2022-11-14 07:18:30

Những biến động tích cực của thị trường lao động Ba Lan

Trong suốt một thập kỷ qua, thị trường lao động Ba Lan có thể được mô tả như đã xảy ra một cuộc cách mạng.

Theo báo cáo của tổ chức Bảo hiểm Xã hội (ZUS), vào ngày 30 tháng 9 năm 2022, tại Ba Lan đã có 1 045 139 người lao động nước ngoài đến từ 162 quốc gia trên thế giới (dựa vào số người đăng ký đóng bảo hiểm hưu trí).

Để so sánh, chính xác là 10 năm trước đây, vào ngày 30 tháng 9 năm 2012, chỉ có 92.786 người nước ngoài đăng ký đóng bảo hiểm tại Ba Lan. Như vậy, trong vòng 10 năm, số lượng người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Ba Lan đã tăng hơn 11 lần.

Hầu hết, hơn 70% là công dân của Ukraine, khoảng 300 nghìn người còn lại là đại diện của hơn 100 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Họ là công dân của các nước láng giềng, các nước EU và xa hơn là Úc, Chile, Bangladesh, Benin và Suriname...

Theo lời của chủ tịch ZUS, Gertruda Uścińska, khoảng 2/3 số người nước ngoài tham gia đóng bảo hiểm là nam giới.

(Ngày càng có nhiều người nước ngoài làm việc tại Ba Lan)

Năm 2012, người Ukraine chiếm gần 1/3 tổng số người nước ngoài lao động hợp pháp tại Ba Lan. Hai năm sau, tỷ lệ này tăng lên 38%. Sau khi Nga sáp nhập Crimea và nổ ra cuộc chiến ở Donbas vào năm 2014, công dân Ukraine đã chiếm hơn một nửa tổng số lao động nước ngoài tại Ba Lan. Kể từ năm 2017, công dân Ukraine chiếm hơn 70 phần trăm người lao động nước ngoài có đăng ký với Tổ chức Bảo hiểm Xã hội.

Vào năm 2012, ngoài người lao động Ukraina còn có người Belarus, người Việt Nam và người Nga, vài nghìn người Trung Quốc, Đức và Bulgari. Pháp, Ý và Armenia cũng nằm trong TOP10.

Năm 2015, số lượng người lao động Belarus đã tăng gấp 5 lần và lên tới hơn 20.000 người. Tiếp theo là người Việt Nam và người Nga với số lượng không thay đổi. Năm 2017 có những thay đổi bắt đầu với các công dân Armenia và Ấn Độ. Vào năm 2018, người Gruzia tràn vào, số lượng vượt lên trên tất cả các quốc gia còn lại, ngoại trừ người Ukraine và Belarus. Những năm tiếp theo kéo theo một loạt thay đổi khác. Vào năm 2022, số công dân Ấn Độ đã ở vị trí thứ tư, tiếp theo sau là người Moldova, người Nga và người Việt Nam.

Trong TOP15, ngoài những quốc gia “truyền thống” có mặt trong bảng xếp hạng còn có Nepal, Indonesia, Philippines và Uzbekistan.Trung Quốc đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://businessinsider.com.pl/gospodarka/mapa-swiata-polskiego-rynku-pracy-oto-skad-importujemy-setki-tysiecy-pracownikow/cvgmv9z)

Sửa lần cuối 2022-11-14 06:18:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook