2014-10-08 15:07:34

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong xu thế hội nhập

Ảnh: ông Lã Đức Trung (thứ nhất - bên phải) và ông Ngô Hoàng Minh (thứ nhất-bên trái)-người Ba Lan gốc Việt tham gia diễn đàn chính sách nhập cư tại Ba Lan

Lời nói đầu: Hội nhập – điều kiện tiên quyết để cộng đồng người nhập cư tồn tại và phát triển bền vững. Tuy vậy, cho đến nay người Việt Nam tại Ba Lan vẫn chưa ý thức hết được tầm quan trọng của công việc này. Nhưng đã có những dấu hiệu của sự chuyển biến – người Việt lần đầu tham gia ứng cử vào hội đồng nhân dân các cấp. Người viết bài này xin được chia sẻ đôi điều cùng bạn đọc với mong muốn người Việt tại Ba Lan đoàn kết và hội nhập tốt hơn.

  1. Quá trình phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan

Sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có một lịch sử khá dài. Những nhóm người Việt đầu tiên đến Ba Lan từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đó là những lưu học sinh được nhà nước Việt Nam cử đi. Tuy nhiên, số người  định cư ở đây chỉ đáng kể từ sau năm 1975 với sự ở lại của những sinh viên sang du học. Sự bùng nổ về số lượng người Việt định cư tại Ba Lan xảy ra sau khi Ba Lan chuyển đổi chế độ chính trị và nhất là sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở châu Âu hoàn toàn sụp đổ. Người Việt xin ở lại định cư mỗi năm một nhiều hơn. Bây giờ không phải chỉ những lưu học sinh mà còn những nghiên cứu sinh, thực tập sinh, những chuyên gia và văn nghệ sỹ. Một lực lượng đông đảo hơn là những người Việt từng là công nhân lao động tại các nước đông Âu, bị mất việc tràn sang. Cộng đồng người Việt phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của chợ Sân Vận Động (SVĐ) tại Warszawa. Một thực tế không thể chối cãi là nếu không có chợ SVĐ thì không thể có cộng đồng người Việt tại Ba Lan như hiện nay và ngược lại nếu không có lượng người Việt tràn sang như thế thì chợ SVĐ không thể bành trướng đến mức thành phố Warszawa hàng năm có cả chục triệu Złoty thu nhập từ chợ. Sau thời kì chợ trời (bao gồm chợ SVĐ và chợ trời ở các địa phương khác) là thời kì hoạt động của các trung tâm thương mại. Người Việt tại Ba Lan cũng góp phần xây dựng và phát triển, không chỉ ở Warszawa mà còn ở Kraków, ở £ódź vv… Nói thế mới thấy cộng đồng người Việt tại Ba Lan không hề nhỏ. Chưa có một nghiên cứu đầy đủ về số người Việt ở đây, các nguồn không chính thức nói rằng có thể từ 20 đến 40 nghìn người.

  1. Quá trình hội nhập của cộng đồng người Việt tại Ba Lan

Số người người Việt tại Ba Lan được coi là nhiều nhưng họ đã thực sự coi trọng việc hội nhập chưa?

Đó là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo đánh giá chung, đa số người Việt ở đây mới chỉ chú ý tới sự hòa nhập. Hòa nhập mang lại lợi ích trước mắt vì họ cần các điều kiện yên ổn, thuận lợi để kinh doanh, buôn bán, để con cháu họ có trường lớp học hành. Dư luận xã hội cho thấy người Việt được người Ba Lan yêu mến và khen ngợi trong giao tiếp, làm ăn và nuôi dạy con cái. Người Việt tự hào về điều đó và tự thấy thỏa mãn về mình. Tuy nhiên, hòa nhập tốt chưa có nghĩa là hội nhập tốt. chúng ta mới chỉ có được „cái cần” mà chưa có „cái đủ”. Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất: Do ý thức của bản thân mỗi người. Có một tâm lí ngự trị dai dẳng trong đầu mọi người rằng mình (và cả gia đình mình) rốt cuộc cũng phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn, coi Ba Lan chỉ là nơi kiếm tiền, là nơi làm „bệ phóng” cho con, cháu.ŸRất nhiều người phàn nàn rằng phúc lợi xã hội của Ba Lan yếu kém, chỉ cần thất nghiệp là thấy cái đói hiện ra trước mắt. Người ta ao ước giá như Ba Lan giống Đức, Tiệp thì chẳng phải lo cuốn gói về quê. Nhưng đã có ai về quê được, trừ một ít gia đình „có điều kiện”. Mà cũng không phải „có điều kiện” là thành công, khi mà quê hương giờ đây đã đổi khác nhiều, không giống như ngày ta ra đi nữa. Vậy là người ta vẫn phải sinh sống trên đất Ba Lan.

Một thống kê chưa đầy đủ cho biết, đến thời điểm hiện tại, số người gốc Việt có quốc tịch Ba Lan mới chỉ khoảng 4 nghìn người, một tỉ lệ quá nhỏ. Điều này đòi hỏi mọi người phải cùng cố gắng. Nhưng kể cả những người có quốc tịch Ba lan thì khả năng hội nhập cũng còn rất hạn chế. Một việc rất đơn giản là tham gia các cuộc bầu cử, nhiều người vẫn cho rằng đó không phải là việc cần làm. Chúng ta muốn làm ăn sinh sống lâu dài, chúng ta phải hội nhập và đừng nghĩ việc đó là của người khác.

Thứ hai: Do người Việt có tâm lí co cụm và không cởi mở với nhau trong những việc lớn. 24 năm qua, tính từ khi số lượng người Việt đã đáng kể ở Ba Lan, đến nay chúng ta vẫn chưa có được sự nhìn nhận bình đẳng đúng mức trong đời sống xã hội nước sở tại. Nhiều hội đoàn của người Việt được hình thành nhưng phần lớn chỉ nhằm tạo được một sân chơi nội bộ. Tôn chỉ mục đích của các hội rất rõ ràng, chỉ nhằm đoàn kết, hữu nghị với cộng đồng người bản xứ. Thêm nữa là chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại. Xem ra, những tôn chỉ mục đích này chưa đưa chúng ta vượt ra khỏi cổng làng. Những năm qua chúng ta đã tham gia các chương trình đa văn hóa do người Ba Lan tổ chức nhưng chỉ mang tính chất phối hợp và không kết hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn thể bà con người Việt. Năm vừa qua, sự kiện duy nhất huy động được sự tham gia của cả cộng đồng người Việt và bạn bè Ba Lan là 2 cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Chúng ta đang có rất ít những buổi sinh hoạt cộng đồng mà sử dụng song song hai thứ tiếng Việt và Ba Lan. Rất nhiều gia đình hỗn hợp Ba-Việt phàn nàn rằng họ không thể tham gia những buổi sinh hoạt cộng đồng. Giờ đây, đến lượt các cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng cảm thấy lạc lõng với các buổi sinh hoạt do hội đoàn tổ chức? Còn nói chi tới bạn bè người Ba Lan!

Người Việt ở Ba Lan không chỉ có nhiều hội đoàn mà còn có nhiều tổ chức có quan điểm hoạt động khác nhau. Nhưng có một hạn chế là người ta chưa thể cùng nhau tổ chức những sự kiện có lợi cho cộng đồng hoặc có lợi cho quốc gia được. Người Ba Lan sống ở Mỹ khá đông, cũng có nhiều tổ chức mang mầu sắc chính trị khác nhau, nhưng một khi cần làm những việc có lợi cho cộng đồng họ hoặc cho đất nước Ba Lan thì họ đoàn kết, đồng lòng. Người Việt mình cũng biết điều đó nhưng vì nghi kị, vì cảm tính mà không dám bắt tay với nhau. Lại có khi nói ra những cái không đáng nói để chính quyền Ba Lan coi thường người Việt mình.

  1. Người gốc Việt tham gia vào chính quyền nước sở tại

Nhiều người nói ra điều tự hào rằng người Việt mình ở Mỹ, Đức vv … rất giỏi. Năm vừa qua người Việt ở Sek được nhà nước cho hưởng nhiều điều kiện của dân tộc thiểu số. Câu hỏi đặt ra là người Việt ở Ba Lan có làm được như vậy không?. Bản thân tôi, nhiều năm qua đã suy nghĩ về vấn đề này. Đến nay, một sự thật đang hiện hữu làm tôi rất vui. Cùng một lúc có tới 7 người gốc Việt ứng cử hội đồng nhân dân từ cấp Quận đến cấp Thành phố của Warszawa. Một sự bùng nổ về ý thức hay một sự chạy đua về quyền lợi? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về những con người này để có cách ủng hộ họ.

Trong một xã hội dân chủ như Ba Lan, quyền con người đáng để cho người ta nâng niu, trân trọng. Tôi được biết phần lớn trong số người ứng cử đợt này đã tự nguyện và chưa đứng trong một đảng phái nào. Vậy thì mục đích của họ chắc chắn có phần làm đẹp cho bộ mặt của người Việt ở Ba Lan. Hà cớ gì mà số người gốc Phi rất ít lại có đại diện trong Quốc hội Ba Lan trong khi người Việt ta đông đảo và có tri thức lại không thể. Tôi xin nói lời khâm phục trước sự dũng cảm của các ứng cử viên người Việt. Các bạn đã và đang muốn chúng tôi, những người Việt Nam và gốc Việt Nam được hưởng những quyền lợi đáng có của xã hội Ba Lan. Tôi chưa được nghe các bạn cam kết về điều này nhưng trong tiềm thức của tôi, các bạn đang mang trong mình dòng máu Việt (thậm chí 100% Việt) thì cái niềm tin của tôi phải là đúng. Các bạn hãy tin rằng chúng tôi luôn ủng hộ các bạn và khi hội đồng bầu cử tuyên bố các bạn trúng cử thì niềm vui của chúng ta sẽ hòa quyện với nhau. Cộng đồng người Việt tại Ba Lan đang cần những người tiên phong hướng dẫn và thúc đẩy quá trình hội nhập.

Hy vọng ngày 16 tháng 11 năm 2014 sẽ là ngày để những người Ba Lan gốc Việt thể hiện sự gắn bó với nhau trong xu thế hội nhập mới.

Xuân Nguyên

Sửa lần cuối 2014-10-08 13:04:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook