ra trong "Ngày giải phóng". Sau đây, chúng ta hãy cùng so sánh hai quan điểm về thuế quan.

Theo tổng thống Trump, “nước Mỹ đang bị bóc lột. Nước Mỹ là một quốc gia mắc nợ, và nước Mỹ phải đánh thuế quan, để bảo vệ đất nước”. Trump từ lâu đã nhấn mạnh rằng thuế quan phổ quát sẽ cân bằng sân chơi bằng cách khuyến khích các công ty giữ chân người lao động Mỹ và tăng cường sản xuất tại Hoa Kỳ, đồng thời chuyển “hàng nghìn tỷ đô la” doanh thu mới cho chính phủ liên bang.

Ngoài ra, Trump cũng cho rằng thuế quan mang đến "lợi ích chính trị", sẽ  là "đòn bẩy" đủ mạnh để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, giống như ông đã làm gần đây với các vấn đề biên giới khi đe dọa áp thuế đối với Mexico và Canada.

Trump cũng nói rằng số tiền người Mỹ chi cho hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia khác nhiều hơn số tiền người Mỹ kiếm được từ việc bán hàng hóa và dịch vụ của mình (thâm hụt cán cân thương mại), do đó thuế quan sẽ cân bằng chúng.

Trong khi đó, hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế đều không đồng tình với quan điểm của Trump, họ lưu ý rằng thuế quan thực chất là thuế nhập khẩu do công ty nhập khẩu trả, không phải do quốc gia nước ngoài (hoặc doanh nghiệp nước ngoài) gửi hàng hóa của mình đến Hoa Kỳ trả.

Các chuyên gia cũng cho rằng hầu hết các nhà nhập khẩu chỉ đơn giản là chuyển chi phí thuế quan bổ sung đến người tiêu dùng Hoa Kỳ bằng cách tăng giá, thay vì cố gắng thay thế hàng hóa bị ảnh hưởng bằng các mặt hàng thay thế do Hoa Kỳ sản xuất, vốn vẫn đắt đỏ hơn. Tiếp đó, các quốc gia khác sẽ trả đũa bằng thuế quan của riêng họ, gây ra nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu và suy thoái kinh tế. Ngoài ra, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chuyển hoạt động sản xuất về Hoa Kỳ đều mất nhiều thời gian và tốn kém. Đây là một khoản chi phí khác mà người tiêu dùng có thể phải gánh chịu, ít nhất là trong ngắn hạn.

Nhà kinh tế học Jason Furman, cựu chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, gần đây đã giải thích rằng "hậu quả của thuế quan đối ứng sẽ là tăng trưởng kinh tế thấp hơn, lạm phát cao hơn, thất nghiệp cao hơn, của cải ít đi và là một hình thức tăng thuế đối với các gia đình Hoa Kỳ. Nó sẽ giáng một đòn vào các quy tắc cơ bản của hệ thống thương mại toàn cầu.”

Để hiểu cách “thuế quan có đi có lại” có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, chúng ta có thể xem xét một thí dụ: thuế quan ô tô mới 25% của Trump:

Tác động đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài và những người Mỹ mua ô tô sản xuất ở nước ngoài là rõ ràng. Hầu hết các công ty ô tô đều không có lợi nhuận cực cao, vì vậy họ có ít không gian để xoay xở. Nếu việc nhập khẩu một chiếc Volvo từ Thụy Điển đột nhiên đắt hơn 25%, thì bản thân chiếc xe cũng có khả năng đắt hơn rất nhiều. Nhưng ngay cả các nhà sản xuất ô tô trong nước và các công ty nước ngoài sản xuất một phần ô tô của họ tại Hoa Kỳ cũng vẫn bị ảnh hưởng. Một chiếc ô tô hoặc xe tải phải di chuyển qua lại giữa Hoa Kỳ và Canada tới tám lần trước khi được lắp ráp hoàn chỉnh. Các bộ phận ô tô đến từ khắp nơi trên thế giới. Đánh thuế những mặt hàng nhập khẩu đó ở mức 25% bất cứ khi nào chúng qua biên giới Hoa Kỳ cũng sẽ làm giảm lợi nhuận và giá cả của ô tô chắc chắn phải tăng lên.

Theo ước tính của iSeeCars, một trang web mua ô tô trực tuyến, mức thuế của Trump có thể làm tăng thêm 15.000 đô la cho giá của một chiếc xe bán tải Ram 1500, 12.000 đô la cho một chiếc xe bán tải Toyota Tacoma, 9.000 đô la cho một chiếc SUV Subaru Forester và 6.000 đô la cho một chiếc xe ô tô Nissan Sentra. Ngoài ra, có khả năng cũng sẽ có những hiệu ứng lan tỏa khác. Giá xe đã qua sử dụng có thể tăng vọt khi nhu cầu tăng. Bảo hiểm ô tô có thể tốn kém hơn (phản ánh chi phí tăng của các bộ phận thay thế).

Cho đến nay, Trump và các cố vấn của ông đã cố tình gạt bỏ những lo ngại như trên, coi chúng là nỗi đau ngắn hạn để phục vụ cho lợi ích dài hạn. Tổng thống Trump gần đây đã nói với NBC News: - "Tôi không quan tâm nếu các nhà sản xuất ô tô tăng giá, vì mọi người sẽ bắt đầu mua ô tô do Mỹ sản xuất", “các công ty nên tìm cách tránh tăng chi phí bằng cách sản xuất ô tô của họ tại Hoa Kỳ với các bộ phận do Mỹ sản xuất. Nhưng các nhà sản xuất ô tô có thể tin tưởng vào Trump bao lâu để thay đổi cách thức và địa điểm sản xuất ô tô? Và điều gì sẽ xảy ra khi Trump rời nhiệm sở vào năm 2028?

Trong nghiệm kì trước của ông Trump, cuộc chiến thương mại năm 2018-2019 đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Nhưng kế hoạch thuế quan toàn cầu của Trump lần này sẽ còn ảnh hưởng nhiều hơn đến mức khó có thể so sánh được. Các nhà kinh tế tại Tax Foundation cho rằng điều này sẽ làm đảo lộn và chia cắt thương mại toàn cầu ở mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thế kỷ.

Xuân Nguyên (Sưu tầm theo tin từ các báo ở Ba Lan)

Sửa lần cuối 2025-04-05 11:12:58

Bình luận

Bình luận qua Facebook