Tiến sĩ, kỹ sư Nguyễn Thế Thảo, nguyên thị trưởng thành phố Hà Nội, vừa được hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Krakow, Ba Lan, GS.TSKH.KS Andrzej Szarata trao tặng danh hiệu Cựu sinh viên Vàng. Danh hiệu này được tặng cho ông vào năm 2020, trong thời kỳ đại dịch, và đến hôm nay ông mới có điều kiện trực tiếp nhận từ tay người lãnh đạo cao nhất của nhà trường. Tiến sĩ Thảo, chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan (TPWP), đã đến thăm trường đại học cùng với các thành viên của mình. Trong chuyến thăm của cựu sinh viên xuất sắc của trường đại học Bách khoa Krakow còn có sự tham gia của đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, và đây là cơ hội để nhà trường giới thiệu các phòng thí nghiệm hiện đại của mình và thảo luận về các lĩnh vực hợp tác khoa học và giáo dục mới giữa Ba Lan và Việt Nam.
– Tôi muốn cảm ơn trường Đại học Công nghệ và tất cả bạn bè Ba Lan đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình học tập. Tôi cách xa hàng ngàn cây số, nhưng mỗi ngày tôi vẫn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng trường đại học nhờ Hiệp hội cựu sinh viên Bách khoa Krakow và qua việc đọc tạp chí “Nasza Politechnika” – Tiến sĩ Kỹ sư Thảo cho biết trong buổi nhận bằng Cựu sinh viên Vàng vào ngày 16 tháng 4 năm 2025. Ông cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Ba Lan và Việt Nam và vai trò của Đại học Bách khoa Krakow trong mối quan hệ đó. – Phạm vi hợp tác mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện là rất lớn – ông nói.
Ngoài ra là: Các nghiên cứu về tình trạng của các công trình thủy kỹ thuật và quy trình thủy lực, xây dựng nhà cao tầng (cầu treo), hóa học hữu cơ và công nghệ, khí động học môi trường (bao gồm nghiên cứu và phân tích về thông gió thành phố, vận chuyển chất ô nhiễm, hệ thống trao đổi và tái tạo không khí, tác động của đầu tư đến chất lượng không khí và sự an toàn trong cuộc sống của cư dân) và phát triển các công cụ đo lường cho ngành công nghiệp.
(Buổi gặp gỡ giữa đại diện trường Đại học Bách khoa Krakow và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội trường / Ảnh. Jan Zych)
Một điểm quan trọng của buổi tọa đàm là trao đổi sinh viên và thúc đẩy việc học đại học tại Ba Lan nói chung và tại Đại học Bách khoa Krakow nói riêng. – Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện những thỏa thuận mới với Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Điểm quan trọng nhất là tăng số lượng sinh viên Việt Nam nhận học bổng tại Ba Lan từ 20 lên 50 người mỗi năm. Tôi nghĩ rằng có khoảng 5 đến 10 em có thể học tại Đại học Bách khoa Krakow – Đại sứ Hà Hoàng Hải cho biết. Năm nay có 2 học sinh đến từ Việt Nam đang theo học tại đây. Nhà trường đã ký kết hợp tác với 7 trường đại học Việt Nam: Trường Đại học Thủy lợi (từ năm 2014), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (từ năm 2019), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (từ năm 2020), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (từ năm 2023), Trường Đại học Nha Trang (từ năm 2023), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (từ năm 2024) và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (từ năm 2024).
Trong dịp này, các vị khách từ Việt Nam đã đến thăm phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Kraków, bao gồm: Phòng thí nghiệm mỹ phẩm của khoa Công nghệ Hóa học, Phòng thí nghiệm thủy lực của Khoa Kỹ thuật môi trường và năng lượng, Phòng thí nghiệm khí động học môi trường của Khoa Kỹ thuật xây dựng và Phòng thí nghiệm đo lường tọa độ của Khoa Kỹ thuật cơ khí.
(Các vị khách Việt Nam đã đến tham quan các phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Tại phòng thí nghiệm Hóa mỹ phẩm thuộc Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Hóa học, bên phải là Nguyễn Thế Thảo/Ảnh. Jan Zych)
Đoàn đại biểu Việt Nam đã nêu ra những lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Đại học Bách khoa Kraków. Một trong số đó là sự hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học mỹ phẩm với một nhóm các nhà nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Hóa học tại BK, do giáo sư Elizabeth Sikora đứng đầu. – Mỹ phẩm Ba Lan rất được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam, vì vậy việc phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực này rất quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi muốn hợp tác trong lĩnh vực này – ngài Hà Hoàng Hải, Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ba Lan, thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan cho biết. Hiệu trưởng, GS. Andrzej Szarata nhấn mạnh rằng nhóm nghiên cứu hóa mỹ phẩm rất mạnh về mặt khoa học và đã thương mại hóa thành công các công trình của mình. Nhóm này nổi bật với số lượng bằng sáng chế và triển khai ứng dụng lớn, đây là điểm khởi đầu tuyệt vời cho sự hợp tác.
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm có: TS. KS. Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan (TPWP), Hà Hoàng Hải, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Trần Vũ Bình, Phó Chủ tịch TPWP, Văn Thị Ngọc Hải, Ủy viên Ban Chấp hành TPWP, Nguyễn Văn Thái, Ủy viên danh dự TPWP và Đào Công Ngoạn, nguyên PCT kiêm Tổng thư kí Hội Người Việt Nam tại Ba Lan.
Đại diện của trường Đại học Bách khoa Krakow tham dự gồm có: GS. TSKH. KS Hiệu trưởng Andrzej Szarata; Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo và Hợp tác quốc tế TSKH, GS, KS Katarzyna Bizon; Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường và Năng lượng GS.TSKH.KS Paweł Ocłoń; GS,TS, KS Lucyna Domagała,Trưởng khoa Kỹ thuật Xây dựng, GS.TS.KS Phó Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ Hóa học Katarzyna Matras-Postołek; GS,TSKH, KS Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Cơ khí Aneta Liber-Kneć; GS,TSKH, KS, Trưởng khoa Quy hoạch không gian,Thiết kế đô thị và nông thôn Khoa Kiến trúc Rafał Blazy và TS.KS Krzysztof Radzicki từ Khoa Kỹ thuật Địa chất.
Ông Nguyễn Thế Thảo, cựu sinh viên Khoa Kiến trúc, vừa được ghi danh vào Sổ vàng cựu sinh viên, đã học tại Đại học Bách khoa Krakow từ năm 1970 đến năm 1976. Ông tiếp tục học lên cao, lấy bằng Thạc sĩ quản lý công và kinh tế tại Universite Libre de Bruxelles và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam. Từ năm 1977 đến năm 1993, ông làm việc tại Bộ Xây dựng Việt Nam. Tại đây, ông giữ chức vụ quản lý rồi giám đốc một công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-1997, ông giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Bắc, sau đó giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc. Trong mười năm (1997-2007), ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (Chủ tịch tỉnh). Ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Những năm 2007-2015 ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Thị trưởng Hà Nội). Năm 2001-2011, ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Ông giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ. Hiện nay, TS. KS Nguyễn Thế Thảo là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Các hoạt động của ông tập trung vào việc khởi xướng hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Đại học Công nghệ Kraków trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và di tích, bao gồm: hỗ trợ khoa học cho cuộc chiến chống ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Theo bản tin của Trường Đại học Bách khoa Krakow
(https://www.pk.edu.pl/index.php?option=com_content&view=article&id=5791:od-studenta-architektury-do-mera-hanoi-zloty-wychowanek-wraca-na-uczelnie-z-planami-polsko-wietnamskiej-wspolpracy&catid=49&lang=pl&Itemid=1152)
Người dịch: Xuân Nguyên
Bình luận