2023-06-23 12:00:52

Thảm họa tàu lặn Titan gây chấn động thế giới

Chuyến du lịch xuống dưới đáy biển sâu 4000 m để ngắm xác tàu Titanic (bị tai nạn vào năm 1912 và đang nằm dưới đáy biển Đại Tây Dương) của công ty du lịch Ocean Gate có chi phí 250.000 USD mỗi người. Những khách lữ hành bao gồm những người nổi tiếng, được ngồi trong khoang của một tàu ngầm thương mại nhỏ có tên là Titan:

Hamish Harding - tỷ phú 58 tuổi, đến từ Vương quốc Anh, chủ sở hữu của Action Aviation, một công ty kinh doanh máy bay. Ông cũng là nhà thám hiểm nổi tiếng từng lên vũ trụ và nắm giữ ba kỷ lục Guinness thế giới.

Tiếp theo là Shahzada Dawood, xuất thân từ một trong những gia đình giàu có nhất ở Pakistan, và con trai ông ta là Suleman. Dawood là phó chủ tịch của Tập đoàn Engro từ Karachi, Pakistan, một gã khổng lồ trong ngành phân bón và cũng tham gia vào sản xuất xe và công nghệ kỹ thuật số. Người thứ tư là thợ lặn người Pháp Paul-Henry Nargeolet - 77 tuổi, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu thảm họa Titanic. Ông đã trải qua 25 năm làm việc trong Hải quân Pháp. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dẫn đầu chuyến thám hiểm đầu tiên tới xác tàu Titanic vào năm 1987.

Trong khoang tàu còn có người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của OceanGate Stockton Rush. Rush đã trở thành phi công máy bay vận tải phản lực trẻ nhất thế giới với tư cách là cơ trưởng DC-8 vào năm 1981 ở tuổi 19. Năm 1984, Rush gia nhập Tập đoàn McDonnell Douglas với tư cách là kỹ sư thử nghiệm cho chương trình F-15 và làm việc hai năm tại Căn cứ Không quân Edwards. Trong 20 năm qua, ông đã tham gia những mảng kinh doanh liên quan đến công nghệ hàng không và dưới biển.

(Giám đốc điều hành của OceanGate, Stockton Rush)

Tàu Titan đã mất liên lạc với tàu nổi hỗ trợ Polar Prince vào sáng 18/6/2023, sau 105 phút kể từ khi khởi hành.

(Tàu lặn Titan có thể ở dưới nước liên tục 96 giờ)

Tờ Wall Street Journal đưa tin Hải quân Mỹ đã ghi nhận tín hiệu nổ của tàu ngầm Titan ngay sau khi con tàu mất liên lạc với mặt nước. Một quan chức hải quân cho biết rằng "Hải quân Mỹ đã tiến hành phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện sự bất thường phù hợp với một vụ nổ ở khu vực lân cận của tàu ngầm Titan tọa lạc khi mất liên lạc". Thông tin ngay lập tức được chuyển đến chỉ huy để hỗ trợ chiến dịch giải cứu.  Chiến dịch giải cứu cấp tốc đã được nhiều tàu và máy bay của Mỹ, Canada cùng các thiết bị hiện đại hỗ trợ.

Đến ngày hôm nay (23/06/2023), cuộc tìm kiếm tàu ​​ngầm Titan đã kết thúc. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cho biết một phương tiện điều khiển từ xa đã phát hiện ra một mảnh vỡ gần xác tàu Titanic. Tất cả 5 người trên tàu được cho là đã chết do tàu Titan bị nổ. Theo các nhà phân tích, trong trường hợp này, cả đoàn đã chết trong một thời gian ngắn đến mức bộ não con người không kịp nhận ra.

Những nguyên nhân gây ra tai nạn nổ tàu Titan đang được các nhà điều tra tìm hiểu, nghiên cứu và sẽ công bố trong thời gian tới. Hiện tại, một giả thuyết được đưa ra là tàu ngầm không giống như máy bay và tàu con thoi, vốn được thiết kế để giữ áp suất khoảng 1 atm khi áp suất bên ngoài thấp hơn mà thiết kế để làm điều ngược lại. Nó chống lại áp suất bên ngoài để mọi thứ bên trong có thể giữ nguyên áp suất mà con người cảm nhận ở mực nước biển. Vậy nên, khi tàu phải đôi mặt với áp lực lớn gấp nhiều lần, nó sẽ nổ khi không có khả năng xử lí. Ngoài ra, việc lặn vượt quá độ sâu được cho phép cũng có thể dẫn đến hỏng hóc nặng nề cho thân tàu và sau đó gây nổ.

Đạo diễn phim “Titanic” James Cameron, người đã từng thực hiện 33 chuyến đi khảo sát Titanic và là thành viên lâu năm của Cộng đồng lặn biển đã lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn của ABC News:

-       “Khi nghe tin về chuyến thám hiểm này, mọi người trong cộng đồng (lặn biển) rất lo lắng.  Một số người thậm chí đã viết thư cho công ty (OceanGate) nói rằng chiếc tàu ngầm họ đang làm là một thử nghiệm để chở khách, nó cần được cấp giấy chứng nhận. Tôi bị ám ảnh bởi sự giống nhau của chính thảm họa Titanic, nơi thuyền trưởng đã nhiều lần được cảnh báo về những tảng băng ở phía trước con tàu, nhưng ông ta vẫn cho tàu lao hết tốc lực vào một cánh đồng đầy băng trong màn đêm không trăng và kết quả là nhiều người đã thiệt mạng. Tôi cảm thấy sẽ là một bi kịch tương tự khi các cảnh báo không được chú ý. Thật là một điều đáng kinh ngạc.”

(Xác tàu Titanic nằm sâu dưới đáy Đại Tây Dương từ năm 1912)

Xuân Nguyên (Sưu tầm)

Sửa lần cuối 2023-06-23 10:00:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook