Bàn về hiện tượng con cái giới siêu giàu Ba Lan không muốn tiếp quản cơ nghiệp triệu đô từ tay cha mẹ, tờ Wyborcza đã có cuộc trò chuyện với GS. TS. Adam Mariański, luật sư kiêm cố vấn thuế chuyên về quy trình kế nhiệm tại các công ty Ba Lan.
Hình ảnh bộ phim Succession
Phóng viên Wyborcza: Ông đã xem bộ phim Succession chưa? Ở Warszawa, ông có từng chứng kiến những cảnh tương tự trong phim? Trong đó đàn con thì tranh giành quyền thừa kế công ty mà người cha gây dựng, trong khi chính người cha lại nhất quyết không chịu xuống ghế?
*Chú thích: Succession là một bộ phim Mỹ, chiếu trên HBO.
GS. TS. Adam Mariański: Tôi có xem bộ phim đó rồi. Những chuyện như thế không có gì là lạ. Phim cường điệu một số chi tiết để làm sắc nét các mối quan hệ thường gặp trong các gia đình siêu giàu thôi, chứ không phản ánh chính xác quá trình kế nhiệm trong đời thực, nơi không có âm mưu hay tiếp quản thù địch như phim.
Ở Ba Lan, con cái giới siêu giàu có tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình theo ý cha mẹ hay không?
Con cái ở độ tuổi trưởng thành thường không muốn tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Bởi vì họ không quên được cảnh người cha thường xuyên vắng nhà và hy sinh phần lớn thời gian để đi làm ăn. Trong tâm trí của họ, công ty gia đình đồng nghĩa với thành công, phú quý, với cuộc sống vô lo vô nghĩ, nhưng nó cũng đồng nghĩa với những chuyến du lịch trong đó ông bố nằm trên bãi biển mà vẫn phải bắt máy những cuộc gọi quan trọng để xử lý công việc. Họ không muốn làm thế với con cái sau này nên đã chọn một con đường sự nghiệp khác, ví dụ như trở thành bác sĩ hay nhà đầu tư.
Tôi biết một số trường hợp đã ra nước ngoài và không có ý định trở về Ba Lan. Chúng tôi từng tư vấn cho một công ty xây dựng lớn. Con cái ông chủ sống ở Anh và Thụy Điển, không muốn về và cũng không hứng thú với công ty của người cha.
Các bậc cha mẹ cố gắng thuyết phục con cái kế nhiệm như thế nào?
Họ thường nói là: “Bố trông cậy vào con”, “Bố cho con ăn học cũng là để tiếp quản, thậm chí phát triển công ty này”. Hay thậm chí còn nạt nộ: “Bây giờ con không tiếp quản thì biết tính sao? Bố mẹ biết làm gì bây giờ? Đây là thành quả, giá trị lớn nhất đời bố mẹ mà con lại định vứt bỏ à?” Nói chung là rất nhiều cảm xúc chen lẫn. Cũng tại họ đề cập tới vấn đề kế nhiệm muộn quá. Lúc đó thì con cái đã quyết xong con đường sự nghiệp của riêng mình rồi.
GS. TS. Adam Mariański. Ảnh: RDC/kidp.pl
Ở Ba Lan, có bao nhiêu công ty được tiếp quản bởi con cái? Số còn lại thì sao?
Khoảng 30% các công ty thôi. Còn lại thì đóng cửa hoặc đem bán. Một số thì thuê quản lý dưới sự cố vấn và giám sát của con cháu.
Những công ty ấy có giá trị bao nhiêu?
Cũng tùy. Chúng tôi từng tư vấn cho một công ty dược phẩm được định giá 6 tỉ zł. Một công ty xây dựng khác thì có giá khoảng 100 triệu zł. Cũng có một công ty phát triển nhà đất khác rơi vào khoảng vài trăm triệu zł. Dĩ nhiên cũng có những công ty nhỏ hơn, tôi nhớ có một công ty quản lý bất động sản được định giá khoảng mười mấy triệu zł.
Khi con cái tiếp quản công ty từ cha mẹ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nghiên cứu toàn cầu cho thấy thời gian kể từ khi một công ty gia đình được thành lập đến lúc đóng cửa hoặc chuyển giao cho người kế nhiệm là khoảng 24 năm. Ở Ba Lan, những người cha, mẹ thường sáng lập công ty từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Hầu hết các công ty này vẫn được quản lý bởi chính tay người sáng lập. Người thừa kế tưởng rằng mình đã hoàn toàn nắm quyền nhưng thật ra họ vẫn chỉ đang trong quá trình chuyển giao thôi, còn “bố già” mới đang thực sự nắm quyền kiểm soát.
Các “bố già” không muốn xuống ghế vì cho rằng mình hiểu biết nhiều hơn và không tin tưởng con cái. Họ đã dành cả tuổi trẻ để gây dựng cơ đồ và coi đấy không khác gì cuộc sống, bỗng chốc lại trao nó vào tay một “đứa nhóc”? Vấn đề của họ là thiếu một bàn đạp. Họ không đi chơi du thuyền, không chơi golf, không leo lên máy bay đi nghỉ ở Nam Mỹ lấy một tuần. Hệ quả là, những người cha lúc nào cũng có mặt trong công ty để giám sát con cái. Cứ thế trong nhiều năm, họ cho rằng thiếu mình, công ty sẽ không làm nên trò trống gì. Người cha luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng và không ai được phép thắc mắc.
Tuy nhiên, tôi cũng biết có trường hợp người cha đã rút lui nhẹ nhàng và để công ty lại cho ba người con quản lý. Ngày nay công ty vẫn thịnh vượng, còn người cha thì không muốn can thiệp vào bất cứ việc gì vì muốn dưỡng già an nhàn. Đây vừa là một ông chủ khôn khéo, vừa là một người cha thông minh.
Nếu hay thì các bên cùng thống nhất, còn nếu dở thì bỏ mặc tất cả. Có cả trường hợp việc kế nhiệm không diễn ra trót lọt. Người cha qua đời, các con bắt đầu tranh cãi và đưa nhau ra tòa.
Ông có biết một trường hợp mà con cái hủy hoại cơ nghiệp cha mẹ để lại không?
Tôi có biết. Tiến sĩ Jan Kulczyk đã lập một quỹ ở Áo để bảo vệ tài sản gia đình. Các con của ông này lại quyết định chia quỹ ra, mỗi người một phần và cuối cùng quỹ này không còn nữa. Họ nói rằng người cha vốn độc đoán, lập quỹ này mà không hỏi ý kiến của họ. Sau khi ông qua đời, họ quyết định sắp xếp mọi thứ theo ý mình.
Giả sử “bố già” đã không còn đủ sức khỏe. Trong số các con, người thì không điều hành nổi công ty gây ra thua lỗ, người thì không muốn trở về Ba Lan từ nước ngoài. Ông sẽ tư vấn cho họ thế nào?
Chúng tôi thường khuyên bán công ty. Nên bán khi người cha còn sống. Vì sau khi ông ta mất, giá trị của công ty chắc chắn sẽ giảm, nhất là khi không có sự kiểm soát chặt chẽ từ gia đình. Còn nếu “bố già” quyết giữ lại công ty cho gia đình, thì quá trình chuyển giao sẽ mất từ vài năm đến hơn chục năm.
Phải chăng những người con này chỉ muốn hưởng thụ của cải cha mẹ đã kiếm được mà không muốn phải đối phó với hệ thống thuế của Ba Lan?
Đúng, đây cũng là một trường hợp phổ biến. Bà chủ công ty Solaris từng công khai tuyên bố rằng mình không có người thừa kế nên phải bán công ty. Nhưng thế không có nghĩa là gia đình bà ấy không còn được hưởng lợi từ tài sản gia đình.
Hãy nhìn vào Quỹ Rockefeller, quỹ có cổ phần trong hàng nghìn công ty trên khắp thế giới. Các thành viên của gia đình nổi tiếng này sống nhờ vào lợi nhuận kiếm được trên toàn cầu.
Tôi thì không ủng hộ việc chiều con bằng tiền. Gần đây, một khách hàng Ba Lan sống ở Pháp có gọi cho tôi và kể rằng, trước thế chiến thứ hai, ông nội anh này bán một phần lớn tài sản của mình ở Ba Lan và bỏ tiền vào tài khoản ở Thụy Sĩ và Liechtenstein. Ông để lại điều khoản rằng những người thừa kế chỉ có thể sử dụng số tiền ấy sau khi bước sang tuổi 50.
Việc giữ lại công ty gia đình thì có lợi ích gì?
Đó là xây dựng được nguồn tài lực của riêng Ba Lan. Tôi hoàn toàn không phản đối nguồn đầu tư nước ngoài. Nhưng chính các doanh nghiệp vừa và lớn của Ba Lan mới có thể làm nên sức mạnh kinh tế của đất nước.
An Vu
Lược dịch từ: https://warszawa.wyborcza.pl/warszawa/7,54420,29343317,firma-jest-warta-6-mld-ale-dzieci-nie-chca-nia-pokierowac.html
Bình luận