2021-03-07 17:11:10

"Mafia ngân hàng ở Wólka Kosowska". Băng đảng người Việt hoạt động như thế này

Tác giả: Anna Sobolewska6/03/2021

Wólka Kosowska là một thị trường rộng lớn, nơi buôn bán hàng hóa nhập khẩu từ Châu Á, TVN24

Wólka Kosowska là một khu chợ khổng lồ nằm ở ngoại ô Vác-sa-va, nơi buôn bán các hàng hóa nhập từ châu Á. Từ nhiều năm, các lực lượng được lập để thu thuế và đấu tranh chống tội phạm đều biết rằng phần lớn các giao dịch ở đây không trả thuế hàng hóa và dịch vụ, tức thuế VAT. Phần lớn các giao dịch là dùng tiền mặt, sau đó số tiền này được đưa vào hệ thống ngân hàng rồi được chuyển đi nước ngoài – phần việc này do một nhóm tội phạm chuyên nghiệp phụ trách, chúng luôn tìm ra các phương pháp mới để đưa tiền bẩn vào hệ thống. Số tiền được quay vòng lên đến con số hàng tỷ zloty. Phóng sự của cô Anna Sobolewska " Mafia ngân hàng ở Wólka Kosowska " cho thấy các băng đảng Việt Nam hoạt động và đánh nhau ra sao.

Ngày 23/05/2018, trong quá trình bị Cơ quan An ninh quốc gia ABW bắt giữ, nữ công dân Việt Thi Huong Han đã tử vong. Cô ta nhảy từ cửa sổ của một căn hộ ở tầng ba (tầng 4 theo kiểu tính của người Việt – người dịch), mặc dù có sự có mặt của các nhân viên ABW.

Họ thông báo với tôi là em gái tôi đã nhảy qua cửa sổ và tự sát. Trước khi có việc này, em tôi có trạng thái tâm lý rất tốt. Mọi việc với nó rất tốt– cô Thi Tuan Han, chị của Thi Huong Han nói rất chắc chắn. – Tôi nghĩ rằng họ vào nhà chỉ để tìm tiền. Và tôi nghĩ là em tôi không hề có ý định chạy trốn. Chả có bất cứ lý do nào để việc ấy có thể xảy ra được – cô ta nói thêm.

"Wólka Kosowska có hai bộ mặt: ban ngày và ban đêm"

Theo công tố, người Việt này là một nữ thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức mà trong vòng ba năm đã đưa vào hệ thống ngân hàng, rửa số tiền gần năm tỷ złoty, có từ các giao dịch bất hợp pháp, không khai báo cho cơ quan thuế.

Số tiền mà nhóm mafia quay vòng có nguồn gốc từ Wólka Kosowska. Đây là một khối liên hợp các nơi bán buôn, nơi mà hàng hóa nhập từ châu Á cung cấp cho những người bán hàng trên toàn Ba Lan. Đây cũng là nơi mà Cơ quan thuế hành chính quốc gia (Krajowa Administracja Skarbowa), Cảnh sát Biên phòng và các lực lượng khác theo dõi liên tục.

- Wólka là người Trung Quốc, Việt Nam và Thổ. Wólka Kosowska có hai bộ mặt: về ban ngày và về ban đêm – một cảnh sát biên phòng muốn giấu tên nói. – Về ban ngày đó là nơi buôn bán khi những người mua tới, những người bán buôn có mặt và buôn bán hầu như hợp pháp. Về ban đêm thì toàn hàng bất hợp pháp và hàng giả. Chung quanh nó còn có các thứ khác nữa. Các nhà hàng bán ra những thứ không được phép ở Ba Lan, rồi cũng có những chỗ có thể vào đó nghỉ ngơi, hút hasit (thuốc lá chế bằng lá thuốc non và đọt gai dầu ở Thổ-nhĩ-kỳ, Ân-Độ...) hoặc cần sa. Thêm vào đó là cờ bạc. Quanh Wólka có vài casinô bất hợp pháp, nơi bọn họ chơi – ông ta nói thêm.

Tuy nhiên lợi nhuận lớn nhất bọn tội phạm có từ việc buôn bán diễn ra ở Wólka Kosowska vào giữa ban ngày. Mới thoạt nhìn thì mọi thứ có vẻ hoàn toàn hợp pháp. Hàng hóa bán ở đây chủ yếu là quần áo. Thường nó đến từ Trung Quốc, nơi theo đường biển nó đến các cảng lớn nhất ở châu Âu. Tại đó, giá trị của nó khi khai hải quan bị hạ thấp đi nhiều lần. Sau đó hàng tỏa đi đến các trung tâm bán buôn nằm rải rác khắp châu Âu. Các hãng trên giấy tờ là người nhận hàng, thông thường là các hãng chân gỗ không nộp thuế VAT. Những người nhận hàng thực sự là những người bán buôn ở Wólka Kosowska – khó nắm được họ.

"Có hai nhóm nắm quyền ở Ba Lan. Một nhóm nằm ở Szczecin, nhóm thứ hai ở Vác-sa-va"

Một người đàn ông nói chuyện với các phóng viên của chương trình "Superwizjera" là một người cộng tác với nhóm tội phạm có tổ chức, quay vòng hàng tỷ złoty có từ việc buôn bán trốn thuế VAT. – Hồi trước, lúc tôi còn trẻ, tôi đã buôn bán ở Sân vận động 10 năm. Khá lâu, từ năm 2003 hay 2004 – anh ta nói và thừa nhận là sau cũng có buôn bán ở Wólka Kosowska. – Tôi buôn bán ở đấy khoảng một hay hai năm. Tôi có quầy. Ở đó thì phải có quầy– anh ta giải thích.

Người đàn ông nói hàng hóa có lẽ mua từ Trung Quốc rồi hàng được đưa đến nhiều cảng. – Lúc đó có nhiều con đường khác để đưa hàng vào. Vận tải đến bằng đường không cũng như bằng đường biển, nhưng cũng có cả đường bộ đi bằng ô tô. Tôi nghĩ trong phần lớn các trường hợp khi hàng là mốt, đẹp và đắt tiền thì nó được chở bằng đường hàng không. Ngược lại với hàng đại chúng thì nó đi đường biển và có thể qua các cảng ví dụ như ở Đức, tại Hamburg – anh ta kể.

Lãi từ các nhánh tội phạm khác cũng lọt vào túi những người nắm việc kinh doanh quần áo. – Đó là một hình chóp, tức có cấu trúc có cấp bậc chặt chẽ, bắt đầu từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất và ai cũng có lợi – một cựu nhân viên cảnh sát biên phòng nói. – Có hai nhóm nắm quyền ở Ba Lan. Một nhóm nằm ở Szczecin, nhóm thứ hai ở Vác-sa-va. Đó là hai nhóm lớn mà trong thành phần của nó có các nhóm nhỏ, chuyên nghiệp. Mỗi nhóm có hàng chục nhóm con, các nhóm này quản lý từng công việc cụ thể – anh ta nói thêm.

Cựu nhân viên cảnh sát biên phòng này nói là những nhóm này tiến hành buôn bán cần sa, đưa lậu người vào Ba Lan, làm giả giấy tờ và tổ chức ở bất hợp pháp, chuyển lậu thuốc lá vào Đức và bài bạc bất hợp pháp. – Họ buôn bán phụ nữ, đó là những phụ nữ Việt. Các cô này ở Ba Lan hai ba năm, đến tuổi mười sáu thì được đen đi bán sang Tây Âu, chủ yếu là ở Pháp và Đức – anh ta lưu ý.

Đưa lậu, thuốc phiện và trước hết là buôn bán trong vùng đen, không trả thuế hàng hóa và dịch vụ, tức thuế VAT mang lại cho bọn tội phạm hàng năm hàng tỷ złoty tiền mặt. – Hàng năm con số có thể lên đến năm hay sáu tỷ złoty – một luật sư và chuyên gia trong lĩnh vực rửa tiền, ông Wojciech Kapica nói. – Wólka đang tìm các các cách thay thế để đưa nó vào hệ thống tài chính – ông nhấn mạnh.

Các nhân viên ngân hàng bị hối lộ làm ngơ khi số tiền đáng nghi được nộp

Việc chở đi hàng tỷ zloty tiền mặt từ Wólka Kosowska quả thực là một thách thức về logistic. Việc này do các người chuyển lo. Việc đưa nó vào hệ thống ngân hàng đó là phần nhậy cảm nhất của hệ thống tội phạm. – Nó như thế này, người ta bảo tôi phải đợi ở đâu và chờ. Lúc ấy tôi ngồi trong xe và chờ cho đến khi họ mang tiền tới – một người buôn cộng tác với nhóm tội phạm nói. Anh ta giải thích là hãng của người đàn ông đưa tiền cho mình hoạt động ở Wólka.

Tôi cứ nghĩ rằng bất cứ ai mua hàng ở nước ngoài thì phải trả tiền hàng thôi. Điều này là hiển nhiên. Khi mua hàng thì phải trả tiền và trả bằng chuyển khoản. Tiền không chỉ chuyển đi Việt Nam mà đi nhiều nước khác nhau, nơi mọi người đặt hàng: đến Trung quốc hay Đài Loan – một người đàn ông kể. – Tôi chở tiền hai hay ba lần một tuần, nhưng cũng có khi lên đến bốn hay năm lần. Cũng có khi tôi đến đó hàng ngày, để cặp, túi lên bàn và rút điện thoại ra đọc gì đó. Tôi chả phải sửa thêm bất kỳ gì cả. Mọi thứ đều sẵn sàng đúng lúc– anh ta bổ sung.

Từ các giấy tờ điều tra của công tố mà các nhà báo của "Superwizjer” có, ta thấy rằng các nhân viên ngân hàng được maphia hối lộ đã nhắm mắt làm ngơ trước các khoản tiền đáng ngờ từ Wólka Kosowska được nộp vào. Khi tiền bẩn đã nằm trong tài khoản, chúng được chuyển đi từ tài khoản này sang tài khoản khác, từ nước này đi nước khác để mà làm cho việc xác định nguồn gốc của nó khó nhất.

Các cơ quan chức năng đều biết và phần lớn các giao dịch đều không trả thuế hàng hóa và dịch vụ.

"Chỉ với việc không hoàn thành trách nhiệm nhỏ nhất thì có thể mất bàn tay, ngón tay hay mất đầu"

Năm 2011 Cơ quan An ninh quốc gia ABW đã phá tan nhóm do một người Việt là PC Tài phụ trách. Các phóng viên của "Superwizjer" đã xem được các băng ABW thu theo dõi chưa được công bố. Trên băng ta thấy nhân viên người Ba Lan của Tài đã chuyển cho người chuyên chở tiền buôn bán bất pháp ra sao. Theo những người điều tra xác định thì tiền được chuyển từ Ba Lan đi Litva, Latvia và Ucrain và được nộp vào các tài khoản ở Latvia.

Người Việt tên là Tài đã từ Ucrain sang Ba Lan và không có các quen biết thích hợp để đưa tiền bẩn vào hệ thống ngân hàng Ba Lan. Anh ta phải dùng người trung gian của một người Việt có vị thế là Phú PC, người chịu trách nhiệm liên hệ cho nhóm mafia ở đây với các ngân hàng.

Phạm vi hoạt động của Phú ra sao? Theo thông báo mà Chánh thanh tra thông tin tài chính gửi cho công tố ta thấy rằng trong vòng howmn một năm rưỡi, qua các chi nhánh tại Vác-sa-va của một trong các ngân hàng có đến 1,5 tỷ złoty từ Wólka Kosowska đã được rửa. Theo ABW, Phú hoạt động có sự thỏa thuận với các nhân viên cao cấp của ngân hàng này và sếp chi nhánh ngân hàng ở Wólka Kosowska là vợ anh ta – bà Renata PC.

Nhưng Phú đã không hạn chế chỉ ở ngân hàng ấy – anh ta đã mở rộng quan hệ kinh doanh của mình và tuyển các nhân viên của các ngân hàng khác nữa. Trên các băng do ABW thu ta có thể nghe thấy các cuộc nói chuyện của các thành viên mafia Việt. "Tao vừa gặp bà ấy và bà ấy nói là thực sự chính bà ấy chưa biết phải giải quyết việc ấy ra sao. Bà ấy bảo không dám làm điều đó không tốt vì sẽ bị thu chứng chỉ hành nghề. Thứ tư này thì bà sẽ đi gặp ông giám đốc ấy, với bạn chính của mình và khi nào bà ấy nói chuyện xong với ông ta thì lúc ấy tao sẽ báo cho mày" – khi bị ABW nghe thì Phú đã nói vậy. "Thế thì mình phải cấp tập lên. Tao đang làm việc với hai, ba ngân hàng. Tao muốn xong việc nhanh, vì sắp về Việt Nam rồi" – vị Sếp lớn (Boss) nói.

Đang lúc mạnh lên, Phú không tha thứ cho kẻ cạnh tranh mình. Vào mùa thu năm 2010, anh ta chiếm luôn khoản trên triệu złoty mà lẽ ra anh ta phải nộp cho anh Tài, người Việt ở Ucrain kia vào một ngân hàng Ba Lan. Trên băng ghi âm ta có thể nghe thấy, Tài đã tiết lộ với người cộng tác khoản thiệt hai gần 300 nghìn euro ra sao. "Tao đưa nó cho thằng Phú ấy. Mà sáng nay tao gọi cho nó, thì nó bảo tiền mất rồi. Sau tao ngồi với nó và bắt đầu nói chuyện thì nó bảo: ‘Chính mày đã tổ chức cướp tiền và mày cướp của tao’. Nó đổ mọi thứ cho tao" – Tài nói.

Tài bắt đầu nghi là Phú không hoạt động một mình. "Bọn kia có tổ chức, chúng nó tấn công và cướp, mày hiểu chứ?" – Tài nói với Sếp. "Thằng đấy muốn làm khó cho mày, nó muốn đẩy mày khỏi thị trường này. Bọn nó bắt đầu có chính sách như thế đối với chúng ta. Bọn nó đã xuất hiện ở thị trường Ba Lan, mà thị trường này thì bé. Cái mẩu mà bọn nó nuốt được cũng bé thôi. Ở đây chật rồi. Bọn nó muốn nắm thị trường" – tay Sếp khẳng định.

Đấy là cuộc chiến khởi đầu giữa các nhóm tội phạm. "Chúng ta đã bị thiệt hại, nhưng ta sẽ cho chúng biết, bọn nó sẽ phải lậy mình, và ta sẽ móc món tiền ấy từ họng chúng nó ra" – Tài nói.

- Bọn nó tàn bạo lắm. Rất tàn bạo. Chỉ với việc không hoàn thành trách nhiệm nhỏ nhất thì có thể mất bàn tay, ngón tay hay mất đầu – một cựu nhân viên cảnh sát biên phòng nói. – Giết người với chúng là chuyện nhỏ nhặt. Chuyện thường ngày. Nếu có ai đó ngăn cản người khác thì sẽ lãnh án tử hình. Và nó xảy ra như vậy. Bọn nó tàn nhẫn lắm. Cắt họng, thắt cố bằng dây cho chết. Chúng nó không dùng vũ khí. Chúng nó cũng sẽ không dùng súng đâu. Để làm gì? Giết, chặt đầu, bóp cổ, dìm vào nước là tốt hơn– ông ta nói thêm. Người này khẳng định là "mỗi nhóm đều có các đao phủ của mình".

"Hôm qua và hôm nay tao đã dấu với thằng ấy. Hôm qua tao đã bảo nó: ‘Tao dám giết người, còn mày thì chả dám’. Thế nghĩa là bọn nó biết là chúng ta mạnh" – Tài khẳng định trên băng bị ABW thu được.

- Về lý thuyết ta cứ tưởng bọn Việt Nam không tố cáo nhau. Lầm to. Bọn nó đến, bọn này tố giác bọn kia. Đó là sự cộng tác với các cơ quan có trách nhiệm để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh với mình– cựu nhân viên cảnh sát biên phòng nói.

"Chúng tao có thể diệt bọn mày rất dễ mà mày không biết sau đó sẽ thế nào đâu. Kết thúc của mày sẽ rất đau đớn. Mày hiểu chứ? Tao biết ngân hàng của mày, tên hãng của mày, rồi tài khoản, vậy chỉ cần tao gửi vài thứ cho các nơi và trong vòng ba ngày họ sẽ đến và diệt, dẫm bẹp mày" – Tài nói.

Trong cuộc chiến này thì Tài đã không lượng được sức của mình. Với người Việt có quốc tịch Ba Lan thì anh ta là kẻ xa lạ – chả có được sự hỗ trợ như Phú có. Bị thất bại, Tài đã phải rút lui khỏi thị trường Ba Lan. "nếu mày thấy bọn nó có tổ chức ra sao thì ở đó mày không an toàn đâu. Mày hãy quay lại đây, ta cùng nghĩ và sau đó sẽ giải quyết vụ này" – một đồng sự của Tài nói. "Thẳng Phú đểu ấy đã cầm tiền và không chịu trả. Tao chán rồi, tạm thời không muốn làm gì nữa. Tao ngấy thằng Phú ấy rồi. Phải dừng thôi" – Tài kể.

Theo ABW, Phú hoạt động có sự thông đồng với các nhân viên cấp cao của một ngân hàng.

"Bản thân việc gắn với Wólka Kosowska đã gây ra việc bật đèn đỏ báo động"

Vào năm 2011 Tài đã bị bắt giữ ở Ucrain, còn Phú ở Ba Lan dã nghe lời buộc tội của công tố. Công tố cũng bắt đầu vụ điều tra về tiền ở Wólka Kosowska được rửa ở một trong các ngân hàng tại Vác-sa-va. Tuy nhiên, vào năm 2015 công tố đã đình vụ điều tra về Phú lại.

Người ta cũng dừng vụ điều tra về ngân hàng cộng tác với Phú. Công tố cho là các khoản tiền nộp vào lớn không nhất thiết phải làm nhân viên ngân hàng nghi nhờ, bởi vì số tiền đó đến từ Wólka Kosowska, nơi giao dịch bằng tiền mặt với số lượng lớn cũng là việc bình thường. Đối với phần lớn các ngân hàng ở Ba Lan thì ngược lại – tiền từ Wólka Kosowska là đồng nghĩa với việc rầy rà.

- Wólka làm mọi thứ để không có dấu vết đó từ Wólka Kosowska. Đối với phần lớn các ngân hàng ở Ba Lan thì bản thân việc liên hệ với Wólka Kosowska đã gây ra việc bật đèn đỏ trong lĩnh vực rửa tiền rồi– ông Wojciech Kapica nói.

Việc cộng tác với các cơ quan chức năng

Vào năm 2015, anh chàng người Việt PC Phú là người tự do. Câu chuyện về anh ta tiếp diễn ra sao? Anh ta có tiếp tục làm việc như nhân viên mafia ngân hàng ở Wólka Kosowska nữa hay không? Các nhà báo đã tìm thấy tài khoản của anh ta trên các mạng xã hội. Nhìn các ảnh cho thấy từ lúc ấy anh ta vẫn sống ở Ba Lan. Trên một tấm ảnh ta thấy anh ta ngồi cùng với Jarosław Pieczonka có biệt danh là Majami. Đó là một cựu cảnh sát và nhân viên phản gián, nay làm bảo vệ trên các tàu buôn viễn dương. "Majami" đã đồng ý gặp các phóng viên của "Superwizjer".

Khi được hỏi về tấm ảnh chụp cùng với Phú – anh ta khẳng định đấy không phải là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên. – Đó là một trong rất nhiều cuộc tôi gặp bọn họ. Anh ta là con người quan trọng nhất trong cộng đồng người Việt. Những người Việt khác hay đến anh ta để tìm lời khuyên. Đó là những người bình thường, sống, buôn bán ở đây hay các nhân viên nào đó – Jarosław Pieczonka nói. – Người Việt đến gặp anh ta khi muốn đến đây làm việc – anh này nói thêm.

Năm 2019 "Majami" liên hệ cộng tác với Phú và các đồng sự của Phú. – Bọn họ tìm người quen, các mối liên hệ với những người theo kiểu nào đó có quen biết cảnh sát – Jarosław Pieczonka khẳng định. – Tôi đã đến gặp sau tình huống cô gái Việt nhảy qua cửa sổ. Họ đưa tín hiêu cho tôi rằng, họ muốn cộng tác với tôi trên nguyên tắc hoạt động can thiệp, tức xuất hiện cùng với họ khi họ bị lừa đảo hay bị tấn công theo một cách nào đấy – Jarosław Pieczonka nói.

- Ở Wólka Kosowska có lối buôn bán bằng tiền mặt, vậy khi thu được tiền, họ muốn bằng cách nào đó bảo vệ nó, vì ở đây hay xảy ra cướp bóc, tấn công những người có tiền. Anh ta bảo tôi là anh ta làm các việc trong đó có việc chuyển tiền để mua hàng về Wólka, vì những người quen mình có quầy ở đây và họ buôn bán hàng nhập từ Trung Quốc – "Majami" kể. Người dàn ông này cũng chỉ ra nơi những người Việt có văn phòng của mình. – Lúc này thì ở đấy chả có gì nữa– anh ta khẳng định.

- Họ có dự định tổ chức một chi nhánh ngân hàng để chuyển tiền. Ở đây cũng đã có một chi nhánh, nhưng có lẽ bị bỏ rồi. Bọn nó tiến hành hoạt động này qua một kantor đổi tiền trên mạng: đó là Waluciarz.pl – Jarosław Pieczonka tiết lộ.

Việc buôn bán ở Wólka Kosowska

Tháng 2/2020 các nhân viên của Văn phòng chống tham nhũng trung ương CBA đã bắt giữ bốn thành viên của nhóm tội phạm Ba Lan-Việt chuyên về việc chuyển tiền kinh doanh bất hợp pháp ở Wólka Kosowska ra nước ngoài. Đó là vụ việc lớn nhất từ nhiều năm nay. Gần 9 tỷ zloty đã bị chuyern đi từ Ba Lan, trong đó trên 2 tỷ là tiền thuế không nộp. Tiền bẩn đã được đưa vào hệ thống ngân hàng chính là qua tài khoản của công ty Waluciarz.pl.

Jarosław Pieczonka thừa nhận rằng trước khi làm quen với Phú, anh ta biết rằng người Việt đang tiến hành chuyển tiền qua kantor internet, nhưng lúc đó không biết rằng các khoản tiền ấy là bất hợp pháp. – Tôi chẳng có cách nào kiểm tra xem anh ta làm hợp pháp hay không, vì tôi hoàn toàn chẳng biết gì về việc ấy cả. Vì kantor được đăng ký hợp pháp, trang mạng là chính thức, rồi đang hoạt động. Việc khẳng định nó có hợp pháp hay không là của các cơ quan chức năng của nhà nước – anh ta nhấn mạnh.

Người đàn ông này lưu ý là anh ta chả phạm pháp gì khi ngồi cùng với những người ấy cả. – Tôi chả chuyển các khoản tiền ấy và chả có liên quan gì đến nó cả – anh ta khẳng định.

- Đã có việc tìm kiếm trên thị trường Vác-sa-va các cách thay thế cho Waluciarz, như trong lĩnh vực tiền ảo, hay các cách khác để chuyển các khoản tiền ấy – ông Wojciech Kapica nói.

"Tôi chả phục vụ trong ngành an ninh 25 năm để mà bây giờ tham gia vào xã hội đen"

Các nhà báo của "Superwizjer" đã gặp gỡ vị sếp của một hãng mà "Majami" đã giới thiệu cho Phú – đó là một cựu cảnh sát và nhân viên của ABW.

Anh ta tìm giải pháp vì đất dưới chân anh ta sụp đổ, rằng anh ta đang tiến hành hoạt động. Hoạt động chuyên quay vòng lớn, bán lẻ nhiều và bán buôn cũng nhiều. Họ nói rằng họ nhập hàng, chủ yếu là quần áo từ Trung Quốc và hiện họ có tiền bán hàng mà họ muốn chuyển đi châu Á – người dàn ông tiết lộ. – Họ cũng nói rằng có ba quốc gia họ cần là: Hongkong, Việt Nam và Trung Quốc. Tôi hỏi, chỉ có chuyện tiền mặt thôi à. Họ đã trả lời: "Không, cả chuyện bán buôn". Tôi nói: "Sao, nơi bán buôn trả các ông bằng tiền mặt?" – anh ta kể. Vị cựu cảnh sát và nhân viên ABW hồi tưởng là những người Việt đã nói vấn đề liên quan đến một số tiền lớn – trên một triệu euro mỗi ngày.

Cuối cùng thì Phú đã không quyết định cộng tác với hãng mà "Majami" đã giới thiệu. – Đó cũng là sự ngây thơ của tôi vì tôi đã mô tả cho anh ta, tôi thấy việc ấy ra sao. Tôi nói là phải mở một trụ sở ở châu Á, tại quốc gia mục tiêu, đăng ký ở đó, chỉ ra mô hình hoạt động của nó, nơi mà de facto hàng hóa phải từ đó đi. Đó là một vụ tư vấn hoàn toàn trong sạch và miễn phí. Tôi chả phục vụ trong lực lượng an ninh 25 năm để mà bây giờ chuyển sang phía xã hội đen – cựu nhân viên của ABW nói.

Jarosław Pieczonka nhấn mạnh là lúc đầu anh ta không biết rằng mình liên hệ với các tội phạm. – Nếu tôi dã nghi ngờ thì tôi đã tố giác hay thông báo với các lực lượng an ninh rồi – anh ta khẳng định.

"Không có người ngoài trong số họ"

Phú PC đã bị bắt giữ vào tháng 2/2020. Anh ta đã bị buộc 9 tội danh trong đó có việc rửa tiền, trong vụ điều tra liên quan tới Waluciarz. Trong vòng 10 năm anh ta đã mở rộng kinh doanh – tìm được sự cộng tác của một ngân hàng, đi tìm các cách mới để chuyển tiền bất hợp pháp ra khỏi Ba Lan. Anh ta đã lập các mối liên hệ với các cựu sĩ quan của các lực lượng đặc biệt để cho mình yên tâm và an toàn. Anh ta hoạt động không lo gì, cho dù việc tồn tại của anh ta thì ABW và công tố đều biết.

Đồng thời, nhà nước Ba Lan trong những năm ấy bị mất hàng tỷ zloty tiền thuế không nộp từ các giao dịch mà anh ta phụ trách. Bốn cộng sự của Phú PC đang bị truy nã. Năm người làm trong nhóm của Thi Huong Han cũng đã chạy khỏi Ba Lan. – Về cái băng đảng đó thì chính tôi cũng không biết có băng đảng nào hay không. Tôi hoàn toàn không biết gì về nó cả, nhưng tất cả những người trong gia đình này bị bắt là những người thân thuộc của nhau – chị gái của người đã khuất nói. – Một trong họ là người bạn đời của em tôi, còn người thứ hai là con nuôi. Không có người lạ nào cả trong số họ – cô ta nói thêm. Thi Tuan Han nói sẽ đưa tro của em gái về Việt Nam.

Nhóm mafia ngân hàng quay vòng một số tiền khổng lồ và kiếm được rất nhiều tiền dịch vụ - nhưng tiền mà họ quay vòng không phải là tiền của họ. Từ các tài liệu mà các nhà báo có được hé lộ ra hình ảnh của một cơ cấu mafia có tổ chức, có trên dưới, mà các vị chủ mưu đầy quyền lực ở Ba Lan và Việt Nam điều hành. Họ quyết định về việc ai sẽ tồn tại được trên thị trường trị giá hàng tỷ zloty này và đôi khi cả về việc sinh tử của các thuộc hạ của mình. Số tiền lời từ việc kinh doanh bất hợp pháp này là thuộc về họ. Họ cũng có thể giữ để danh tính của mình luôn là một điều bí mật.

Nguyễn Hữu Viêm, dịch theo

Nguồn

https://tvn24.pl/polska/superwizjer-bankierzy-mafii-z-wolki-kosowskiej-reportaz-anny-sobolewskiej-5036668?fbclid=IwAR1GW8Waz5dCLJZwVE-fblvpqmuf1ie17mRRtK3EIXdB_riYq8INj4y_te8 href="https://tvn24.pl/polska/superwizjer-bankierzy-mafii-z-wolki-kosowskiej-reportaz-anny-sobolewskiej-5036668?fbclid=IwAR1GW8Waz5dCLJZwVE-fblvpqmuf1ie17mRRtK3EIXdB_riYq8INj4y_te8</span><br" target="_blank">br />


Sửa lần cuối 2021-03-07 16:20:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook