2010-01-19 20:36:21

Phùng Quán - “Tuổi thơ dữ dội” và những ước mơ cao đẹp

Nhân bàn về “văn học vết thương”, tôi chạnh lòng nhớ đến một cây bút rất lạ kỳ trong nền văn học Việt Nam. Cây bút ấy là Phùng Quán… Hai ngày nữa là ngày giỗ lần thứ 15 của ông (22/1/1995 - 22/1/2010)

 

Cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông bắt đầu từ những ngày tham gia Vệ quốc đoàn, khi kinh thành Huế rung chuyển những ngày đầu kháng Pháp. Khi cuộc kháng chiến chín năm thắng lợi, Phùng Quán trở thành một nhà văn quân đội, công tác tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tác phẩm đầu tay "Vượt côn đảo" của Phùng Quán đã đánh dấu thành công bước đầu của một cây bút có tài, nhiều triển vọng.

 

Thế nhưng cuộc đời ông đã sang ngã rẽ khác. Ba mươi năm trời ông chịu bao đắng cay gian khổ được ông tóm gọn trong 6 chữ - "cá trộm, rượu chịu, văn chui".

 

Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán thời trẻ.

 

Những tưởng ông sẽ đem những hờn tủi của cuộc đời vào trang văn. Nhưng suốt ngần ấy năm, ông không oán trách, không vì khổ đau riêng mà "đốt cháy những cái mình tôn thờ và tôn thờ những gì mình từng đốt cháy". Mười năm sau ngày mang án Nhân văn, ông âm thầm thai nghén tác phẩm lớn nhất của  cuộc đời- "Tuổi thơ dữ dội".

 

Hoàn thành năm 1986, trong suốt tám trăm trang ấy, người ta thấy ông ngợi ca tình yêu đất nước, ngợi ca cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ngợi ca những người anh hùng, ngợi ca một thời vang bóng của cuộc đời mình. Không một mảy may vương vấn những nhỏ nhen trần thế, ông vẫn viết bằng lý tưởng đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thủa ấu thơ; vẫn nuôi những ước mơ đẹp đến nao lòng...

 

Ước mơ ấy là của em Mừng - một em bé ngày ngày trèo lên những ngọn bút bút cao vòi vọi để hái lá tầm gửi chữa bệnh hen suyễn cho mẹ. Em trốn nhà vào Vệ quốc đoàn với một niềm tin "đánh đuổi hết tụi Tây cướp nước, giành được độc lập rồi thì ai ai cũng được sung sướng. Những người cực khổ như mạ em dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành... Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành..."

 

Đó là niềm hi vọng của một đứa con với mẹ, cũng là niềm hi vọng mà Phùng Quán mang theo khi bước vào quãng tuổi thơ dữ dội. Nhờ có niềm hy vọng ấy mà những đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi, ngày thường sợ đòn roi cha mẹ, nay dám băng mình qua lửa đạn. Đến hôm nay, "dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành" vẫn chỉ là ước mơ đẹp khi ta đi qua những hành lang bệnh viện chật hẹp, nheo nhếch; khi ta nghe những chuyện trái ngang ở nơi treo cao tấm bảng "Lương y như từ mẫu".

 

Khi "Tuổi thơ dữ dội" được dựng thành phim, ông viết "Thì ra những gì thật sự chân thành, lương thiện, trong sạch và cao thượng đều có khả năng kỳ diệu tự mở lấy con đường đến thẳng trái tim các thế hệ, mà chẳng cần giảng giải, biện minh".

 

Điều đáng trân trọng ở ông là nhận thức được cái riêng - cái chung; cái lớn lao - cái nhỏ bé: ông không đem bi kịch của mình trùm lên niềm vui của đất nước, không đem những chuyện trái ngang đời thường phủ lên lý tưởng, niềm tin, không đem hiện tại phũ phàng che mờ ký ức thiêng liêng.

 

Ước mơ ấy là của em Quỳnh sơn ca, một công tử con nhà quý tộc, dám từ bỏ nhung gấm để đứng chung hàng ngũ với những đứa trẻ nghèo khổ, rách rưới, cùng tham gia kháng chiến. Cậu bé mười ba tuổi phải lựa chọn giữa việc "sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh và học hành đến lúc thành tài" với cuộc sống "chỉ có bát cháo gạo loãng với mấy con tôm khô kho mặn chát". Mang trong mình tài năng và niềm đam mê âm nhạc, em chấp nhận từ bỏ "chiếc đàn dương cầm nhãn hiệu Ý với giá mấy chục lượng vàng", để ở lại chiến khu "viết nhạc lên những ngọn lá vả rừng".

 

Dù Phùng Quán không sinh ra trong một gia đình quý tộc, nhưng tôi vẫn tin Quỳnh sơn ca phần nào đó là hiện thân của Phùng Quán - một con người có tài, có tâm, có tình yêu và hi vọng. Cuộc đời không cho ông không được trở thành một chú sơn ca của Cách mạng, thậm chí có lúc người ta đã gắn vào ông cái tội "phản Cách mạng". Nhưng ông vẫn viết, miệt mài viết trên những trang giấy lộn, dù những tác phẩm của ông muốn in ra được phải thay tên đổi họ, hay thậm chí chẳng bao giờ được in ra.

 

Nhà văn, nhà thơ Phùng Quán về già.

 

Thật xúc động biết bao khi có những cây bút một thời cũng bừng bừng khí thế, nhưng sau mấy chục năm chiêm nghiệm bỗng trở nên trầm lắng, xót xa. Riêng Phùng Quán, suốt bao nhiêu năm ông vẫn giữ ước mơ viết một thiên trường ca về "một đề tài lỗi thời" - "nghĩa tình quá khứ, kỷ niệm một thời sống chết trận mạc". Ông liên tưởng "nó giống chiếc chìa khóa của gian buồng anh. Anh có đánh rơi cũng chẳng ai buồn nhặt, nhưng mất nó, anh sẽ khóc dở, mếu dở".

 

Quỳnh sơn ca viết nên những câu hát ngợi ca kháng chiến khi em đang sống trong cuộc kháng chiến ấy - điều đó dường như dễ dàng hơn so với việc Phùng Quán viết lên những câu thơ ngợi ca một thời máu và hoa khi ông đã đi qua nó, đã nếm trải cả những đắng cay, tủi cực mà Quỳnh đã không sống để phải nhìn thấy. Nhưng trong thiên trường ca "Huyệt lửa chôn chung" - một thiên trường ca không bao giờ đến tay bạn đọc vì những lý do riêng - vẫn lấp lánh những câu thơ tràn đầy hi vọng:

 

Đất ơi! Con nguyện yêu người với tất cả máu xương
Với tất cả cuộc đời con mười tám tuổi
Con vui sao khi nghĩ tới gương mặt người trong tương lai
Rửa sạch hết lửa, máu và bùn tươi vui chói lọi
Người sẽ hát cho những thế hệ mai sau nghe về Thế giới Đại đồng

 

"Tuổi thơ dữ dội" kết lại bằng lời cuối cùng của Mừng trước khi hi sinh: "Anh ơi, anh đứng nghi em là Việt gian nữa anh hí!". Một cậu bé trước khi chết vì đạn giặc chỉ mong người sống đừng hiểu lầm mình. Phải chăng đó cũng chính là tiếng lòng thổn thức của Phùng Quán khi đặt dấu chấm hết cho cuốn tiểu thuyết để đời?

 

Sau này, ông tâm sự trong một trang hồi ký rắng: "Đằng đẵng suốt hai mươi năm trời, với nghị lực và lòng can đảm chiến sĩ, tôi tận sức chiến đấu để tự minh oan cho mình".  Thì ra, không chỉ những ước mơ cao đẹp của thời niên thiếu của ông không mất đi sau bao nhiêu năm chìm nổi, mà hơn thế, phẩm chất của người lính trung thành, ngay thẳng trong ông vẫn còn đó, và chờ ngày được giải oan.

 

"Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Ðường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã..."

 

Ước nguyện thiêng liêng nhất của cuộc đời ông cuối cùng cũng thành hiện thực: "Rồi Đại hội Đảng lần thứ VI đã đến mở ra những hướng mới. Hội Nhà văn Việt Nam tuyên bố phục hồi hội tịch cho tôi." Năm 2007, Chủ tịch nước đã truy tặng ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhưng dường như chúng ta vẫn nợ Phùng Quán một điều gì đó. Có thể đó là một lời xin lỗi và một lời cảm ơn chân thành...

 

Khương Duy (Tuần Việt Nam)

Sửa lần cuối 2012-12-19 22:26:26

Bình luận

Bình luận qua Facebook