Trong nhiều năm qua, việc ghi họ tên người Việt Nam trong các hệ thống hành chính đã gây ra nhiều bất cập do thiếu đồng bộ và hỗ trợ kỹ thuật về dấu tiếng Việt. Sau quá trình trao đổi chính thức giữa các hội đoàn người Việt và Bộ Số Hóa Ba Lan từ năm 2022 đến nay, ngày 21.03.2025, Bộ đã có văn bản trả lời chính thức liên quan đến vấn đề này. Dưới đây là toàn văn nội dung công văn của Bộ Số Hóa gửi Hội Người Việt Nam tại Ba Lan:
Số hiệu: DTC.MC.WWP.601.1.2025
Warszawa, ngày 21 tháng 3 năm 2025
Người nhận:
Ông Trần Anh Tuấn
Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan
ul. Nadrzeczna 5F lok.G-5
05-552 Wólka Kosowska
Kính gửi Ông Chủ tịch,
Liên quan đến thư từ trao đổi về các vấn đề của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có liên quan đến cách ghi họ và tên trong các hệ thống công nghệ thông tin và đề xuất thay đổi Nghị định của Bộ trưởng Bộ Số Hóa ngày 21 tháng 12 năm 2018 về quy trình đăng ký dữ liệu trong hệ thống PESEL và sổ đăng ký cư trú (Dz.U. 2018 poz. 2484), chúng tôi xin thông báo rằng đã tiến hành phân tích khả năng thực hiện đề xuất này.
Theo đánh giá của chúng tôi, trong hệ thống PESEL và các giấy tờ của người nước ngoài, việc ghi họ và tên cần tuân thủ theo cách ghi trong hộ chiếu, giấy tờ tùy thân (document podróży) và cần hướng đến việc thống nhất cách ghi này trong tất cả các hệ thống công cộng, nhằm tránh những nghi ngờ hay mâu thuẫn trong xác minh danh tính cá nhân.
Quy định pháp luật hiện hành – cụ thể là Luật ngày 12 tháng 12 năm 2013 về người nước ngoài (Dz.U. z 2024 r. poz. 769) – không quy định cách ghi họ tên của người nước ngoài trong các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các sổ đăng ký, và danh sách liên quan đến người nước ngoài, cũng như không quy định cách ghi họ tên trên thẻ cư trú được cấp cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện hành cũng không cấm điều này – tức là không có trở ngại pháp lý nào để cơ quan chức năng cấp thẻ cư trú sử dụng họ tên đúng như trong hộ chiếu, kể cả có dấu (diakrytyczne).
Theo thông tin từ Sở Ngoại Kiều, khuyến nghị về việc áp dụng các phương thực thực hành trên sẽ được gửi đến các tỉnh trưởng (Wojewodów) sau khi hoàn tất phân tích kỹ thuật về khả năng xử lý thông tin trong hệ thống bởi các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cả Lực lượng Biên Phòng (Straż Graniczna).
Vì các lý do nêu trên, chúng tôi không có kế hoạch thay đổi Nghị định của Bộ trưởng Bộ Số Hóa ngày 21 tháng 12 năm 2018, (việc thay đổi) dựa trên cách ghi họ và tên của người nước ngoài song song có dấu và không dấu. Lập trường này được ủng hộ bởi Cục Công Dân thuộc Bộ Nội vụ và Hành chính.
Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Ngoại Kiều, hiện đang diễn ra quá trình soạn thảo sửa đổi Luật về người nước ngoài, trong đó bao gồm:
- Thay đổi cách thức nộp đơn xin cư trú tạm thời, cư trú lâu dài và cư trú dài hạn EU,
- Chuyển từ nộp đơn giấy trực tiếp sang hình thức nộp đơn điện tử qua hệ thống online.
Theo kế hoạch, người nước ngoài khi nộp đơn qua biểu mẫu điện tử, sẽ có thể ghi họ tên đúng theo cách viết trong hộ chiếu, bao gồm dấu tiếng Việt hoặc ký tự đặc biệt khác.
Thông tin cá nhân ghi trong biểu mẫu này sẽ được chuyển vào cơ sở dữ liệu quốc gia, và là cơ sở để cấp thẻ cư trú.
Trân trọng,
Katarzyna Zajkowska
Giám đốc
(Tài liệu được ký điện tử)


Phụ lục:
1. Quá trình thay đổi chính sách của chính quyền Ba Lan
- Từ năm 2010: Ba Lan bắt đầu cải tổ hệ thống hành chính, hướng tới số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dân cư và người nước ngoài. Tuy nhiên, việc triển khai tại các cơ quan khác nhau vẫn còn rời rạc, không đồng bộ.
- Năm 2018: Bộ trưởng Bộ Số Hóa ban hành Nghị định về quy trình đăng ký dữ liệu trong hệ thống PESEL (Dz.U. 2018 poz. 2484), chính thức yêu cầu ghi họ tên người nước ngoài theo thông tin trong hộ chiếu/ giấy tờ tùy thân, bao gồm cả các dấu tiếng Việt (Unicode). Đây là chủ trương của chính phủ, chứ không phải do kiến nghị từ bất kỳ hội đoàn nào.
- Từ 2018–2022: Trên thực tế, việc ghi tên có dấu gây ra hàng loạt vướng mắc và có lỗi trong quá trình triển khai:
- Không khớp dữ liệu giữa PESEL với ngân hàng, bảo hiểm, CEIDG, CEPiK...
- Người dân không tạo được hồ sơ điện tử hoặc chữ ký số,
- Gặp lỗi khi đăng ký nhà đất (KW) hoặc công ty (KRS).
- v.v...
- Từ năm 2022 trở đi: Chính quyền ghi nhận những vướng mắc này và bắt đầu điều chỉnh một số hệ thống – nhưng vẫn giữ nguyên nguyên tắc “ghi theo hộ chiếu”.
2. Vai trò của các hội đoàn người Việt tại Ba Lan
Trước tình hình đó, nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt đã chủ động làm việc với chính quyền, trong đó có:
- Hội Người Việt Nam tại Ba Lan,
- Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Ba Lan,
- Quỹ Hỗ Trợ Hội Nhập Người Việt Nam tại Ba Lan – tổ chức OPP duy nhất trong cộng đồng.
Các hội đoàn đã:
- Gửi nhiều công văn chính thức từ 2022 đến 2025 đến Bộ Số Hóa, Bộ Nội Vụ và các cơ quan liên quan,
- Phản ánh rõ các sai sót và khó khăn thực tế mà cộng đồng đang gặp phải,
- Đề xuất các kiến nghị cụ thể, thiết thực – đặc biệt là sửa đổi luật về hệ thống sổ đỏ (KW), vốn không hỗ trợ đủ ký tự tiếng Việt như chữ “ễ”, gây sai lệch tên như Nguyễn → Nguyên.
➡️ Kết quả: Luật về hệ thống KW đã được sửa đổi vào năm 2025, còn luật về hệ thống KRS đang trong giai đoạn lập pháp cuối.
3. Vì sao không thể giữ nguyên cách ghi tên không dấu?
Nhiều người trong cộng đồng đang sử dụng giấy tờ cũ ghi họ tên không dấu, và đặt câu hỏi: Tại sao không giữ nguyên cách cũ?
Câu trả lời nằm ở chính sách của chính phủ Ba Lan – từ sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (2004), việc quản lý danh tính người nước ngoài phải:
- Chính xác hơn,
- Tránh nhầm lẫn trong bối cảnh tự do di chuyển (free movement),
- Đảm bảo bảo mật và đồng bộ hệ thống quốc gia.
4. Hướng đi sắp tới: đơn điện tử và tự khai online
Trong công văn ngày 21.03.2025, Bộ Số Hóa khẳng định:
- Các biểu mẫu đăng ký thẻ cư trú trong tương lai sẽ chuyển sang nộp online,
- Người nộp sẽ chủ động điền họ tên đúng như trong hộ chiếu, bao gồm dấu,
- Dữ liệu sẽ được đồng bộ từ hệ thống điện tử vào thẻ cư trú và các cơ sở dữ liệu khác.
Điều này có nghĩa:
- Sẽ không còn tình trạng cán bộ gõ sai dấu hoặc không biết cách nhập,
- Người dân tự chịu trách nhiệm điền đúng và chuẩn hóa dữ liệu của mình.
Thông điệp cuối cùng tới cộng đồng
Chúng tôi mong cộng đồng người Việt tại Ba Lan hiểu rằng:
- Chính sách ghi tên có dấu không phải là quyết định của hội đoàn,
- Ngược lại, hội đoàn đã và đang làm mọi cách để hỗ trợ cộng đồng thích ứng, không bị thiệt thòi,
- Và trong tương lai, với sự số hóa hoàn chỉnh, việc giữ đúng bản sắc văn hóa và đồng thời đảm bảo hành chính hiệu quả là hoàn toàn có thể đạt được.
Trần Trọng Hùng
Karol Hoàng
T/M
Hội người Việt Nam tại Ba Lan,
Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Ba Lan,
Quỹ Hỗ trợ người Việt Nam Hội Nhập.
- Mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 tai Ba Lan và Đại hội lần thứ VI của Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan.
- Những khó khăn trong đời sống cộng đồng hiện nay (Phần 1)
- Xung đột tại TTTM Modlińska: Tiểu thương Việt – Ba Lan đối đầu với quản lý tòa nhà
- Leo thang xung đột tại khu TTTM Modlińska: "Quản lý chỉ tay, ra lệnh đánh người" - TVP3
- Cuộc chiến giành điện tại Modlińska – Bảo vệ của ban quản lý xua đuổi khách hàng và tấn công tiểu thương
Bình luận